Người theo dõi

6 thg 11, 2010

Tâm lý

Vua cũng như mọi người có hai yêu cầu trái nghịch : công việc trôi chảy và khoan khoái dễ chịu. Phải cực nhọc mà chưa chắc gì việc đã tốt mà còn có thể mắc sai lầm, bị rèm pha, bị vu vạ. . . Dịch vụ khoan khoái ở xã hội rất phát đạt. Người thường chẳng có ai tự đến làm cho khoan khoái dễ chịu cả. Người càng có quyền có tiền càng có nhiều người tình nguyện đến giúp. Không ai giúp không, khi đã khoan khoái thì dễ đồng ý. Vậy là có kết cục.

Có ích

Ai cũng phải làm một cái gì đấy có ích cho xã hội, được trả công. Khi tích lũy đủ sống thì có thể làm gì đó có ích mà không cần trả công , số này càng nhiều thì xã hội hạnh phúc vô cùng. Có ích thì có vô ích , những kẻ trộm cướp thì ích gì cho xã hội, kẻ buôn ma túy, kẻ làm hàng giả, dịch vụ giả. Bộ máy công quyền thì làm dịch vụ công cho xã hội. Nếu giao thông mà đường không thông, giáo dục mà phải giáo dục lại, y tế mà phải lo lót, môi trường mà gây ô nhiễm, bảo vệ rừng mà mất rừng . . . Không làm được việc có ích cho xã hội, trong khi đó vẫn tiêu tốn ngân sách thì là sự phi lý phản phát triển (gọi là phản động cũng được ). Trong xã hội ai cũng làm việc có ích, ai đó chỉ giúp ích cho người thân để người thân làm nhiều việc có ích cho xã hội cũng tốt, tất nhiên xã hội sẽ đền đáp xứng đáng. Mong xã hội có nhiều cách để giảm thiểu thành phần không có ích cho xã hội.

Cảnh báo blog cá nhân

Tác giả Bùi Linh trong bài Blog cá nhân : phải trong khuôn khổ pháp luật trên Vtv điện tử được đăng vào 8 giờ sáng 6.11.2010 có dẫn lời một cán bộ học viện Bưu chính viễn thông nói blog là một biển thông tin và mọi người coi chừng dễ bị nhiều ảnh hưởng xấu. Mọi hoạt động đều phải trong khuôn khổ pháp luật, nếu khuôn khổ đó không còn phù hợp thì phải sửa luật, chứ không riêng gì blog cá nhân, viết như vậy có thể lầm hiểu sang chỉ có blog cá nhân mới cần chú ý chấp hành pháp luật . Blog là một biển thông tin vậy là nước sông đang cuồn cuộn chảy về biển chắc có kẻ sẽ bơi ngược dòng và cuối cùng vẫn bị đẩy ra biển. Cảnh báo cho những người viết blog là rất tốt, vì quá đà trong điều kiện pháp luật hiện nay thì rất dễ phải đi tù, chắc không ai muốn đi tù để lấy cảm hứng làm thơ hay lấy dữ liệu để viết tiểu thuyết. Nhưng cái nguy của việc ra biển thông tin này (bị buộc cuốn ra đấy ) không nguy bằng ra lưu thông trên đường. Có nhiều bài cảnh báo về giao thông thì tốt hơn , vì rất dễ mất mạng chứ không chỉ là đi tù (tham gia giao thông cũng có thể bị đi tù nếu làm chết hay bị thương người khác). Nhưng dù sao vẫn phải cảnh báo blog cá nhân vì nó không nói sự thật nó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu nó nói ra sự thật mà làm mất mối lợi của ai đó thì nó có thể bị xử như kiểu giang hồ.

Phản biện và phản ứng

Một người trong hoạt động chắc chắn phải có sai lầm, có việc không phù hợp. Một nhóm người thì sai lầm và không hợp lý tăng lên. Đòi bộ máy điều hành quốc gia không mắc sai lầm, việc gì cũng hợp lý là không tưởng. Hơn nữa mỗi người lại có đòi hỏi khác nhau, cùng một việc mà có người nói đúng có người bảo sai. Vấn đề không phải là sai hay đúng, là hợp lý hay không hợp lý mà là việc tiếp nhận thông tin và việc điều chỉnh hành vi của bộ máy điều hành như thế nào. Nếu bộ máy cứ làm theo suy nghĩ của mình thì nó lại thành vấn đề khác. Ở ta đã chấp nhận việc phản biện. Phản biện là đưa ra những lý lẽ thuyết phục buộc bộ máy phải xem xét lại những dự kiến của mình. Phản ứng là sự không đồng ý đối với việc làm của bộ máy, sự không đồng ý này rất đa dạng từ thấp đến cao, tư đơn giản đến phức tạp, từ bình thường đến nguy hiểm, từ trong khuôn khổ pháp luật đến vượt ra khỏi pháp luật (tất nhiên cũng phải xem xét lại luật ). . . Phản biện rất khó, phải nắm chắc sự việc, có phân tích đúng và thuyết phục. Phản ứng chỉ là sự không đồng ý, khi đã mất niềm tin ở đối tượng thì bất cứ việc gì cũng phản ứng, cũng không đồng ý. Tất cả điều này bộ máy đã biết, đã điều chỉnh và tiến bộ xã hội vẫn tiếp tục tiến. Nhưng kèm theo những tiến bộ là những phản tiến bộ cũng tăng theo cả số lượng và mức độ nghiêm trọng. Dư luận phản ứng nhiều là vì vậy. Cứ thực tâm mà nhận thì thử xem rất nhiều việc từ to đến nhỏ bộ máy làm có đúng không. Chắc chắn lại im lặng, xã hội như có một tảng đá đè lên, sự xanh tươi là những cái cây uốn éo luồn qua các kẽ đá để vươn lên. Tại sao lại phản biện, phản biện có tác dụng gì là quá rõ. Chính vì không làm tốt phản biện và điều chỉnh theo phản biện mà xã hội sinh ra nhiều phản ứng. Và từ đó đánh tráo rằng phản ứng đấy là phản biện, lại càng hạn chế phản biện và điều chỉnh theo phản biện, tiếp tục phản ứng lại tăng lên. Một vòng luẩn quẩn không bao giờ hết, trừ khi tư duy thay đổi.

Ăn cắp

Có một dạo đi trên xe khách đúng là sợ thật , lơ là là mất tiền ngay, bọn móc túi tràn ngập (chợ chưa họp kẻ cắp đã đến ), để ý một chút là sẽ biết ngay kẻ nào là gian. Mới đây Vietnamnet cũng đã quay được đoạn video móc túi trên xe buýt. Bị móc túi không sợ bằng bị trả thù, ai mà nhắc người khác cảnh giác, hoặc là người lớn tuổi khuyên bảo chúng là thế nào cũng bị trả thù, thường thường chúng dùng dao lam kẹp vào ngón tay rồi vuốt trên mặt người cần trả thù, có người ít nhạy cảm không thấy đau máu chảy trên mặt rồi mới biết là bị rạch. Cái tính trộm cắp này có người giải thích là do ngàn năm Bắc thuộc sinh ra (do không thể làm gì công khai nên phải lén lút ) không thuyết phục lắm. Có thể do thời bao cấp cái gì cũng của tập thể mà nhu cầu cá nhân không thể xóa bỏ nên lén lút chuyển thành của riêng thành ra ăn cắp. Ăn cắp là lén lút lấy tài sản không phải sở hữu của mình mà lại còn trả thù người cản trở việc làm sai trái. Hiện tượng ăn cắp không chỉ xảy ra ở trong nước mà còn ăn cắp ở nước ngoài làm nhục quốc thể.

Phản biện là sai

Tác giả Phạm Hoài Huấn vừa có bài trên Vietnamnet : Phong cách " Chí Phèo và văn hóa phản biện " nội dung tóm tắt là bloggers ham được nổi tiếng mà viết những điều đối nghịch với nhà nước và phản biện những điều mà chả có chuyên môn gì cả . Và có thể hiểu là dẹp blog đi là tốt nhất, nếu viết thì viết những gì không liên quan đến cái sai của nhà cầm quyền. Và hoạt động phản biện cơ bản là sai cả, đa số những người phản biện không hiểu những nội dung phản biện (cũng giống như Phạm Hoài Huấn không cảm được blog là gì mà cũng phản biện blog) mà chỉ tìm cách nói ngược lại nhà nước và chỉ có nói vậy mới được nhiều người đồng tình. Bài này chắc vừa được nhuận bút vừa được tiền thưởng vì có công đánh dẹp lũ giặc cỏ "blog ". Hãy viết những gì theo đúng suy nghĩ của mình. Ở nơi thuộc loại trình độ cao của quốc gia mà phải thừa nhận là trước đây ấu trĩ và cũng không giám chắc sau này không nói bây giờ ấu trĩ.