Người theo dõi
4 thg 4, 2011
Không đủ tư cách để nói chuyện
Hai bên giao dịch với nhau cần có những quy ước thành văn hoặc bất thành văn. Khi một bên không tuân theo những quy tắc đã được mặc định, hoặc phát hiện ra trong lúc giao dịch có sự vi phạm chuẩn mực giao dịch. Vậy là có một bên không đủ tư cách. Không phải không biết tư cách là rất quan trọng, nhưng vì quyền lợi, vì quan điểm, cứ vi phạm vào tư cách. Phía bên kia không kiên quyết thì vẫn cứ giao dịch với người không đủ tư cách, hoặc vì mưu đồ gì đó, hay vì áp lực gì đó để vẫn chấp nhận tư cách. Nếu không phải là hoạt động trinh thám thì chả dại gì mà giao dịch với người không đủ tư cách theo chuẩn mực nào đấy. Người cần có đủ tư cách, phải có đủ tư cách, buộc phải có đủ tư cách mà lại không có đủ thì sẽ là quá trình độc thoại, độc độc.
Liệu có việc từ bỏ danh xưng
Xã hội mặc nhiên những người có trách nhiệm với việc công cộng theo luật pháp và được hưởng những nguồn lợi từ ngân sách. Khi họ không hoàn thành chức phận đã có luật pháp soi chiếu để xã hội yêu cầu phải hoàn thành chức phận của mình. Điều đó là hiển nhiên, song còn một lớp người rất lớn về danh xưng với xã hội là những giáo sư, những tiến sĩ, họ được học đến tầm đỉnh cao có thể do chi phí của cá nhân, gia đình, và chắc chắn có một số rất lớn các giáo sư, tiến sĩ là những người được học lên đỉnh cao là do nguồn lợi ngân sách, nguồn lợi quốc gia, nguồn nhân dân đóng góp. Không có luật nào quy định giáo sư, tiến sĩ phải có những ý kiến đóng góp xây dựng xã hội. Trong thực tế có vô vàn những điều bất hợp lý, những điều ngang trái, trái pháp luật, trái đạo lý, trái thông lệ chung đã được những người không được hưởng gì từ nguồn lợi quốc gia, họ vất vả tự bươn trải trong khó khăn của cuộc sống, khi thấy có quá nhiều việc bất hợp lý, họ buộc phải lên tiếng và cũng đã phải chịu nhiều cay đắng với những sự thật mình đưa ra. Tất cả mọi người đều tìm một nơi an toàn tuyệt đối cho riêng mình chắc không khó. Bất cứ người điều hành xã hội nào cũng đều có thể mắc những sai lầm, có thể có những điều chưa nhìn thấy, ai là người thấy rõ nhất những khuyết tật của xã hội, chắc chắn trước hết là những giáo sư, những tiến sĩ. Những người có đủ điều kiện, đủ khả năng nhìn nhận một cách khách quan, công bằng và quan trọng hơn nữa là ứng xử, phản ứng lại với những ngang trái một cách có phương pháp, theo chuẩn mực, không phải là cách phản ứng tự nhiên, bột phát như những người dân thường. Và đã có rất nhiều những giáo sư, những tiến sĩ có tự trọng, bằng cách này hay cách khác cảnh báo cho người có trách nhiệm điều chỉnh cách điều hành xã hội theo hướng tích cực nhất, thực tế đã có rất nhiều điều chỉnh để phù hợp với phát triển, phù hợp cho tương lai đất nước. Rất nhiều những người có tự trọng này phải hy sinh quyền lợi bản thân, gia đình, hy sinh cả sự an toàn của mình để giữ cái danh dự đã được gắn với họ là giáo sư, là tiến sĩ. Liệu rồi có những người không thể làm được như thế, họ tuyên bố từ bỏ các chức danh đã có, họ thấy họ không đủ sức, không đủ lực, không đủ nhiệt huyết, không đủ điều kiện để làm những việc quá sức. Chắc chắn xã hội sẽ không trách móc gì họ, bởi không ai có thể ép người khác làm điều họ không mong muốn, không có khả năng. Nhưng xã hội lại đòi hỏi khi không có cái thực đó thì không được gắn cái danh đó kẻo gây lầm lẫn cho xã hội, mà sự lầm lẫn thì không ai muốn cả. Còm này không có tư cách gì để phân tích bình luận với những lớp người được coi là đạo cao đức trọng bậc nhất trong xã hội này, chẳng qua bột phát mà nói ra đấy thôi.
"Giặc khôn"
Hồ Chủ Tịch đã đưa ra mục tiêu: diệt "giặc dốt", bây giờ nhà nước tiếp tục mục tiêu này, chắc mọi người vẫn ủng hộ. Trong hiện thực, không chỉ tấn công vào cái dốt, mà những người có tầm vượt thời đại cũng bị diệt, diệt thực sự, chứ không phải chỉ là nghĩa bóng. Trước đây trong điều kiện chiến tranh, trong trào lưu cs thế giới đang là một thế lực mạnh, ở góc độ nào đó xã hội có thể có sự châm chước nhất định. Hiện nay có thể chấp nhận việc diệt, "diệt nhầm" người giỏi nào đó như ngài Nguyễn Mạnh Tường chẳng hạn, sau lại vinh danh người ta hay không? Bây giờ có cần phải hy sinh như thế không? Những người minh mẫn nhất hiện nay là những người nhìn rõ sự lãng phí về nguồn lực con người, nguồn lực, lợi thế đất nước, trong khi dân chúng nghèo khổ, lại còn bị hà hiếp. Nhà nước đã dần tiếp cận được với nền văn minh đương thời, đã xây dựng được những bộ luật tương đối tiên tiến, nhưng việc vận dụng luật, lợi dụng luật đang là vấn đề bức bối. Người giỏi, người có khả năng, có thể nói là người khôn ngoan, họ sẽ không bị nói gì nghe đó và đó là lý do loại họ ra khỏi khả vào những chức vị quan trọng của quốc gia. Đất nước đương nhiên bị diệt mất người cần có của mình. Người ta biết, người ta dựa vào pháp luật, vào đạo lý, vào thông lệ để phát biểu, tất nhiên phát biểu này bất lợi cho người làm sai luật, sai đạo lý, sai thông lệ, kể cả những điều luật đúng mà không hợp thời, thì thực hiện nó cũng là gây hại. Không phải lúc nào cũng xác định được cái ranh giới hợp lý cần dừng lại, và thế là đất nước lại bị diệt mất một lần nữa những người đáng sống trên đời này. Bao nhiêu cái bóng vô hồn chờ những con người đáng sống ở đời này thổi hồn cho có cuộc sống ý nghĩa, họ lại bị diệt. Diệt lần đầu tiên là lần không được cơ cấu vào vị trí quyết định đến vận mệnh đất nước, diệt lần thứ hai là diệt tiếng nói lương tri thay mặt xã hội mà cất lên và cũng là diệt họ luôn. Xã hội phải tiếp tục diệt "giặc dốt", nhưng đừng diệt "giặc khôn".
Không phải đi tắt mà là đi thẳng
Nếu tuần tự thì sau khi nhà cầm quyền xây dựng xong cơ sở kinh tế tư nhân của mình, lúc đó luật pháp theo mô hình tư sản sẽ được thực hiện triệt để như các nước phương tây hiện nay. Kinh tế tư nhân cần vốn, cần đất đai nhà xưởng, cần trang bị máy móc, nhưng cái quan trọng hàng đầu của kinh tế tư này vẫn là khả năng của con người. Thị trường có sự chọn lọc khắt khe, chỉ những người say mê, có hiểu biết, may mắn mới có thể tồn tại trên thương trường được. Thực tế vẫn diễn ra như vậy, một số dựa vào nhà cầm quyền để phát triển, một số là trực hệ của những nhà cầm quyền tham gia vào đời sống kinh tế hoặc chính trị. Làm việc công cộng ngoài say mê, có khả năng, có hiểu biết, có tâm huyết còn cần năng khiếu nữa. Hai vấn đề kinh tế và chính trị đều là vấn đề hóc búa, để tập dượt cho con cháu của những người cầm quyền thành thạo hai vấn đề này quả là khó, phải lấy nguồn từ ngoài xã hội mới bảo đảm chất lượng. Người cầm quyền chắc luôn tự tin theo con đường đã chọn, quyết tạo cho mình lớp người của mình, do mình, vì mình như vậy rồi sẽ xây dựng xã hội pháp quyền thực sự, mà người ta thường trì hoãn bằng câu nói, phải có lộ trình. Ngày hôm nay xét xử một luật gia, chắc chắn là luôn làm theo pháp luật và có độ đẩy cái không gian pháp luật theo hướng hợp lý, như ngôn ngữ thông thường là vượt rào, cái vượt rào này là vượt rào hợp quy luật, xã hội ta đã tiến lên nhờ nhiều cái vượt rào ấy. Cả xã hội đã ủng hộ cái vượt rào này, không thể chờ sau khi chết rồi mới vinh danh như như vinh danh ông Kim Ngọc được. Luật pháp phải được thực thi ngay, những không gian luật không phù hợp phải được nới rộng ngay, không thể chờ đợi được. Quyết định của tòa ngày hôm nay là một quyết định lịch sử đối với dân tộc Việt Nam.
Từ bỏ cái gì
Cách mạng Việt Nam với mục tiêu cuối cùng là "mọi người sinh ra ai cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do", lãnh đạo cách mạng đã làm tất cả những gì có thể làm được vì mục tiêu ấy. Toàn xã hội đã theo cách mạng, giúp cách mạng đạt mục tiêu ấy vì đó là mục tiêu của cách mạng nhưng cũng chính là mục tiêu của mình. Khi mọi người quan sát thực tế diễn ra, các mục tiêu ấy bị vi phạm nghiêm trọng, họ đã không hành xử như cách mạng trước kia là làm bất cứ điều gì để đạt mục tiêu, từ bạo động, ám sát,khủng bố, tổng tấn công; mọi người trên cơ sở luật pháp, đạo lý, những quy tắc được thế giới công nhận và tìm cách khắc phục ngay những gì bất hợp lý trước mắt ai cũng rõ, mà đáng lý người có trách nhiệm phải làm thì không làm, bỏ mặc, hoặc làm sai, làm không hợp lý, không làm thật, rồi biện ra đủ thứ lý do không ai chấp nhận được. Vậy mà tất cả đều bị xếp vào là thế lực thù nghịch, thế lực phản cách mạng. Ai đã phản lại mục tiêu của cách mạng "mọi người sinh ra ai cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do". Người bị đưa ra tòa phải chính là người đã phản lại mục tiêu này chứ không phải là người hành xử theo đúng luật pháp, đạo lý, thông lệ thế giới công nhận vì tương lai của đất nước này. Chính vì những mục tiêu cao đẹp đó mà những chiến sĩ cách mạng khi bị đế quốc mang ra xử án đều hiên ngang như chính là người đang xử án. Lịch sử sao lại có việc vòng vèo, mượn cái lý tưởng cao đẹp để có vị trí quyền lực để xét xử những người vẫn còn mang những lý tưởng cao đẹp ấy. Nếu vậy, phải có một lễ tuyên bố từ bỏ tuyên ngôn khai sinh ra chế độ này, trong đó có câu "mọi người sinh ra ai cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do", nếu không thì tuyên bố cắt đoạn này để mọi người biết, để không mang theo nó để mà tù tội, để mà phiền nhà chức trách.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)