6. Sứ mạng hiện tại của văn hóa Việt Nam
Cũng như bao giờ là phải làm cho nước nhà thêm mạnh. Muốn chu toàn
điều đó, văn hóa phải có một lý tưởng dựa trên một chủ đạo vững chắc. Vì theo
sự nhận xét tinh mật của các nhà triết sử cũng như văn hóa xã hội thì sự yếu
hay mạnh của một xã hội là tùy thuộc vào cái chủ đảo của nó yếu hay mạnh. Như
thế chủ đạo mới là nguyên động lực: nó còn quan trọng hơn cả dân số, vì đa số
thụ động không bằng một thiểu số thống nhất hăng say. Một trong những yếu tố
quan trọng giúp cho toàn thể trở thành thống nhất hăng say là chủ đạo. Chủ đạo
càng mạnh thì đoàn thể càng vững, khi nó suy yếu thì đoàn thể sẽ quy yếu theo
đà. Chủ đạo của một dân bị suy yếu là khi nó bị những yếu tố ngoại lai uy hiếp
rồi phân hóa. Nếu không có chi cản lại thì sự phân hóa đó sẽ đưa xã hội nọ đến
chỗ sụp đổ y như đối với cá nhân dễ lâm vào bệnh thống kinh, một chứng bệnh
từng phát xuất nhiều ở những nơi có sự kình chống của những nhân tố thuộc ý hệ
khác nhau. Và như thế sự chữa chạy phải là giúp cho lý tưởng cố hữu nắm lại
được vị trí ưu thắng.
Ai cũng công nhận rằng văn hóa giáo dục nước ta đang bị uy hiếp
nặng nề đến độ phải nói thẳng ra là nước nhà không còn chủ đạo nữa, hay là đã
mất lý tưởng của mình rồi. Và đấy là mối nguy cơ sâu xa nhất và trầm trọng
nhất. Trầm trọng vì không mấy ai nhận thức ra, hay có nhưng là thiểu số, đã vậy
thiểu số còn chia ra nhiều khuynh hướng, ngay trong việc trở về nguồn; như viết
về nếp cũ, viết về văn minh Việt Nam. Rất nhiều người đi tìm hồn
nước trong ca dao rồi cả trong thần thoại truyền kỳ. Nhưng phải nói rằng đó mới
là những sửa soạn bên ngoài. Tất cả phải đi thêm một bước nữa, nếu không thì
chẳng bao giờ làm nên được cái gì vững chắc. Vậy bước đó phải là cơ cấu của
Việt Nho. Có đạt cơ cấu mới tìm ra hệ thống thì văn chương bình dân mới có chỗ
đứng vững, tất cả mới quy hướng vào một điểm làm nên được toàn bộ có sinh khí
và chỉ lúc ấy nền chủ đạo dân tộc mới hiện lên như một cái gì lẫm liệt uy nghi
đủ gây nên lòng sùng mộ, óc hiên ngang, tinh thần say sưa là những đức tính
thiết yếu cho một lý tưởng có đủ khả năng đối diện với các tư trào ngoại lai.
Lúc ấy nó sẽ thâu hóa cái hay của người mà không để tiêu trầm bản ngã của mình,
cũng như sẽ liệu biện được những lời đáp chính xác và có lý giải cho những đức
tính của dân tộc, cho những câu hỏi chẳng hạn tại sao ca dao ta lại hay, lại có
giá trị. Và rất nhiều vấn đề khác sẽ được giải thích ổn thỏa. Vì giải thích là
gì nếu không là đặt nổi mối liên hệ giữa những hiện tượng khác nhau. Với khoa
học vật lý thì đó sẽ là liên hệ từ nguyên nhân đến hệ quả, còn ở đây là liên hệ
giữa những yếu tố lẻ tẻ rời rạc với nguyên lý nền móng làm thành cái mạch lạc
nội tại. Chính sự mạch lạc nội tại sẽ thay thế cho sự minh hiển khách quan của
khoa vật lý. Vậy mà cái mạch lạc nội tại đó lại chỉ tìm thấy được bên dưới
những câu ca dao, bên dưới văn chương hoa mỹ. Bám sát văn chương bình dân không
thể tìm được cái toàn bộ. Mà thiếu cái đó thì không thể lý giả.
(Kim Định)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét