Người theo dõi
1 thg 5, 2011
Cảm tử
Cảm tử quân hai lần truy điệu sống Để mở đường máu cho tuyến đường chi viện miền Nam, những cảm tử quân như ông Lại Đặng Thiện đã lái ca nô lao vào bãi bom
từ trường, kích hoạt cho bom nổ dây truyền. Ca nô lao đến đâu, những tiếng nổ inh tai phát ra đến đó cùng các cột sóng cao vút. Dáng người gầy gò, đôi mắt hiền từ, đôi tai nghễnh ngãng, nhưng mỗi lần nhắc đến những
lần cầm vô lăng đi phá bom từ trường, cảm tử quân năm xưa Lại Đăng Thiện lại trở nên hoạt bát lạ thường. Sinh ra ở miền quê nghèo của xã Nghĩa Bình (Tân Kỳ, Nghệ An), ngay từ nhỏ Lại Đăng Thiện đã đam mê với văn thơ. Năm 1965, khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Lại Đăng Thiện đang học dở
lớp 10 phổ thông liền xếp bút nghiên lên đường ra trận. Với hành trang là chiếc ba lô của anh trai từ thời chống Pháp để lại cùng một tập thơ Puskin, quyển sách gối đầu giường Thép đã tôi thế đấy và cây đàn Mandolin, chàng trai
yêu văn học được phân về Tiểu đoàn 27 công binh, Quân khu 4, làm
cảm tử quân rà phá bom mìn. Ngay sau nhập ngũ, Lại Đăng Thiện xung phong vào lớp đào tạo lái ca nô cấp tốc để rà phá bom mìn trên các sông suối, cầu phà của mạch máu giao thông Bắc - Nam. Ông Lại Đăng Thiện bên trang tư liệu về những lần rà phá bom mìn. Ảnh: Nguyên Khoa. Ông kể, ngày đó để chặt đứt con đường chi viện Bắc - Nam, đế quốc Mỹ đã rải rất nhiều bom dọc các con sông, tuyến phà huyết mạch. Nhiều nhất là bom từ trường, chỉ cần xe đi qua, ngay lập tức bom được kích nổ theo dây chuyền. Để phá loại bom này, chỉ có cách duy nhất là dùng ca nô lao vào để kích nổ. Sau nhiều lần tham gia rà phá bom từ trường, trực tiếp làm lễ truy điệu sống cho đồng đội, nhìn họ hy sinh trên chiếc ca nô lao vun vút vào vùng có bom, năm 1967, Lại Đăng Thiện viết quyết tâm thư xin được làm cảm tử quân. Tình thế chiến trường năm đó đang căng
thẳng, địch phong tỏa nhiều tuyến giao thông huyết mạch để ngăn
chặn dòng chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Tại bến phà Long Điền (Quảng Bình), địch thả bom từ trường dày đặc, xe chi viện phải xếp hàng dài mấy km trong khi chiến trường miền Nam đang rất cần thuốc men, đạn dược, lương thực… Trước tình thế đó, lãnh đạo quân khu ra chỉ thị cho Tiểu đoàn 27 “bằng mọi giá phải mở đường máu thông phà”. Quyết định dùng ca nô kích hoạt bom từ trường được đưa ra. Lại Đăng Thiện cùng đồng đội Hà Huy Ty, Đậu Anh Côi, Nguyễn Văn Hương
được đơn vị làm lễ truy điệu sống trước giờ lái ca nô vào bãi bom. “Tối hôm đó, sau các nghi lễ như chào cờ, tưởng niệm và đọc điếu văn, tất cả chiến sĩ trong đơn vị nín lặng rồi òa khóc. Trên trời, máy bay địch quần thảo, thả pháo sáng”, ông Thiện nhớ lại không khí lễ truy điệu sống ở bến phà Long Điền. Ngay sau đó, ông Thiện cùng đồng đội bước lên ca nô, cầm vô lăng, lao vào bãi bom, kích chúng
nổ hàng loạt. Lần đó ông và đồng đội đã kích nổ 16 quả bom từ trường để tuyến phà được thông suốt. 3 cảm tử quân bị thương. Lần thứ hai được truy điệu sống là trước khi kích nổ bom từ trường trên phà Linh Cảm (Hà Tĩnh). Ngày 24/6/1968, khi đang trực chiến ở phà Bến Thủy, tổ phá bom gồm Lại Đăng Thiện, Đậu Anh Côi và Nguyễn Xuân Tình (thuộc Đại đội 1) được điều về bến phà Linh Cảm (nằm tại ngã ba sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu ở Hà Tĩnh), tăng cường cho Đại đội 2 phá bom. Lúc này phà Linh
Cảm đã bị bom từ trường khống chế hơn 2 ngày đêm, xe chở lương thực, vũ khí bị tắc nghẽn thành một hàng dài. Chiều hôm đó, cũng với khí thế hào hùng, thiêng liêng dưới lá cờ tổ quốc, nhóm phá bom của Lại Đăng Thiện được
làm lễ truy điệu sống. Đúng 4h chiều, lệnh xuất kích phát ra, chiếc ca nô lại lao nhanh dọc bến phà, chạy đến đâu những tiếng nổ inh tai phát ra đến đó cùng các cột sóng cao vút. Lại Đăng Thiện trên chiếc ca nô chuẩn bị lao vào bãi bom (ảnh chụp lại tư liệu). Sau khi kích nổ được mấy quả bom từ trường thì tổ trưởng Vũ Ngọc Chương hy sinh, cảm tử quân Đậu Anh Côi bị thương nặng. Lại Đăng Thiện nhảy lên cầm vô lăng thay thế. Dù quy định chỉ được lái 3 vòng, nhưng trong trận này ông đã lái tới 19 vòng, làm kích nổ 12 quả bom, đến vòng thứ 20 thì bị bom hất văng khỏi ca nô và bị thương. “Cảm xúc khi ngồi trên ca nô chạy vào vùng bom từ trường rất đặc biệt. Nghe tiếng bom bổ cùng cột nước trắng xóa phía sau, cảm tử quân thường nhắm mắt, nín thở xem mình còn sống hay đã chết. Sau 19 lần nín thở mà chưa chết, đến lần thứ 20, quả bom phát nổ quá gần, tôi bị ngất đi tưởng như không thể sống, thế nhưng ông trời vẫn cho tôi sống”, cảm tử quân Lại Đăng Thiện nhớ lại. Sau nhiều chiến công, ông Thiện được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 3, Bằng khen Dũng sĩ phá bom ưu tú, được Tiểu đoàn 27 và Quân khu đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhưng do một số trục trặc, đến nay ông vẫn chưa được phong tặng. Sức ép của bom khiến tai ông Thiện điếc đặc, sức khỏe giảm hẳn, nhưng ông vẫn tình nguyện bám cầu, bám phà cho xe ra tiền tuyến. Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở về quê nghèo xã Nghĩa Bình. “Ngày tôi về, mẹ ôm tôi mà không khóc thành lời. Ai cũng nghĩ tôi làm cảm tử quân đã chết rồi vì nghe nói đã 2 lần truy điệu. Lấy tay sờ lên gò má mẹ, tôi cũng không hiểu sao mình còn sống”, ông Thiện nhớ lại cảm xúc ngày trở về cách đây 36 năm. Hòa bình, ông Thiện vừa làm thơ vừa tiếp tục tự học chương trình đã bỏ dở mấy năm trước rồi
ôn luyện và thi vào trường Trung cấp Y tế Nghệ Tĩnh. Tốt nghiệp trường y, ông được điều về làm Trưởng trạm y tế các xã miền núi của huyện Tân Kỳ, như Nghĩa Bình, Tiên Kỳ. Ông đã trèo đèo lội suối, cùng chống dịch sốt rét, sốt xuất huyết với bà con các dân tộc, giúp đồng bào xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Đặc biệt, bàn tay lái vô lăng của cảm tử quân năm xưa đã trực tiếp
làm bà đỡ cho hơn 400 đứa trẻ. “Nhiều cháu do tôi đỡ đã trưởng thành, có người là y tá, bác sĩ, kỹ sư, có người là chiến sĩ. Cứ tưởng chỉ biết cầm vô lăng nhưng hóa ra cũng mát tay lắm. Dù chưa được phong anh hùng phá bom nhưng được bà con tín nhiệm phong là anh hùng đỡ đẻ cũng thấy vui lắm rồi”, người đàn ông 64 tuổi cười hiền từ. Trong kháng chiến chống Mỹ, Tiểu đoàn 27, đơn vị chủ lực thuộc Lữ
đoàn công binh 414, Quân khu 4, có nhiệm vụ đảm bảo mạch máu giao thông Bắc - Nam ở các vị trí đánh phá ác liệt của địch, đặc biệt là cầu, phà, bến sông trọng điểm. Tiểu đoàn lập đội cảm tử quân, gồm những chiến sĩ lái giỏi, gan dạ có nhiệm vụ lái ca nô cao tốc, lao vào kích nổ bãi bom từ trường. Hàng trăm nghìn quả bom từ trường dọc bến sông, bến cầu, phà ở miền Trung đã được đội cảm tử quân này phá, góp phần quan trọng cho các đoàn xe ra tiền tuyến. Nhiều cảm tử quân đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Với thành tích xuất sắc của mình, năm 1973, đơn vị được phong anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và rất nhiều phần thưởng cao quý khác. Nguyên Khoa
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét