Người theo dõi

5 thg 6, 2011

Tiếng dân


Ngày bầu cử đầu tiên - Kỳ 2: Tiếng dân trên báo


Ngay bau cu dau tien Ky 2 Tieng dan tren bao
Dù cả nước có tới trên 90% người mù chữ, nạn đói vẫn hoành hành, phương tiện và công nghệ truyền thông lạc hậu, thiếu thốn; nhưng không khí tự do, dân chủ, minh bạch và công bằng trên các tờ báo giấy đen, in viết thủ công cũng đủ thổi vào đời sống từ thành thị đến thôn quê một luồng cảm hứng chính trị nồng nhiệt, chân thành. Đó là cảm hứng của người làm chủ cuộc đời.

>> Kỳ 1: Thu phục thù trong giặc ngoài
“Bạn cố mà vận động đi”
Những tháng đầu năm 1945, báo chí cũng giống như mọi lĩnh vực khác đều trở nên nghèo nàn, uể oải bởi chiến sự, nạn đói và loạn lạc. Nhưng sau Cách mạng Tháng Tám, đặc biệt là khi sắc lệnh tổng tuyển cử được ban hành thì chưa bao giờ báo chí, nhân dân quan tâm đến chính trị như vậy. Các đảng phái, lực lượng ngoài Việt minh có khá nhiều ấn phẩm như Việt Nam, Thiết Thực, Đồng Tâm... thì Việt minh và các tổ chức dân chủ yêu nước có các báo Độc Lập, Cứu Quốc, Sự Thật, Cờ Giải Phóng... và các báo địa phương như Việt Nam Độc Lập của Việt Minh Cao Bắc Lạng. Các báo đều dành 80-100% lượng thông tin về tổng tuyển cử. Diễn đàn báo chí đăng tải đủ mọi quan điểm, vùng miền, tầng lớp, mọi giới quyền lợi xung quanh ứng cử và bầu cử.
Đặc biệt, Quốc Hội là tờ nhật báo duy nhất chuyên phản ánh, tuyên truyền cho tổng tuyển cử. Sứ mệnh của tờ báo này chỉ tồn tại đến khi kết thúc tổng tuyển cử. Báo mang tên Quốc Hội do ông Trần Hữu Tri làm chủ nhiệm, trụ sở tại 71 Hàng Trống, Hà Nội (địa chỉ của báo Nhân Dân ngày nay), giá bán 8 hào/tờ. Bình thường ra hai trang/số. Những số đặc biệt ra bốn trang. Báo ra tổng cộng 15 số, từ 17-12-1945 đến 6-1-1946 (thỉnh thoảng có ngày không xuất bản).
Mục đích của báo: định rõ giá trị tổng tuyển cử đối với người trong và ngoài nước; giải thích thể lệ tổng tuyển cử cũng như quyền hạn bổn phận của cử tri và giúp những người ứng cử một cơ quan vận động để giới thiệu khả năng, thành tích và chương trình của mình... Số đầu tiên, báo đã có bài hướng dẫn người tự ra ứng cử. Bài viết: “Bạn cố mà vận động đi! Vận động bằng bất cứ cách nào bạn thích: truyền đơn, biểu ngữ, báo chí, vô tuyến truyền thanh, diễn thuyết… Bạn cứ việc vận động một mình nhưng cũng không ai cấm bạn đi tìm mấy người nữa cùng ra ứng cử trong hạt của bạn... Muốn tất cả mọi công việc được dễ dàng bạn nên liên lạc với ủy ban vận động tuyển cử...”.
Chuyên mục cố định “Chúng tôi phỏng vấn” của báo Quốc Hội số nào cũng đăng bài trao đổi của phóng viên với 1-4 ứng viên. Những nhân vật được phỏng vấn thuộc đầy đủ các giới, lực lượng, tầng lớp. Các ứng viên đưa ra những quan điểm, chương trình kế sách khác nhau nhưng đều chung tâm nguyện: độc lập, đoàn kết và vì nhân dân. Các ứng viên rất thẳng thắn góp ý với dự thảo hiến pháp như: cắt bớt quyền hạn của chính quyền địa phương hay tăng quyền tự chủ của nhân dân. Nhà thơ Xuân Diệu nói: “Tôi sẽ bênh vực cái quyền bãi miễn của dân chúng. Có cái quyền ấy thì mới không ăn hiếp dân được. Không gì khả ố bằng sự ăn hiếp dân”. Phát biểu trên báo, ứng viên nào cũng nói về sở trường, thế mạnh của mình như về tài chính, chăn nuôi, kinh doanh thương mại, y tế, giáo dục... kèm theo những mong muốn có điều kiện giúp dân giúp nước.
“Muốn lo việc nước thì ra ứng cử”
Ngay bau cu dau tien Ky 2 Tieng dan tren bao
Nhật báo Quốc Hội ra 15 số để phục vụ tổng tuyển cử đầu tiên của nước nhà - Ảnh: Q.Thiện
Trên trang 2 báo Quốc Hội số 3 ra ngày 19-12-1945 trong mục thông báo có đoạn: Thể lệ phát thanh dành cho tất cả mọi người có nhu cầu tự vận động bầu cử trên đài phát thanh. Thời gian từ 5g30-6g30 mỗi buổi chiều. Bất cứ ứng viên nào cũng có thể tham gia, chỉ cần đăng ký và nộp tiền.
Ứng viên sẽ đem đến nhà đài các bài viết giới thiệu về mình hoặc về các chương trình kiến thiết quốc gia của mình và thuê đài đọc. Giá tiền 40 đồng Đông Dương/trang. Khổ giấy thương mại 21x27, chữ đánh máy cách nhau hai dòng. Trên nửa trang thì tính tiền cả trang. Dưới nửa trang cũng tính nửa trang. Bài phải qua kiểm duyệt (theo thể lệ vận động: không đả kích lăng mạ người khác, không phản lại quyền lợi dân tộc, tinh thần độc lập, dân chủ...). Đưa bài trước 24 tiếng để rao cho công chúng đón nghe... Nhà nghiên cứu Lê Mậu Hãn nói: đây là một trong những hình thức vận động bầu cử tiến bộ, dân chủ và công bằng nhất trên thế giới lúc đó.
Ngoài ra các ứng viên còn ra sức in truyền đơn, tổ chức các buổi tuần hành, mittinh, diễn thuyết, đối thoại với công chúng. “Toàn là những phương pháp lịch sự, nhã nhặn với một tinh thần rộng rãi, một ý nghĩa cao quí” (báo Quốc Hội số 5 ngày 21-12-1945). Bất cứ một dấu hiệu thiếu minh bạch hay thiếu công bằng nào cũng có thể bị phát giác và đả kích. Trên các diễn đàn tranh cử cũng luôn nóng bởi những cuộc tranh luận. Tinh thần “Hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử” được Hồ Chủ tịch hiệu triệu thấm nhuần đến tất cả những nhà cách mạng, nhân sĩ trí thức, kỳ hào và cả những người giới cần lao...
Mặc dù dân trí, công nghệ và các phương tiện vận động hết sức đơn giản thô sơ nhưng tỉnh nào cũng có số ứng viên gấp rất nhiều lần tỉ lệ trúng cử. Chủ yếu là người tự ứng cử. Hà Nội lấy sáu đại biểu thì số người ứng cử tới 47. Kiến An lấy 7 thì ứng cử 60. Hà Nam lấy 7 thì cũng ứng cử 52. Và vì vậy Quốc hội đầu tiên của VN đã có 333 đại biểu và 43% số đó là những đại biểu không thuộc đảng phái nào. 57% còn lại thì cũng đại diện cho nhiều đảng phái khác nhau. Chính Quốc hội khóa này, những vị đại biểu này đã trực tiếp chèo lái con thuyền đất nước vượt qua muôn trùng sóng gió buổi khai sinh để đi đến hôm nay.
Ngay bau cu dau tien Ky 2 Tieng dan tren bao
Cử tri Hà Nội xem danh sách và tiểu sử ứng cử viên trong ngày bầu cử Quốc hội 6-1-1946 - Ảnh tư liệu
Ngày 10-12-1945, danh sách ứng cử viên khu vực Hà Nội được niêm yết rộng rãi. Trong danh sách, Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng thứ hai sau cụ Nguyễn Văn Tố. Tất cả có 74 ứng cử viên, chọn lấy sáu đại biểu. Một điều bất ngờ với Chủ tịch Hồ Chí Minh là trước ngày tổng tuyển cử, tại Hà Nội, 118 chủ tịch các ủy ban nhân dân và tất cả các đại biểu làng xã tại Hà Nội đã nhất trí công khai một bản kiến nghị yêu cầu cụ Hồ Chí Minh được miễn phải ứng cử trong cuộc tổng tuyển cử vì Cụ đã được toàn dân suy tôn là Chủ tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Đáp lại nguyện vọng trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư trả lời đồng bào: “Tôi rất cảm động được đồng bào quá yêu mà đề nghị: tôi không phải ra ứng cử, đồng bào các nơi khác khắc cử tôi vào Quốc hội. Nhưng tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của cuộc tổng tuyển cử đã định. Tôi ra ứng cử ở Hà Nội, nên không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa. Tôi xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới”.
Chiều 5-1-1946, Bác đến khu học xá (nay là Trường đại học Bách khoa Hà Nội) cùng các ứng cử viên gặp gỡ cử tri. Hôm ấy, trước đông đảo quần chúng có mặt, Bác nói với các ứng viên: “Vừa rồi đây, ta vừa giành được độc lập. Một số ít người đã quên cái công khó nhọc của dân chúng. Ta đã phải hi sinh nhiều mới có cái quyền cầm lá phiếu ngày nay đó”. Bác nhắc nhở các ứng cử viên: “Làm việc nước bây giờ là hi sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ đến lợi chung”. Hướng về các cử tri, Bác căn dặn: “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai, không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy”.
Hơn 90% tổng số cử tri đã tham gia cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước nhà.
(Nguồn: TTXVN và tư liệu của đồng chí Vũ Kỳ)
QUANG THIỆN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét