Người theo dõi

7 thg 5, 2011

MẪU NGƯỜI QUÂN TỬ - Kim Định


"Thiện chí thì muốn làm ơn cho người, mà hậu quả công việc của mình lại quay ra đàn áp con người. Quả thực đường dẫn đến hỏa ngục lát toàn bằng thiện chí." (Kim-Định).

Nếu bạn muốn cứu dân cứu nước thì phải là quân tử trước đã, nên tôi nghĩ bạn ráng chịu khó đọc và tâm tư cái chương sau đây để mà học lấy mẫu người quân tử.

1. Tính danh quân tử 

Việc thiết lập nhân bản đến đây kể là đã đi được một bước đầu, bước đặt nền tảng, sau này chúng ta còn phải tiếp tục trong các cảo luận sau. Bây giờ cần ngừng lại để đưa ra một mẫu người kết tinh những điều đã suy tư. Việc kết tinh này rất ơn ích bởi những ý niệm nếu không được quy tụ vào một mô thức cụ thể thì khó mà đủ khả năng gây tác động : một triết lý dầu có cố gắng đi sát thực tế vẫn còn trừu tượng, những nguyên tắc cao thâm những ý tưởng chính trực dầu sao vẫn còn mung lung; nhưng mẫu người thì sẽ hiện ra khá cụ thể, nói được là đợt cụ thể nhất trong vòng lý tưởng, đợt cụ thể nằm sát liền với hiện thực.

Và đây cũng là lời khuyên trong Nho giáo "quân tử hoài hình" người quân tử phải canh cánh mang bên lòng hình ảnh người lý tưởng. Ý tưởng trên có thể giảng rộng bằng câu Scheler như sau : "Mẫu mực là một giá trị được đầu thai vào một người : nó trở thành khuôn mặc luôn luôn phảng phất trước linh hồn của người hoặc một đoàn thể, lần lần linh hồn đó nhận lấy những nét của nó; đến nỗi toàn thể người đó, cả đời sống cũng như các tác động một cách ý thức hoặc vô thức đều theo mẫu mực, đến độ dù nó chấp nhận và ưng ý, hay từ chối và bất mãn với mình thì đều do nó có đi theo hay trái với mẫu mực kia. Người theo mẫu mực không cần biết điều đó một cách ý thức thế nhưng ngày này sang ngày khác nó uốn nắn toàn thân tâm cũng như tư cách của họ theo với mẫu mực".

Nhờ sự hoài hình mà lâu ngày như người ở giữa hoa được tẩm nhiễm mùi thơm vậy. Dẫu sao thì ảnh hưởng cũng mạnh mẽ hơn lý thuyết nhiều. Ta có thể minh hoạ bằng nước Pháp. Pháp so với Anh thì chúng ta được nghe là văn hóa cao hơn, giàu triết thuyết và ý hệ hơn, những tư tưởng tự do, bình đẳng được biểu dương rộng rãi hơn, nhưng nếu muốn được xem sự hiện thực tự do bình đẳng thì ai cũng công nhận phải sang nước Anh. Keyserling cho rằng sở dĩ dân Anh tiến mau hơn Pháp hay cả Âu Châu chính vì họ có một mẫu người mà dân Anh người nào cũng đều coi trọng. Ngược lại bên Đức ai cũng chỉ muốn mình có sao thì cứ thế hoài, nên mẫu người siêu nhân không thể trở thành mẫu mực cho đám đông được. 
(*)
(*) Le prestige dont le gentleman a joui de tout temps en Angleterre pourquoi le peuple anglais est historiquement en avance sur tous les autres Occidentaux. En Allemagne au contraire chacun entend rester tel qu’il est et l’homme supérieur ne devient jamais un modèle pour la masse. (Philosophie de Keyserling par Maurice Boucher édition Rieder Paris 1927 p.146)

Đọc xong mấy dòng trên chúng ta cảm thấy thâm tín hơn về sự cần thiết tìm cho mình cũng như cho nước một mẫu người. Mẫu người trong đó Việt nho xưa là quân tử. Chúng ta cần tìm hiểu thấu đáo xem còn có thể áp dụng được đến đâu. Vì thế ta sẽ lần lượt bàn về danh tính và nội chất của người quân tử trong các triệt sau.

Trước hết xét về danh, xin hỏi quân tử là gì ?

Hồ Thích thưa là "quân chi tử" tức là con của vua. Xưa chỉ nói con vua, nay Hồ Thích theo lối khúc chiết thêm chữ chi vào để chỉ con của vua. Đó là một sự cẩn thận của luật ngữ gia, danh lý gia chứ không thêm chi cho nội dung. Chúng ta cần phải đi xa hơn để tìm hiểu thực chất.

Trước tiên cần ghi nhận rằng ở Trung Hoa cổ đại thì chữ Quân Tử chỉ những bậc dự hàng cai trị, những vương, công, hầu, bá, tử, nam… Về sau nhờ ảnh hưởng của những người như Khổng Tử cố làm cách mạng đánh đổ chế độ kế tự và cổ động cho chế độ kế hiền, thì chữ quân tử cũng dần dần trút nghĩa thế tập để mặc lấy nghĩa luân lý : bất kỳ ai cù thường dân cũng thế hễ có những đức tính cao thượng đều được gọi là quân tử, và từ đấy quân tử trở thành mẫu người lý tưởng của Viễn Đông, bỏ hẳn nội dung ban đầu là con của vua.
Đời Mạnh Tử có lẽ chữ quân tử chưa trút hết nội dung cũ nên ông hay dùng chữ đại nhân và tư nhân thay cho cặp đôi quân tử tiểu nhân (Manh IV b.22), âu cũng là cách tẩy cho sạch óc kỳ thị nghèo hèn mà xưa kia kẻ xâm lăng gán cho tiểu nhân. Nhưng về sau người ta dùng chữ quân tử chung với đại nhân. Sở dĩ Khổng Tử không đổi danh từ, vì tự nó chữ quân tử đã mang theo một ý nghĩa rất sát với đạo nhân chủ rồi. Bởi quân tử có nghĩa là con vua thế mà theo nguyên lý Tam Tài thì người là một trong Tam Tài cũng gọi là Tam Hoàng: tức là Nhân Hoàng. Mà Hoàng với Vương với Quân cũng là một, nên nói con Vua cũng là nói Con Người.

Chân nhân mới chính là Hoàng là Vương, mà chữ Vương biểu thị bằng ba nét ngang chỉ Thiên Địa Nhân, còn nét dọc giữa là quán thông Tam Tài, là nơi "ám hội câu toàn" cả ba yếu tố của Tam Tài gặp nhau một cách huyền vi (ám= âm thầm huyền vi). Thiếu nét dọc huyền vi đó thì sẽ không ra chữ Vương nghĩa là không ra mẫu người lý tưởng, vì đó chính là điểm tượng trưng cho tính chất mà người quân tử phải đạt tới "bất tri thiên mệnh, vô dĩ vi quân tử".

Nếu không biết được Tính mệnh thì không lấy gì để làm thành quân tử. Bởi nếu không đạt Tính thì không tới Mệnh. Mà không tới Mệnh thì làm sao mà quán thôn Thiên Địa. Lúc ấy tam vẫn là tam không bao giờ trở thành Vương. Không Vương là không Quân thì lấy chi làm nên quân tử, chỉ còn có làm nô tử tức là nô lệ cho Trời cho Đất, cho sự vật, còn đâu nữa quyền hành để làm quân tử theo thuyết Nhân Hoàng.

Nhưng khi hiện thực được nét quán thông thì nối được Thiên Địa hàng dọc, mà hàng ngang với tha nhân cũng đi đến chỗ cùng cực : "Thánh nhân nhân luân chi chí dã" (Mạnh IV.2). Thánh nhân là tinh hoa của những mối liên lạc giữa người với người. Cho nên nhân nghĩa lễ trí là những đức lưu nhuận mối nhân luân cũng là hoa là của tính người quân tử : "Quân tử sở tính nhân nghĩa lễ trí"Tính của quân tử là nhân nghĩa lễ trí. Nên quân tử bỏ nhân thì hết đáng tên quân tử. "Quân tử khử nhân ô hồ thành danh": quân tử khử bỏ đức nhân thì lấy chi để thành danh quân tử ? (Mạnh VII 21)


2. Đức tính người quân tử

Đó là Tính là Nhân, nhưng nói thế chung quá, nên chúng ta chia nhỏ ra cho dễ hiểu. Đức đầu tiên bao gồm hơn hết là Trung Dung : "Quân tử thời Trung, tiểu nhân vô kỵ đạn" (T.D). Quân tử luôn luôn Trung với Thường Hằng (tức là Tính), còn tiểu nhân bừa bãi không kiêng nể chi.

Chữ Trung này là lối nói đơn sơ nhất để diễn tả cái Hoàng Cực (sự hoàn thiện cùng cực). Hoàng Cực hay Trung Dung là một. Do đó ta thấy tính cách phổ biến của Trung Dung (xem bài Hoàng Cực trong Chữ Thời). Nhưng chính vì phổ biến quá rộng không dễ thi hành, vậy phải chia nhỏ ra một bậc nữa và lúc đó ta có ba đức nền tảng của Nho giáo là Trí, Nhân, Dũng. Người quân tử phải có cả ba mới là người toàn diện.

TRÍ 

Trước tiên chỉ tri giác, trí tuệ, tức bậc biết cao nhất, nó có thể dẫn đến ý thức về linh tính của mình, cũng gọi là biết thiên mệnh (thiên mệnh chi vị tính)Nếu không đi hết đường thì không tới trí tri và không đáng quân tử : "bất tri thiên mệnh vô dĩ vi quân tử". Giống câu Emerson: "Ý thức được nội ngã mới là người có bản ngã" (*), "không thể có nhân cách khi thiếu ý thức về nội ngãmà cho được ý thức về nội ngã thì phải có cái biết cùng cực, cái biết trí tri vậy.
(*) Comme la vraie personnalité n’existe pas sans la conscience de soi (Andler p.310)

NHÂN

Bao giờ cũng lấy việc đạt Nhân làm trọng hơn tài cán và cho đó là nền móng, "quân tử chuân chuân kỳ nhân". Quân tử phải gắn bó với đức Nhân của mình (T.D 32). Bởi vì "nhân dã nhân giả": "chính đức nhân mới là ra người vậy". Lý tưởng bao giờ cũng là tài đức kiêm toàn, nhưng nếu vì lý do gì phải nhẹ một bên, thì phần nhẹ phải là bên tài, nặng bên đức. "Đức thắng tài vi quân tử, tài thắng đức vi tiểu nhân"Chuyên tâm vào việc đạt nhân thành đức mới là quân tử, còn chú trọng tiền tài không thôi thì là tiểu nhân.


DŨNG 

Cái Dũng của quân tử là không làm thì thôi, nhưng một khi đã làm cái gì thì phải làm cho đến tận cùng cực. Đó cả là một sự can đảm phi thường : "quân tử vô sở bất dụng kỳ cực". (Đ.H 3)
Dũng của quân tử còn là nhẫn nhục hơn người. Vì nếu là trí tri thì phải biểu lộ bằng đức nhẫn nại lớn hơn. Vì nhẫn nại là do sự xem ta thấy rộng. Sự thấy rộng trở nên như bầu khí bao lấy những cái bất như ý, làm cho thấy chúng không đáng bận tâm nên dễ dàng nhẫn nại. Đức Dũng cũng còn là tiếp người thì hòa mà không a dua theo lưu tục, cố giữ Trung mà không nghiêng bên phe đảng nào, hiển đạt không kiêu, gặp tai ương không biến đổi. Đó là cái Hùng, cái đức nghĩa Dũng khác với cái khí Dũng (T.D 10), nên thánh nhân hiếm có hơn người lính tốt.

Đó là ba đức trụ: phải hội được cả ba mới là đạo quân tử. "Quân tử đạo giả tam : nhân giả bất ưu, trí giả bất hoặc, dũng giả bất cụ" (L.N XIV 30). Đạo quân tử gồm ba đức là Trí, Nhân, Dũng. Có Nhân thì không ưu phiền. Có Trí tuệ thì không bị lầm lỡ (trên nguyên lý). Có Dũng thì không biết sợ.

Nếu áp dụng phạm trù tính khí học (caractérologie của De la Senne thí dụ) thì quân tử là người có tính nhiệt tình bao hàm cả xúc cảm tính mạnh mẽ, hoạt động hăng say và nhị đăng tính (émotif actif & secondaire). Nhị đằng tính là người phản ứng chậm và bền : khóc trước người, cười sau người là dấu của nhị đằng tính. Trở lên là tìm về ba đức nền tảng của quân tử, tuy đối với đức Nhân đã là mở rộng, nhưng đối với hành động vẫn chưa đủ chi tiết : cần mở rộng thêm nữa. Vì thế Nho thường nói đến những "nhóm" đức tính nhỏ hơn, xác định hơn, dễ khêu gợi ra động tác. Đây là một vài nhóm chính :

Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, quen gọi là Ngũ Thường. 

Hoặc cung, khoan, tín, mẫn, huệ, cần cho nhà cai trị.

Hoặc ôn, lương, kiệm, ước, tả động ứng của Khổng Tử.

Nhóm đức để duy trì nước gọi là tứ duy : lễ, nghĩa, liêm, sỉ.

Đó là đại để không thể đưa ra hết các đức tính của người quân tử vì mỗi câu trong Tứ Thư Ngũ Kinh đều nhắm vào việc luyện nên con người quân tử : sách Trung Dung đưa ra nguyên tắc lý thuyết. Đại học đưa ra nguyên tắc thực hiện. Luận ngữ đặt người quân tử vào chính lúc hoạt động, nói năng, suy tư…

3. Cấp bậc 

Trên đây mới nói bao quát về đức của người quân tử. Bây giờ cần phải bàn về cấp bậc. Thực ra thì đây cũng là phương thức giáo khoa dựa vào những phân biệt để làm sáng tỏ vấn đề hơn, chứ trong thực tế nó không đựơc rõ như thế. Theo Mạnh Tử ta có thể chia ra 6 đợt người như sau :

Thiện nhân : khả dục chi vị thiện 

Tín nhân : hữu chư kỳ chi vị tín 


Mỹ nhân : sung thực chi vị mỹ 

Đại nhân : sung thực nhi hữu quang huy chi vị Đại (quân tử).

Thánh nhân : đại nhi hóa chi, chi vị Thánh

Thần nhân : thánh nhi bất khả tri, chi vị Thần (Tận tâm hạ 25)

Khả dục chi vị thiện : Có lòng mong muốn làm quân tử. Đó gọi là bậc thiện nhân. Thiện nhân giả "bất tiễn tích diệc bất nhập ư thất" (L.N XI 29). Chưa theo lối tiên hiền, cũng chưa "vào được trong nhà" tức đạt được Nhân Tính nên mới là thiện nhân cư xử theo lương tri, hãy còn theo người khác như kiểu đại chúng chưa có được tự lập, nhân cách riêng.

Đợt hai mới là tự lập, tự Tính, không còn lấy dư luận làm tiêu chuẩn tối hậu nữa mà biết căn cứ vào nội tâmnên nói là "hữu chư kỷ"đã có nơi mình. Đó là đạt bước cần thiết là "Hữu phu" không cần bắt chước người khác: mình là mình.

Bao giờ đức tự tín (hữu phu) đã sung mãn thì đạt độ Mỹ. Mỹ chân thực đòi phải có nội dung sung thực như tràn ra. Đấy mới là cái đẹp siêu nhiên. Có thực tràn đầy gọi là mỹ.
Cứ cái đà sung thực gia tăng mãi mãi, cho đến lúc rực rỡ huy hoàng, chiếu rọi ảnh hưởng ra xung quanh (rayonner) thì lúc đó là đại nhân quân tử : "sung thực nhi hữu quang huy chi vị đại".
Khi sức gây ảnh hưởng trở nên mãnh liệt diệu dụng có sức cảm hóa chúng nhân cách hùng hậu thì bấy giờ là Thánh.

Tuy vậy ta còn biết được, khi thánh nhân đã tới đợt tiến hóa vượt mức tưởng tượng của chúng nhân không sao đo lường nổi nữa thì bấy giờ gọi là Thần, hay là "chí thành như thần". Đó là sáu bậc tiến hóa của con người xếp theo Mạnh Tử. Hai cấp dưới thuộc Trí. Trí có hai : loại thường sống như mọi người theo lương tri thì cùng lắm mới là thiện nhân.

Tuy vậy còn phải trội hơn đại chúng ở chỗ ước muốn trở nên quân tử (khả dục). Sau đó phải có được cái tiêu chuẩn tự nội gọi là "hữu chư kỷ" mới đáng tên là Tín, tức phải bước lên bậc Trí thứ hai là bước xa hơn luân lý để lên tới đợt đầu của triết lý. Cho được gọi là triết thì phải tự tin nơi mình. Đây là điều kiện đầu tiên.

Hai đợt 3, 4 thuộc Nhân, là đôn hậu tình người cho tới sung thực (đợt 3) để rồi chiếu tỏa yêu thương ra chung quanh mình thì đáng tên là Mỹ, là Đại nhân.

Hai đợt 5, 6 thuộc Dũng, mới đủ sức hiện thực sự cảm hóa để biến đổi xã hội : biến ít thì là Thánh, biến đổi vi diệu thì gọi là Thần.

Đó là thử phác họa những bước tiến theo Nho triết. Trong thực tế thường chỉ nhấn mạnh đến đại nhân quân tử tức là mức độ cao nhất mà số đông còn có thể thực hiện. Những người khinh miệt quân tử coi như quá thấp, là không chú ý đến cái khả năng hiện tại của đại chúng.

Trong khi nói thông thường thì tất nhiên chữ quân tử bao hàm tất cả các bậc Thiện, Tín, Mỹ, Đại cũng như hướng về Thánh và Thần, chứ không có phân tích kỹ như trên.
Suốt đời Khổng Tử đi tìm thánh vương mà không gặp : những nhà quyền chính đương thời chưa được là thiện nhân, toàn một loại giá túi cơm : đẩu sao chi nhân không đủ bàn tới.


4. Đối chiếu 

Đối chiếu nhằm hai mục đích : vừa làm rõ thêm hình ảnh người quân tử, đồng thời giới thiệu một số mẫu người thâu lượm qua lịch sử, văn chương, truyện ký, tiểu thuyết… để giúp cho mỗi người tìm ra cái mẫu xứng hợp cho mình hoặc để thích nghi hơn với hoàn cảnh trong khi áp dụng mẫu người quân tử.

Vì quân tử mới là mẫu chung còn có nhiều sắc thái khác thí dụ ở người hiệp sĩ thì sắc thái quân tử khác với nơi người thường. Với quân nhân thì là Trí, Dũng, Nhân hoặc là Dũng, Trí, Nhân : đặt Dũng và Trí trước Nhân. Nhưng với Nho sĩ thì là Trí, Nhân, Dũng, đặt Dũng sau hết. Không thể đem một mẫu chung mà chụp y nguyên lên người khác nhưng cần mỗi người phải tự tìm lấy hay ít ra tự thích nghi cho hợp với mình, cần biết đúng địa vị và khuynh hướng để nhấn mạnh trên điểm ám hợp.


a. Ông Thánh 
Trước hết là thánh nhân trong các tôn giáo. Đây là một loại riêng ta không thể đối chiếu vì tôn giáo không thuộc môn triết. Vậy chỉ nên nhận xét hai điểm này : trước hết nơi các vị thánh thì Nhân, Dũng có lẽ cần, nhưng điểm Trí không bắt buộc. Điều cần là vâng giữ các giáo luật đầy đủ. Thánh theo tôn giáo là những người giữ được giáo điều đến mức độ cao, khi giáo quyền đã thấy đủ điểm thì tuyên dương là thánh : như vậy phần trí tuệ không đòi, do đó nói thánh nhân không cần tính chất phổ biến của nhân bản.

Ông thánh của tôn giáo này đã vị tất được các tôn giáo kia cho là thánh, vì thánh ở mỗi tôn giáo vâng theo một số giáo điều đặc thù, nhiều khi đi đến xung khắc. Vậy không hợp với quân tử là mẫu người có thể hợp với nhiều người trên một chiều rộng hơn. Bergson phân biệt hai nguồn gốc luận lý, một ngoại khởi do luật lệ giới truyền, một tự nội do suy tư của trí tuệ thượng đẳng. Thánh trong đạo có thể do nguồn luân lý ngoại khởi nghĩa là không cần ông phải tìm ra các lý sâu nhiệm…

Còn ông thánh trong Việt nho phải do luân lý nội khởi cho nên điều kiện đầu tiên phải là "hữu phu", là tìm ra lý do tác động ngay nơi mình. Bởi vậy chính mình phải biết tự cách vật, trí tri, cùng lý, phải hiểu cơ vi của thiên sự, nhân sự. Thánh nhân trong Nho giáo phải là bậc biết chỗ tế vi cũng như những sự vật đã hiện hình "tri vi tri chương"cơ trời vận nước phải am tường có thể làm quân sư cho bậc vương giả; như Khổng Minh được Lưu Bị ba lần tới núi Ngọa Loang xin nhậm chức quân sư (tam cố thảo lư) và chỉ ở trong Nho giáo mới hiểu đựơc ý nghĩa câu thánh nhân cũng có điều không biết "Thánh nhân hữu sở bất tri".

Nếu chú trọng nguyên vào Nhân Dũng mà bỏ phần Trí, thì câu đó không có nghĩa gì cả. Miễn ông giữ được luật, còn không cần phải thông hiểu, tương tự những người mà Nho giáo kêu là thiện nhân hay hằng nhân :không theo lối người xưa, tức không biết đến Truyền thống tâm linh, cũng không thấu đến tinh thần, "bất tiễn tích, diệc bất nhập ư thất trung" (L.N XI 19).

Ngược lại quân tử phải là người nối kết được Minh triết và thánh thiện. "Siêu nhân của Nho giáo phải gồm cả ba đức được chọn lọc cách nghiêm chỉnh như là cùng cực vừa của Socrate (Trí), vừa của Nietzsche (Dũng), vừa của đấng Christ (*).
(*) Union of philosopher and saint producing the sage. The superman of Confucius is composed of three virtues severally selected as supreme by Socrate, Nietzsche, Christ (Civ III)


b. Người Hùng 
Thứ đến là người hùng. Một Alexandre, một Napoléon có thể là thiên tài và nổi về đàng Dũng, về tài thao lược chọc trời khuấy nước không cần chú ý đến Nhân nghĩa. Mẫu người này được tôn thờ ở những nơi quý lý trí và khí Dũng, tranh đoạt quyền lợi. Mẫu người này được đẩy đến cùng độ nơi siêu nhân của Nietzsche, quá thiên trọng về dũng mãnh, óc chinh phục và tạo dựng đến dẫm chân lên người khác một cách thản nhiên, hơn thế nữa còn cho đó là chuyện cần. Will Durant nhận xét : Nietzsche quá đề cao bản ngã nên không hòa hợp nổi với đức vị tha nữa (Vies et Doctrines 479).

Mẫu người như thế là sự phát triển đến cùng cực chủ trương đấu tranh sinh tồn của Darwin trong bầu khí hùng hục đi chiếm thuộc địa và thị trường ở thế kỷ 18-19 giữa những tiếng hò của các triết gia : Hobbes cho người là chó sói với người, Hegel chước chuẩn cho quốc gia mạnh nhất khỏi phải hợp thức hóa những tài nguyên đã đoạt được… Ngược dòng lịch sử lên qua Machiavel… cho tới Calliclès trong Dialogue Gorgias của Platon chủ trương quyền lợi xây trên sức mạnh và ngược lên nữa cho tới Odysée ta thấy anh hùng Ulysse đã bỏ thành Troie đi phiêu lưu thuật lại một cách hãnh diện việc cướp thành Ismaros, và chương trình ông định đổ bộ lên Egypte để cướp phá, giết người, bắt đàn bà và trẻ con : ông không thể nói mười chữ mà không xen vào một lời nói dối, và lên nữa là các thần tượng La Hy thờ như thần Mars quan thầy chiến tranh, Bacchus thần rượu và đừng quên thần Mercure quan thầy thương mại, một tay cầm gói bạc, một tay cầm chuỳ : tượng trưng các sức mạnh cần thiết cho việc tranh đoạt và buôn bán…

Siêu nhân của Nietzsche có thể là "siêu tư" (không cần thầy) chỉ cố vươn lên để trung với nội ngã tâm linh của mình; nhưng ở vào bầu khí vật chất thế kỷ 19 đã bị hiểu theo nghĩa sinh lý, chiếm đoạt giày xéo lên các dân khác… Những mẫu người ấy đạo giống Đông phương không công nhận, Tần Thuỷ Hoàng hay Tào Tháo vẫn bị coi là đứa gian hùng, tàn bạo chứ không bao giờ được tôn thờ. Nơi đây theo Nho triết: "thiện vi trận, thiện vi chiến đại tôn giả", "đánh nhau cướp thành, đem xử chưa hết tội" (Mạnh Tử: Lâu Li Thượng).

Thánh Gandhi cũng đồng quan điểm khi nói đến các anh hùng Tây Phương, nếu xét kỹ dưới ánh sáng công lý thì đa số những thần tượng đó là những thiên tài khùng điên đều đáng bị tù tội. 
"Presque tous les grands hommes qu’ils se donnent pour modèles furent des foux géniaux justifiables de la camisole et du cabanon". Theo Lanza Del Vasto thuật lại ý nghĩ của Gandhi trong quyển Leur Civilisation et notre salut (tr.20).


c. Thiên tài 
Thứ ba là thiên tài : vĩ nhân trong văn nghệ, mỹ thuật, khoa học, binh quyền như Virgile, Shakespeare, Goethe, Beethoven, Léonard de Vinci v.v… cũng như Newton, Galilée, Einstein tất cả chỉ là những tài ba lỗi lạc nhiều khi là thiên tài, mà ta gọi là vĩ nhân, nhưng như Nietzsche nhận xét "vĩ nhân vị tất đã là nhân"(Grand homme ce n’est pas encore un homme. Gai Savoir p.195). Tại sao? Vì hầu hết họ khi là những người có biệt tài trong một ngành chuyên môn nào đó. Einstein đã hô hoán cho thế giới biết điều này nên ông quan tâm rất nhiều đến giáo dục, vì cho văn hóa mới là cái làm nên người. Ông viết trong quyển "Comment je vois le monde" như sau :

"Học một món chuyên môn chưa đủ, với bấy nhiêu chỉ có thể trở nên một cái máy khả dĩ dùng được, nhưng chưa phải là một nhân cách đã được hoàn bị. Cần sao mỗi người phải có một cảm thức mạnh mẽ về cái gì đáng đạt được, phải học tập cho có cảm quan về cái đẹp, cái thiện, nếu không, thì với những kiến thức chuyên môn họ sẽ giống như con chó đã được áp luyện (dressé) hơn là một con người mà mọi cơ năng được phát triển đồng đều. Họ phải học hỏi về nhân tình thế thái, biết những nỗi thất vọng cũng như đau khổ của con người để có được một thái độ nhân ái đối với tha nhân, đối với tập thể" (tr.27).

Khi mới đến nhập tịch Mỹ quốc, khi ông được xin phát biểu cảm tưởng về Hoa Kỳ, thì ông đã nói những lời đầy khiêm tốn, mà tôi viết lại đây với cả một tấm lòng hâm mộ đối với Einstein là người hơn là đối với Einstein là nhà khoa học đã phân tán được nguyên tử. Ông cho rằng : "người ta thường gán cho vĩ nhân những đức tính và trí tuệ siêu phàm. Đó là chính trường hợp tôi, giữa những khả năng và quyền phép người ta gán cho tôi quả có một sự tương phản lố bịch với chính con người của tôi và những khả năng có thực của tôi. Ý thức tình trạng kỳ dị nọ có lẽ không thể chịu được nếu không có một sự yên ủi nào đó, nghĩa là thấy ở đấy một dấu đáng mừng cho thời đại chúng ta, mà người ta tố cáo là quá vật chất, thực ra là nó dễ biến những thường nhân ra anh hùng những mục phiêu hoàn toàn thuộc phạm vi lý trí và luân lý. Điều đó chứng tỏ sự hiểu biết và đức công bằng vẫn được phần lớn nhân loại đặt cao bên trên giàu sang và quyền bính." (tr. 53)

Những lời Einstein tiên sinh nhận xét ở đây thì chúng ta có lý mạnh để áp dụng cho hầu hết các vĩ nhân trên thế giới. Phần nhiều chúng ta chỉ cảm phục tài ba của người đó mà không xét toàn diện; chúng ta làm thế là phải : "người coi xa ma coi gần". Nếu coi gần, nếu tra hỏi cặn kẽ mọi phương diện làm người thì mấy ai đáng danh hiệu vĩ nhân, và như thế thiệt cho chúng ta ở chỗ sẽ thiếu đi nhiều thần tượng, nhiều gương mẫu. Nhưng nếu lấy tư cách là triết học gia để tìm ra một mẫu người thì phải tỏ ra óc thực tế hơn, phải xem gần hơn, và lúc ấy ta sẽ rõ "vĩ nhân vị tất đã là nhân". Sau vĩ nhân chúng ta nhận xét thêm một số mẫu người linh tinh :


d. Trước hết là người chính nhân 
Người chính nhân bên Âu Châu thế kỷ 17 (honnête homme) là kẻ lịch thiệp, biết lối giao tiếp ở đời (*). Phạm Quỳnh tỏ ra tự ti mặc cảm khi nói chính nhân há chăng phải giống quân tử như hệt ru ? Nói thế có ý biện hộ cho mẫu người quân tử, nhưng thật ra ông đã nâng người chính nhân lên nhiều quá bởi người chính nhân chú trọng về đàng cư xử lịch thiệp và trí thức chứ đâu có một đạo sống sâu xa và hết công tu luyện nội tâm như quân tử; nhất là đâu có tầm thực hiện sâu rộng, chẳng qua là mẫu người trong sách vở và được giới thiệu quanh quẩn xa hơn nước Pháp một chút và trên một vài thế kỷ, đâu có phải là cả một châu và trên ba ngàn năm thực hiện.

Đọc Montaigne chẳng hạn ta không thấy rõ nhất quán : từ cái sống theo thiên nhiên kiểu Epicure ghé sang Stoiciens : "Triết lý là để học biết chết" và nhất là nhiều hoài nghi. Tất cả những chứng lý hoài nghi thuyết của người Hy Lạp, ông lập lại hầu hết, do đó thiếu hăng nồng tự tin, thiếu hẳn cái đại đức mà sách Trung Dung gọi là "lập thiên hạ chi đại bản"để làm gốc lớn cho thiên hạ. Đó mới chỉ là Thiện nhân chứ Tín nhân cũng chưa đạt, nói chi đến Đại nhân mặc dầu tài văn chương của nó có cao đi nữa.
(*) L’honnête homme est un homme poli et qui sait vivre. (Bussy Rabutin).
Cũng có thể nói phần nào như thế về Gentleman quý phái của người Anh, mặc dù đựơc chú trọng lâu hơn chính nhân bên Pháp nhưng cũng mới chỉ là mẫu người thu gọn mình dưới trung tầng văn minh, chứ không có cái nhìn Minh triết thấu đến Tính mệnh Tâm linh, vì thế mặc dầu có thực hiện khá hơn, nhưng còn lâu chính nhân mới được gọi là toàn diện, vì dù sao còn có nhiều vụ lợi bên trong những cố gắng như làm thế nào để trở nên người đáng yêu đáng quý v.v…

Ông Segnac de Meilhan nói chung về những người đó như sau : "Cố làm con người đáng yêu chỉ là một cách thủ lợi bảm đảm hơn hết, nó chẳng có chi nguy hiểm như khi phát triển mầm mống của một đại nhân" (*). 
Như vậy rõ ràng là mầm mống của đại nhân chưa có trong Gentleman cũng như trong Chính nhân. (*) Le rôle de l’homme aimable, tout bien considère est dans la société ce qu’il y a de plus sûr, de plus avantageux. Il est trop dangereux de développer le germe d’un grand homme.


e. Những mẫu mới 
Ngày nay người ta còn đưa ra một số mẫu người khác như người ái quốc, người chiến sĩ, sợ nhất là cán bộ, người tăng gia sản xuất, người kinh tế, người bác học, kỹ sư, chính trị gia v.v… Tất cả mới ở đợt cùng lắm là Thiện nhân chưa sao vươn lên đến Tín nhân để có được một huyền niệm trung thực, nên nông cạn và thường thiên lệch : người công dân ái quốc dễ trở nên hẹp hòi khuôn mình trong phạm vi quốc gia quá khích; người chiến sĩ dễ trở nên cuồng tín phụng sự cho đảng phái, thờ nhà lãnh đạo đã được lý tưởng hóa một cách giả tạo. 
Hãy nghĩ đến những giọt nước mắt của Tố Hữu khóc Staline…

Còn một số lớn những người có tiếng tăm trong văn học hiện đã giới thiệu qua một vài tác phẩm văn học. Sự giới thiệu rất là tốt, giúp độc giả biết thêm một số tài năng, những thành công mới. Cũng như chúng ta biết đến tài của Nietzsche, Kierkegaard, Dostoievski, Kafka, Rimbaud, Faulkner v.v… để mở mang trí óc, cho vòng trời kiến thức vươn thêm ra, nhưng đó không phải là mẫu người cho dân một nước, có may lắm mới là cho một thiểu số chừng một vạn là nhiều nhất.


f. Bình luận chung 
Jung viết: "Không có sự chín chắn và sự toàn diện không thể có nhân cách" (*). Và "nhân cách là trái chín của một đời sống có định hướng nhắm vào việc rèn luyện nhân cách. Muốn đạt đích đó thì phải biểu lộ đến mức tốt nhất toàn khả năng của một con người tư riêng và duy nhất" (**). Mấy lời trên đây nhằm đặt nổi hai đức của nhân cách tức cũng là của người quân tử là sự chín chắn và nhất là sự toàn diện. Thiếu hai điểm đó không thể nào trở thành một nhân cách viên mãn, tức một người quân tử. Vậy mà khi không có một nền nhân bản tâm linh thì làm sao có được sự toàn diện.
(*) Et sans maturité, sans totalité pas de personalité.
(**) La personalité est le fruit mur d’une activité de vie orientée vers ce but. Car dans l’accès à la personnalité, il n’y a rien moins que le déploiement le meilleur possible de la totalité d’un être unique et particulier (Modern 250).

Tất cả những mẫu người chúng ta vừa duyệt qua đều là chuyên môn có nghĩa là thiên trọng về một tài năng nào đó và đều thuộc trung tầng thành công, mà chưa có được một nền đạo lý toàn bộ cho việc thành nhân, nên thiếu toàn diện tính. 

Emerson đã viết quyển "Những người đại diện" (Representative men) với đầy lòng thán phục, cuối cùng ông phải nói là chưa hề thấy được một người "we have never seen a man". Với ông "lịch sử quá bủn xỉn. Những quốc gia chúng ta chỉ là đám hạ dân, không bao giờ chúng ta đã thấy được một người" (*). Triết lý mới tới đợt ý hệ thì ngoài hạ dân mà có được một hai người đáng mặt cũng chỉ là điều may, chứ không phải là một kết quả của một triết lý nhân chủ.
(*) L’histoire du passé a été mesquine, nos nations n’ont éte que des populaces. Nous n’avons jamais vu un homme (Andler t.3, 244)
Nietzsche đóan quyết rằng mới có những mảnh, những mụn của người, chứ người toàn diện thì hẳn là chưa có (Zara 136). Câu nói này làm ta liên tưởng tới hai danh từ mà người La-Hy dùng để chỉ cái tương đương với nhân đức, nhưng xét lại thì không cùng nghĩa nhân đức như bên ta : thứ nhất là chữ "Virtus" do gốc chữ La Mã, nghĩa là người đàn ông, "Vir" tức là chú trọng đến dũng mãnh, hùng dũng, kiểu khí dũng, như Keyserling nhận xét về mẫu người trong câu "Esto Vir" (hãy nên người đàn ông), tức quá nặng chất quân sự, võ biền, vì đó là ý nghĩa của chữ "Vir".

Còn chữ "Arete" của Hy Lạp chú trọng đến sự trổi vượt (éminence) bất xét đến nhân nghĩa, miễn sao trổi vượt bằng bất cứ phương cách nào. Đức theo lối tài ba đó được áp dụng khá rộng : thường thường người ta chỉ chuyên chú phát triển một tài năng nào đó đến độ để nó hút hết sinh lực của các cơ năng khác và biến nghệ sĩ, người hùng, thiên tài… thành một con người kỳ dị. "Không một người toàn diện nào cả. Bao giờ cũng thế chỉ là những mảnh, những chi thể, những thành tựu tình cờ đáng sợ, nhưng còn người thì tuyệt không" (*).
(*) Aucun homme n’est être total, toujours la même chose: des fragements, des membres et des hasards épouvantables, mais point d’hommes (Nietzsche de Jaspers p.27)

Những lời trên đây có tính cách thành thực và đi sát với thực tế hơn: đó là sự thất bại của triết học lý niệm không đưa ra nổi một mẫu người đầy đủ, vừa lý tưởng mà lại vừa thực hiện được. Sự thất bại đó là tại phần lớn không chú trọng đến đời sống. Những tác giả chính thức được đưa vào học hỏi trong các trường như Platon, Aristote, Descartes, Kant, Hume, Berkeley… thì đặt vấn đề xa thực tế, xa đời sống. Những tác giả nói đến đời sống như Epictète, Marc Aurèle, Sénèque thì bị coi là hạng thứ (mineur) không được đưa vào chương trình hay nếu có cũng chỉ là theo trào lưu chung là quý tư tưởng hơn sự đào tạo con người.

Trình bày thuyết Stoicien như Sénèque thì hay nhất rồi, đến nỗi thánh Augustin phải nhận rằng : "Người tín hữu Kitô liệu có thể nói thêm gì hơn được lời người ngoại giáo này chăng ? (Qu’est ce qu’un chrétien pourrait ajouter à ce qu’a dit ce païen). Thế nhưng khi hoàng đế Néron giết mẹ thì ông vừa là thầy dạy vừa là cố vấn, đã nhẫn tâm đọc một bài biện hộ cho Néron trước Nghị viện, để đổ cho bà Agrippine mưu toan cướp quyền của con, đến lúc bại lộ bà tự vận. Thật là một trang sử đáng hổ ngươi cho triết học. Những điều đó còn giải nghĩa được bằng một lúc yếu đuối, chứ như việc Sénèque cho vay với lãi cắt cổ, để xây cơ nghiệp khổng lồ của ông thì khó mà biện hộ bởi là việc lâu dài.

Đành rằng đời sống riêng tư chưa phải là lý do đủ để coi thường một triết thuyết, nhưng dầu sao đời sống hợp theo triết thuyết vẫn uy tín hơn, nó chứng tỏ trứơc hết là sự chân thành tận tín của triết gia. Triết gia thâm tín đến độ hi hiến toàn thân cho chủ thuyết của mình, lấy ngay thân tâm mình làm vườn ương mầm cho triết thuyết.

Bà mẹ của Mạnh Tử phải ba lần đổi chỗ ở, sợ con thấy người ta giết súc vật mà thiệt đến lòng nhân của con, phải chăng vì đó mà ông Mạnh Tử thêm hăng hái trong chủ trương hòa bình nhân ái "Hành nhất bất nghĩa, sát nhất bất cô, nhi đắc thiên hạ, giai bất vi dã"(Mạnh Tử II 2). Nếu phải làm một việc bất nghĩa như giết một người vô tội mà được cả thiên hạ cũng không chịu làm. Sénèque cũng như dân Roma thờ những thần Vénus (dâm dục), thần Mars (chiến tranh), thần Jupiter (lật quyền cha)… phải chăng vì thế nên ông có những cử chỉ như trên ? Đây là vấn đề được đặt ra cho các nhà tâm lý và giáo dục.

Dẫu sao hoặc vì không chú ý đến đào luyện con người hoặc vì những thần tượng tôn thờ không xứng chỗ mà dẫn đến thất bại, nhưng cũng nên ghi nhận sự thất bại nói trên để tìm ra căn do. Thế mà thường thì sự thất bại này không được nhận ra, chứng cớ là những câu nói như : "Văn minh Tây Âu không nhằm đưa ra người điển hình như Ân Độ hay Trung Hoa, mà chỉ nhằm đưa ra có tính cách đặc thù". Karl Jaspers đã viết :
"Âu Tây đã nhận thức ra được thử thể của mình; nó đã không dựng nên được một mẫu người duy nhất nhưng là một đám đông đầy những mâu thuẫn nhau, không mẫu nào là toàn thể, mà chỉ là những mảnh nhỏ, tuy là những mảnh thiết yếu, và cứ sự (de fait), nó không có cái toàn bích" (Sens Histoire p.86).

Đó là một lời nhận xét đúng, nhưng hình như tác giả để mập mờ vài điểm mà ta cần phải minh biện. Trước nhất nói về Âu Châu nên phân biệt ba thời kỳ : La-Hy, Trung Cổ và Thời Mới. Tác giả muốn nói về thời kỳ nào đây? Nếu nói về thời kỳ La Hy thì ông đã viết : "Họ nghèo nàn về giá trị thiêng liêng, bởi kinh nghiệm Thời Trục không thấu vào tâm khảm họ. Họ chỉ là những nhà chinh phục, cai trị, tổ chức. Họ sở đắc và bảo tồn sự liên tục của văn hóa, nhưng họ đã tỏ ra bất lực trong việc tiếp nối và đào sâu vào kinh nghiêm đó." (Sens et l’Origine de l’histoire, Jaspers 72)

Thứ đến thời Trung Cổ : hình như không chỗ nào ông bác bỏ ý kiến của Nietzsche về tính cách trái bình hành (abnormal) của những người mẫu thuộc thuộc thời này như lời rằng : "tất cả những vấn đề chính trị, xã hội, giáo dục đã bị đặt sai ngay từ mầm mống bởi vì người ta đã đặt làm vĩ nhân những thứ người có hại hơn hết trong họ".

Vậy chỉ còn có Thời Mới, thời đại mà tác giả muốn nổi sự thành công huy hoàng của khoa học để làm lấn át đi sự thiếu sót về tinh thần. Nhưng ta nên ghi chú điều này : con người khoa học chỉ chú ý về tài ba, mà tài ba nơi đây không lớn hơn nơi khác được. Một Einstein, một Newton không cần phải có tài năng lớn hơn một Euclide : khác nhau là Newton khởi tự số năm, nên ông lên đến đợt sáu, Einstein khởi tự đợt tám, nên ông đi tới đợt chín, mức khoa học của Einstein hơn Euclide 3 lần thì không có nghĩa là Euclide kém Einstein 3 lần. Khoa học thực nghiệm có cái lợi là kết tinh được các bước tiến trước để người đi sau khởi liền từ chỗ người trước bỏ dở, thành ra sự đóng góp cá nhân tuy chỉ là thường lệ, nhưng công hiệu chói chang, làm cho người ta dễ tin họ là thiên tài siêu việt như trường hợp Einstein : chính ông thấy mình chỉ đóng góp một mà đại chúng quy cho ông mười. Cái lợi đó không thể có trong bộ môn mỹ thuật hay nhân văn, chẳng hạn về nhạc, đời ta hết thấy một Beethoven nữa.

Huống chi về Đạo làm người, người học Đạo chỉ hoàn tất con người nơi mình ít khi lưu lại tang chứng, càng không lưu lại kết quả vì thế dẫu nơi nào có rất nhiều người hoàn thiện, đời sau đâu có dễ dàng thấy được. Trái lại khoa học cứ mỗi ngàycó thêm phát minh mới là vì các bước sửa soạn được chồng chất rồi người đi sau nhờ đó tiến thêm như ta thấy trong lịch sử khoa học. Nhân đó ta có cảm tưởng về mức độ tài ba ít đúng với thực sự. Lý do khác nhau là như thế. Cần nhận rõ để sự thẩm định giá trị khỏi căn cứ vào dáng dấp bên ngoài. Bởi thực tại này rất quan trọng trong việc quy định hướng sống nên buộc lòng chúng tôi phải phanh phui như thế.

Phân tách như trên rồi xin hỏi về phương diện làm người ta có dám tự hào hơn cha ông chăng. Đó chính là điều Jaspers không dám nhận. Trái lại những lời than phiền vì thiếu nhân cách (personnalité) đầy khắp sách vở của ông cũng như của các người nhận xét khác.
Nietzsche có viết về giá trị con người thời nay như sau : "Ba thế kỷ sau này chưa được như thời Phục Hưng, người Phục Hưng lại kém xa người cổ đại một bực. Mà người cổ đại mới là môn đệ của Á Châu" (V.P 347) (Đây là Á Châu huyền bí tổ phụ của Truyền Thống viết hoa).

Nếu Âu Châu không có mẫu người điển hình, thì có phải như K.Jaspers nói là không muốn có chăng… Nghĩa là thực sự họ không có ý làm ra mẫu người duy nhứt mà chỉ có chuyên chú làm ra khoa học trứơc đã. 
Đó là điều mà nhiều người nghĩ tưởng. Nhưng đó là sự lầm tưởng. Ta nên nhớ trước đây chừng vài thế kỷ không một ai có thể ngờ đến hiện tượng xã hội do khoa học cơ khí biến đổi như hiện thấy ngày nay. Tuy có sự phỏng đoán về từng khả năng nhưng về toàn diện đời sống thì thật không có trong óc những người sáng lập ra khoa học. Vậy không phải là họ có ý bỏ sự thực hiện con người toàn diện để theo đuổi mục đích đã được hoạch định trước.

Còn nói đến chuyện bỏ người toàn diện tức người điển hình, thì càng không đúng vì đã có đâu mà bỏ. Trong suốt quá trình lịch sử triết học cổ điển chưa thấy có triết gia nào đưa ra một mẫu người khả dĩ chấp thuận được và đã thực hiện trong một giai đoạn. Tại sao thế ? Đây là ít lý do :

Muốn kiến tạo một mẫu người cần hội được hai điều kiện : Trước hết phải có một quan niệm quy tụ thống nhất mọi năng lực, hướng chúng vào một mục đích, có thể đúc vào một vài câu châm ngôn căn bản thí dụ như câu "tận kỳ tính". Vậy ở đâu ? Có câu nào đủ điều kiện như thế chăng ? Có câu nào vừa dung nạp nổi mọi tài năng, đồng thời có sức quy tụ ?

Thưa chưa có, vì lẽ đơn sơ là chưa có yếu tố tâm linh, siêu vượt thì không thể có thống nhất mà chỉ có phân tán và mâu thuẫn. Mâu thuẫn là bản tính của bình diện hiện tượng, tương đối, nên không thể tìm được sức quy tụ trên bình diện này.
Thứ đến phải có một chiều hướng. Nietzsche viết :"một mẫu người chỉ thành hình, một điển hình chỉ trở nên kiên cố và vững mạnh là do sự chiến đấu và lâu dài chống với những điều kiện không thay đổi và luôn luôn bất lợi". (Par de là du bien p.362).

Mẫu người Nietzsche vừa nhắc ở đây có tính cách nhân chủng vật lý, không phải điển hình lý tưởng thiêng liêng nhưng cũng chịu chung một điều kiện là phải lâu bền, luôn luôn lập lại một cử chỉ theo một chiều hướng.
Luôn luôn theo cùng một hướng đã được chấp nhận một cách ý thức là điều đòi phải có rất nhiều ý chí. Văn chương Âu Châu từ thế kỷ 17 có một ngành rất tốt khi đồng hóa sinh sống với ý chí như những chữ "Force vitale", "Volonté de vivre", "énergie active": cái đó đòi sự cương quyết, một sự tự quyết (affirmation de soi). Và may thay người ta đã dò theo sự hoạt động mà đo giá trị một người, do theo sự hoạt động có thể hướng nội hay hướng ngoại, nhưng bao giờ cũng biểu lộ bằng những nghị lực, những thâm tín và nhất là những tập quán.
Nietzsche : "Pour mesurer la valeur d’un type humain il faut évaluer le prix que coute son entretien" (Ecce Homo 167). Muốn đo giá trị một mẫu người thì phải đo cái giá phải trả để duy trì mẫu người đó.
Những điều vừa nói trên giúp ta có một vài chuẩn đích để đo lường. Nếu Nietzsche đã công nhận "mẫu người Trung Hoa là mẫu người thành công nhất nghĩa là bền hơn mẫu người Âu Châu" (V.P II 22) thì tại nó đã để vào mẫu người quân tử biết bao công trình.

Đại Học nói về người quân tử phải cố gắng đi lên đến chỗ chí thiện : "chí ư chí thiện"; lên đến chỗ cùng cực như người thợ ngà cắt dũa như dồi như mài : cương quyết, nghiệm nghị, chói lọi, sáng sủa thay : "hữu phỉ quân tử như thiết như tha, như trác như ma, sát hề giản hề, hách hề, huyền hề" (Đại học 3). Phải biện bạch như thế cũng là điều cực chẳng đã vì thói thường ai chẳng cho mình là hay. Jaspers viết : "Trung Hoa và Ấn Độ cũng như ta, đều tin tưởng và tuyên dương mình là mẫu người lý tưởng của nhân loại, và gán cho mình một sự trội hơn rõ rệt. Nhưng trong tất cả văn minh đều đã lấy mình làm trung tâm, duy có Âu Châu xem ra đã biện hộ cho ý tưởng đó bằng công việc đã hiện thực" (Histoire 87).

Nhưng xin hỏi việc làm của Tây Âu là thuộc bình diện nào, nếu không phải là kỹ thuật cơ khí ? Còn bình diện tinh thần thì chính ông đã nói là trống rỗng và đó là chủ chốt trong luận án của ông. Chính Jaspers thưa không. Vậy tại sao ông lại lấn sang phạm vi kỹ thuật để đánh lộn sòng như vậy ? Rõ ràng là triết học gia Jaspers đã ngủ gật. Thế giới ngày nay gần nhau hơn hết về thể xác, gần nhau đến ôm nhau mà vật lộn "corps à corps" là vì mới có đối đầu (tête à tête) mà chưa có đối tâm (coeur à coeur). Và đó mới chính là mục phiêu của thiên khảo luận này, nó thuộc tinh thần hay là toàn diện chứ không phải vật chất, nên nó có bổn phận nhắc nhở mỗi khi người nào muốn ra khỏi phạm vi đã quy định dù đó là K.Jaspers. Phạm vi ở đây là triết lý tất nhiên ta phải tìm mẫu người tinh thần, mẫu người toàn diện, mà mẫu người đó triết học chưa thiết lập nổi.

Sở dĩ chúng tôi phải phanh phui vạch vẽ như thế vì sự tin tưởng thái quá vào "người trổi vượt" rất có hại, nó khuyến dục thanh niên chỉ biết lao đầu theo ngành chuyên môn, hoặc theo đường phiêu lưu với hy vọng trở nên những nhân vật, những kỳ tài mà bỏ hẳn lý tưởng làm người. Mà đó mới là điều nhân loại hiện đang thiếu. Và cũng như các triết học gia không đưa ra được một mẫu người nào nên chúng tôi phải nhắc đến mẫu người quân tử mặc dầu có thể mắc chứng thường tình: "mèo khen mèo dài đuôi".

Nhưng chúng tôi ý thức được hai điểm sau : một là nói rõ quan điểm, hai là đưa ra chứng nhânĐiều thứ nhất rất cần thiết, để nói lên sự tương đối mà cho tới nay ít được chú trọng. Hầu hết người ta khép kín trong quan điểm của mình được cho là tuyệt đối, có tính cách phổ biến, và lấy luôn làm tiêu chuẩn để đo các mẫu người khác, rồi cho là kém mình. Không biết rằng hơn kém tốt xấu còn phải tuỳ quan điểm; khi ý thức được điều đó dẫu người ta có tuyên dương mẫu người của mình ít ra còn nói lên được sự tương đối, và sự cần thiết bổ túc cho các mẫu người và nhất là không làm việc so sánh ở hai bình diện khác nhau, như thường xảy ra, chẳng hạn do tài ba với đức độ. Điểm sau thuộc chứng nhân cũng rất cần để cho sự phê phán bớt chủ quan tính. Tôi nói bớt mà không nói trừ tuyệt chủ quan, điều đó không thể, nhưng khi có những chứng nhân thì chủ quan bớt đi được khá nhiều. Với những thận trọng như trên chúng ta có thể nhận xét nơi người quân tử ít đặc điểm sau :

5. Ba tính chất của người quân tử 

Thứ nhất : bình hành, đứng về quan điểm nhân bản lấy nhân ái làm mấu chốt (nhân dã nhân giả) thì người quân tử là một mẫu người bình hành (normal) nhất khi so với các mẫu người khác mà ta bắt gặp trên đường vòng quanh thế giới : thánh, hùng, tài… Will Durant cho người quân tử dẫu có những sự "trọn vẹn đến độ không chịu thấu nhưng vẫn còn là người": malgré ses autres perfections insupportables un être vraiment humain (Civ III 37). 
Trong quyển Pérégrinations Asiatiques (Paris Guethner) của bà De Manziarly có những lời như sau:
"Cái văn hóa sâu xa đã sản ra những người hoàn bị hiếm có… Khổng Tử đã mở ra một trong những đường dẫn tới đó… ông yêu người như kẻ cư trú trên mặt đất, như thành phần của xã hội loài người. Lý tưởng ông là một vườn cây trái tốt tươi, tất cả nhân loại trở thành hoàn bị chứ không phải chỉ có mấy trường hợp ngoại lệ".

Keyserling nhận xét tinh tế rằng : "Người ta có thể gọi văn hóa hình thức của Trung Hoa là gương mẫu chăng ? Nhất định thế, miễn hiểu được trúng tinh thần của nó… Tôi luôn luôn nghĩ đến hình ảnh mà ông Khổng Tử đã phác họa về người quân tử, sự sâu xa của nó biểu lộ ra trong hình thức trang nhã, một vị bán thần cũng không thể trọn hảo hơn được nữa (un demidieu ne saurait être plus parfait). Khi nó có văn hoá thì nó trở nên tổng hợp những đức tính nhân loại mà chưa đâu đã được thực hiện trong một chiều rộng rãi như thế" (Journal II p.74).

"Người Trung Hoa có được sự cao thượng là do lý tưởng quân tử. Người ta không thể quan niệm ra được một lý tưởng phổ biến ơn ích hơn : càng ngày dư luận đại chúng càng coi trọng cái gì bình hành hơn là cái ngoại lệ; càng ngày nó càng thay thế cho lý tưởng khắc kỷ hoặc anh hùng bằng lý tưởng hòa hợp với thiên nhiên, càng ngày dư luận càng đặt sự hoàn thiện bên trên tài ba. Sự phong thần Goethe trong những miền nói tiếng Đức một phần lớn xui nên là do hoàn cảnh này. Trong tất cả các vĩ nhân chúng ta có, thì Goethe là người bình hành nhất vì ít có gẩy ra ngoài đời những cái thuộc sự sống hiện sinh. Như vậy Nho giáo sẽ có ngày lan rộng tới ta chăng ? Điều đó không phải là không có thể xảy ra vì nó chính là một triết lý của sự bình hành và hiểu một cách sâu xa trong bản chất, hiểu theo tinh thần chứ không theo nghĩa đen, thì nó là một triết lý hay nhất có thể có cho mọi nhóm người." (Journal II 143)

Nhân đây cũng nên nhận xét : "Ở Mỹ những tổ phụ sáng lập nước cũng thiên trọng về bình hành. Lối sống phiêu lưu mà Nietzsche phần nào phải mang trách nhiệm, đã hết được chú trọng. Bây giờ người ta đang chú ý đến đời sống mãnh liệt nghĩa là bình hành để mà tổng hợp tài với đức. Trở lại với Viễn Đông ông Jean Escara có viết :
"Các nhà du lịch cũng như những học giả ghi nhận nhiều điểm mâu thuẫn nơi người Trung Hoa. Nhưng có một điểm họ đồng ý là sự phong phú và phổ biến tính của cái phẩm tính căn bản trong mỗi cá nhân, dầu là người rất tầm thường." 
(*)
(*) La richesse et l’universation de la qualité humaine en chaque individu même de plus humble (Chine, Passé et Présent p.82)

Thứ hai là Thực hiện được. Thế là vấn đề bình hành giải quyết tạm xong. Bây giờ đến vấn đề khác : người quân tử hoàn bị nhưng hỏi có thực hiện được chăng ? Có khỏi quá mây gió chăng ? Thưa không, chính việc ít nói đến thánh nhân mà chỉ nói đến quân tử tỏ ra người đặt lý tưởng có óc thực tế biết chú ý đến khả năng của phần đông. Chứng cớ là mẫu người quân tử đã đựơc thực hiện trong nhiều tầng lớp : Khổng Tử được xưng là "tập quần thánh". Quần Thánh nói đây là bao vị hiền nhân quân tử đã theo cái mẫu người của Nho giáo. Người ta hay nhắc tới "tứ phối" tức bốn vị được tôn kính cùng với Khổng là Nhan, Tăng, Tử, Mạnhsau đó đến "thập triết" và "thất thập nhị hiền" (72 môn đệ).

Bấy nhiêu chỉ là những người đại diện, còn biết bao người mai danh ẩn tích không được chú ý đến; nhưng đời sống của họ rất đáng là "người", vì họ chuyên cần học tập với cái lý tưởng "vụ dân chi nghĩa", thanh liêm, thành tín, khi không có chính nghĩa dù chức cao lộc lớn không lay chuyển được họ. Họ mang tên Bá Di, Thúc Tề, Nguyễn Công Trứ, Đồ Chiểu, Chu Văn An, Nguyễn Khuyến, Phan Bội Châu, kể sao cho hết.

Đời ô trọc thiếu chi tiểu nhân xu thời, nhưng bao giờ trong nước cũng có những người đủ tiết tháo, trung chính. Họ là những người rất quân bình, tuy không chí thành nhưng cũng xứng danh quân tử. Trong lúc Nho giáo tàn, ta còn gặp thấy con người kiểu mẫu đó giữ được khá nhiều đức tính "ôn, lương, cung, kiệm" biết trọng chính mình, biết trọng người khác. Một Phan Đình Phùng chẳng hạn xứng danh là "sát nhân dĩ thành nhân". Ông đắn đo suy nghĩ để chọn cái chết : "Đem sức đọ nhau mình kém người xa lắm. Tôi nay đã 71 tuổi rồi nếu đem thân ra chiến trường cầu lấy cái chết rạng danh thì còn gì hay bằng, song các quan thử nghĩ : tôi có cái nghĩa vụ giữ đất chăn dân mà nay trên đối với vua nếu không giữ được đất thì chết là đành phận. Dưới đối với dân còn nỡ nào bắt chúng chịu lầm than để nhẹ tội mình".

Cái chết của ông khiến đối phương cũng phải ân hận và kính phục. Tờ "Courrier de Saigon" ngày 5-2-1866 đã viết về ông như sau : "Bậc lão thành ấy hiền từ thông thái và đại độ không còn làm gì được cho ông kinh ngạc, có tuổi mà còn ham học, quả đã vô tình mà thực hiện tấm gương của nhà hiền triết La Mã ngoài tôn giáo, thực là kiểu mẫu chính nhân quân tử thuộc mọi nước, nhờ nghị lực và cần cù biết vượt lên trên đồng loại và thời đại của mình. Đây là một kiểu mẫu kết tinh thuần túy nhân bản của Nho trên đất Việt Nam này vậy".

Những đức tính của người quân tử xưa kia đã gặp được trong mọi tầng lớp nữ cũng như nam. Thiệu Khang Tiết trong quyển "Ngư tiều vấn đáp" có ước lượng : "khi trong nước có đạo thì số đó lên tới 60%. Khi nước vô đạo tuy có nhưng vẫn còn người biết giữ danh tiết" (T.T Kim II 114). Đấy cũng chỉ là một cách nói ước chừng, nhất là trong phạm vi phẩm không thể diễn bằng lượng số được. Dẫu sao nó cũng là một kiểu văn nói lên rằng cái mẫu người quân tử đã được thực hiện nơi trăm ngàn con người Viễn Đông, và ngày nay dẫu chúng ta đã khá bật rễ thế mà hai chữ quân tử vẫn còn gây âm vang trong tâm thức chúng ta. Chúng ta thấy còn nhiều lưu luyến với mẫu người đó và chỉ cần gây lại được bầu khí thuận tiện là hai chữ quân tử lại trở nên động lực có thể hướng dẫn người trong nước tiến theo.

Huân tước Keyserling đến nứớc Tàu vào lúc cách mạng bùng nổ nên ông có dịp gặp các quan chế độ cũ chạy tản cư; ông bỡ ngỡ hết sức trước thái độ bình thản của họ: giữa cơn phong ba họ vẫn giữ được nhân cách. Ông mới tự suy nghĩ tại sao một học thuyết lâu đời như Nho giáo mà còn được thực hiện đến mức độ cao vượt hẳn lối suy tư : tư tưởng thì khô khan nhưng đời sống thật là mãnh liệt; "gặp họ tôi bị cảm kích rất nhiều vì tư cách cao thượng của họ". (Types extrêmement élevés, leur supériorité m’impressionne).
"Gặp người thật tôi phải đổi ý nghĩ về triết lý của họ. Trước kia tôi không cho Nho triết là cao, nay tôi hiểu khác : Nho giáo chỉ là lược đồ của một thực thể sống động, khác xa một trời một vực với triết học thế kỷ 18 bên Tây Âu" (Journal II p.62)

"Luân lý tính là cái sâu sắc nhất, cái mẫu này không có bên Tây Âu, có lẽ công chức của ta xử sự từ một trăm năm nay tốt hơn quan lại bên Tàu (bởi vì sự liêm chính của công chức xét là công chức không có lâu lắm, cũng mới có dẫu cả bên Đức). Nhưng tinh thần hướng dẫn họ không cao bằng tinh thần của các quan lại bên Trung Hoa."

"Văn minh chính trị của chúng ta vụ ngoại, nó là kết quả của một hệ thống bó buộc cá nhân phải làm việc tốt, nó được đặt ra độc lập ngoài cá nhân, nó coi ta như những mọi rừng về phương diện luân lý. Chúng ta thấp kém hơn hệ thống của chúng ta. Người Trung Hoa cao vượt hệ thống của họ." (Journal II p.64)

"Thấy những nguyên lý rất đơn sơ như đạo Nho mà khi thực hiện một cách sống động lại đào tạo nên được những người cao thượng đến thế là điều làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều" (Journal II p.65)

Chỉ cần xem trong dân gian nhất là nơi thôn dã người ta còn giữ được nhiều đức tính hơn nơi thành thị chịu ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai, thì đủ rõ sự thực hiện mẫu người quân tử không phải là họa hiếm. Đọc lại sử của những người như Chu Văn An, Phan Thanh Giản, Phan Bội Châu, ta thấy rất nhiều nét cao thượng, hào hùng.

Điều thứ ba: tiến thủ.. 
Thế là tạm giải quyết xong điểm hai. Nếu có còn vấn đề phải đặt ra thì là tính cách tĩnh chỉ, nghĩa mẫu người quân tử hay cho ngày xưa nhưng có còn hợp thời buổi ngày nay chăng ? Xin trả lời đó chính là việc của thời buổi chúng ta phải thích nghi. Nếu ta muốn tiếp tục làm người quân tử thì đức đầu tiên là phải thích nghi, theo câu : "Thời thế chi nghi".

Tôi thiết nghĩ một khi tiếp xúc với khoa học cơ khí nó cũng sẽ tiến bộ như người Âu Châu từ thế kỷ 17, gương nước Nhật là một chứng cớ hùng hồn. Trái lại nước Tàu dưới triều Mãn Thanh cũng như nước ta vì triều Nguyễn không thức thời kịp mới gây nên cảnh lụn bại làm mọi người không nhận ra cái đức Thời Trung đó, mà thật ra đã được vun tưới nhiều trong quá khứ. Ông Escara nhận xét : "Tài năng thích nghi (của người Viễn Đông) cũng như tài năng tiến hóa và phục hồi đều ở trên mức trung bình nhiều" (La Chine, Passé et Présent p.80).

Như vậy cái đáng lo không phải là nó có tính chất tĩnh chỉ mà là sự ta để cho mẫu người quân tử tiêu ma đi mất, cả đến tinh thần cũng không còn. Như đã nói trên mẫu người quân tử thuộc tinh thần nên sự thích nghi trở thành dễ dàng : chúng ta có thể giỏi khoa học mà vẫn tự trọng, vẫn thanh liêm được, miễn là có ý chí. Văn minh đâu có buộc chúng ta phải bỏ đức coi trọng lời nói, giữ chữ tín, chữ thành ?


Tóm lại chúng ta thấy cần một mẫu người. Tìm trong các mẫu người đã thực hiện ta chỉ thấy những thành công về phương diện nào đó chứ chưa thấy có tổng hợp, mà chính tổng hợp mới là thiết yếu trong đời ta và nhân loại hiện đang đi tìm kiếm.

Nietzsche nhận định: "Tất cả chỉ là một đoàn cừu chứ tuyệt nhiên không có một người chăn nào cả" (Pas un berger, un seul troupeau), là vì không có một mẫu người đáng thờ; đa số thờ vơ-đét hoặc chính cống, hoặc biến thái dưới những hình thức khác nhau, ngoại giả là thờ cái tài, cái khoẻ, cái hiệu nghiệm và bò vàng. Hết mọi người đều chạy theo danh theo lợi chẳng còn ai nghĩ tới Đạo làm người, thờ người lý tưởng nữa. Nhưng vì triết học chưa đưa ra nổi một mẫu người thì thế nhân lấy đâu làm mô thức. Nếu có một mô thức để làm sở cứ, nếu chưa theo ngay được là tại còn bê bối phức tạp, nhưng tới lúc lên hứng siêu linh thì biết được đâu là đường hướng. Đàng này chính triết học cũng mất hướng luôn mới là chuyện đáng ngại.

Vì những lý do trên, nên chúng tôi đưa ra mẫu người quân tử, coi như là mô thức (pattern) co giãn, dễ thích nghi, có những đức tính tiến bộ, bình hành và toàn diện nghĩa là những đức tính mà con người hiện đại đang khởi đầu cảm thấy cần thiết.

Jean Guitton có viết những dòng sau đây : "Đã rõ ràng lý tưởng người hiền là một lý tưởng cần nhắc lại cho mọi nền văn minh, và cách đặc biệt cho nền văn minh của chúng ta, hiện lúc này đang trải qua cơn khủng hoảng về minh triết một cách rất trầm trọng." (*)
(*) Il apparait que l’idéal du sage est un idéal qu’il importe de rappeler à toute civilisation et tout particulièrement à la nôtre qui traverse en ce moment une crise très grande du point de vue de la sagesse.(Le Héros, Le Sage, le Saint p.22)
Phạm Quỳnh thuật lại lời bác sĩ Couchoud đề nghị làm một đền thờ Khổng Tử và Socrate, vì bên Tây lẽ thật đã bị mờ ám đi từ lâu. Con trẻ sẽ học Luận Ngữ và Ngữ Lục (Người Hiền t.103).


Điều đó đáng cho ta lưu ý rất nhiều. Chúng ta tự hào là con dân một nước Văn Hiến. Nhưng nếu không lo phục hồi lại mẫu người lý tưởng, thì dần dần chỉ còn một nước có Văn mà thiếu Hiến. Bởi Hiến có nghĩa là hiền nhân quân tử đáng làm gương mẫu cho nhân dân trong nước vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét