Người theo dõi

20 thg 3, 2011

VIỆT-HÁN-VIỆT 7000 - 5000 NĂM HAY HÁN-VIỆT 1000 NĂM Khổng La Ái (3)


Xin đề xuất giả thuyết:

-Người đi từ hướng Nam theo đường thủy dọc biển đặt chân đầu tiên lên vùng đất Nam Dương Tử khoảng xxxxx (năm con số-cái này cần thẩm định lại). Vùng đất trù phú này tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp.

-Họ phát triển triết lý Kinh Dịch Nòng Nọc và thấu được lẽ Trời Đất hơn 7000năm cách đây.

-Khoảng cách đây 7000 năm, họ lập nên đế chế Việt (Xích Quỷ, lạ là từ Xích Quỷ có thể là biến âm của Xuy Vưu hay ngược lại) ràng buộc nhau thiên về tôn giáo và chủng tộc hơn là về chính trị và biên giới.

-Người Mông Cổ bắt đầu đặt chân lên Nam Hoàng Hà và giao thoa với công đồng Việt ở Bắc Dương Tử khoảng vào 7000-6000năm. Quá trình giao thoa văn hóa xảy ra, người Mông-Hoa tiếp thu văn hóa rực rỡ của người Việt, tiếp nhận những tín ngưỡng, những vị thần thánh người Việt như những vị thần thánh của mình. Điều này xảy ra tự nhiên thôi chứ không có gì là lạ cả.

-Tranh chấp liên miên xảy ra, người Mông-Hoa giỏi quân sự hơn nên giành nhiều thắng lợi và chiếm các chiến lợi phẩm văn hóa. Hiểu lẽ Trời Đất, biết mệnh Trời qua Kinh Dịch Nòng Nọc, một bộ phận quý tộc Việt mang nhiều bí mật, kiến văn chuyển về và lập đô mới ở Phong Châu vào năm 2879 trước CN (Nhà nước Văn Lang). Một số khác vẫn còn phía Bắc vẫn giữ được văn hóa Việt (Diệc) và duy trì Đế Chế qua các đời Đường, Ngu, Hạ. Một số khác nữa di cư lên vùng phía Bắc vào các vùng Triều Tiên (vì thế ở Triều Tiên có số nơi tìm ra những di sản vật thể và phi vật thể của Kinh Dịch) và Nhật Bản (dân Nhật vẫn tự nhận mình là con cháu của Thái Dương Thần Nữ). Nhưng những kiến thức chân xác nhất vẫn nằm trong tay các quý tộc Việt Phong Châu.

-Nhà Thương (Mông Hoa) lật đổ nhà Hạ. Chấm dứt Đế Chế Việt phương Bắc. Tôi cho nhà Hạ là thuộc đế chế Việt không những vì nghĩa của Hạ chính là Nam là quẻ Ly là dòng giống Hồng Bàng (Mặt Trời Đỏ) mà còn vì sự đối lập giữa Thương (bây giờ nghĩa chữ như thế nào thì nhiều học giả có thể trang giang đại hải) và Hạ giống như Thượng-Hạ: một sự tự đắc của kẻ chiến thắng. Nhà Thương lúc đó cũng chưa bao gồm Sở (là một chủng Việt) và Tần, chỉ có Tề, Tấn, Trịnh, Trần, Lỗ, Tống, Vệ…Nhưng vì thiếu gốc văn hóa mà lại du nhập từ chủng Việt nên tùy vào mức độ du nhập, giao thoa văn hóa mà các nước thuộc đế chế Thương có chủng tộc và văn hóa khác nhau. Chúng ta cũng thấy ngay trong Sử Ký Tư Mã Thiên viết Tề Hoàn Công đem quân  lên bình định phương Bắc là nơi chướng địa và những đất lấy được, ông cho nước Yên. Như vậy phương Bắc Trung Nguyên bấy giờ là man di không văn minh. Mà dân Hoa đi từ phía Bắc xuống, vậy cái văn minh Trung Nguyên của Tề Tấn khác xa cái man di của Yên là do đâu mà có. Cách giải thích hợp lý hơn cả vẫn là do sự tiếp nhận những thành tựu văn hóa của chủng khác đã có sẵn ở miền nam.

-Một số dân Việt từ Bắc Việt Nam tiếp tục di cư xuống dưới giao thoa với nền văn hóa đậm nét Ấn Độ để tạo ra các dân tộc Khơ me, Lào và Thái. Mục này tôi tự thấy khó chứng minh vì chữ viết của người Lào, Campuchia và Thái Lan bây giờ mang nhiều ảnh hưởng của Ấn Độ hơn là chữ của người Thái phía Bắc ViệtNam. Dĩ nhiên, không cứ có di dân thì ta lại hồ đồ kết luận là nơi đó có ảnh hưởng lớn của văn hóa Việt. Qua bao nhiêu ngàn năm ở những nơi đó họ cũng hình thành nên một nền văn hóa bản địa khá vững chắc.

-Nhà Chu lật nhà Thương, lúc đó trung nguyên mới có thêm nước Sở nhưng chưa gồm cả Ngô và Việt (Triết Giang)-là hai nước đã tách ra từ Đế Chế lỏng lẻo về chinh trị và biên giới của chủng Việt ngày xưa nhưng văn hóa thì vẫn đậm nét Việt (bởi vì văn hóa được xây dựng đã quá lâu và có nền tảng vững chắc). Chỉ đến thời Xuân Thu Chiến Quốc mới có sự hiện diện của Ngô và Việt trong lịch sử cổ đại Trung Hoa.

-Lưu Bang dấy quân từ Hán Thủy lật nhà Tần thiết lập nên Đế Quốc Hán và từ đó ông ra chế: phàm là thần dân của ta thì đều thuộc tộc Hán. Vậy cái tộc Hán đó là do quyết định chính trị mà thành chứ có phải là do gắn bó nhau về chủng tộc và văn hóa đâu? Vì thế cũng suy ra: Nói Triệu Đà là người Hán cũng rất khiên cưỡng.

-Triều Hồng Bàng đến năm 258 TCN bị Thục Phán diệt. Thục Phán vốn dĩ ở nước Thục xa xôi với văn hóa Hán Trung nguyên và đã từng thuộc văn hóa Việt vì thế ông hoàn toàn biết được ngôn ngữ Việt và được dân Việt trân trọng xem như vị vua của mình.
-Sau đó là 1000 năm đô hộ như chúng ta đã biết.

Trên đây chỉ là những ý tưởng sơ khởi. Các định đề và các mục của giả thuyết có thể được thêm vào, bớt đi hoặc sửa đổi. Và tôi rất mong chúng ta cùng chung tay xây dựng nên một giả thuyết hoàn chỉnh và cuối cùng tìm dẫn chứng để làm cho nó không còn là một giả thuyết mà là chân lý.
 KLA 


 (anviettoancau.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét