2- Dạy Nho cách nào?
Điều này tối quan trọng, vì có những cách dạy chữ Nho mà vẫn bật rễ như
thường.
Ta hảy thử kiểm điểm xem có bao nhiêu lối học chữ Nho. Thưa có ít
là ba lối:
a.- Một là học như một Sinh Tự
b.- Hai là học theo lối Sinh Tự, Sinh Ngữ
c.- Ba là học như là Linh Tự, Linh Ngữ.
Học như sinh tự là của người Tàu, họ đã biết Sinh
Ngữ rồi, không cần học lắm nữa, nay chỉ học thêm mặt chữ, vậy gọi là
Sinh Tự.
Người ngoại quốc muốn học chữ Tàu phải học cả Sinh Tự lẫn Sinh
Ngữ, nghĩa là học cả chữ lẫn tiếng.
Còn lối giáo dục khi được đưa Nho vào thì cốt yếu dạy
theo lối Linh Tự, Linh Ngữ, nghĩa là học Nho là học cái Đạo làm Người, mà
Tiên Tổ đã bao đời kinh nghiệm tích lũy lại. Nói cụ thể là lấy ngay những
sách đã được tuyển chọn làm sách dân tộc làm kinh điển để dạy. Dạy như thế
trước hết là nhắm vào nội dung, rồi mới đến mặt chữ. Mặt chữ phải giúp vào việc
duy trì nội dung. Nên khi học Nho theo lối linh tự linh ngữ thì khi học xong
người học đã được truyền thụ lại cho một nền đạo lý của Tổ Tiên, có thể dùng
làm mối dây để xỏ thêm các sự hiểu biết mới, thành ra phong phú tới đâu cũng có
một tiêu điểm để hướng tới, rồi có thể làm cho thêm phong phú, như thế là có
tiêu điểm để y cứ, để khỏi vật vờ và nhờ đó trở nên mạnh mẽ. Đó là mục
tiêu tối hậu của giáo dục.
Nói khác đi khi dạy Nho theo Linh Tự hay Linh Ngữ là người dạy đã làm tôn
hẳn giá trị của chữ Nho lẫn giá trị người dạy, ngược lại dạy khi dạy theo lối
Sinh Tự Sinh Ngữ chỉ là việc của nhà chuyên môn, hiện nay không mấy cần thiết.
Xin ghi nhớ rằng lối dạy này là đi từ tổng quát tới phân
tích là lối được nền giáo dục mới đang khám phá ( Méthode globale idéovisuelle
của Decroly ), bắt đầu dạy thuộc lòng câu sách, rồi sau đến nhận mặt chữ, ít
năm sau đến ngữ luật, rồi ít năm sau lại đến ý tứ sâu xa. Đó là lối đi từ tổng
quát thị giác đến ý nghĩa: rất hợp tâm lý vậy.
Mặt khác đem Nho giáo mà dạy cho các em là đặt các em vào trong thế
giới ngôn ngữ của tiềm thức ( substract linguistique
inconscient ) với những danh từ không bị quy định để quyện theo sức mạnh của
cảm xúc, rất dễ giúp đi vào vùng tiềm thức nghĩa là có được những trực giác
giàu nội dung tâm tình sâu xa. Cần nhất là học thuộc lòng, rồi thứ đến là
nhận mặt chữ và biết nghĩa đen mỗi câu và chỉ cần có thế. Đề nghị này nghe như
chướng tai, nhưng nghĩ thế là tại óc duy trí hiện tại. Theo duy Trí thì
chỉ có Lý trí mới có giá trị, nên giáo dục thường bị cám dỗ dạy trẻ như kiểu
người lớn là tập suy luận. Đó là sự quá trớn của óc duy lý, chuyên tôn thờ
óc suy luận mà hạ giá mọi năng khiếu khác, nhất là trí nhớ, coi sự thuộc lòng
như là học tủ, không hiểu chi . . Đó cũng tại sự phản động lại lối
học từ chương xưa đã quá quan trọng việc ký tụng thuộc lòng.
Đã nói tới phản động là nói tới quá trớn không còn nhận ra giá trị của trí
nhớ, và coi học thuộc lòng là vô bổ, không biết tới 4 đợt suy luận của con
người mà ta đã nêu trên.
Trẻ chưa mở mắt đã dạy suy luận ngay là sai lầm. Sự sai
lầm đó đang được khoa phân tâm vạch trần, bằng tìm ra những ơn ích sâu xa của
sự học thuộc lòng: lúc đã đọc đi đọc lại một số câu thì chú ý không phải là để
ở giòng chữ với nghĩa nữa, nó rút dần vào nội tâm để gây tác động. Tác động đó
càng mạnh khi bản văn đã học thuộc lòng lại là bản văn đã đúc kết tư tưởng vào
trong những câu vắn tắt cô đọng, lúc đó những ý tưởng dễ thấm sâu vào tiềm thức
và gây ảnh hưởng mạnh mẽ ngoài tầm sức của lý trí và ý muốn.
Đó là luật tâm lý học đã được các nhà phân tâm nhận ra và áp dụng vào việc
tự kỷ ám thị “ des paroles répétées inconscienment ont une action. On peut
admettre une sorte de concentration parfaitement machinale et inconsciente ”.
Sự học thuộc lòng được nhận ra có công hiệu giúp rất nhiều vào việc làm
tăng trưởng sự chú ý kéo dài ( attention volontaire soutenue ), vì thế đó là
trong những cột trụ của giáo dục. nên câu nói : “ lặp lại nhiều lần là
linh hồn của sự dạy dỗ ”, có thể coi như châm ngôn của nhà giáo dục
nhất ở đợt tiểu học ( la répétition est l’âme de l’enseignement: xem
Suggestion et Autosuggestion của Charles Baudoin, édition Delachaux,
trang 126, 133, 144 )
Có đọc nhiều Phân Tâm ta mới hiểu Đông Tây, Kim Cổ đều
coi trọng việc ký tụng, có tôn giáo còn làm thành những lời thần chú, những
kinh cầu để nhật tụng là cốt cho tư tưởng được ngấm sâu vào tới tận tiềm
thức. Trong cuốn “ Les fondements de la mystique tibétaine ông Govinda có
viết : “ Dùng cách lắp đi lắp lại có nhịp nhàng để đóng sâu vào một tư tưởng,
tạo dựng một ý nghĩ, thì hiệu năng sẽ quy kết lại như giọt nước nhỏ xuống không
ngừng cho tới khi nó thấu nhập mọi cơ thể của hoạt động và trở thành một sự
kiện cụ thể của lý trí hay cả xác thân, trang 189 ”.
Như thế là khoa Phân Tâm cũng như khoa Huyền Niệm đều công nhận sự học
thuộc lòng là rất cần thiết.
Do đó ta biết tại sao lúc xưa nhiều người học chữ Nho rất
lơ mơ, mà lại sống theo Nho được rất nhiều, là vì nhờ học Nho từ còn bé, học
thuộc lòng, nên đàng sau mỗi câu nói là một nguồn sống tâm linh kết tinh do
biết bao nhiêu cảm xúc và kinh nghiệm của người xưa như còn phảng phất đâu đây,
như được bọc trong ánh bình minh của dân tộc lúc còn đang bập bẹ dưới ánh sương
mai của quê nước.
Nay mỗi thế hệ cũng như được học những câu sách đó nên mỗi câu hầu như được
học bằng bầu khí tươi vui thơ mộng của thời khai quốc, của dân tộc, nên mỗi câu
có thể xem như hồng huyết cầu thêm sinh khí cho cơ thể tinh thần, đồng thời gây
nên giữa tất cả những người đã học một số những phản đáp có điều kiện làm nên
một thứ quê hương tinh thần với một thứ ngôn ngữ riêng của nó tuy rất âm u,
nhưng chỉ cần nhắc lại một hai câu thì hầu như tất cả đều rung lên theo một
tiết điệu ràng buộc mọi người dân trong nước “ mối tình giáo khoa thư
”. Những ai đã có dịp xuất ngoại trong khi gặp người đồng hương nhắc đến
một hai điệu hát cung hò, vài ba câu sách đã cùng học ở tuổi niên thiếu là khơi
lại cả một khối tình u linh bát ngát khiến cho cảm thấy được cơ sở tinh thần
của nước và mối tình dân tộc trở thành mạnh mẽ lạ thường.
Cho nên chương trình lý tưởng của bậc tiểu học phải gồm
mấy sách nòng cốt của dân tộc, và hầu như không nên thay đổi. Chính vì thế phải
học thuộc lòng bản văn, chứ không học bản dịch ( thí dụ Kinh Thi ), vì bản dịch
sẽ thay đổi theo mỗi thời, rất cần cho mọi thế hệ gặp nhau.
Phương chi ở tiểu học không cần thay đổi, vì đây mới học
những điều căn bản, là mấy yếu tố hầu như không mấy đổi thay. Đàng khác
đối với trẻ nhỏ thì cái chi cũng còn là mới mẻ không cần phải luôn luôn đổi
mới, khác với chương trình đại học năng phải đổi để theo kịp các bước tiến bộ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét