I. TẠI SAO CƠ CẤU VIỆT NHO
1. Tại sao không việt lại nho?
Thưa vì nho với việt là một. Nói nho hay việt, việt hay nho cũng thế. Đấy là một lời quyết đoán khó có thể chấp nhận vì chữ Nho tuân theo một cú pháp ngược với cú pháp Việt, và nó xuất phát tự nước Tàu chứ có phải là của vô thừa nhận đâu để cho ai muốn kéo về với mình cũng được.
Thế nhưng lại có thể trả lời rằng: phải, nho xuất phát tự nước Tàu, nhưng nước Tàu ở thời đại nào mới được chứ. Có phải là tự đời Hán trở đi hay trước nữa. Và không một học giả nào dám chối rằng nó đã phát xuất từ thời trước, thời còn khuyết sử, thời mà Bách Việt còn làm chủ hầu khắp nước Tàu. Điểm này chúng tôi đã bàn khá dài trong hai quyển Việt Lý và Triết Lý Cái Đình nên xin thông qua, để được rảnh mà chú trọng tới việc then chốt là cú pháp của văn nho, nó khác với văn Việt. Cố Cadière cho là Việt Nam nói xuôi (chủ từ động từ túc từ) còn Tàu nói ngược. Vậy tại sao chúng tôi dám quả quyết nho là Việt? Thưa vì có một sự kiện rất lớn lao giải nghĩa điều đó, nó thuộc chính trị và xảy ra ở khắp nơi tức là ngôn ngữ ở nơi nào có kinh đô nhà vua thì bao giờ cũng thắng thế và dần dần trở nên “quốc ngữ”. Sự kiện ấy hiện đang xảy ra ở thời đại này bên Trung cộng là thổ âm chung quanh Bác Kinh đang được trợ lực để lấn át các địa phương khác, như đã xảy đến cho các thổ ngữ miền Nam của Bách Việt tự lúc Hoàng Đế chiến thắng Si Vưu ở Trác Lộc. Điều đó nằm trong luật chung là những tiêu chuẩn văn hóa sinh hoạt, nhân chủng, thời trang tất tất đều lấy nơi kẻ chiến thắng. Vì thế mà khi thiết định Kinh điển thì tiếng phương Bắc đã được chễm chệ ngồi trên ghế chủ tịch. Đó chẳng qua là sự may mắn thuộc chính trị gây nên do võ lực chứ chưa đạt nền móng vì thế mà lưu truyền lại nói: “Trác lộc kinh kim vị nhược hưu: trận ở Trác Lộc chưa có hưu. Nghĩa là tuy chữ nho với cú pháp phương Bắc có thắng nhưng còn tất cả tinh thần văn hóa phương Nam thì sao? Ta nên biết tinh thần không lệ thuộc cú pháp, hay cả ngôn từ. Muốn nhận diện “khuôn mặt” của nó thì phải tìm trong toàn bộ cơ sở tinh thần gồm có dụng, từ, ý, cơ, tức là tự thể chế qua từ ngữ đến tư tưởng và nhất là cơ cấu. Có xét toàn bộ như thế mới nhận ra được nơi xuất phát của tác giả. Nói khác tác giả sơ thủy của một nền chủ đạo không nên tìm trong cú pháp, vì đó chỉ là một sự may rủi thuộc lịch sử, mà phải tìm trong cơ cấu hay là toàn bộ gồm dụng, từ, ý, cơ. Chúng tôi đã bàn nhiều về dụng (thể chế) ở hai quyển Việt Lý và Cái Đình. Ở đây sẽ bàn lướt qua từ và ý rồi nhấn mạnh đến cơ hầu minh chứng sự đồng nhất giữa nho và Việt.
(Kim Định)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét