CHƯƠNG
IV
CHÍNH PHỦ
Điều thứ 43
Cơ quan hành chính cao nhất của toàn
quốc là Chính phủ Việt Nam
dân chủ cộng hoà.
Điều thứ 44
Chính phủ gồm có Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ
cộng hoà, Phó chủ tịch và Nội các.
Nội các có Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thứ
trưởng. Có thể có Phó Thủ tướng.
Điều thứ 45
Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ
cộng hoà chọn trong Nghị viện nhân dân và phải được hai phần ba tổng số nghị
viện bỏ phiếu thuận.
Nếu bỏ phiếu lần đầu mà không đủ số
phiếu ấy, thì lần thứ nhì sẽ theo đa số tương đối.
Chủ tịch nước Việt Nam được bầu
trong thời hạn 5 năm và có thể được bầu lại.
Trong vòng một tháng trước khi hết nhiệm
kỳ của Chủ tịch, Ban thường vụ phải triệu tập Nghị viện để bầu Chủ tịch mới.
Điều thứ 46
Phó chủ tịch nước Việt Nam dân chủ
cộng hoà chọn trong nhân dân và bầu theo lệ thường.
Nhiệm kỳ của Phó chủ tịch theo nhiệm kỳ
của Nghị viện.
Phó chủ tịch giúp đỡ Chủ tịch.
Khi Chủ tịch từ trần hay từ chức thì Phó
chủ tịch tạm quyền Chủ tịch. Chậm nhất là hai tháng phải bầu Chủ tịch mới.
Điều thứ 47
Chủ tịch nước Việt Nam chọn Thủ
tướng trong Nghị viện và đưa ra Nghị viện biểu quyết. Nếu được Nghị viện tín
nhiệm, Thủ tướng chọn các Bộ trưởng trong Nghị viện và đưa ra Nghị viện biểu
quyết toàn thể danh sách. Thứ trưởng có thể chọn ngoài Nghị viện và do Thủ
tướng đề cử ra Hội đồng Chính phủ duyệt y.
Nhân viên Ban thường vụ Nghị viện không
được tham dự vào Chính phủ.
Điều thứ 48
Nếu khuyết Bộ trưởng nào thì Thủ tướng
thoả thuận với Ban thường vụ để chỉ định ngay người tạm thay cho đến khi Nghị
viện họp và chuẩn y.
Điều thứ 49
Quyền hạn của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ
cộng hoà:
A) Thay mặt cho nước.
B) Giữ quyền Tổng chỉ huy quân đội toàn
quốc, chỉ định hoặc cách chức các tướng soái trong lục quân, hải quân, không
quân.
C) Ký sắc lệnh bổ nhiệm Thủ tướng, nhân
viên Nội các và nhân viên cao cấp thuộc các cơ quan Chính phủ.
D) Chủ toạ Hội đồng Chính phủ.
Đ) Ban bố các đạo luật đã được Nghị viện
quyết nghị.
E) Thưởng huy chương và các bằng cấp
danh dự.
G) Đặc xá.
H) Ký hiệp ước với các nước.
I) Phái đại biểu Việt Nam đến nước
ngoài và tiếp nhận đại biểu ngoại giao của các nước.
K) Tuyên chiến hay đình chiến theo như
Điều 38 đã định.
Điều thứ 50
Chủ tịch nước Việt Nam không phải
chịu một trách nhiệm nào, trừ khi phạm tội phản quốc.
Điều thứ 51
Mỗi khi truy tố Chủ tịch, Phó chủ tịch
hay một nhân viên Nội các về tội phản quốc, Nghị viện sẽ lập một Toà án đặc
biệt để xét xử.
Việc bắt bớ và truy tố trước Toà án một
nhân viên Nội các về thường tội phải có sự ưng chuẩn của Hội đồng Chính phủ.
Điều thứ 52
Quyền hạn của Chính phủ:
A) Thi hành các đạo luật và quyết nghị
của Nghị viện.
B) Đề nghị những dự án luật ra trước
Nghị viện.
C) Đề nghị những dự án sắc luật ra trước
Ban thường vụ, trong lúc Nghị viện không họp mà gặp trường hợp đặc biệt.
D) Bãi bỏ những mệnh lệnh và nghị quyết
của cơ quan cấp dưới, nếu cần.
Đ) Bổ nhiệm hoặc cách chức các nhân viên
trong các cơ quan hành chính hoặc chuyên môn.
E) Thi hành luật động viên và mọi phương
sách cần thiết để giữ gìn đất nước.
G) Lập dự án ngân sách hàng năm.
Điều thứ 53
Mỗi Sắc lệnh của Chính phủ phải có chứ
ký của Chủ tịch nước Việt Nam
và tuỳ theo quyền hạn các Bộ, phải có một hay nhiều vị Bộ trưởng tiếp ký. Các
vị Bộ trưởng ấy phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện.
Điều thứ 54
Bộ trưởng nào không được Nghị viên tín
nhiệm thì phải từ chức.
Toàn thể Nội các không phải chịu liên
đới trách nhiệm về hành vi một Bộ trưởng.
Thủ tướng phải chịu trách nhiệm về con
đường chính trị của Nội các. Nhưng Nghị viện chỉ có thể biểu quyết về vấn đề
tín nhiệm khi Thủ tướng, Ban thường vụ hoặc một phần tư tổng số Nghị viện nêu
vấn đề ấy ra.
Trong hạn 24 giờ sau khi Nghị viện biểu
quyết không tín nhiệm Nội các thì Chủ tịch nước Việt Nam có quyền đưa vấn đề tín nhiệm
ra Nghị viện thảo luận lại. Cuộc thảo luận lần thứ hai phải cách cuộc thảo luận
lần thứ nhất là 48 giờ. Sau cuộc biểu quyết này, Nội các mất tín nhiệm phải từ
chức.
Điều thứ 55
Các Bộ trưởng phải trả lời bằng thư từ
hoặc bằng lời nói những điều chất vấn của Nghị viện hoặc của Ban thường vụ. Kỳ
hạn trả lời chậm nhất là 10 ngày sau khi nhận được thư chất vấn.
Điều thứ 56
Khi Nghị viện hết hạn hoặc tự giải tán,
Nội các giữ chức quyền cho đến khi họp Nghị viện mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét