Xây dựng tiềm lực và sức mạnh quốc phòng toàn dân (QPTD) là vấn đề chiến lược, liên quan trực tiếp đến sự thịnh, suy của quốc gia dân tộc và sự sống còn của chế độ XHCN. Tổng kết thực tiễn xây dựng nền QPTD từ năm 1991 đến nay, nghiên cứu dự báo về tình hình và nhiệm vụ trong thời kỳ mới, chúng ta cần bổ sung, phát triển những chủ trương, giải pháp chiến lược mang tính hệ thống và đồng bộ để tăng cường tiềm lực và sức mạnh QPTD, đáp ứng những yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó có một số vấn đề cơ bản sau đây:
Trước hết, cần đẩy mạnh nghiên cứu dự báo tình hình, xác định rõ nhiệm vụ quốc phòng để chủ động định hướng chiến lược xây dựng tiềm lực và sức mạnh QPTD trong thời kỳ mới.
Nghiên cứu dự báo tình hình có vai trò rất quan trọng trong quản lý, điều hành sự vận động, phát triển của xã hội, nhất là lĩnh vực QP-AN luôn có những tình huống chiến lược diễn ra rất khẩn trương và phức tạp, tác động trực tiếp đến sự ổn định và phát triển của đất nước. Nghiên cứu dự báo tốt mới bảo đảm cho đất nước luôn chủ động về chiến lược.
|
Luyện quân ở Đơn vị C9, Đoàn Bộ binh B16 (Quân khu 2). Ảnh: Minh Trường
|
Cần tổ chức theo dõi chặt chẽ và phân tích một cách khoa học diễn biến của tình hình thế giới và khu vực, nhận định đúng xu thế vận động của các mâu thuẫn cơ bản của thời đại, sự điều chỉnh chiến lược của các nước và âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, dự báo chuẩn xác những nguy cơ đe dọa hòa bình, ổn định, độc lập dân tộc và chế độ XHCN ở nước ta; đồng thời phát hiện khả năng có thể tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước, các tổ chức và phong trào quốc tế đối với Việt Nam. Cũng cần nghiên cứu dự báo sự vận động của tình hình trong nước, sự phát triển của nhiệm vụ quốc phòng bảo vệ Tổ quốc, thực trạng tiềm lực và sức mạnh quốc phòng của đất nước, khả năng động viên các nguồn lực của Nhà nước và của toàn dân đáp ứng yêu cầu xử trí các tình huống khẩn cấp về quốc phòng.
Việc nghiên cứu dự báo cần được thực hiện ở các quy mô dài hạn, trung hạn và ngắn hạn với tư duy tầm chiến dịch-chiến lược. Để nghiên cứu dự báo tốt, cần tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ và cơ quan tham mưu các cấp, nhất là cấp chiến dịch-chiến lược có số lượng và cơ cấu hợp lý, có chất lượng cao, thống nhất và đồng bộ. Đồng thời cần có cơ chế lãnh đạo, chỉ huy và phối hợp hoạt động chặt chẽ, các chế độ quy định nghiêm ngặt về cung cấp và kiểm định thông tin, nghiên cứu dự báo và đề xuất phương án xử trí các tình huống.
Nghiên cứu sự điều chỉnh chiến lược của các thế lực thù địch thời gian gần đây và dự báo trong những năm tới cho thấy DBHB là vấn đề chủ yếu nổi lên trong chiến lược của các thế lực thù địch nhằm chống phá độc lập dân tộc và CNXH ở Việt Nam, khi có điều kiện và thời cơ chúng có thể tiến hành “cách mạng màu” để thúc đẩy nhanh việc xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ XHCN ở nước ta; đồng thời không loại trừ khả năng xảy ra xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ và chiến tranh xâm lược kiểu mới của các thế lực thù địch, nhất là khi một số nước lớn có sự mặc cả, thỏa hiệp về lợi ích gây phương hại đến đất nước ta. Do đó nhiệm vụ quốc phòng bảo vệ Tổ quốc của chúng ta trong thời kỳ mới cần tập trung đấu tranh làm thất bại chiến lược DBHB của các thế lực thù địch, dập tắt “cách mạng màu” của chúng, đồng thời chủ động phát hiện và triệt tiêu những yếu tố bất lợi có thể dẫn đến xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ và sẵn sàng đối phó thắng lợi với chiến tranh xâm lược kiểu mới của chúng.
Mặt khác, phải nâng cao hiệu lực cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý điều hành, nhân dân làm chủ đối với xây dựng tiềm lực và sức mạnh QPTD trong thời kỳ mới.
Trước hết cần chăm lo xây dựng hệ thống chính trị, nhất là các tổ chức đảng và bộ máy chính quyền từ Trung ương đến cơ sở thực sự trong sạch vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, lãnh đạo và quản lý điều hành các lĩnh vực của đời sống xã hội có uy tín và hiệu quả, mang lại lợi ích cho nhân dân và thúc đẩy tiến bộ xã hội. Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, tổ chức đảng ở các cơ quan cấp chiến dịch-chiến lược; tăng cường quản lý giáo dục rèn luyện để nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và lối sống, năng lực trí tuệ và trình độ tổ chức thực tiễn của đội ngũ cán bộ, đảng viên, khắc phục nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta.
Cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực quốc phòng thông qua hệ thống tổ chức đảng từ trung ương đến cơ sở, thông qua lãnh đạo chính quyền các cấp quản lý điều hành công tác quốc phòng, thông qua lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội ở các cấp để phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong thực hiện công tác quốc phòng, thông qua lãnh đạo Bộ Quốc phòng và QĐND Việt Nam để phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Vấn đề then chốt có ý nghĩa quyết định là xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược cán bộ đúng đắn, nhất là khi chúng ta đang trong quá trình chuyển tiếp các thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trong công tác tổ chức, sắp xếp cán bộ từ Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến các cấp ủy, bộ máy chính quyền và tổ chức chính trị-xã hội các cấp, nhất là những vị trí chủ chốt cần chú ý lựa chọn những người tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, đạo đức và lối sống, năng lực trí tuệ và trình độ tổ chức thực tiễn, gắn bó với nhân dân và được tín nhiệm, có trách nhiệm và năng lực chỉ đạo, điều hành công tác quốc phòng theo chức trách, nhiệm vụ được giao. Kiên quyết không bố trí những người có biểu hiện tha hóa về chính trị-tư tưởng, về đạo đức và lối sống, cơ hội, thực dụng, xa cách và sách nhiễu dân, coi nhẹ nhiệm vụ quốc phòng bảo vệ Tổ quốc.
Cần tăng cường công tác chính trị-tư tưởng và giáo dục quốc phòng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Tích cực củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, phát huy vai trò là cơ sở chính trị của Đảng và Nhà nước, động viên và tổ chức nhân dân tạo thành phong trào quần chúng sâu rộng tham gia xây dựng tiềm lực và sức mạnh QPTD.
Đồng thời xây dựng và vận hành tốt cơ chế lãnh đạo, điều hành để chuyển hóa tiềm lực thành sức mạnh QPTD bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Khi thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng hoặc tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, chúng ta cần thực hiện sự chuyển hóa tiềm lực thành sức mạnh quốc phòng ở từng địa phương, từng địa bàn chiến lược và trên cả nước. Sự chuyển hóa này phụ thuộc vào hai vấn đề chủ yếu là: Tiềm lực QPTD được tích cực chuẩn bị thường xuyên, liên tục và vững chắc cả về lực lượng và thế trận, từ các nguồn lực của Nhà nước và của toàn dân trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng chuyển hóa thành sức mạnh QPTD khi cần thiết; Hiệu lực của cơ chế lãnh đạo, điều hành thực hiện sự chuyển hóa tiềm lực thành sức mạnh QPTD vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xử trí các tình huống về quốc phòng hoặc tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.
Cơ chế lãnh đạo, điều hành để chuyển hóa tiềm lực thành sức mạnh QPTD là vấn đề mang tính khoa học và nghệ thuật cao. Hiệu lực của cơ chế đó phụ thuộc trực tiếp vào bản lĩnh và trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, nhất là sự lãnh đạo của Đảng và quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, từ sự chuẩn bị tích cực và chu đáo trong thời bình đến những quyết đoán đúng đắn, sáng tạo để xử trí kịp thời và có hiệu quả các tình huống về quốc phòng hoặc tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Trong đó có một số vấn đề nổi lên sau đây: Chủ động nắm chắc diễn biến của tình hình và những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, dự báo chuẩn xác các tình huống chiến lược có thể xảy ra, xác định đúng mục tiêu yêu cầu, nội dung, phương thức và quy mô chuyển hóa tiềm lực thành sức mạnh quốc phòng ở từng địa phương, từng địa bàn chiến lược và trên cả nước.
Chuẩn bị tốt về chính trị-tinh thần, sẵn sàng động viên mọi nguồn lực của Nhà nước và của toàn dân đáp ứng yêu cầu xử trí các tình huống về quốc phòng hoặc tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện tốt cơ chế: Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt; Nhà nước quản lý, điều hành tập trung thống nhất; các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội làm tham mưu và tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ; Bộ Quốc phòng (cơ quan quân sự) chủ trì tham mưu, tổ chức thực hiện công tác quốc phòng và chỉ huy thống nhất các LLVT nhân dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các Kế hoạch phân vùng chiến lược về quốc phòng gắn với phân vùng chiến lược về kinh tế-xã hội theo nguyên tắc kết hợp chặt chẽ xây dựng với bảo vệ, Kế hoạch chiến lược về Phòng thủ dân sự, Kế hoạch chiến lược tổng thể về xây dựng công trình quốc phòng từ thời bình, gắn chặt với bổ sung, điều chỉnh Phương án phòng thủ chiến lược, Kế hoạch xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) v.v.. Tiếp tục điều chỉnh, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, các kế hoạch, phương án phòng thủ dân sự, động viên quốc phòng, động viên quân đội, huy động các nguồn lực của Nhà nước và của toàn dân đáp ứng yêu cầu xử trí các tình huống về quốc phòng hoặc tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.
Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực quốc phòng; điều chỉnh, bổ sung các quy chế, quy trình, thủ tục trong lãnh đạo, điều hành cho phù hợp với yêu cầu xử trí các tình huống khẩn cấp về quốc phòng hoặc chiến tranh.
Định kỳ thường xuyên (hoặc đột xuất) tổ chức luyện tập về lãnh đạo, điều hành thực hiện sự chuyển hóa tiềm lực thành sức mạnh QPTD ở các cấp từ cơ sở đến khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), trên một hướng chiến trường và trên cả nước; thông qua đó bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ và cơ quan, đồng thời điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các kế hoạch, phương án của các cấp, các ngành, các địa phương.
Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, tăng cường hợp tác quốc tế, kết hợp chặt chẽ sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại để xây dựng tiềm lực và sức mạnh QPTD trong thời kỳ mới.
Cần thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa các quan hệ quốc tế nhằm tạo môi trường hòa bình, ổn định và điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự phát triển bền vững của đất nước, chủ động phát hiện và ngăn chặn từ xa những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước, các tổ chức và phong trào quốc tế, thực hiện phương lược “Giữ cho trong ấm, ngoài êm”.
Chủ động xử lý tốt quan hệ với các nước, nhất là các nước lớn, các nước láng giềng và các nước trong khu vực, tạo được thế đan xen lợi ích giữa nước ta với các nước và các tổ chức quốc tế, tránh rơi vào thế đối đầu, bị cô lập hoặc lệ thuộc vào nước ngoài, không để bị động về chiến lược. Kết hợp chặt chẽ tăng cường quan hệ đối ngoại với nâng cao hiệu quả hợp tác và đấu tranh cả về diện rộng và chiều sâu. Đẩy mạnh công tác vận động kiều bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương, động viên mọi nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở các nơi vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tăng cường hoạt động đối ngoại quân sự, thúc đẩy hợp tác và đấu tranh quốc phòng làm cho các nước, các tổ chức quốc tế và nhân dân thế giới hiểu rõ bản chất “Hòa bình và tự vệ”, tính chất chính nghĩa và nhân văn của nền quốc phòng toàn dân ở Việt Nam, góp phần tập hợp lực lượng và tạo thế đối ngoại rộng mở, vững chắc cho sự nghiệp quốc phòng bảo vệ Tổ quốc. Đó là sự kế thừa và phát triển kế sách chiến lược “Thêm bạn bớt thù”, phương lược “Viễn nhu” (Bảo vệ Tổ quốc từ xa) trong lịch sử quốc phòng Việt Nam.
Xây dựng LLVT nhân dân vững mạnh toàn diện, có số lượng và cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, thực sự trung thành và tin cậy về chính trị, làm nòng cốt trong xây dựng tiềm lực và sức mạnh QPTD.
Đặc trưng cơ bản và biểu hiện tập trung của tiềm lực và sức mạnh quốc phòng là ở tiềm lực và sức mạnh quân sự, trực tiếp là chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu toàn diện và trình độ sẵn sàng chiến đấu cao của quân đội. Do đó, cần đẩy mạnh xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và ngày càng hiện đại, tập trung vào hai vấn đề chủ yếu và đang đặt ra rất cấp thiết:
Một là nâng cao bản lĩnh chính trị, có sức đề kháng mạnh mẽ để chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “Phi chính trị hóa quân đội” của các thế lực thù địch, có sức miễn dịch tốt để ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, không để bị tha hóa biến chất.
Hai là nâng cao sức mạnh chiến đấu và trình độ SSCĐ để đủ sức răn đe, đẩy lùi và sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch, kể cả khi chúng tiến hành chiến tranh xâm lược kiểu mới.
Bản lĩnh chính trị và sức mạnh chiến đấu của quân đội phải được phát triển lên tầm cao mới, không những để phòng, chống có hiệu quả chiến lược DBHB và “cách mạng màu” của các thế lực thù địch, đối phó thắng lợi với mọi tình huống có thể xảy ra, mà còn là nhân tố đặc biệt quan trọng góp phần giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình, bảo đảm cho đất nước luôn chủ động về chiến lược trong mọi tình huống, buộc các thế lực thù địch phải cân nhắc khi toan tính những âm mưu, thủ đoạn chống phá độc lập dân tộc và CNXH ở nước ta.
Tổ chức quân đội cần có quân số và cơ cấu hợp lý, lực lượng thường trực mạnh, sức chiến đấu và khả năng cơ động cao, các quân binh chủng được trang bị hiện đại, bảo đảm SSCĐ cao để thực sự là lực lượng quyết định về quân sự trong đấu tranh quốc phòng bảo vệ Tổ quốc, ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, chủ động đối phó thắng lợi với mọi tình huống phức tạp có thể xảy ra. Tích cực phát triển các đơn vị đặc biệt tinh nhuệ, lực lượng tác chiến chiến lược với một số VKTB hiện đại có khả năng đánh đòn hiểm, đánh đòn quyết định trên cơ sở phát huy truyền thống và nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Cần xây dựng lực lượng DBĐV mạnh, đáp ứng yêu cầu mở rộng tổ chức biên chế của quân đội và duy trì sức mạnh quân sự trong mọi tình huống, được huấn luyện thường xuyên, có cơ chế và phương thức động viên thích hợp để nhanh chóng phát triển quân đội khi cần thiết. Xây dựng lực lượng DQTV vững mạnh, rộng khắp, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở, có số lượng, cơ cấu hợp lý giữa lực lượng tại chỗ, lực lượng cơ động và binh chủng, thực sự làm nòng cốt trong xây dựng lực lượng và thế trận quốc phòng ở cơ sở.
Xây dựng tiềm lực và sức mạnh QPTD là vấn đề mang tính khoa học và nghệ thuật cao, không ngừng đổi mới và phát triển. Chúng ta cần tích cực nghiên cứu lý luận kết hợp với tổng kết thực tiễn để nhận thức ngày càng đầy đủ và sâu sắc hơn về bản chất, quy luật phát triển của quốc phòng Việt Nam XHCN, cung cấp cơ sở khoa học để nâng cao chất lượng và hiệu quả xây dựng tiềm lực và sức mạnh QPTD trong thời kỳ mới.
Trung tướng PGS, TS NGUYỄN TIẾN BÌNH