Loại kinh tế đầu tiên là nền kinh tế chủ thợ, đây là nền kinh tế cần ít vốn, lãi lớn, công nghệ không cần hiện đại, không tốn công dạy nghề. Các bến xe phía Nam có những tay xe ôm không phải "săn đầu người" mà là săn lao động. Em nào ở vùng quê lơ ngơ, nhất là trẻ vị thành niên, liền bị chở về xưởng sản xuất. Được chủ cho ăn đủ sức để làm, ngủ rất đơn giản ngay tại chỗ làm, tiền công có hay không cũng còn tùy. Đây là điển hình của loại kinh tế chủ thợ.
Thứ hai là loại kinh tế đút túi. Lúc làm cũng đút tay túi quần, lúc lấy tiền cũng đút túi. Cứ đút túi là có kinh tế. 86 ngàn tỷ chứ 86 triệu tỷ cũng đút được hết. Đây là loại hình kinh tế khỏe nhất.
Loại thứ 3 là kinh tế chiến đấu. Nghe tên biết ngay là vất vả, có thể phá sản bất cứ lúc nào. Chiến đấu với khách hàng, khách hàng càng ngày càng khó tính, khách hàng loại tiền ít mà cứ đòi hít dầu thơm rất nhiều. Chả thượng đế nào dễ chịu bao giờ (không nhầm với kinh tế đút túi đánh khách hàng trên máy bay). Tiếp tục chiến đấu với cơ chế chính sách, chiến đấu với thủ tục, chiến đấu với đủ loại cướp đêm và cướp ngày, chiến đấu với bọn kinh tế đút túi, kinh tế chủ thợ. Vì khó khăn như vậy nên đơn vị chiến đấu không phân biệt tướng soái với lính, họ thương yêu nhau vì đơn vị mình có thể bị xóa sổ bất cứ lúc nào. Họ đâu cần công đoàn làm gì.
Chỉ cần nhìn vào 3 loại hình kinh tế đó là biết nước đó là nước gì, đừng nhìn và nghe danh xưng, hay đọc hiến pháp, tuyên ngôn hay hỏi về luật pháp của họ làm gì. 3 loại hình kinh tế này sẽ quyết định đất nước họ đi đâu.