Anh hùng trầm tích ở Nha Trang
Lã Quý Hưng
Vũ Trọng Nhượng (giữa) cùng đồng đội và tác giả (bên phải)
(baodautu.vn) Cho đến bây giờ, sau 41 năm, cựu chiến binh Vũ Trọng Nhượng vẫn không thể hiểu được vì sao hồi ấy, sau 4 ngày, 4 đêm không ăn, không uống, không áo mặc, mà anh vẫn đủ sức mang theo khối thuốc nổ 50 kg bơi ra đánh chìm chiếc tàu 10.000 tấn của địch.
Chúng tôi ngồi trò chuyện dưới bóng Tượng đài liệt sĩ mang dáng Trầm Hương sát vịnh biển Nha Trang, nơi 41 năm trước đã chứng kiến cuộc chiến đấu ngoan cường của những con cá kình Đoàn 126 - đặc công nước, trong đó có người nhái Vũ Trọng Nhượng. Sinh ra trong một gia đình mà người cha tham gia kháng chiến, em trai là liệt sĩ ở xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, năm 20 tuổi, chàng trai quê biển này được chọn vào Binh chủng Hải quân.
Đầu năm 1966, Vũ Trọng Nhượng được chọn vào Đoàn huấn luyện trinh sát đặc công do Bộ tư lệnh Hải quân thành lập. Sau hơn một năm huấn luyện, lên đường vào Nam chiến đấu, chiến sĩ đặc công nước Vũ Trọng Nhượng được bổ sung về Phòng đặc công Quân khu 5, rồi được điều vào Đại đội 92 thuộc Tỉnh đội Khánh Hoà, đứng chân ở chiến khu Đồng Bò, chiến đấu tại khu vực cảng biển Nha Trang.
Một mình đánh chìm tàu 15.000 tấn
Đặc công Vũ Trọng Nhượng tham gia nhiều trận đánh, nhưng có hai trận chiến đấu đặc biệt mà anh không thể nào quên. Đó là trận đánh đêm 14 rạng ngày 15/10/1969 - một đêm tối trời, tối biển. Vũ Trọng Nhượng, Đại đội phó Trần Ngân cùng một chiến sĩ bí mật bơi từ sông Lô (ngoại ô Nha Trang lúc đó) sang Hòn Tằm nhận vũ khí, rồi tiếp tục bơi sang bãi Miếu. Sau khi bàn bạc, Đại đội phó Ngân quyết định giao Vũ Trọng Nhượng một mình đột nhập vào cảng Nha Trang để đánh chìm chiếc tàu trọng tải 15.000 tấn chở hàng quân sự của Mỹ vừa mới cập cảng.
Việc đột nhập vô cùng khó khăn, bởi cứ 5 phút, tàu tuần tiễu và bo bo trinh sát của hải quân địch lại chạy vòng quanh cảng bắn pháo sáng, dùng đèn pha quét xung quanh tàu, ném lựu đạn xuống vùng nước trước mũi tàu và lái tàu để ngăn chặn đặc công ta xâm nhập. Trên tàu, lính gác suốt đêm ngày, đèn điện cao áp sáng như ban ngày. Vũ Trọng Nhượng buộc khối thuốc nổ nặng 50 kg vào lưng (trong đó có quả mìn nam châm gắn kíp nổ hẹn giờ), ngậm ống thông hơi là ống tre dài 20 cm và kẹp mũi cũng bằng kẹp tre, bơi ngửa dưới mặt nước để tiến về phía tàu địch.
Trên đường tiến tới mục tiêu, bằng những kỹ thuật đặc công nước đã được huấn luyện, Vũ Trọng Nhượng đã khéo léo vượt qua hệ thống tuần tiễu bảo vệ của địch. Khi cách tàu 50 m, đột nhiên, một tàu tuần tiễu của Mỹ chạy tới rọi pha quanh tàu và ném lựu đạn. Vũ Trọng Nhượng tưởng mình bị lộ nhưng không phải. Cách tàu địch khoảng 20 m, chiếc đèn cao áp to như một cái nón chiếu thẳng xuống. Để khỏi bị lộ, Vũ Trọng Nhượng lấy hơi lặn sâu xuống nước khoảng 2 m rồi cứ thế tiến thẳng vào gầm tàu, nhanh chóng buộc chặt một đầu dây khối thuốc nổ vào neo tàu, buộc dây còn lại vào phía bánh lái để khối thuốc nổ nằm chính giữa phía dưới khu vực buồng lái. Rút chốt hẹn giờ 30 phút, Vũ Trọng Nhượng nhanh chóng rời khỏi khu vực cảng. Trên đường bơi về hòn Miễu, Vũ Trọng Nhượng nghe thấy một tiếng nổ long trời lở đất, cột nước bùng lên rất cao. Điện cao áp trên tàu tắt hết. Còi báo động rú lên khắp nơi...
Sau đó, chiến công vang dội của “người nhái” V.C tại cảng Nha Trang đã được báo chí phương Tây, đài BBC đưa tin nhiều lần rằng, khoảng 5 phút sau khi bị tấn công, chiếc tàu 15.000 tấn bị lật nghiêng rồi chìm nghỉm. 75 lính Mỹ cùng 15.000 tấn vũ khí, hàng hoá bị nhấn chìm xuống biển. Đây là chiến công oanh liệt đầu tiên của lực lượng đặc công giáng thẳng vào hải quân Mỹ ở Nam Trung Bộ, góp phần tiêu diệt, phá hủy các quân cảng, cầu cống, tàu quân sự, đường giao thông thủy, bộ, từ đó ngăn chặn và cắt đứt sự chi viện vũ khí đạn dược, xăng dầu... của địch cho các chiến trường.
4 ngày đêm kiên trì bám địch
Sau những thất bại cay đắng, Mỹ Ngụy càng xiết chặt hệ thống bảo vệ, mở rộng phạm vi tuần tiễu quanh cảng, nhất là những tàu quân sự trọng tải lớn. Có những tàu chúng còn thả điện xuống vùng biển xung quanh, gây rất nhiều khó khăn cho Vũ Trọng Nhượng cùng đồng đội.
“… Đêm 16/3/1969, chúng tôi được lệnh đánh chìm chiếc tàu chở hàng quân sự trọng tải 15.000 tấn vừa cập cảng Nha Trang. Tham gia trận chiến lần này với tôi có thêm chiến sĩ Vũ Đức Thân, 20 tuổi, quê ở Thái Bình vừa mới được bổ sung vào đơn vị. Tôi và Thân nối với nhau bởi một sợi dây dù dài 10 m. Thật đau xót, khi chỉ còn cách tàu địch 10 m, Thân bị lính gác trên đài chỉ huy phát hiện và xả súng tới tấp. Thân hy sinh ngay tại chỗ...”, cựu chiến binh Nhượng bồi hồi kể lại.
Nhiệm vụ còn dang dở, nên Vũ Trọng Nhượng đành vuốt mắt đồng đội, cắt dây dù rồi bơi tiếp tới tàu địch. Sau này, theo lời người dân, mấy hôm sau, có một xác chết trôi dạt vào Bình Tân cửa Bé, có thể đó là đồng chí Vũ Đức Thân, nhưng cũng không rõ ai đã chôn cất và chôn cất ở đâu. Nếu ai biết được, xin báo tin cho anh Vũ Trọng Nhượng (058 3781684).
Anh Nhượng kể tiếp: “Địch tổ chức lùng sục ráo riết. Tôi rơi vào vòng vây của địch, không thể quay lại điểm hẹn, phải lặn vào tìm chỗ ẩn náu dưới chân cầu cảng. Sau khoảng 2 giờ lùng sục, bọn địch không phát hiện được gì, đành nhổ neo chiếc tàu 15.000 tấn rồi mất hút ngoài khơi”.
Vũ Trọng Nhượng ngậm ống thở kéo nửa tạ thuốc nổ bơi vào gành đá dưới lầu Bảo Đại để cất giấu, rồi bơi lại khu vực sát cảng Cầu Đá tìm khe đá lớn ẩn nấp và suy tính. Vũ Trọng Nhượng quyết định tiếp tục nằm lại chờ thời cơ tiêu diệt tàu địch, nếu chẳng may bị địch phát hiện, thì sẵn sàng cùng 50 kg thuốc nổ đánh sập trung tâm bốc dỡ hàng của địch. Lúc này, trên người Vũ Trọng Nhượng chỉ có độc một chiếc quần đùi, một khẩu súng lục, một con dao găm và một quả lựu đạn. Ngoài ra, không một chút nước ngọt, không một thứ gì để cầm hơi...
“Sau đêm thứ nhất, tôi đã cảm thấy rét, đói và khát cháy cổ. Tợp một ngụm nước biển cho đỡ khát, nhưng lại bị nôn thốc, nôn tháo, vì mặn và mùi tanh nồng khó tả. Đói kinh khủng, tôi đành bò vào bụi cây cối mọc um tùm xem có cây, lá, củ, quả gì ăn được không, nhưng thật không may, chẳng kiếm được gì. Một ngày trôi qua dài như cả một năm. Ban ngày gần như tôi nằm bất động, cả cơ thể tưởng như không còn một chút sinh lực nào. Đêm khát nước đến cháy khô da thịt, phải xuống biển ngâm cho đỡ khát, nhưng lại rét run cầm cập. Thế nhưng, cứ nghĩ đến hình ảnh đồng đội đang nằm dưới đáy biển và khối thuốc nổ quý giá không thể vứt đi, tôi ghìm mọi cơn đói, cơn rét và cắn răng chịu đựng.
Ba ngày, 17, 18 và 19/3 trôi qua…
“Ngày 20/3/1969, sáng dậy, tôi xác định, đây là ngày cuối cùng của trận đánh, nếu không, tôi sẽ chết đói và khát ở ghềnh đá này. Hình như biển trời cũng động lòng thương người lính, khoảng 4 giờ chiều, một chiếc tàu chở dầu của Mỹ lù lù tiến vào cảng. Tôi không tin vào mắt mình nữa. Bỗng nhiên, tôi quên hết cả đói khát, chỉ mong trời chóng tối. Khi bóng đêm vừa trùm lên cảng biển cũng là lúc tôi cùng 50 kg thuốc nổ bơi ra biển. Khác hẳn mấy ngày trước, lần này, tôi thấy gói thuốc nổ nặng tới hàng tấn. Tới sát tàu, tôi cột khối thuốc nổ vào chân cầu cảng, áp sát vào giữa buồng máy ở độ sâu 2 m, để khi khối thuốc nổ, tàu bị chìm mà cầu cảng cũng bị sập. Tôi rút chốt an toàn rồi nhanh chóng lặn ra khỏi khu vực cầu cảng”, Vũ Trọng Nhượng bồi hồi nhớ lại.
Nửa tiếng sau, một tiếng nổ dữ dội kéo theo một vùng khói lửa bao trùm lên chiếc tàu và khu vực cầu cảng. Chiếc tàu cùng 10.000 tấn hàng chìm nghỉm xuống biển. Niềm vui thắng lợi tạo cho Vũ Trọng Nhượng một sức mạnh lạ kỳ quên hết đói, khát, mệt nhọc, để bơi 4 tiếng đồng hồ qua hòn Miếu về tới căn cứ vườn dừa sông Lô. Khi ngả vào vòng tay đồng đội, cũng là lúc Vũ Trọng Nhượng lả đi...
Với thành tích đánh chìm hai tàu quân sự lớn của địch, Vũ Trọng Nhượng đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai, Huân chương Chiến công hạng Ba, hai Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhì, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Hai, Huân chương Kháng chiến hạng Ba, ba Huy hiệu chiến dịch 68, 72, 75...
Trưa nắng chói chang và gay gắt, tôi tạm biệt người cựu chiến binh đặc công vô cùng quả cảm. Suốt dọc đường miền Trung nắng gió, tôi cứ tự hỏi, vì sao bao năm qua, dù được sự ủng hộ của cấp trên và đồng đội, đã nhiều lần được làm hồ sơ đề nghị Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhưng đến nay, con người anh hùng ấy vẫn chỉ như trầm tích ở vùng biển Nha Trang?