Người theo dõi
27 thg 2, 2011
Lo lắng
Tình hình thế giới và trong nước chắc chắn khiến những người cầm quyền lo lắng, bàn cách giải quyết và cũng chắc là không tìm được phương cách tối ưu nào. Đơn giản thôi, khi xưa cứ coi trồng lúa là một việc dân không thể tự làm tốt được, phải đưa dân vào hợp tác xã, có tổ chức chặt chẽ thì người cầm quyền mới yên tâm. Xưa kia việc giết thịt một con lợn là một việc nghiêm trọng, cái này phải có tổ chức mới làm tốt được, phải có cơ quan đứng ra lo việc này. Xưa kia việc bán một tô phở cũng phải có cơ quan đứng ra lo, ai có nghề phở phải vào cơ quan này làm việc mới được. Sau này mà nghĩ lại việc bây giờ thì cũng thế thôi, cứ cố coi những việc của xã hội thành việc nghiêm trọng, thử hỏi năm bảy năm trước có ai dám nghĩ là một cá nhân mà có cả một tờ báo của riêng mình, có cả một tờ văn nghệ của riêng mình, cứ nghiêm trọng nó lên, nó là việc bình thường thôi mà. Vài năm nữa lại coi cái chuyện tự ra ứng cử làm đại biểu quốc hội cũng là chuyện chả có gì quan trọng, một ông tự ra ứng cử, dư luận nhao nhao lên khen chê và rồi sẽ có một kết luận về ông ta xem có xứng không, trong quá trình ông ta làm đại biểu dư luận lại soi tiếp, người này như là cái nghiệp báo phải làm đại biểu, chứ nhiều người cũng chả thèm, rảnh rang họ đi du ngoạn có phải sướng hơn không. Như vậy ta cứ thuận theo quy luật đi, cần gì phải bao nhiêu phần trăm trong hay ngoài đảng, cứ để cho dư luận đưa ra ứng cử viên, dư luận lại soi xét, xã hội người ta có cái quyền xây dựng chính quyền ắt người ta sẽ tôn trọng cái chính quyền mà mình cũng có góp tí công sức vào đấy. Xã hội phải cách mạng là do chính quyền không phải của xã hội mà là của ai đó, nên đến lúc người ta không chịu được nữa thì người ta phá đi. Tại sao lại cứ phải căng ra vì những chuyện không đáng căng nhỉ, lại cứ phải chờ đến lúc không thể không làm khác được rồi mới tuyên bố rằng đổi mới, sáng tạo. Cứ làm trái quy luật thì phải lo lắng thôi.
Thế giới có mấy phần
Đa số người Việt đi học được mặc định thế giới chỉ bao gồm vật chất và ý thức, vật chất có trước ý thức có sau, vật chất quyết định ý thức, ý thức có tác động trở lại với vật chất. Người ta vốn đã lười biếng sẵn, có người bao cấp tư duy, tốt quá, đỡ phải suy nghĩ nhiều, cứ tích cho nhiều vật chất vào là sẽ quyết định được hết. Ý thức đúng là có tác động trở lại thật, nó tàn phá đủ thứ, nó rơi vào hai cực, một là quá sợ các lực lượng vật chất, hai là bất chấp tất cả. Cái tính linh trong mỗi người chính thức được tiêu diệt, nhưng oái oăm thay cái linh là một phần tất yếu của cuộc sống, nó không thể mất đi được. Khi người ta giật mình thấy bị mất cái linh, bị thiếu cái linh, người ta lại coi đó là vật chất để sợ nó hoặc bất chấp để giành giật lấy cái linh về mình. Đa số là người thường, không dễ gì mà phản tỉnh được với cái thứ triết học tiêu diệt con người ấy. Người Việt từ xa xưa đã biết sống hài hòa với tự nhiên, có thể thuần hóa được tất cả, một cuộc sống an nhiên tự tại, nhưng vẫn sẵn sàng ứng phó được với những sự bất thường. Vậy mà ta bây giờ như đảo điên, không biết sẽ đi về đâu, rất nhiều trò buồn cười lạ lẫm diễn ra mà không biết nguyên do từ đâu.
Ưu tú ở đâu
Nhà cầm quyền thu hút được một lượng lớn những người ưu tú trong xã hội thành lực lượng của mình. Số này sau này thành tài thực sự là không nhiều vì môi trường làm việc không bình thường, số đông là tìm cách luồn lọt để chui vào bộ máy khổng lồ này để kiếm lợi. Thử hỏi trong bộ máy có mấy phần trăm là thực tài, liệu có được 30 phần trăm không, thôi thì cứ cho là trong bộ máy có 50 phần trăm thực tài, vậy thì 50 phần trăm nữa phải lấy ngoài xã hội vào. Khi hoạt động vì dân vì nước số ngoài xã hội được bầu vào dân chúng soi kỹ lắm, người cầm quyền không phải sợ người ta làm bậy, nếu có lo là lo những người của mình ấy, tần suất và số lượng làm bậy rất lớn. Bây giờ mà nhà cầm quyền cứ coi xã hội là của mình là không phải đâu, xã hội là của xã hội, người ta cũng từ chối cái cách tồn tại của người nắm quyền, anh đã bị từ chối thì anh sao vơ người ta vào mình được. Anh không tìm cách để xã hội dần thừa nhận mình thì nguy lắm, không thể ép xã hội chấp nhận sự tồn tại của mình được. Có thể lực lượng ưu tú ở xã hội còn quá ít nên người cầm quyền vẫn tùy tiện làm theo ý mình được. Ưu tú phải bằng hành động, không thể ngồi đó mà than vãn rằng mình tài đức mà không được dùng. Nếu căn cứ vào đó để xét thì những người ưu tú trong xã hội đang còn quá ít vì cái cách đào tạo giáo dục sử dụng ở ta rất không thuận để tài đức phát triển. Chỉ những người quá đặc biệt mới vượt lên được. Đó là chưa nói đến những mầm tài đức bị bả danh vọng mua chuộc rồi làm thui chột. Xã hội đang tìm cách tự đào tạo giáo dục cho mình một lớp người mới, ưu tú để dẫn dắt xã hội đến một tương lai chắc chắn, không thể phó mặc sinh mệnh của mình cho những kẻ mà mình không thể tin cậy được.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)