Người theo dõi

25 thg 3, 2011

Triết gia Kim Định



V. Vai trò Nho giáo có thể đảm nhiệm trong thế giới hôm nay
Mùa hè năm 1949 ở Honolulu có hội nghị quốc tế về triết học quy tụ các đại biểu trên 50 quốc gia (đại diện Á Châu có Aán Độ, Tàu, Nhật). Tôi đặc biệt chú ý tới hội nghị này vì trước hết mục tiêu của hội nghị là tìm cho nhân loại một nền triết lý chủ đạo. Hội nghị cho rằng vì thiếu nó mà nhân loại đã trải qua hai cuộc đại chiến hoàn cầu. Thứ đến hội nghị đã đề cử Khổng Tử làm nhạc trưởng cho cuộc hòa hợp Đông Tây nọ vì ông có chân đứng trên cả hai tàu: vừa chấp nhận và cải thiện đời sống trần gian nhất là trong những mối giao liên của con người. Đàng khác tuy không chấp nhận lập trường Lão giáo độc chú vào đời sống tâm linh, nhưng cũng dọn phòng đón nhận mọi giá trị tâm linh (Essays in East West philosophy by Charles Moore p.447, University of Hawaii 1951).
Đây là lời tuyên bố làm vinh dự cho chính những người tham dự hội nghị vì câu trên tàng chứa được ba nhận xét đều sâu xa và ơn ích. Có thể nói đây là đỉnh cao nhất mà hội nghị quốc tế Triết Học có thể tới, vì những hội nghị này ít được sự đồng ý về một điều gì, nhiều khi còn là cuộc độc thoại giữa các người điếc, hoặc vấn đề đưa ra bàn cãi có tính cách xa lắc xa lơn với cuộc đời. Nhưng lần này các triết học gia đã nhìn thẳng vào đời, đã thấy đời đang mắc bệnh và gọi đúng tên bệnh tức là thiếu hồng huyết hòa, mà chỉ có bạch huyết rã, làm cho con bệnh trở nên nhợt nhạt, mất hướng đi, không biết đâu là lối về, đáng gọi là vô gia cư (homeless). Hội nghị đã thấy thế và chỉ ra bài thuốc Hòa. Toa thuốc còn ghi là “Hòa tinh thần với vật chất” lại còn chỉ rõ phải đến với dược sĩ nào. Rồi đây trong bài tôi sẽ chứng minh những lời chỉ dẫn nọ đúng đến đâu.

Câu tuyên bố trên quả là một sự thành tựu lớn lao do một quá trình nghiên cứu tinh thông về Nho trải dài cả trăm năm với những tên tuổi lừng lẫy như H.G.Creel, những Marcel Granet và những triết gia như Keyserling, Karl Jaspers… mới đạt được lời tuyên bố đó, tuy chỉ xảy ra trong phạm vi triết và chưa được nhiều người chú ý tới các cân xứng, nhưng quả thật phải kể là một biến cố quan trọng có tầm mức lớn lao. Chúng ta đều biết rằng “Nhân loại bao giờ cũng được dẫn đưa do tư tưởng” cho nên các nhà tư tưởng bầu Khổng Tử lên chức lãnh đạo triết lý Đông Tây, thì cũng là bầu ông lên chức hướng đạo thế giới. Đó quả là vinh dự không tiền khoáng hậu. Càng lớn hơnnữa khi ta biết rằng đứng về phương diện ngôn từ và lý luận mà đem Khổng Tử đặt bên cạnh Phật Tổ hay Socrates, Platon thì ông có phần lép vế, vậy mà lại được chọn.
Thế thì chắc ông phải có một cái gì đặc biệt mới được danh dự cao quý như kia. Cái đặc biệt đó theo hội nghị là ông không chú ý đến lời hay ý đẹp cho bằng chú ý đời sống đẹp, nó gậy nên do chữ Hòa. Đấy là điều hết sức đặc biệt của hội nghị, vì các hội viên đa biết chọn cuộc sống đẹp hơn là chọn lời đẹp ý hay, cũng như đã không chọn tranh chấp mà lại chọn hòa hợp.
Tuy nhiên sự tuyên dương long trọng kia lại rơi vào quên lãng liền, không gây nên một âm vang nào đáng kể ngay cả trong lãnh vực triết học, kể cả triết học Trung Hoa thì tự nhiên ta phải hỏi vì đâu. Riêng tôi nghĩ rằng cái hướng hội nghị đưa ra thì thật là đúng nhưng đó mới chỉ là bảng chỉ đường, chưa phài là Chính Đường. Thế mà trong các lần hội nghị về sau mãi cho tới nay chưa có được một công trình nào đáng gọi là đường, tức trình bày Nho cho thấu triệt xứng tên là một Đạo học. Vì thế tôi lấy điều đó làm đề tài cho bài này mong tìm ra chỗ thiếu sót, hy vọng có thể sửa soạn cho một nền triết Nho đầy đủ. Nếu không thì cũng là thử đề nghị một lối nghiên cứu Nho kiểu mới. Trước khi vào bài, tôi xin mở ngoặc đơn để nói lên rằng đối với tôi, Khổng Tử chỉ là đại diện cuối cùng của Nho Giáo, Nho Giáo đã có lâu trước, Khổng Tử chỉ là người truyền đạt. Vì thế khi nào bài này nhắc đến Khổng Tử thì xin hiểu đó là Nguyên Nho, nó rộng lớn hơn Khổng Giáo rất nhiều. Bây giờ xin trở lại phân tích lời tuyên ngôn nói trên của hội nghị Honolulu.
Trứơc hết tôi xin giới thiệu lướt qua đường lối trình bày mà tôi sẽ áp dụng trong bài này. Nó ở tại sự tóm thâu nền triết được nghiên cứu vào một hai điểm then chốt cùng cực và được gọi là cái toàn thể, rồi đem đối chiếu cái toàn thể đó với một số toàn thể khác. Thế rồi cái toàn thể kia lại được chi tiết hóa thành bốn điểm để dễ xét thấu đáo. Bốn điểm đó là Từ, Tượng, Số, Chế.
Từ: là lời nói nhằm vào những lời then chốt nhất của nền triết Nho.
Tượng: là tượng hình tiêu biểu, những huyền thoại, truyền kỳ.
Số: là những số biểu tượng gọi là huyền số.
Chế: là những thể chế, thói tục, những phương thức sống, cách thức tu luyện.
Đây là bốn khía cạnh được dùng để xét một nền triết lý nhân sinh xem có được toàn diện chăng. Một nền triết có sống được nhiều hay ít, bao quát được hết cả bốn nấc thử thách nọ. Bởi thế bốn điểm trên có thể dùng như thước đo giá trị từng nền triết về phương diện vào đời. Phải công nhận rằng phần lớn triết học chỉ trải qua được có một vài chặng đầu. Nguyên Nho thì đã đi hết bốn bước. Nhưng tự Hán Nho thì sa đọa, nên cũng không còn người đi hết được cả bốn chặng nữa. Vì thế mà Nho bớt hiệu nghiệm. Muốn hiệu nghiệm phải có người đi được bốn bước trên. Sách Trung Dung gọi người đó là “kỳ nhân”, người chính cống của Nho “Văn Võ chi chính bố tại phương sách. Kỳ nhơn tồn, tắc kỳ chính cử. Kỳ nhơn vong, tắc kỳ chính tức” T.D 20. Câu trên có nghĩa là triết gia chính trị của Nho (kỳ nhân) còn, thì triết lý chính trị đó sẽ hoạt động mạnh, nếu kỳ nhơn đó mất tức chưa xuất hiện thì triết lý chính trị đó có cũng như không. Vậy xin hỏi kỳ nhơn đó là ai? Thưa là triết gia Nho. Nói triết gia mà không là học giả cũng không cả triết học gia, mà phải là triết gia. Nói cụ thể, bao lâu chưa có một học giả về Nho kiêm luôn triết gia, thì kinh điển Nho vẫn chỉ là một đống sách hôi mốc. Phải có triết gia Nho, phải có kỳ nhơn đó thì Nho mới hiện lên những tư tưởng sống động để đi vào cõi người ta. Nghĩa là triết gia đó phải có những tư tưởng cùng chiều như Nho, nhưng lại phải hợp cảm quan thời đại, phải có những cái nhìn soi dọi vào các vấn đề khúc mắc hiện nay, thì đấy mới là kỳ nhơn của Nho.
Bao giờ người đó đến thì không biết và có lẽ câu hỏi cũng không mấy quan trọng vì Nho vốn là triết lý tác hành, không trông cậy vào tha lực mà phải tự mình làm ra vì thế câu hỏi đúng tinh thần Nho hơn phải là: làm thế nào để chúng ta có hy vọng trở nên kỳ nhân của Nho. Hay nói cụ thể hơn phải hỏi rằng cái đặc trưng của Nho ở chỗ nào và phương pháp nào có thể ám hợp hơn hết cho ta theo để nếu không thành triết gia Nho thì ít ra cũng biết mình trình bày Nho một cách trung thực để con người thời đại hiểu được Nho hơn. Muốn thế việc cần trước tiên phải biết cách thấu triệt đâu là nét đặc trưng của Nho? Thưa nét đó nằm trong chỗ Nho đi được cả bốn bước Từ, Tượng, Số, Chế. Chúng ta hãy xét từng điểm:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét