Lá phiếu trong khói lửa
Ngày bầu cử đầu tiên (Kỳ: 3)
Nhân dân Nam bộ đi bầu cử ngày 6-1-1946 - Ảnh tư liệu |
Lá phiếu thấm máu
26 tuổi, tôi rời Trường Luật ở Hà Nội, trở về miền Nam với gánh nặng của lời thề tại đền thờ vua Hùng ở miền Bắc. Tôi nhớ ngày ấy, luật sư Dương Đức Hiền (sau này là bộ trưởng Bộ Thanh niên trong Chính phủ Hồ Chí Minh) đã gióng 10 tiếng chuông lễ và trịnh trọng đọc lời thề: “Thề trước vong linh tổ tiên rằng TS chúng tôi nguyện tiếp tục sự nghiệp cứu nước của cha ông, không hề lùi bước trước cạm bẫy, đàn áp của quân cướp nước”. Cho tới tận bây giờ, tôi không thể nào quên cảnh hàng ngàn học sinh, sinh viên đã cúi rạp người lên tiếng: “Xin thề!” vang vọng cả núi rừng. Gánh nặng trên vai ấy càng nặng hơn khi tôi trở thành ứng cử viên đại biểu Quốc hội trong đợt tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa mới thành lập.
Chứng nhân lịch sử: ông Huỳnh Văn Tiểng sinh năm 1920, đắc cử đại biểu Quốc hội năm 1946, là thành viên liên tục năm khóa của Quốc hội từ năm 1946-1975. Ông là giám đốc đầu tiên của Đài truyền hình TP.HCM - Ảnh: T.Hùng
|
Trưởng ban tổ chức tổng tuyển cử thành phố Sài Gòn lúc bấy giờ là anh Nguyễn Văn Tư, anh em còn gọi là Tư Carê, vốn là công nhân Hãng Ba Son, ủy viên ban lãnh đạo Công đoàn Sài Gòn, ủy viên Ủy ban kháng chiến nội thành Sài Gòn.
Ngày đó, ban tổng tuyển cử sau khi bàn bạc, quyết định công tác tuyên truyền sẽ được chia làm hai địa bàn với tính chất khác nhau. Địa bàn thứ nhất gồm các vùng ngoại thành: Vườn Thơm, Gò Xoài, Bình Chánh, Bình Xuyên, Bà Quẹo, Bà Điểm, Thủ Đức, An Phú Đông, Nhà Bè... Khu vực này chính quyền cách mạng làm chủ, có thể chủ động tổ chức tuyên truyền ngày cũng như đêm về thể lệ, yêu cầu về mục đích ý nghĩa của một cuộc tổng tuyển cử. Người dân ngoại thành ồ ạt đăng ký vào danh sách cử tri. Ban tổ chức lập ra nhiều tiểu ban kiểm tra các phòng phiếu.
Những đợt bỏ phiếu liên tục bị ngắt quãng vì những trận càn quét dưới đất và trên không. Cuộc phổ thông đầu phiếu vùng ngoại thành diễn ra suốt ngày đêm 6-1-1945, như một “phép thử” đối với chính quyền cách mạng còn non trẻ của vùng ngoại thành Sài Gòn.
Địa bàn thứ hai, địa bàn khó nhất, là nội thành Sài Gòn. Bởi chúng tôi biết Sài Gòn những ngày bị tái chiếm là họng súng, lưỡi lê, là mạng lưới mật thám sẵn sàng rình rập, bắt bớ ngăn cản, thậm chí ám sát các đại biểu để có thể chặn đứng cuộc tổng tuyển cử đầu tiên. Tuy du kích nội thành hoạt động sôi nổi để “trừ gian, diệt tề” và gần như làm chủ thành phố về đêm và được sự hỗ trợ của lực lượng du kích ngoại thành từ miền Tây, miền Đông, Bình Xuyên..., nhưng đó là những cuộc chiến thoắt ẩn, thoắt hiện và về mặt chính thức, ban tổ chức tổng tuyển cử không thể mở những cuộc tuyên truyền rộng lớn như ngoại thành.
Trong bối cảnh đó, cán bộ ban tổ chức len lỏi từng gia đình giải thích ý nghĩa, mục đích của tổng tuyển cử và vận động đồng bào nội thành đến tham gia sinh hoạt ở các vùng ven đô. Sau đó, ban tổ chức bí mật đưa các đoàn đại biểu nội thành qua các vòng vây của đối phương ở Phú Thọ, Bà Quẹo..., để qua các vùng đầm lầy của khu vực nông trường Lê Minh Xuân, Phạm Văn Cội bây giờ để đến với An Phú Đông.
Và máu đã đổ. Những cuộc phục kích, bố ráp của quân đối phương đã diễn ra. Có những chuyến đi trót lọt, nhưng chuyến về trở thành những giao tranh đẫm máu. 37 cán bộ ban tổ chức bầu cử đã ngã xuống để bảo vệ những thùng phiếu và những cử tri của mình. Và anh Tư Carê cũng đã ra đi trong ngày gần cuối của đợt bầu cử. Lá phiếu đã thấm đượm nhiều máu, cái giá của độc lập chủ quyền được trả bằng máu của đồng đội, bạn bè tôi.
Ở tuổi 26, tôi đã trở thành một trong những nghị viên đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Kế sách Hồ Chí Minh
Anh Hoàng Quốc Việt thúc giục liên tục: Chuẩn bị lên đường, chuẩn bị lên đường gấp! Vừa bỏ xong lá phiếu của ngày 6-1-1946, chúng tôi lên đường ra Bắc. Nhiệm vụ của những ứng cử viên miền Nam ngoài chuyện bảo vệ bản thân mình khỏi những âm mưu ám sát, bắt cóc của đối phương còn phải có mặt kịp thời tại miền Bắc sau khi có kết quả bầu cử. Chúng tôi phải có mặt tại Hà Nội để chứng minh có một Quốc hội hợp pháp đại diện cho cả dân tộc VN đã được người dân Việt bầu chọn. Đại biểu Nam bộ sẽ là một minh chứng hùng hồn nhất về Quốc hội của nước VN thống nhất.
Ngoài đại biểu Tôn Đức Thắng đi bằng thuyền, những người còn lại trong đoàn của Sài Gòn đi bằng đường bộ. Chúng tôi phải sử dụng toàn bộ các phương tiện có được, từ đi ngựa, đi bộ, đi voi, thuyền... vượt qua rừng sâu núi cách để bằng mọi giá phải về tới Hà Nội đúng ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội đầu tiên. Lúc đầu, chúng tôi đi thuyền. Có đoạn ở cực Nam Trung bộ phải đi bằng ngựa, voi, có lúc bị cọp Khánh Hòa rình rập, nhiều lần bị phục kích ở Quảng Nam, Thừa Thiên.
Từng có hàng chục ngày, anh em trong đoàn sống bằng gạo muối và rau tàu bay. Ra đến Hà Nội, tất cả bị sốt rét. Tôi không dự được ngày họp đầu tiên của Quốc hội. Đến lần họp sau (15-3-1946), tôi đại diện cho đại biểu miền Nam đứng lên tố cáo việc Pháp chiếm đóng trái phép Nam bộ và việc chỉ định 70 đại biểu của Việt Nam quốc dân đảng và Việt Nam cách mạng đồng minh hội vào Quốc hội mà không qua bầu cử. 26 tuổi, tôi - một trí thức trẻ - đầy ắp nhiệt tình và hết sức hùng biện.
Sau cuộc họp, tôi được Bác Hồ gọi lên và chắc mẩm mình sẽ được khen vì bài hùng biện. Không ngờ, Bác nói đơn giản: “Chú nói rất tốt nhưng phải lưu ý kiểm tra được những điều mình đang nói!”. Tôi bối rối: “Thưa Bác, tất cả những điều đó cháu đã bàn bạc với đoàn trước khi nói”. Bác bảo: “Biết rồi, nhưng ta có thể nói một cách khác mà!”. Tôi hỏi cách nào, Bác lúc đó đứng cách tôi 2m, cầm lấy cây viết chì của Người rồi bất ngờ quăng vào bụng tôi. Tôi giật thót người. Bác cười: “Đó là cách thứ nhất. Và đây là cách thứ hai”. Người nhặt cây bút chì lên, đưa tận tay tôi: “Hãy cầm và đưa trong yên ổn, hòa bình!”. Tôi bừng tỉnh trong một cảm giác có chút xấu hổ và tự hào được Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy cho một bài học đầu tiên về ứng xử trong thời cuộc đầy thách thức.
Một hiện tượng chính trị đầu năm 1946 ở Sài Gòn (sau khi bị thực dân Pháp tái chiếm 3-4 tháng) là Ủy ban hành chính thành phố (đóng ở ngoại ô tây nam) đã tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. 40.000 cử tri nội thành đã bỏ phiếu bầu những đại biểu xứng đáng: Tôn Đức Thắng, Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Văn Trấn, Hoàng Đôn Văn, Nguyễn Văn Tư. Không có phòng bỏ thăm cố định cho mỗi khu phố nhưng ở khu phố nào, kể cả các khu phố trung tâm, đều có cán bộ chiến sĩ đem thùng phiếu tới nhà, tới ngõ cho đồng bào bỏ thăm. Cả Sài Gòn - Chợ Lớn có hàng trăm thùng phiếu như vậy. 42 cán bộ, chiến sĩ ở Sài Gòn - Chợ Lớn đã hi sinh.
(Nguồn: Địa chí văn hóa TP.HCM và 60 năm Quốc hội Việt Nam 1946-2006, NXB Thông Tấn 2006)
|
HUỲNH VĂN TIỂNG (Nguyễn Văn Tiến Hùng ghi)
Khói lửa chiến tranh lan thành hình vòng cung từ Vĩnh Long đến tận Cần Thơ. Bên kia đường là đối phương chiếm đóng ngày đêm, bên này đường người ta kéo nhau đi bầu cử. Ai cũng muốn tận tay mình bỏ phiếu cho nền dân chủ Việt Nam.
Kỳ tới: Bầu cử ở miệt cù lao
http://vietbao.vn/Phong-su/La-phieu-trong-khoi-lua/40201614/263/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét