“ Tiếng nói là một phát minh rất sớm của con người. Có
thể vì đó mà Hy Lạp “ nói đầu trước hết có lời “.Vì sớm sủa
nên rất quan trọng nó mang theo những đức tính của nền văn hóa mà nó chuyên chở.
Bởi vậy nghiên cứu tiếng nói của một dân chính là xử
dụng một chìa khóa đa năng mở vào nhiều kho tàng ẩn náu của nền văn hóa ấy, thí
dụ nhạc tính trong tiếng Việt tạo nên do Âm, Thanh, Vần, Nhịp và
đủ đề tài không những cho ngữ học là điếu tất nhiên, mà luôn cho văn chương và
cả tư tưởng nữa.
Hôm nay, chúng tôi thử bàn về điểm cuối cùng, tức về liên
hệ giữa cơ cấu tiếng Việt và Việt lý xem hai đàng ăn chịu với nhau đến đâu.
Trong các cơ năng hiển hiện của con người, tiếng
nói bày tỏ Tính thể con người nhiều hơn hết. Con người được định nghĩa là
nơi giao hội của đức Trời đức Đất, tiếng nói cũng vậy nó đứng giữa vật
chất và tinh thần, vì thế nó chỉ còn có Thanh âm mà Thanh âm là cái đã thoát
khỏi hình hài khí chất, nó là nhịp cầu nối thể chất ở đợt tinh vi cùng cực
(thanh âm) với cái vô hình là ý niệm và tư tưởng. Chính do chỗ đó mà ta có thể
xét xem ngôn ngữ của một dân có tinh thần nhiều hay ít. Hãy nhớ lại
câu định nghĩa Thần trong Kinh Dịch là Thần vô phương. Thần
không ở nơi nào nhất định, thế có nghĩa là Thần có tính cách uyển chuyển, biến
động và thấu triệt.
Vật nào càng giàu thể tính năng động
và thẩm thấu thì càng giàu siêu linh tinh thần.
Theo tiêu chuẩn đó ta có thể chia tiếng nói của loài
người ra hai loại: một loại đi theo cơ cấu, một loại vâng theo ngữ luật.
Theo cơ cấu thì uyển chuyển và giàu khả năng
thẩm thấu. Theo ngữ luật thì bị ràng buộc bằng cả một hệ thống
mẹo luật gọi là ngữ luật gồm động tự, danh từ, quán từ (article), giống, số,
cách v.v
thì hợp tác nhau đóng khung câu nói xuống theo một cấu
trúc ngữ pháp nghiêm nhặt cột chặt các tiếng vào một ý nghĩa không thể hoán vị,
hễ hoán vị là trật ngữ luật và trở nên vô nghĩa. Có thể nói chung đó là các
tiếng Âu Tây. Loại hai đi theo cơ cấu thì không có những thứ như trên,
không thì, không cách, không số, không quán tự, trạng tự hoặc nếu có thì cũng đứng rời không ảnh
hưởng nhau để dễ bề hoán vị mà cơ cấu chỉ định đặng mang theo ý nghĩa khác nhau
tuỳ theo vị trí. Thí dụ “ vào được ” khác với “ được vào “. Đó là tiếng
Tàu và tiếng Việt. Ông Burton Watson (1) nhận xét rằng ngữ luật tiếng
Tàu rất đơn giản chỉ gồm có Thực tự và Hư tự (full words and empty words)
(chi, hồ, giả, dã). Hư tự thường dùng như Quán tự để nối kết hoặc giải nghĩa,
nhưng cũng thường bỏ luôn. Phương chi tiếng Việt với cơ cấu rõ hơn và
Hư tự giàu hơn. (1) Early Chinese Literature, Columbia Univ, Press
N.Y.1962 p.146-170.
Về cơ cấu chỉ việc xem thí dụ với 5 tiếng dưới đây: hễ
hoán vị một chữ là có ý mới.
Sao không bảo nó đến
Nó đến sao không bảo
Không bảo nó đến sao
Sao bảo nó không đến
Sao nó bảo không đến
Không bảo sao nó đến
Sao nó đến không bảo
Không sao bảo nó (cứ) đến
Nó không đến bảo sao
(Tôi nhớ láng máng xưa kia đã đọc thí dụ này đâu đó,
có lẽ của L.M Lê Văn Lý thì phải và với nhiều xếp đặt hơn)
Quả là một sự uyển chuyển và năng động vô địch chứng
tỏ trình độ cao cấp mà Việt ngữ đạt được trong việc đi đến cơ cấu. Lấy về đàng
số mà nó thì cơ cấu thượng thặng phải gồm ba bộ số: 2, 3 và 5.
Số 2 nói lên tính chất năng động căn bản. Muốn động phải có hai hạn từ: động bao hàm
sự di chuyển từ A đến B, bước chuyển động cùng cực là từ Vô tới Hữu, từ Có tới
Không, nên số 2 nền tảng phải là từ Có tới Không.
Số 3 nói lên Nhân chủ tính. Vì Nhân chủ nên đứng ở giữa, không hề lệ
thuộc vào hai thái cực nhưng độc lập như một chủ nhân ông. Số 2 là số căn bản
có đầy trong Trời Đất giữa Sáng Tối, Đất Trời, Đực Cái, Cứng Mềm. Thế
nhưng duy trì được số 2 trong văn hóa phải có một nền Nhân chủ mới đủ mạnh để
duy trì, và sự duy trì được biểu lộ bằng số 3, nên số 3 là số Nhân chủ,
là số chỉ được đề cao trong văn hóa có Nhân chủ tính. Chứ như trong
duy Vật hay duy Tâm thì không có số 3 vì con người thuộc vào một trong hai bên,
vào Trời hay Đất, duy Vật hay duy Tâm, và chỉ có Một tức nguyên lý Đồng nhất
được đề cao rất mực.Còn số 3 bị gảy bỏ. Pháp gọi là tiers exclu = triệt tam.
Tertium non datur.
Số 5 là số ngũ hành thành bởi 2+3 cũng gọi là “Vài Ba “ hay
“ Tham Lưỡng “ tức nói lên tác động cùng cực của con người. Muốn làm được tác
động cùng cực thì phải là con người Nhân chủ (số 3) còn tác động cùng cực là
nhảy từ Có tới Không, phải hiểu là cõi không u linh đầy tràn diệu hữu gọi là
Tâm linh. Chính vì thế mà để tóm tắt thì quen nói số 5 là số Tâm linh,
hay là số Thẩm thấu cùng cực. Tóm lại sự uyển chuyển (do cơ cấu) nói
lên sự thẩm thấu cùng cực, thẩm thấu biểu lộ tình chất Tâm linh (số 5). Tâm
linh biểu lộ bằng số 2 (từ Có đến Không) và tính chất nhân chủ số 3. Chi
tiết hóa như vậy rồi bây giờ chúng ta thử đi vào phân tích tiếng Việt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét