Bây giờ người ta quan niệm Chữ Nho là một thứ văn tự lỗi thời, thuộc về
thời quá khứ, nay cứ đem ra làm trò cười cho thiên hạ. Nhưng nếu chúng ta nhận
một số sách Nho làm Kinh điển, thì nhất định chúng ta phải học chữ Nho .
Thưa là vì chữ Nho có liên hệ với nước ta. Thiếu chữ Nho không thể hiểu
trọn vẹn tiếng Việt. Đó là lý do đúng nhưng tuỳ phụ. Bởi vì có biết
bao nhiều người không học chữ Nho, mà vẫn hiểu tiếng Việt, và viết văn Việt còn
hay hơn những người biết Nho là khác. Ngoài ra còn phải ghi nhận tính chất bật
rễ của lý lẽ trên, tức là nhấn mạnh đến văn chương ngôn ngữ, đó là theo Tây,
đặt ngôn Từ ( lời ) trên hết, ngược hẳn với Đông phương đặt Ngôn Từ ( lập
Ngôn ) xuống hàng ba sau Thành Công ( lập Công ) và Thành Nhân ( lập Đức
). Thực ra nếu chỉ nhằm có mục đích hạn hẹp về ngôn từ, thì bỏ Nho là
phải. Vì không có chữ Nho tiếng Việt vẫn có thể phong phú cách này hay cách
khác, và công nghệ, kỷ nghệ vẫn tiến như thường, nên đứng về hai mặt này thì
tiếng Anh giúp ta nhiều hơn chữ Nho.
Vậy lý do đưa chữ Nho vào phải lấy từ đợt nhất là “ lập
Đức ” tức là thành Nhân và ở đây thì tiêu chuẩn phải đổi. Ở thành Công cũng như
học viết học đọc thì sự mau lẹ là nhất, nhưng ở thành Nhân lại phải chú trọng đến
sự sâu xa, thâm trầm giàu chất rung cảm lay động tới nền móng vô thức con người
Việt Nam chúng ta, và lúc ấy thì chữ Nho trở thành cần thiết, không thể lấy
Chuyển Tự thay thế, và dù có khó học đến đâu cũng phải học và còn nên coi đó
như một may mắn lớn lao cho nền văn hoá nước nhà. Bởi vì một tác phẩm càng
khó thì càng có sức giáo hoá mạnh, vì nó đòi phải có nhiều tập trung tinh thần
và nhờ đó dễ có tư tưởng. Và đấy là chỗ lợi hại của Tử ngữ hơn Sinh ngữ.
Sinh Ngữ học đâu hiểu đó liền. Tử ngữ bắt người học phải tìm ý
tưởng qua gốc tiếng, hay mối liên hệ với toàn bích và đấy là dịp cho các học
giả trở nên sâu xa trong khi tìm ý nghĩa ám hợp nhất trong rất nhiều ý tưởng
gợi lên do một tiếng.
Chính vì thế một nền văn hoá sâu xa bó buộc phải có hai
loại ngôn ngữ: một thứ thông dụng hàng ngày trong công việc làm ăn, cũng như
trong công việc truyền thông mọi ý tưởng từ công nghệ kỷ nghệ lên tới đạo lý và
đó là chữ quốc ngữ hoặc là chuyển tự, và chuyển tự đã chơi vai trò đó một cách
tuyệt vời.
Xét trong thế giới đố ai tìm đâu ra chữ dễ đọc hơn Thông
ngữ Việt. Ta ghi ơn những người có công thiết lập ra lối văn tự này. Tuy
nhiên ta phải nhận thức rằng Thông ngữ mới chỉ nắm vai trò vòng ngoài gắn liền
với lý trí giác quan rõ rệt và dễ dàng.
Thế nhưng nếu nền giáo dục chỉ có những cái dễ dàng minh
bạch, khúc chiết, thì nền giáo dục đó làm cho con người học chóng trở thành bì
phu thiển cận, hời hợt, bởi “ dễ học thì cũng dễ quên ” : “ easy come.
easy go ”.
Vì thế, mà cần một lối văn tự khác, một ngôn ngữ khác để
chuyên chở những cái sâu xa, những di sản sơ nguyên của dân tộc. Vì là sơ
nguyên ( primitif ) nên cũng là tối hậu ( irréductible ), vì nối liền với
nền minh triết tiềm thức ( subconscient Wisdom ), tức là cái u linh, cảm nhiều
mà nói ra rất khó, vì nó gắn liền với niềm vô thức, cần một ngôn ngữ thiếu
đường viền, với những bờ cõi nhập nhằng trồi sụt giữa các loại từ với một
ngữ pháp lỏng lẻo . . . , và với ta đó là chữ Nho .
Nho là thứ chữ của Minh triết, của tiềm thức hơn bất cứ
cổ ngữ nào trong nhân loại, nên bất cứ cổ ngữ nào cũng đều đã trở thành tử ngữ,
chỉ riêng chữ Nho là trở thành Linh Ngữ Linh Tự, tức vẫn sống mạnh và đầy uy
lực đầy cảm xúc như bất cứ nhà nghiên cứu nào cũng nhận ra. ( chẳng hạn xem Granet : Pensée chinoise
, trang 36 , 39 , 62 )
Vì thế ta phải coi chữ Nho là một đặc ân mà ít dân tộc nào có được. Mà cũng
vì không có, nên văn hoá của họ chỉ có Sinh ngữ và Tử ngữ. Tử
là chết nghĩa là không gây ảnh hưởng vào việc định hướng đời sống văn hoá hiện
tại là bao nhiêu. Và vì thế mà văn hoá thiếu mất chiều sâu. Cho nên văn
hoá nước nhà nằm trong miền ảnh hưởng của chữ Nho là một ân huệ, và ta cần khai
thác triệt để ân huệ đó.
Vì thế ta sẽ coi chữ Nho là cơ sở vòng Trong căn để Minh
triết, còn Thông ngữ ở vòng Noài thuộc thành công, văn học, văn nghệ, văn
chương. Nhờ có hai ngôn từ như thế nền văn hoá nước nhà có khả năng trở
thành phong phú sâu xa với một cơ sở tinh thần rất mạnh mẽ. Và lúc đó văn hoá
nước nhà mới có Linh Tự ( hiéroglyphe ) làm căn để cho Linh Ngữ , mà Linh
Ngữ là chìa khoá mở vào kho vàng tiềm thức bao la, thiếu nó thì một nền văn hoá
có xán lạn đến mấy cuối cùng cũng không đủ sức quyến rủ được con người muôn
thuở.
Vì nếu chỉ có sức quyến rủ hay đúng hơn chỉ có ơn ích cho con người phải
sống trong xã hội, phải ăn làm nói năng, phải thành công, phải giải trí thì
chưa đủ . . . , vì phần sâu xa nhất là tính bản nhiên con người
chưa có chi đáp ứng. Cái đó là việc của Linh Ngữ Linh Tự.
Chính vì thiêu Linh Ngữ mà văn hoá Tây Âu tuy rất phong phú dồi dào nhưng
không vượt qua nổi trình độ du hí ( tuồng kịch , tiểu thuyết . . . ) ,
không sao vươn tới nổi triết lý . . , để đến nỗi “ vất cho ăn nó vẫn
chưa no ”. Đó chỉ là câu nói tàn nhẫn, nhưng rất thật vì chúng ta chưa hề
thấy có những chiến sĩ hi sinh hiến thân tâm cho nền văn hoá đó, ví là nền văn
hoá duy Trí, duy Chí (volonté ) nên quá hời hợt. không thể lôi cuốn được con
người có cả vòng trong là Tiềm thức mênh mông vô bến. Cũng vì thiếu vòng
Trong nên giáo dục Tây Âu đặt trọn vẹn trên Lý Trí và Ý Chí mà thôi, thiếu hẳn
một dung cụ, đào sâu vào cõi vô thức ( xem vocation sociale của Gurvitch I. 148
) .
Nền giáo dục nước ta nay gọi là vong bản, chính vì cũng chỉ có thành công
và du hí : văn chương, tiểu thuyết, văn học, triết học.
Muốn có phần Tâm linh thì Tây phương hình như bất lực, không phải vì họ kém
ai, chỉ vì họ đã không may không còn Linh Ngữ nữa. Ngược lại với Việt Nam,
muốn cho nền giáo dục bớt bì phu, thì chỉ có việc đưa Nho trở lại chương trình.
Một khi đưa Nho vào là có một lợi khí thống nhất. Thống
nhất với tiên Tổ xa xưa, thống nhất với các thế hệ hai ba ngàn năm sau sẽ có
một chuyển ngữ khác, và khó lòng hiểu được tiếng nói Việt Nam hiện
tại. Nhưng về Linh Tự thì lại cũng học một thứ chữ Nho như tiền nhân và
cũng như ta nay, thành ra trong cái biến thiên là Chuyển Ngữ của mỗi đời lại có
một Linh Ngữ đời đời giống nhau để làm mối liên lạc văn hoá ràng buộc các thế
hệ với nhau theo hàng dọc đặng làm xương sống bơm sinh khí là hàng ngang là văn
hoá mỗi thời. Cái bí quyết làm cho văn hoá Viễn Đông mạnh mẽ sâu xa là ở
đó: ở chỗ không những có tiếng nói cho cá nhân mỗi thời mà còn có tiếng nói cho
dân tộc trải qua mọi đời.
Muốn cho được ơn ích trên chúng ta cần phải bàn xem nên dạy chữ Nho cách
nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét