Người theo dõi

5 thg 6, 2011

Thù trong giặc ngoài




Kỳ 1: Thu phục thù trong giặc ngoài


7g sáng 6-1-1946, tiếng trống, chuông, chiêng... cùng vang dậy khắp Hà Nội, báo hiệu ngày hội tổng tuyển cử đầu tiên của dân tộc VN bắt đầu. Tại miền Nam, người dân cũng nô nức tham gia ngày bầu cử theo lời ca giục giã vang khắp mọi nơi: “Hãy ra bầu cử, người công dân nước Nam. Hãy ra bầu cử, nghị viện của mình...”.
Các lực lượng chống đối ra sức phá hoại, nhưng trước khí thế ngùn ngụt của những con người đòi được quyền làm người, mọi thế lực ngăn cản đều thất bại.
Ky 1 Thu phuc thu trong giac ngoai
Cổ động cho kỳ bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên tại Hà Nội - Ảnh tư liệu
Để tiến hành tổng tuyển cử, chính quyền nhân dân tuy non trẻ nhưng phải đối mặt với rất nhiều thù trong giặc ngoài. Sách lược ứng phó khôn khéo duy nhất đúng lúc đó là: giương cao ngọn cờ đoàn kết, tất cả vì mục tiêu độc lập dân tộc.
Vượt qua khó khăn
Giáo sư Lê Mậu Hãn nhớ lại: Trên các tuyến đường lớn từ phía Bắc đổ về Hà Nội rầm rập gót chân của 20.000 quân Tưởng. Phía Nam, quân Pháp đã quay lại nổ súng. Hàng vạn quân Nhật vẫn còn vũ khí đang đồn trú tại VN. Tại Hà Nội, nhiều đảng phái chính trị chống chính phủ nhân dân ra đời. Đặc biệt là lực lượng Việt Nam quốc dân đảng (Việt Quốc) do Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam cầm đầu và Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Việt Cách) do Nguyễn Hải Thần nắm giữ. Một số vùng như Yên Bái, Vĩnh Yên, Móng Cái đã bị họ chiếm giữ. Các tờ báo, truyền đơn chống phá Việt Minh được phát tán khắp nơi. Luận điệu đòi loại bỏ các bộ trưởng là đảng viên cộng sản khỏi Chính phủ mới được đẩy cao.
Đường phố Hà Nội lúc này chưa hết những đoàn hành khất rách rưới, vạ vật. Khắp các thôn làng xơ xác, tiêu điều. Hơn 2 triệu người VN đã chết vì đói ăn. Đây là một trong những tàn tích rùng rợn nhất của chế độ cũ để lại. Chính phủ nhân dân đã ra đời nhưng lại chưa được quốc tế công nhận. Để tập hợp được sức mạnh toàn dân và thực hiện bất cứ nhiệm vụ gì, chính phủ mới cần phải chính danh, điều đó nghĩa là Chính phủ phải được Quốc hội bầu, và Quốc hội phải do dân bầu.
Ky 1 Thu phuc thu trong giac ngoai
Mittinh vận động cứu đói tổ chức trước Nhà hát lớn Hà Nội. Hàng ngồi đầu tiên từ trái sang phải: cụ Nguyễn Văn Tố (nhân sĩ), tướng Mỹ Gallager (đại diện lực lượng Đồng minh), Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố vấn Vĩnh Thụy, cụ Ngô Tử Hạ (nhân sĩ) - Ảnh tư liệu
Để nhân dân thật sự được hưởng quyền tự do, dân chủ thì đất nước phải có hiến pháp. Tại phiên họp đầu tiên của chính phủ lâm thời ngày 3-9-1945, Hồ Chủ tịch đã nói: chính phủ phải tổ chức tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu càng sớm càng tốt. Năm ngày sau, sắc lệnh về tổng tuyển cử được ban hành: công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên được tự do bầu cử và ứng cử; thành lập ủy ban dự thảo thể lệ, hiến pháp, các sắc lệnh...
Quân Tưởng và các lực lượng Việt Quốc, Việt Cách ra sức công kích, xuyên tạc trên các diễn đàn thông tin, kèm các hành vi bạo động nhằm phá hoại tổng tuyển cử. Hồ Chủ tịch và chính phủ lâm thời xác định cuộc tổng tuyển cử này còn là cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh nhân dân hết sức cam go. Các chính sách đối nội, đối ngoại, cứng rắn, mềm dẻo đòi hỏi linh hoạt cao.
Chính phủ mới ra đời đã chủ động hòa giải với tướng Tiêu Văn (quân Tưởng) và Việt Cách thông qua bản Thỏa ước đoàn kết và hợp tác ngày 23-10-1945. Nhưng ít ngày sau, Nguyễn Hải Thần tự xé bỏ. Chính phủ lần thứ hai chủ động thảo luận với họ. Họ đòi thay quốc kỳ, lập lại chính phủ, xóa bỏ chế độ ủy ban nhân dân... Việt Quốc thì đòi nắm giữ bộ Nội vụ, Tài chính, Kinh tế, Giáo dục, Quốc phòng, Thanh niên; đòi hoãn tổng tuyển cử và đòi chia 1/3 số ghế Quốc hội, tương đương ghế của Việt Minh....
Ngày 19-11-1945, ba phái Việt Minh, Việt Quốc và Việt Cách cùng tướng Tiêu Văn nhóm họp dưới sự chủ trì của Hồ Chủ tịch đã tìm ra được tiếng nói chung. Mấy ngày sau, văn bản mang tên “Đoàn kết tinh thành” được ba phái chung bút ký. Nhưng tình hình chỉ thật sự dịu đi khi Hồ Chủ tịch tiếp tục thương lượng thêm nhiều bước để ba phái đồng tình với văn bản Biện pháp đoàn kết với ba điều quan trọng nhất là: Độc lập, đoàn kết trên hết; ủng hộ tổng tuyển cử và đình chỉ công kích lẫn nhau. Tổng tuyển cử lúc này mới có thể bắt đầu.
Ngày 6-1-1946, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên diễn ra trên đất nước VN. Lần đầu tiên trong lịch sử, mọi người dân VN từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam, nữ đều được hưởng quyền bầu cử và ứng cử Quốc hội. Hơn 90% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu. Nhân dân cả nước đã bầu 333 đại biểu vào Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng cử ở Hà Nội và đã trúng cử với số phiếu cao nhất là 98,4%.
(Nguồn: Chính phủ VN 1945 - 2003, NXB Thông Tấn 2004)
Chung tay lo việc nước
“Lịch sử nhân loại có thể phải kinh ngạc trước cuộc cách mạng ở một dân tộc nhỏ bé hàng trăm năm nô lệ với 90% dân mù chữ và vừa trải qua một nạn đói khủng khiếp đến mất tính người - giáo sư Lê Mậu Hãn nhận định - Tôi không bàn về ý nghĩa của cách mạng mà nói về một hành vi ứng xử của cách mạng”. Đó là việc Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại) ứng cử đại biểu Quốc hội và được làm cố vấn Chính phủ lâm thời - một vị vua của chế độ cũ lại được trở thành thành viên cao cấp của bộ máy lãnh đạo mới, được phép thành người đại diện của dân chúng, sau khi ông đã thoái vị làm thường dân. Đây là một trong những minh chứng về tinh thần dân chủ và đại đoàn kết dân tộc vô cùng cao quí của chính quyền cách mạng.
Ngay sau ngày đọc Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chủ tịch đã quyết định mời tất cả những người ngoài Mặt trận Việt Minh cùng đứng chung danh sách ứng cử với quan điểm: dân chủ và tôn trọng người tài năng, đoàn kết mọi lực lượng yêu nước, thiện tâm với quyền lợi dân tộc. Hồ Chủ tịch nói: “Hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia trai gái, giàu nghèo, nòi giống, giai cấp, đảng phái...”.
Khi soạn thảo các văn kiện quan trọng trực tiếp ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia và quyền dân chủ, Hồ Chủ tịch đều thành lập những ban soạn thảo có đủ mọi thành phần, đảng phái miễn là người có tài, có tâm với dân tộc. Ủy ban dự thảo hiến pháp gồm bảy người thì có cả những nhân vật ngoài Việt Minh như Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai. Ủy ban dự thảo thể lệ tổng tuyển cử gồm chín người thì có đại diện đủ cả các giới, các ngành.
Đến ngày 4-1-1946, Hồ Chủ tịch viết thư gửi đồng bào VN ở Lào và Xiêm (Thái Lan) kêu gọi những người Việt xa quê đoàn kết một lòng và không ngừng hướng về Tổ quốc. Kết quả của tinh thần đó đã thể hiện trong Quốc hội đầu tiên của dân tộc là một cơ quan hội tụ đầy đủ nhất những người ưu tú, tài đức thuộc mọi tầng lớp, lứa tuổi, tôn giáo vùng miền, không phân biệt đẳng cấp, quan điểm, văn hóa nhưng đều chung tinh thần đoàn kết, lý tưởng độc lập, dân chủ. Đó là các nhà cách mạng lão thành từng bôn ba hải ngoại như Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng... đến những trí thức trẻ đầy nhiệt huyết như Nguyễn Đình Thi.
Các thương gia như Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô đến các nhà văn hóa như Nguyễn Văn Tố, Đặng Thai Mai, Hoàng Đạo Thúy... Các tôn giáo như linh mục Phạm Bá Trực, thượng tọa Thích Mật Thể, chưởng quản Cao Triều Phát (Cao Đài) cùng các đảng phái chính trị như Bồ Xuân Luật, Trương Trung Phụng...
QUANG THIỆN

3 nhận xét:

  1. "Đoàm kết, đoàn kết, đại đoàn kết
    Thành công, thành công, đại thành công"

    Trả lờiXóa
  2. ai đủ tin cậy để người ta Kết vào đấy Bác ơi

    Trả lờiXóa
  3. Không khéo "đoàn kết là chết chùm" thì khổ.

    Trả lờiXóa