Người theo dõi

5 thg 3, 2011

CHỮ NHO VÀ ĐỜI SỐNG DÂN TỘC VIỆT (anviettoancau.net)


Chính vì vậy mà lòng ta nao nao ngây ngất khi đọc những câu lục bát trong Kiều nhất là khi gặp những chữ đi đôi như nao nao, nho nhỏ, sè sè. Mỗi cặp đôi xuất hiện như nhịp cầu 2 mối: một mối bắc bên Có mối kia cắm vào hư Không làm cho ta như chạm vào cõi u linh bát ngát.
Nao nao dòng nước uốn quanh.
Nhịp cầu nho nhỏ dưới ghềnh bắc ngang.
Sè sè nắm đất bên đường.
Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
Xem thế đủ biết tiếng ta thuộc loại ngôn ngữ đầy tràn Nhân chủ tính cũng như Tâm linh tính tức nghiêng về nghệ thuật và triết lý: đề cao cái tổng quát trên cái tư riêng, tránh rõ rệt, ưa âm u nên dùng rất nhiều hư tự.
1.- Cái Thừa và thiếu của tiếng Nói theo Ngữ luật
Ngược với tiếng của Âu Mỹ có tính cách khoa học ưa khúc chiết khi đến độ không cần, thí dụ bắt cả mọi cái phải là đực hay cái, số nhiều, ít phân biệt chi li. Ta nói “ ba cái hoa này đó “, chỉ một chữ ba đủ chơi vai trò số nhiều, các từ khác không bị phiền hà chi cả. Mỹ thì “ these three flowers are red “ Đã có three rồi còn bắt these flowers cũng phải thêm chữ s, this phải đổi ra these, verb phải đổi ngôi và số is ra are. Tiếng Pháp còn phải đổi đỏ ra đỏs (rouges). Đó là một thí dụ về sự tôn thờ ý niệm mà tiếng nói là dấu hiệu. So với tiếng Việt thì vừa thừa mà lại thiếu, thừa vì đã có 2 chữ s, verb còn phải đổi ra số nhiều; thiếu vì chữ ba không đủ bao quát toàn bộ, đấy là điểm một, còn điểm nữa là cú pháp mạch lạc mà cơ cấu yếu: ta nói ăn được, được ăn, chỉ cần đổi vị trí của từ. Còn Mỹ phải dùng hai verb can và may. Đấy là lý do ngữ luật trở nên bề bộn và được quan trọng hóa rất mực. Ở La Hy xưa trẻ mới khai tâm phải học ngữ luật chứ không học về luân lý, sử ký.
2.- Tính chất đơn sơ và hàm súc của tiếng Nói theo Cơ cấu
Tiếng ta trái lại rất đơn sơ nên có sức hàm súc nhiều. Trong quyển Man and People ông Ortega Y Grasset nhận xét rằng tiếng Tàu giàu nhất thế giới về khả năng hàm súc (comprehension) do cơ cấu mạnh với sự dùng nhiều hư tự, vì hư tự chơi vai trò âm u với toàn bích. Ta có thể nói về tiếng Việt như vậy mà còn hơn nữa vì về hư tự thì tiếng Việt giàu hơn tiếng Tàu.
Hư tự của ta là những chữ kép vào không cần thiết thí dụ nói chợ, nết, ngân đủ rồi không thêm chợ búa, nết na, ngân nga như ta quen dùng: đó chỉ là hư tự không cần mà lại cần: không cần cho nghĩa từng chữ nhưng lại rất cần để móc nối với âm u toàn thể. Đó là nét biểu lộ nhiều tính chất triết lý của dân tộc Chủ nhân Trống đồng, trống là hư, là không, hư không làm nền tảng cho triết Việt do thế mà ngôn ngữ của ta tràn ngập hư tự tức là tiếng đầy triết lý nhân sinh vậy.
Có lẽ đây là lý do của một kinh nghiệm bản thân tôi. Số là nhiều người đọc sách tôi mà không hiểu, có người đề nghị cần sửa đổi dăm ba từ ngữ thí dụ không nên viết “ cần suy nghĩ lại “, “ đã bàn rồi “, “ xin nhắc lại “ mà nên viết cần chúng ta suy nghĩ lại, chúng tôi đã bàn rồi, chúng tôi xin nhắc lại. Tôi bằng lòng sửa lại vì với tôi từ ngữ chẳng qua chỉ là để hiểu đạo, nói chúng ta cần suy nghĩ lại là đặt nổi chủ từ như Tây Âu cũng chẳng sao, y như hiện nay trong việc viết tên ta phải đặt cá nhân trước dòng họ, thay vì Lý Ông Trọng thì phải viết Trọng Lý Ông, thôi thì vào xứ cá nhân ta cũng phải đành đi một đường cá nhân vậy. Nhưng nhượng bộ rồi tôi cứ cảm thấy một cái gì ray rứt tạm gọi là khổ tâm như phải đi xa khỏi việc coi trọng gia tộc hơn bản thân, coi trọng lối giương mặt cá nhân (tôi, chúng tôi) hơn là ẩn náu để nhường chỗ cho đạo lý, nhưng gặp thời thế thế thì phải thế. Phải thế nhưng vẫn suy đi nghĩ lại về khía cạnh triết lý của tiếng Việt và ghi lại một ít trong bài này để mở chân trời cho những suy nghĩ về sau. “

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét