Cô gái quảng bá sản phẩm đi… đúc vữa
Là con gái nhưng Vũ Thị Bách, cô SV môi trường của ĐHKT Công nghệ TP. HCM dấn thân vào những việc tưởng chỉ dành cho nam giới.
|
Vũ Thị Bách. |
Đó là quãng thời gian Bách nghiên cứu đề tài “Tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm vật liệu xây dựng”, cụ thể là dùng trấu để đúc vữa. Là con út trong gia đình có 3 anh chị em nhưng "cô út" không ngại thử thách chính mình khi chọn công việc này.
Lam lũ tìm vật liệu
Một trong những khâu Bách thấy “chua” nhất là đi tìm trấu và cát để làm thí nghiệm. Lúc đầu cô út đội nắng chạy xe đến Hóc Môn tìm mua trấu để làm thí nghiệm. Đến nơi bạn cũng hỏi nhiều nơi nhưng rốt cục đành phải về tay không.
Cuối cùng, bạn tự mình lặn lội đến huyện Đức Hoà, Long An và sung sướng khi được người dân cho lấy thoải mái trấu. Vậy là suốt quá trình làm thí nghiệm, bạn đội nắng đến đây xin trấu đến mấy lần.
Tìm trấu xong lại đi tìm cát, mà lại phải “cát tiêu chuẩn”. Cứ tưởng chạy ra cửa hàng vật liệu xây dựng mua là có, đâu ngờ chạy khắp nơi người ta đều lắc đầu và còn hỏi lại “cát tiêu chuẩn là gì”. Cuối cùng bạn cũng có được thứ mình cần khi đặt chân đến Ximăng Hà Tiên ở Thủ Đức.
|
Bách làm bạn cùng nhiều máy móc trong phòng thí nghiệm suốt mấy tháng trời. |
"Nung" người trong phòng thí nghiệm
Để đúc được một mẫu vữa, bạn phải trải qua rất nhiều công đoạn: sơ chế, nung mẫu, ngâm mẫu, kiểm tra hoạt tính của vật liệu, đúc mẫu…
Quá trình nung vỏ trấu để thành tro, Bách phải ở trong lò nung với nhiệt độ lên đến 950oC, đủ để phỏng tay và nứt da mặt. Còn công đoạn ngâm mẫu, bạn phải trải qua mấy tháng trời trong phòng thí nghiệm, vì phải mất 28 ngày mới ra một mẫu, mà bị hỏng phải làm lại tất cả từ đầu.
Đến khâu đúc mẫu, bạn phải chạy đi “ở nhờ” phòng thí nghiệm của khoa Xây dựng. Máy móc phải nói là cồng kềnh nặng nề, khó vận hành nên bạn cứ hì hà hì hục bên máy đúc. Cũng nhờ mấy sinh viên nam “thương tình” giúp bạn một tay trong việc vận hành máy.
Đầu óc bạn càng bùng nhùng hơn khi vừa làm thí nghiệm vừa phải chiến đấu với đống sách về các tiêu chuẩn kỹ thuật: Nào là kiến thức hoá học để xét mẫu, kiến thức về môi trường để xử lý mẫu, kiến thức về xây dựng, về tiêu chuẩn việt nam…
Nhiều hôm bạn phải thức đến 4, 5 giờ sáng để hoàn thành tiến độ. Cô bạn phải tạm ngưng công việc yêu thích là PG girl (Promotiong Girl - quảng bá sản phẩm) tại siêu thị Maximax Cộng Hoà để gặm bánh mì và ăn cơm hộp trong phòng thí nghiệm suốt mấy tháng trời.
|
Mẫu vữa của Bách vừa hoàn thành. |
Động lực của cô út
Những lần Bách thấy nản là những lúc Bách phải đấu tranh tư tưởng. Bách tự nhận mình vốn rất bướng, muốn làm gì phải làm cho bằng được, đã mất công từ đầu nên không chấp nhận bỏ giữa chừng. Bạn nghĩ rằng nghiên cưú này dù thành hay không nhưng chắc chắn nó là cơ hội giúp bạn trui rèn để trưởng thành, bởi bạn cho rằng khi tốt nghiệp ra trường, dù công việc nào thì cũng đòi hỏi tính kiên trì và chịu khó.
Bên cạnh đó cô Hải Yến, người hướng dẫn đề tài nghiên cứu của Bách, đã cho bạn một động lực lớn khi cô luôn động viên tận tình dù cô rất bận rộn. Không có cô có lẽ Bách bỏ cuộc rồi. Chính lời rầy la chân tình của cô “Tôi đã trải qua hàng năm trời bên lò nung sao em mới một chút đã lo tàn phai nhan sắc” khiến Bách đã nhận ra mình thật nhỏ bé, cần phải cố gắng hơn nữa! …
Từ đó và bạn đã lấy tinh thần của cô Hải Yến để làm động lực phấn đấu, và mỗi lúc bạn càng say mê với công trình nghiên cứu hơn.
Bách rất vui vì đề tài nghiên cứu của mình được Hội đồng khoa học của Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka năm 2010 đánh giá cao về tính thực tế cũng như mang ý nghĩa môi trường.
Với nghiên cứu của Bách, tro trấu thay thế được 10% trong tổng trọng lượng xi măng cần thiết để đúc mẫu. Hiện đề tài này đá được một số tổ chức nhận chuyển giao trong đó có Công ty Thủ công Mỹ nghệ Kim Bôi.
Nhân ngày 8-3, những việc làm của cô bạn Vũ Thị Bách quả thực đã phác hoạ nên hình ảnh đẹp về một mẫu bạn gái hiện đại: xinh đẹp, năng động và không ngại khổ ngại khó.
Theo Hoài Anh
Mực tím