CHƯƠNG
III
NGHỊ VIỆN NHÂN DÂN
Điều thứ 22
Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền
cao nhất của nước Việt Nam
dân chủ cộng hoà.
Điều thứ 23
Nghị viện nhân dân giải quyết mọi vấn đề
chung cho toàn quốc, đặt ra các pháp luật, biểu quyết ngân sách, chuẩn y các
hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài.
Điều thứ 24
Nghị viện nhân dân do công dân Việt Nam bầu ra. Ba
năm bầu một lần.
Cứ 5 vạn dân thì có một nghị viên.
Số nghị viên của những đô thị lớn và
những địa phương có quốc dân thiểu số sẽ do luật định.
Điều thứ 25
Nghị Viên không phải chỉ thay mặt cho
địa phương mình mà còn thay mặt cho toàn thể nhân dân.
Điều thứ 26
Nghị viện nhân dân tự thẩm tra xem các
nghị viên có được bầu hợp lệ hay không.
Điều thứ 27
Nghị viện nhân dân bầu một Nghị trưởng,
hai Phó nghị trưởng, 12 uỷ viên chính thức, 3 uỷ viên dự khuyết để lập thành
Ban thường vụ.
Nghị trưởng và Phó nghị trưởng kiêm chức
Trưởng và Phó trưởng Ban thường vụ.
Điều thứ 28
Nghị viện nhân dân mỗi năm họp hai lần
do Ban thường vụ triệu tập vào tháng 5 và tháng 11 dương lịch.
Ban thường vụ có thể triệu tập hội nghị
bất thường nếu xét cần.
Ban thường vụ phải triệu tập Nghị viện
nếu một phần ba tổng số nghị viên hoặc Chính phủ yêu cầu.
Điều thứ 29
Phải có quá nửa tổng số nghị viên tới
họp, hội nghị mới được biểu quyết.
Nghị viện quyết nghị theo quá nửa số
nghị viên có mặt.
Nhưng muốn tuyên chiến thì phải có hai
phần ba số nghị viện có mặt bỏ phiếu thuận.
Điều thứ 30
Nghị viện họp công khai, công chúng được
vào nghe.
Các báo chí được phép thuật lại các cuộc
thảo luận và quyết nghị của Nghị viện.
Trong những trường hợp đặc biệt, Nghị
viện có thể quyết nghị họp kín.
Điều thứ 31
Những luật đã được Nghị viện biểu quyết,
Chủ tịch nước Việt Nam
phải ban bố chậm nhất là 10 hôm sau khi nhận được thông tri. Nhưng trong hạn
ấy, Chủ tịch có quyền yêu cầu Nghị viện thảo luận lại. Những luật đem ra thảo
luận lại, nếu vẫn được Nghị viện ưng chuẩn thì bắt buộc Chủ tịch phải ban bố.
Điều thứ 32
Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia
sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý.
Cách thức phúc quyết sẽ do luật định.
Điều thứ 33
Khi nào hai phần ba tổng số nghị viên
đồng ý, Nghị viện có thể tự giải tán. Ban thường vụ thay mặt Nghị viện tuyên bố
sự tự giải tán ấy.
Điều thứ 34
Khi Nghị viện nhân dân đã hết hạn hoặc
chưa hết hạn mà tự giải tán thì Ban thường vụ giữ chức quyền cho đến khi bầu
lại Nghị viện nhân dân mới.
Điều thứ 35
Hai tháng trước khi Nghị viện nhân dân
hết hạn, Ban thường vụ tuyên bố cuộc bầu cử lại. Cuộc bầu cử mới phải làm xong
trong hai tháng trước ngày Nghị viện hết hạn.
Khi Nghị viện nhân dân tự giải tán, Ban
thường vụ tuyên bố ngay cuộc bầu cử lại. Cuộc bầu cử mới làm xong trong hai
tháng sau ngày Nghị viện tự giải tán.
Chậm nhất là một tháng sau cuộc bầu cử,
Ban thường vụ phải họp Nghị viện nhân dân mới.
Trong khi có chiến tranh mà nghị viện
hết hạn thì Nghị viện hoặc Ban thường vụ có quyền gia hạn thêm một thời gian
không nhất định. Nhưng chậm nhất là sáu tháng sau khi chiến tranh kết liễu thì
phải bầu lại Nghị viện.
Điều thứ 36
Khi Nghị viện không họp, Ban thường vụ
có quyền:
A) Biểu quyết những dự án sắc luật của
Chính phủ. Những sắc luật đó phải đem trình Nghị viện vào phiên họp gần nhất để
Nghị viện ưng chuẩn hoặc phế bỏ.
B) Triệu tập Nghị viện nhân dân.
C) Kiểm soát và phê bình Chính phủ.
Điều thứ 37
Phải có quá nửa tổng số nhân viên bỏ
phiếu thuận, những nghị quyết của Ban thường vụ mới có giá trị.
Điều thứ 38
Khi Nghị viện không họp được, Ban thường
vụ cùng với Chính phủ có quyền quyết định tuyên chiến hay đình chiến.
Điều thứ 39
Đầu mỗi khoá họp, sau khi Ban thường vụ
báo cáo công việc, vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm Ban thường vụ có thể nêu ra, nếu
có một phần tư tổng số nghị viên yêu cầu. Toàn Ban thường vụ phải từ chức nếu
không được tín nhiệm. Nhân viên Ban thường vụ cũ có thể được bầu lại.
Điều thứ 40
Nếu chưa được Nghị viện nhân dân đồng ý
hay trong lúc Nghị viện không họp mà chưa được Ban thường vụ đồng ý thì Chính
phủ không được bắt giam và xét xử những nghị viên.
Nghị viên không bị truy tố vì lời nói
hay biểu quyết trong Nghị viện.
Trong trường hợp phạm pháp quả tang,
Chính phủ có thể bắt giam nghị viên ngay nhưng chậm nhất là 24 giờ phải thông
tri cho Ban thường vụ. Ban thường vụ hoặc Nghị viện sẽ định đoạt.
Khi một nghị viên mất quyền ứng cử thì
đồng thời mất cả tư cách nghị viên.
Điều thứ 41
Nghị viện phải xét vấn đề bãi miễn một
nghị viên khi nhận được đề nghị của một phần tư tổng số cử tri tỉnh hay thành
phố đã bầu ra nghị viên đó. Nếu hai phần ba tổng số nghị viên ưng thuận đề nghị
bãi miễn thì nghị viên đó phải từ chức.
Điều thứ 42
Phụ cấp của các nghị viên sẽ do luật
định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét