http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/kinh-te/th-ng-hi-u/x-h-i-hoa-truy-n-d-n-phat-song-va-t-ng-lai-truy-n-hinh-1.307553#7x0qvwIp4999
Xã hội hóa truyền dẫn phát sóng và tương lai truyền hình
Cập nhật lúc 19:10, Thứ sáu, 12/08/2011 (GMT+7)
NDĐT- Kinh nghiệm truyền dẫn, phát sóng trong lộ trình số hóa truyền hình tại các nước phát triển trên thế giới đã minh chứng rằng, việc tham gia của các đơn vị tư nhân vào hoạt động truyền dẫn phát sóng tại Việt Nam không phải là một ngoại lệ.
Bước đi hòa nhập
Để thực hiện nghị quyết của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) Thường trực Chính phủ đã bàn và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020 vào ngày 16.2.2009.
Theo quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020 tại Việt Nam, dự kiến năm 2015, truyền hình mặt đất được phủ sóng tới 100% dân cư, đảm bảo hầu hết các hộ dân có thể thu, xem được các chương trình truyền hình quảng bá; Mạng truyền hình cáp được triển khai tại 100% trung tâm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đến năm 2020, về cơ bản sẽ ngừng phát sóng truyền hình mặt đất công nghệ tương tự (analog) để chuyển sang phát sóng truyền hình mặt đất công nghệ số (digital) khi 95% số hộ gia đình có máy thu hình có khả năng thu được các kênh chương trình truyền hình quảng bá bằng những phương thức truyền dẫn, phát sóng số khác nhau; ngừng việc sử dụng công nghệ truyền hình cáp tương tự trước năm 2020 để chuyển hoàn toàn sang công nghệ số với 100% các mạng cáp dọc các tuyến đường, phố chính tại trung tâm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được ngầm hoá;
Hiện tại, ở Mỹ và nhiều nước châu Âu như Luxembourg, Hà Lan, Phần Lan, Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ, Đức… đã chuyển sang truyền hình truyền dẫn và phát sóng kỹ thuật số. Mới đây nhất, ngày 25.7.2011, Hiệp hội phát thanh - truyền hình Nhật Bản (NHK) và 115 công ty truyền hình trên toàn quốc đã kết thúc phát sóng truyền hình analog và đồng loạt chuyển sang phát sóng truyền hình kỹ thuật số.
Xu thế chung
Tại Mỹ, với quan điểm phổ tần trong truyền dẫn phát sóng có giá trị kinh tế cao nên được Chính phủ cho phép phát triển dưới góc độ thương mại. Giấy phép truyền dẫn phát sóng không chỉ được cấp cho các cơ quan thuộc Chính phủ như: National Broadcasting Company (được thành lập năm 1926); Columbia Broadcasting System (được thành lập năm 1927) mà còn được cấp cho cả các tổ chức tư nhân như: The Lone Ranger hay Amos ‘n’ Andy. Tại Anh, nếu như trước đây chỉ có British Broadcasting Company (BBC) thành lập năm 1926 là đài quốc gia của Chính phủ thực hiện cả việc truyền dẫn phát sóng, thì hiện nay, một số tổ chức tư nhân cũng được cấp giấy phép truyền dẫn phát sóng như: Independent Television (ITV), British Sky Broadcasting (BskyB), UKTV.
Như vậy, việc xã hội hóa công đoạn truyền dẫn, phát sóng trong lộ trình số hóa truyền hình là xu thế chung, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong việc phát triển, đầu tư nâng cấp hạ tầng truyền hình, tập trung nguồn vốn cho việc phát triển nội dung chương trình. Chủ trương đúng đắn này của Đảng và Nhà nước Việt Nam sẽ góp phần phát triển một thị trường truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa trong một tương lai rất gần, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của Nhà nước.
Ở Việt Nam, sau K+, Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) là đơn vị tư nhân thứ 2 tham gia vào việc xây dựng hạ tầng truyền dẫn truyền hình kỹ thuật số vệ tinh ở Việt Nam. Đây sẽ là một bước tấn công mạnh mẽ vào thị trường truyền hình trả tiền với cam kết sẽ đem lại dịch vụ tốt nhất cho khách hàng và là một ưu thế cạnh tranh để AVG hướng tới mục tiêu 3 triệu thuê bao sau 3 năm phát sóng.
AVG là đơn vị đầu tiên xây dựng mạng đơn tần (Single Frequency Network - SFN) ở Việt Nam với khả năng nổi bật là có thể bù sóng. Ở cùng một thời điểm, cùng một tần số phát cùng một tín hiệu nội dung ở nhiều điểm phát khác nhau, nên SFN có chất lượng tốt hơn. Hiện AVG được cấp 3 tần số 57, 58, 59. Nhờ SFN mà chỉ với 3 tần số này, AVG vẫn có thể phủ sóng được toàn quốc.
Cho đến nay, với việc đầu tư công nghệ hiện đại nhất thế giới, theo tiêu chuẩn kĩ thuật MPEG4-DVBT của châu Âu, AVG đã hoàn thành việc ấn định tần số cho mạng truyền hình kỹ thuật số mặt đất trên toàn quốc, đã hoàn thành 85% thiết kế bản đồ kỹ thuật vệ tinh tiên tiến, chất lượng cao trên toàn quốc. AVG cũng dự kiến đến năm 2012 sẽ phủ sóng truyền hình 100% bằng kỹ thuật số vệ tinh (DTH) và 85% bằng kỹ thuật số mặt đất (DTT). DTT sẽ là giải pháp tốt nhất và có lẽ là duy nhất cho đến thời điểm này cho những nơi không xem được vệ tinh, hoặc không có đường cáp. Với DTT, việc cung cấp được dịch vụ cho những chung cư bị ngăn cản bởi đường cáp, ăngten và set-top box (STB) đều để luôn trong nhà và có thể xem được ngay.
Giá một STB của AVG là hơn 2 triệu đồng, được công ti đặt hàng từ nhiều nguồn: Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Tây Ban Nha... Hiện, AVG đang thiết kế, xây dựng, lắp đặt NCC (Network Control Center) với tổng chi phí là 52 tỷ đồng. Khi hoàn tất, tổng chi phí cho NCC sẽ lên tới 150 tỷ đồng. NCC mà AVG xây dựng được đánh giá là hiện đại nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
NCC nhằm hỗ trợ kiểm soát từ xa. Có thể can thiệp để tắt Phòng tổng khống chế (NOC) để kiểm duyệt nội dung và kiểm soát phát sóng. Đây là một lớp bảo vệ thứ 2, phòng khi NOC có vấn đề gì đó mà chưa kịp điều chỉnh thì NCC có thể hỗ trợ ngay lập tức. Về nguyên lý, NCC không can thiệp vào nội dung, chỉ có thể can thiệp vào việc tắt trạm phát sóng trong trường hợp khẩn cấp. Về điểm này, ở Việt Nam hiện chưa Đài Phát thanh - Truyền hình nào có. Bên cạnh đó NCC có những tính năng khác, ví dụ biết được nhiệt độ tại trạm phát sóng, chất lượng phát sóng, âm thanh của từng kênh để điều chỉnh tức thời. NCC là công cụ trang bị để chăm sóc khách hàng, bảo đảm chất lượng dịch vụ mà AVG cung cấp đến các hộ dân.
Hợp tác là cơ sở nâng cao chất lượng truyền hình
Cũng giống như các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình khác như SCTV, VTC, VCTV, K+…, AVG không phải đài truyền hình vì không phải là cơ quan báo chí. Trước khi được phát sóng, phần nội dung do AVG xây dựng sẽ được một cơ quan báo chí kiểm soát. AVG hợp tác với Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Bình Dương (BTV) là đơn vị chịu trách nhiệm về nội dung và kiểm soát phát sóng, bảo đảm thực hiện đúng theo Luật Báo chí và cơ chế quản lí của nhà nước. BTV chịu trách nhiệm trong việc biên tập, kiểm soát nội dung các chương trình truyền hình của AVG và kiểm soát việc truyền dẫn, phát sóng phù hợp theo Luật Báo chí.
Công ty này đang tích cực thỏa thuận với các hãng, các đối tác lớn trong và ngoài nước để có những sản phẩm hấp dẫn và đặc sắc, hoàn thiện việc đàm phán, ký kết mua bản quyền các kênh truyền hình nước ngoài được phép phát sóng ở Việt Nam. Bên cạnh đó, AVG sẽ tiếp sóng nguyên vẹn các kênh quảng bá quan trọng của Đài truyền hình Việt Nam và một số đài phát thanh – truyền hình địa phương. Lãnh đạo AVG còn triển khai các dự án hợp tác và phát triển kênh truyền hình Công an nhân dân.
Theo lãnh đạo AVG, nguyên tắc của AVG là cung cấp cho người xem dịch vụ với chất lượng tốt và giá thuê bao hợp lý, hướng tới phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.
Vấn đề bản quyền được AVG coi là vấn đề uy tín sống còn. Hiện AVG có hơn 10 chuyên gia nghiên cứu về bản quyền trong đó có 4 người phụ trách về luật và một trong số đó là luật sư nước ngoài chuyên về bản quyền.
Hy vọng khi AVG hoạt động chính thức sẽ góp phần mang tiếng nói của Đảng, Nhà nước đến với người dân, kết hợp truyền dẫn, phát sóng thông tin giải trí phục vụ nhu cầu của xã hội, phù hợp với các định hướng phát triển chiến lược về truyền thông, truyền hình của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy việc nâng cao chất lượng truyền hình.
GIANG PHONG