Người theo dõi

13 thg 3, 2011

Dưa cải nén

Xin thưa không không phải là tôn dưa nén hay đinh dưa nén, mà đây là món ăn truyền thống. Từ hạt cải được gieo giống cẩn thận ra được cây giống đưa ra đất trồng chăm sóc chu đáo đến ngày thu hoạch, cây được phơi trong bóng mát, sau đó cây được muối trong chum vại có kèm theo hành củ. Chờ thời gian lâu cho dưa ngấu lúc đó mới đem ra ăn và đó cũng là lúc đến Tết, Tết mà không có món này thì chưa thể thành Tết được. Cũng có cách nhanh ăn gọi là muối xổi nhưng làm sao mà ngon bằng sau khi qua công đoạn nén chịu mặt chịu yếm khí chịu oi nồng khi chum để ngoài sân, trong đó nảy sinh biết bao nhiêu phản ứng nổi bọt mới tạo ra được một đặc sản dùng cho ngày Tết, đó là chưa nói cách điều tiết, cách pha nước muối nồng độ thế nào cho vừa, cách chọn cải, độ phơi trong bóng dâm. Cuối cùng là phải đợi thời gian, cũng có khi muối hỏng thì không thành dưa cải nén được. Còn muốn nhanh muối dưa cải xổi làm sao mà ngon được, làm sao gọi là Tết được. Còn một điều đặc biệt không thể thiếu để tạo dưa cải nén và đúng là dưa cải nén đó là dứt khoát phải có cái cối giã không thì phải là hòn đá đủ nặng để nén dưa chìm vào trong nước. Sức nặng này tiếp xúc gián tiếp qua một vỉ tre để tránh tổn thương đến cải và cũng là để nén được hết cải chìm vào trong nước, cải không chìm được vào trong nước chúng sẽ có cái màu khác cái mùi khác xa lạ làm ảnh hưởng đến toàn bộ vại dưa. Để cái Tết được vui là một sự chuẩn bị chu đáo mọi mặt, rất tinh tế, đầy đủ và đặc biệt là không thể vội được, phải công phu, phải có thời gian, không thể ăn xổi ở thì được.

Làm lễ

Mọi đám đông đều phải có lễ, làm lễ là một việc không thể không. Làm lễ cũng là một tập tục tốt của người Việt, lễ gia tiên, lễ sơn thần thổ địa. Từ nguyện vọng làm lễ để tưởng nhớ những gì không được quên, cầu cho mọi sự bình hòa tự nhiên, phát triển dần lên thành làm lễ để cầu cạnh, làm lễ để ép thần thánh phải phục vụ mình. Để chắc ăn, người thật cũng thành thần thánh, tất nhiên là những người có quyền quyết định, ở cái xứ sở này quyền quyết định không ở luật pháp mà ở từng con người cụ thể ví như khi thấy biển báo giao thông thì không nhất thiết phải theo biển báo giao thông, cứ theo người điều khiển giao thông dù nó có trái với biển báo. Ở xứ sở có nhiều biến động bất thường nên sinh ra sáng tạo đặc biệt như vậy. Người phán quyết nhiều vô kể, cách phán quyết cũng nhiều vô kể, không như thần thánh khó theo dõi kết quả của việc lễ, ở đây tùy theo lễ mà có kết quả khác nhau. Từ việc thần thánh trực tiếp nhận lễ nay đã chuyên môn hóa có bộ phận tiếp nhận lễ chuyên trách, có thực đơn cho các vấn đề cầu cạnh, có giá cả rõ ràng, có thời gian rõ ràng. Thần thánh thành một ngành kinh doanh đem lại hiệu quả lớn, chỉ có điều nó không được nộp thuế vào ngân sách. Chỉ có thịnh trị lễ mới phát triển chứ mà hình luật thì làm sao gọi là thịnh trị được. Dư luận cứ đòi pháp luật thật là không xét kỹ, phải nghĩ đến thịnh trị chứ, phải ổn định để phát triển chứ. Lễ muôn năm, đừng thấy lễ hội nhiều mà thắc mắc, cái gì cũng lễ là thịnh trị đấy.

Chính nghĩa nào cho người cầm quyền

Chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc, hoàn toàn đồng ý, chính nghĩa vì dân, ừ còn phải xem lại, chính nghĩa lý tưởng cao đẹp, ừ xa xôi quá không có ai kiểm chứng. Dù là giang hồ xã hội đen vẫn phải có quy ước và có niềm tin ở nhau trong phạm vi giang hồ, không thể không có một quy ước, một niềm tin. Nếu cứ tranh thủ vơ vét hưởng thụ, ai không đồng ý thì dập tắt liệu có ổn không. Bây giờ chỉ còn duy nhất một điểm chung là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cái không gian sinh tồn của ta. Nhưng việc bảo vệ này có dám chắc là bảo đảm không hay vẫn cái kiểu thị trường, tức là lợi dụng cái việc chính đáng để kiếm chác. Không còn thuốc gì để chữa ngoài cái vị thông thường, đơn giản, dễ dùng, không tốn kém là dư luận. Những kẻ hại nước hại dân, những cây tầm gửi khi bị phát hiện được nhanh chóng loại bỏ, việc theo dõi phát hiện được thuận lợi tối đa, nếu không tạo điều kiện người ta vẫn cứ đẩy cái không gian ấy ngày càng rộng ra, sự ô nhiễm dần được thanh sạch trở lại. Có thể nói sự ô nhiễm hiện nay đã đạt đến tột đỉnh, đến ngưỡng chịu đựng cuối cùng. Cái bài đánh người anh em phía bên kia mà vẫn có chính nghĩa nay không thể áp dụng lại được nữa đâu, không thể gọi dân là giặc được đâu. Chính nghĩa đây, dân giàu nước mạnh xã hội dân chủ công bằng văn minh, ừ ta phải giàu bằng mọi cách, ngân khố trống rỗng nước mạnh được không, còn mấy việc kia xa quá. Vậy là vẫn phải quay lại dư luận tuyển chọn và dư luận tự rút kinh nghiệm, tự chịu trách nhiệm với suy tính của mình. Có chính nghĩa khi trả lại công cộng những cái của công cộng.

Bạo mồm hay bạo động

Những nhà cách mạng Việt Nam trong bối cảnh sự sợ hãi tuyệt đối với nhà cầm quyền phong kiến thực dân đã dám đứng lên vạch mặt tội ác của bọn chúng, hướng cho toàn dân về một tương lai tươi sáng. Có khi ra pháp trường rồi mà những nhà cách mạng còn hô lớn các khẩu hiệu chống thực dân phong kiến. Không chỉ vậy, những nhà cách mạng còn tổ chức những cuộc bạo động rầm rộ làm cho đế quốc phong kiến khiếp sợ và đàn áp một cách tàn bạo. Phát huy truyền thống đó sau này những người từng đi theo cách mạng tuy không học cái cách bạo động nhưng họ thật bạo miệng đưa ra những bất hợp lý trong xã hội. Trước đây cách mạng đã lên án đế quốc phong kiến một cách toàn diện, trong đó có việc chúng cấm mọi người phát ngôn, có thể những người này do bức bối mà bạo miệng hoặc do nghĩ rằng bịt miệng là cái xấu chỉ có ở đế quốc phong kiến nên họ đã đưa ra những phân tích thẳng thắn. Kết cục là họ vẫn bị cư xử như đế quốc phong kiến ngày xưa và có phần hiểm độc hơn. Thế là cái bạo miệng biến mất, chỉ còn những tiếng thì thầm thậm thụt. Đó là trái quy luật, giống như chuyện Trạng xưa bắt tên quan có lệnh đến ỉa vào nhà Trạng chấp hành ngay theo đúng lệnh mà còn nhắc thêm chỉ được ỉa không được đái, làm sao mà trái quy luật được, đã ỉa thì phải đái có khi chưa ỉa đã đái rồi ấy chứ. Những vùng xưa kia theo cách mạng bạo động nay lại có việc bạo động, còn bạo miệng thì lan tràn khắp ngày càng rộng. Những người ưu thời mẫn thế họ rất biết rằng nếu không bạo miệng để cảnh tỉnh nhà cầm quyền có điều chỉnh cần thiết thì việc bạo động rộng lan rộng là không tránh khỏi, cái bạo động là một điều không ai mong muốn. Vậy mà những người tiên phong bạo miệng phải chịu nhiều rắc rối ghê gớm có khi còn mất mạng, giống như vượt cửa mở đánh đồn giặc, những chiến sĩ thường là hy sinh và thương vong để mở đường xung trận. Xã hội đã tự tìm ra được phương án tối ưu, không thể manh động mà bạo động, lấy bạo miệng để cảnh tỉnh người cầm quyền để xì hơi cái nồi áp suất xuống tránh cái nổ không đáng có. Ai cũng biết vậy nhưng cái sợ tai họa miệng lưỡi vẫn còn phổ biến, thà khi quyền lợi mình bị xâm hại thì ai hướng dẫn làm gì cũng làm, nguy quá.