5. Sự cần thiết của cơ cấu nói chung
Xem thế thì lẽ ra cơ cấu phải là một bầu khí dễ thở cho đạo lý Đông phương vì nó gắng công bắt liên lạc với tiềm thức, mà tiềm thức chính là tiền đường của tâm linh, mà tâm linh là xương sống của triết Nho. Nói cho cùng thì Việt Nho chính là cơ cấu hay Việt Nho là một nền triết đi theo lối cơ cấu trước khi cơ cấu được bàn đến cách hệ thống. Thế nhưng không may trên bước tiến nó đã vấp phải hai ụ cản đường trước là Hán Nho sau là duy lý Tây Aâu.
Hán Nho không đi lối cơ cấu mà lại đi lối tai dị. Nên tất cả những thuyết cột trụ bị hiểu sai như tam tài bị bỏ bê trễ, còn ngũ hành lại hiểu theo lối ma thuật vu nghiễn. Những con số trong cửu trù không được dùng để “công thức hóa” cõi u linh nữa, mà chỉ còn dùng nuôi dưỡng dị đoan kiểu nam thất nữ cửu trong y học. Vì thế Hán Nho đã không nhìn ra giá trị cơ cấu trong đó. Rồi tới khi tiếp cận với văn hóa Tây Aâu thì giới tân học lại bước hẳn sang phía duy lý đến nỗi đoạn tuyệt với bầu khí tâm linh, nhất là nền tư duy một chiều của Pháp, mà cột trụ là câu “tôi suy tư” của Descartes, một thứ suy tư duy lý hạn hẹp nên cắt đứt mọi tương quan giữa con người với vũ trụ. Vì thế Levi Strauss đã có lý để gọi Cogito của Descartes là kẻ thù bí nhiệm chống phá mọi khoa học nhân văn (130 Simonis), nó bít lối thông sang với vô thức tức là ngãng đường tiến vào đất đứng chung rất thuận lợi cho sự hiểu nhau giữa loài người. Chính cái lối suy tư làm héo hắt tâm can đó đã đẩy thêm sự hư hỏng của tâm trí người Việt trong 80 năm qua. Vì thế nay nói đến cơ cấu của Việt Nho thì cả là một việc rất xa lạ. Nhưng đó là điều cần thiết.
(Kim Định)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét