Người theo dõi

10 thg 1, 2011

Trang tử - Nguyễn Hiến Lê dịch


ÔNG CHÀI (Ngư phủ)
Khổng Tử đi chơi trong rừng Màn Đen, ngồi nghỉ trên Gò hạnh. Trong khi môn đệ đọc sách, Khổng Tử gãy đàn cầm và hát, chưa được nửa khúc thì thấy một ông chài ghé thuyền tiến lại, râu và lông mày đều bạc, tóc xoã, tay áo phe phẩy, lên tới chỗ cao rồi ngừng lại, tay trái đặt lên đầu gối, tay phải chống cằm, ngồi nghe. Khi khúc hát chấm dứt ông lão vẫy Tử Cống và Tử Lộ tới, rồi trỏ Khổng Tử, hỏi: - Ai vậy? Tử Lộ đáp: - Vị quân tử nước Lỗ. - Họ gì? - Họ Khổng. - Thầy Khổng đó làm nghề gì? Tử Lộ làm thinh. Tử Cống đáp: - Thầy Khổng bản tính trọng trung tín, thi hành nhân nghĩa, sửa đổi lễ nhạc, chăm sóc nhân luân, trên đối với vua thì trung, dưới thì giáo hoá dân chúng, làm lợi cho thiên hạ. Đó, thầy Khổng làm những việc ấy. Ông lão lại hỏi: - Có làm vua người nào không? Tử Cống đáp: - Không. - Thế có phụ tá cho một ông vua nào không? - Không. Ông lão cười, quay trở về, vừa đi vừa nói: - Có lòng nhân thật đấy, nhưng ta ngại rằng thầy ấy không tự cứu được đâu. Đã khổ tâm, mệt thân mà lại nguy cho cái bản chân. Hởi ơi, như vậy là rời cái Đạo quá xa. Tử Cống trở về kể lại cho Khổng Tử nghe. Khổng Tử đẩy cây đàn cầm qua một bên, đứng dậy bảo: - Ông ấy là bậc thánh chăng? Rồi bước xuống gò, đi tìm ông lão, tới bờ thì thấy ông lão đương chống cái sào có móc [dùng để kéo thuyền]. Thấy Khổng Tử, ông ta quay lại, đứng yên. Khổng Tử lùi lại, vái hai vái rồi tiến tới. Ông lão hỏi: - Thầy muốn gì? Khổng Tử đáp: - Vừa rồi cụ nói chưa hết lời rồi đi. Khâu tôi ngu muội, không hiểu ý cụ, nên xin phép cụ đứng dưới gió, mong được cụ chỉ giáo chỗ kém cõi của tôi. - A, thầy chịu học hỏi thật! Khổng Tử vái hai vái nữa rồi đứng ngay lại, thưa: - Khâu tôi ham học từ hồi trẻ, tới bây giờ sáu mươi chín tuổi, chưa được nghe lời chí lí nào, cho nên đâu dám không hư tâm để học thêm? Ông lão bảo: - Luật tự nhiên trong vũ trụ là đồng thanh tương ứng, đồng loại tương tòng. Tôi xin đem sở đắc của tôi để luận hành vi của thầy. Hành vi của ngài thuộc về nhân sự. Nếu thiên tử, chư hầu, đại phu và dân chúng, bốn hạng người đó cùng làm tròn phận sự của mình thì xã hội cực trị rồi; trái lại, nếu không làm tròn phận sự của mình thì không loạn gì bằng. Cho nên quan lại phải làm hết sức của mình, dân phải lo công việc của mình, không vượt cái phận của mình [thì mới hết loạn]. Ruộng nương bỏ hoang, nhà cửa dột nát, ăn mặc không đủ, thuế má không nộp, vợ chồng không hoà thuận nhau, trẻ không kính già, đó là điều đáng lo cho dân thường. Không làm tròn nhiệm vụ, bỏ bê việc quan, không thanh liêm, người dưới quyền làm biếng, công nghiệp, thanh danh không có gì đáng khen, tước lộc không giữ được, đó là điều đáng lo của các quan đại phu. Triều đình không có trung thần, quốc gia hỗn loạn, bách công kĩ nghệ không khéo, phẩm vật để tiến cống [thiên tử] không tốt, xuân thu hai kì triều bái thiên tử thì tới trễ, không theo mệnh lệnh thiên tử, đó là điều đáng lo cho chư hầu. Âm dương bất hoà, nóng lạnh không hợp thời tiết làm hại cho vạn vật, chư hầu bạo loạn, đánh chiếm lẫn nhau khiến dân tàn mạt, lễ nhạc không có pháp độ, tài chính thiếu thốn, nhân luân không giữ được, trăm họ dâm loạn, đó là điều đáng lo của thiên tử. Nay thầy, trên không có quyền thế của một thiên tử hay một chư hầu, dưới không có quan chức của một đại thần mà đòi sửa đổi lễ nhạc, chăm sóc nhân luân, để giáo hoá dân chúng, chẳng là đa sự quá ư?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét