Triển vọng nghề nuôi yến trong nhà
QĐND - Chủ Nhật, 15/08/2010, 21:44 (GMT+7)
Hiện giá 1kg tổ yến Gò Công dao động khoảng 32 triệu, nếu làm sạch, sẽ có giá đến 42 triệu đồng. Đây là nguồn lợi nhuận rất cao mà các ngành nghề khác khó có thể sánh bằng.
Gần đây, trong một lần công tác Gò Công (Tiền Giang), thấy có những căn nhà cao tầng kỳ lạ, có mặt tiền trông giống như những căn nhà phố kế bên, cũng xây cao 3-4 tầng lầu. Nhưng khi nhìn kỹ mới thấy phía sau mặt tiền nhà này, chủ nhà xây nối dài những vuông nhà bít bùng, vách không cần sơn phết, xung quanh có nhiều lỗ thông hơi hình tròn cỡ miệng chén. Đặc biệt có những ô cửa vuông hun hút, bên trong tối om. Một người dân ở đây nói chiều nào cũng vậy, chim yến bay về nườm nượp, đặc biệt những lúc mưa dông yến tụ về xóm nhà đó đen kịt, hỏi ra thì ra mới biết đó là những căn nhà nuôi yến của các “đại gia” miệt Gò Công.
Nuôi yến trong nhà
Xưa kia, ai cũng nghĩ rằng, chim yến chỉ sinh sống và làm tổ ngoài đảo khơi, nhưng gần đây đã có nhiều gia đình nuôi yến ngay tại nhà mình như ở Cà Mau, Kiên Giang, Tiền Giang. Riêng nghề nuôi yến ở Tiền Giang đang mở ra một hướng đi đầy triển vọng. Ở khu vực Gò Công hiện nay, có hơn 10 cơ sở nuôi yến trong nhà, bước đầu cho kết quả rất khả quan.
Nghề nuôi yến mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân ở Gò Công (Tiền Giang) |
Vùng ven biển Gò Công là nơi thoáng đãng, khí hậu trong lành, nhiều phù du và côn trùng. Có lẽ đó là những yếu tố thích hợp giúp cho chim yến tìm đến cư trú. Chim yến Gò Công nhỏ như chim sẻ, khỏe, sức bay bền. Chúng thường sống có đôi, mỗi năm thường đẻ ba lần, mỗi lần 2 trứng. Loài chim này không thể đậu trên cành mà mỗi khi đáp xuống chúng chỉ treo mình trên vách đá hoặc tường nhà bằng đôi chân ngắn, bé bỏng.
Ở huyện Gò Công Tây, có một ngôi nhà 5 tầng, trong đó có 4 tầng dành cho chim yến ở, ước tính có tới hàng vạn con. Đó là nhà của ông Mười Thiết (Trần Văn Thiết) tại ấp Khương Ninh, xã Long Bình. Ông Mười cho biết: Cách đây hơn 20 năm, bỗng nhiên có một đàn yến bay về đáp vào các tầng lầu rồi làm tổ, đẻ trứng. Lúc đó ông không hề để ý. Đến khi biết được giá trị của yến sào, ông mới bắt đầu quan tâm cho tu bổ, thiết kế lại nhà cửa theo đúng qui cách và phù hợp với tập tính sinh thái của chúng. Đến nay, đàn yến đã phát triển lên gấp nhiều lần.
Công phu sản xuất “vàng trắng”
Hiện nay, tại Gò Công có 2 mô hình nuôi chim yến. Một là nuôi tự nhiên như đàn yến của ông Mười Thiết, nhưng mô hình này rất hiếm. Hai là dùng phương pháp dẫn dụ. Trước hết phải nhờ tư vấn, thiết kế sao cho ngôi nhà đúng qui cách, rồi dùng máy phát ra âm thanh gọi bầy để dụ yến về.
Anh Nguyễn Văn Mến - một chủ nuôi yến ở Gò Công Tây tiết lộ, phải trang bị bên trong đủ mọi điều kiện cần thiết, theo kiểu nói của dân nuôi yến là "sang như khách sạn" mới dụ yến về được. Kế đó, là phải có nhạc để dụ yến, phát qua những cái loa nhỏ xíu gắn gần tổ yến, rồi phải gắn lên trần nhà những hộp vuông bằng gỗ chuyên dùng phù hợp với tập quán của yến. Nói nôm na là ngăn phòng cho từng cặp vào ở.
Muốn cho yến làm tổ, trước hết phải làm một cái tổ giả y như thật, yến tưởng tổ của chúng mới chịu vào ở. Làm một căn nhà ba tầng, "bỏ hoang" 2 năm sau, nếu dụ được 50 - 60 cặp yến về ở coi như bước đầu thành công. “Tuy nhiên, theo tôi được biết thì hiện nay, số trường hợp “dụ” yến thành công ở vùng đất Gò Công này chỉ khoảng 50%. Nhiều người đầu tư hàng tỷ đồng cất nhà 3 tầng, trang bị đầy đủ thiết bị cùng với thuê công ty tư vấn. Nhưng cuối cùng cũng thất bại”, anh Mến cho biết thêm.
Anh Thanh ở thị xã Gò Công - một người chuyên sang đĩa nhạc dẫn dụ yến cho biết: Khi những con yến trưởng thành nhận được tín hiệu phát ra từ đĩa, chúng sẽ tự động tách bầy. Lúc đầu chúng chỉ thám thính, sau đó mới quay lại tìm chỗ “cư trú” và sống với nhau thành đàn. Bằng kinh nghiệm riêng, sau một thời gian chăm sóc yến, có người đã biết “gọi yến vào nhà”. Ngay cả tiếng kêu sáng hoặc chiều của yến, họ cũng đoán được chúng đang cần gì, đang gọi đàn hay gọi tình.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn nuôi chim yến, bí quyết để thành công trong việc dẫn dụ chim yến trước hết là kỹ thuật dẫn dụ yến vào nhà, kế đến là môi trường phải thoáng mát, sạch, yên tĩnh, ít người lui tới, trừ lúc làm vệ sinh hoặc chăm sóc các tổ chim non. Những khung cây, ván dành cho chim làm tổ phải mềm và tuyệt đối không có mùi vị khác thường. Yến làm tổ bằng chính nước bọt của chúng tiết ra rồi tự kéo thành sợi nhỏ, cuộn lại giống hình vỏ sò gọi là yến sào (tổ yến). Sau khi chế biến, nó sẽ trở thành một loại thực phẩm quý hiếm mà xưa kia đã từng được xếp vào hàng “bát trân”. Nghề lấy tổ yến ngoài biển đảo rất vất vả vì phải leo lên giàn giáo thật nguy hiểm, còn tổ yến trong nhà rất dễ khai thác, chỉ cần biết bóc tách sao cho tổ còn nguyên vẹn là được.
Ông Mười Thiết phấn khởi cho biết, các công ty ở Khánh Hòa đã đánh giá chất lượng yến sào ở Gò Công rất tốt, không thua gì ở các nơi khác. Ông còn tiết lộ, nghề nuôi yến hiện nay lợi nhuận rất cao nhưng muốn thành công, người nuôi phải say mê và nắm vững kỹ thuật, nhất là môi trường xung quanh phải ổn định, xa tiếng ồn. Đặc biệt, thời gian khai thác phải hợp lý, tránh lấy tổ lúc chim mới đẻ trứng hoặc con vừa mới nở.
Hiện nay giá 1kg tổ yến Gò Công dao động khoảng 32 triệu, nếu làm sạch, sẽ có giá đến 42 triệu đồng. Riêng loại tổ yến ở tỉnh Khánh Hòa giá rất cao khoảng 60 triệu đồng 1kg, nên nhiều người vẫn gọi tổ yến là “vàng trắng”. Đây là nguồn lợi nhuận rất cao mà các ngành nghề khác khó có thể sánh bằng, nên đã kích thích nhiều hộ dân muốn tìm nuôi yến trong nhà.
Vẫn chưa có chính sách phát triển
Nghề nuôi chim yến trong nhà đã và đang góp phần phát triển và bảo vệ động vật quí hiếm, bảo vệ môi trường sống lại, đồng thời góp phần tăng thêm kim ngạch xuất khẩu nhờ sản vật yến sào. Đây là xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững trong tương lai mà các địa phương quan tâm. Tuy nhiên, hiện các ngành chức năng vẫn chưa quan tâm nhiều đến nghề này, chưa có kế hoạch phát triển lâu dài mô hình nuôi chim yến trong nhà. Việc cập nhật thông tin về kỹ thuật nuôi chim yến cũng chưa được quảng bá rộng rãi, đa phần các hộ nuôi chim yến là tự phát, tự mày mò học hỏi kinh nghiệm của nhau.
Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần có kế hoạch nhằm phát triển và bảo vệ đàn chim yến đồng hành với việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nuôi chim yến trong nhà đại trà cho bà con nông dân, nhằm giúp họ nắm bắt kỹ thuật chăm sóc chim yến nuôi trong nhà, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Nhà nước cũng cần có chương trình hỗ trợ vốn vay cho bà con nuôi yến theo chương trình kích cầu của Chính phủ. Bên cạnh đó, cần có biện pháp quản lý tốt việc nuôi chim yến, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, nhất là trước tình hình dịch cúm gia cầm luôn "rình rập"...
Nghề nuôi chim yến trong nhà, nếu Nhà nước có kế hoạch hỗ trợ thì sẽ trở thành một mô hình làm ăn bền vững, vừa tạo công ăn việc làm cho cư dân địa phương, vừa tăng thêm kim ngạch xuất khẩu cho nước nhà./.
Theo VOV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét