Người theo dõi

21 thg 8, 2010

Nói về Trung Quốc

Việt học
Kim Định   
VẤN ĐỀ NGUỒN GÓC VĂN HÓA VIỆT NAM PHẦN ĐÓNG GÓP CỦA NGƯỜI TÀUPDFInE-mail
 Lý sự và tình người

Đọc chương trên hầu chắc nhiều người cho là thiên lệch khi qui công cho Lạc Việt đến 70% nho giáo: té ra còn lại cho Tàu có 30% !  Như vậy là quá thiên tư ? Thưa rằng không thiên tư chi cả, vì đây là nói về phương diện tình người, về nhân bản thì nhất định Viêm Việt phải hơn rồi.  Chẳng hạn Tàu duy trì rất lâu tục chon người sống theo người chết, còn bên ta bỏ sớm đến nỗi coi như không có vậy, thì đó là điều kiểm chứng được.  Những cuộc thám quật kinh đô Triều Ca của vua Trụ đã cho thấy rằng Vua chúa Việt Nam không hề tàn nhẫn như thế.  Bây giờ đến lúc phải đi sang phương diện chính trị và quân sự, thì bậc thang sẽ lộn ngược:  người nắm 70% không là Việt nữa mà là Tàu. Điểm này đã hiển nhiên không ai hồ nghi, và trong thực tại thì chính người Tàu làm chủ hết thảy.  Tuy nhiên để sự nhận thức được đẩy xa, chúng ta nên kê khai một số yếu tố mà ngừơi Tàu nắm phần trội.

  1. NGỰA

Vậy trước hết phải kể đến việc cỡi ngựa, vì nó là yếu tố đem lại cho người du mục một sự trội vượt về sức mạnh.  Thí dụ người Mông Cổ vì biết cỡi ngựa mà bắn tên xa từ 200-400m thì đó là thứ khí giới đáng sợ giúp cho các chủng tộc du mục làm chủ miền thảo nguyên bát ngát suốt trong 13 thế kỷ tính từ lúc Hung Nô vào Lạc Dương cho tới thời Mãn Thanh vào chiếm Bắc Kinh (R. Grousset: L’empire des steppesp p.10).  Với ngựa, họ có thể áp dụng chiến thuật xuất kỳ bất ý: đánh mạnh, đánh mau, rút lẹ, không ai địch nổi, mãi cho tới lúc có súng xuất hiện thì họ mới chịu đầu hàng.  Theo ông Eberhard thì nước Triệu học với Bắc phương trước hết rồi đến Tần và tràn lan mạnh vào Trung Nguyên.  Vì thế mà về điểm này ta có thể qui cho Tàu đến 90%.  Ở chỗ này nên chú ý yếu tố kị mã làm cho súc mục trở thành du mục, và do đó trở nên sức mạnh phi thường vượt mọi đế quốc xưa cũng như nay và do đó gây ảnh hưởng lớn lao vào ba nền văn minh Tàu, Ấn và Iran.  Còn súc mục thì xưa đâu cũng có nhưng không trở thành sức mạnh.  Cần ghi nhận điểm này kẻo phán đóan sai lầm.

  1. XE NGỰA

Sau ngựa thì đến xe ngựa, nó ghi dấu một bước tiến mới trong việc chinh chiến:  Chở được nhiều người, bắn nhiều tên một trật nên mạnh hơn.  Xe còn giúp vào việc chuyên chở nên giúp cho phát triển thương mại và cả học hỏi: bởi trí thức con người mở rộng theo đà đi xa (xem bài Phạm Trù trong quyển “Những Dị Biệt …”) Vì thế xe đã một thời biểu thị độ số sức mạnh một nước theo số xe, thí dụ một nước trăm xe, một ngàn, một vạn xe.  Kiểu như nay ta nói những cường quốc nguyên tử thì cũng là dùng sức mạnh nhất để chỉ một nước cao thấp.  Vậy điểm này thuộc Trung Hoa có đến 90%.  Tức là tất cả sức mạnh nắm hầu gọn lỏn trong tay người Tàu: Phương Nam không bao giờ đưa ra được một lực lượng chống đối mạnh bằng, tuy có thuyền và voi, nhưng thuyền chỉ dùng dưới nước, còn voi thì chậm chạp, không thể nào địch lại với xe ngựa về đàng mau lẹ.

C. Thêm vào đó là sự đồng nhất về chủng tộc  và ngôn ngữ ở chỗ người Tàu hoặc có một bộ lạc, hay dù có nhiều bộ lạc đi nữa, nhưng nhờ đại bình nguyên Hoa Bắc lớn như biển cả nó diệt địa phương tính từ trong trứng nước.  Điều này giải thích hết tất cả sự trổi vượt của người Tàu. Cả Trung Nguyên thuở đó chỉ là một bộ lạc khổng lồ gồm nhiều đại tộc (thị).  Đó là những nhận xét dùng được như chìa khóa mở cửa vào bí quyết thành công của Hán Tộc.  Nhờ thống nhất sớm nên chính quyền trung ương mạnh trước các bộ lạc Viêm Việt vẫn mãi mãi rời rạc và vì thế Tàu đã nắm phần thắng trong tay và một khi đã thành quốc gia, rồi đế quốc, thì sự chống đối của Phương Nam trở nên tuyệt vọng.

D. Thứ bốn là tài cai trị hay là óc tổ chức có cơ hội phát triển, và đây là điểm quan trọng nhất.  Tổ chức càng tài thì sức mạnh càng lớn.  Xưa nay các quốc gia hưng suy phần lớn là tại biết tổ chức hơn là tại giầu nghèo hay đông dân. Sự giầu có giúp cho việc tổ chức được dễ dàng nhưng chưa là yếu tố quyết định.  Cả đến nước có nhiều dân cũng như cả nhiều người giỏi cũng chưa đáng kể, vì không được dùng thì người giỏi thiếu đất dụng võ thành thử có cũng như không.  Các sử gia đều nhận là người Tàu không tỏ ra dấu nào giỏi hơn các dân chung quanh, nhưng vì họ mạnh, có thể chiến thắng nên quyền cai trị về tay họ và thế là họ có nhiều cơ hội để phát huy tài tổ chức, tài chỉ huy.  Tài này đã có dịp được nảy nở nhiều trong đời sống du mục, là lối sống bắt mọi người phải phục tùng tuyệt đối tù trưởng, mới giúp cho sự đi chinh phục đồng cỏ, những cuộc đi cướp phá, sự ở chung đụng gần gũi v.v … Đó là những yếu tố không cho phép cảm tình tự do cá nhân nảy nở mà phải huấn luyện cho quen phục tùng.  Chính nhờ đó mà tài cai trị được cơ hội phát triển và một khi phát triển thì cứ tiến hòai.  Cai trị không những đồng bào mà còn gửi cán bộ đi cai trị các dân nhược tiểu nằm trong quyền mình.  Vì thế nhiều người có dịp học và hiện thực việc cai trị.  Còn những dân nhược tiểu phải sống triền miên trong sự phục tùng nên cai trị không bao giờ có cơ hội nảy nở.

Đ. TRIẾT HỌC

Riêng điểm này thì người Tàu nổi hẳn về lý luận chặt chẽ theo công thức đã được qui định. Ngược với nông nghiệp nặng tính chất tình cảm nên lơ mơ và nhất là bột phát ít chịu theo qui chế, nhờ đó đi sát tiềm thức và giầu về minh triết, nhưng lại kém mạch lạc và hệ thống không bằng người Hoa tộc.  Vì thế mà triết học bắc Phương thiên trọng về pháp hình, giúp rất nhiều cho nước mạnh, vì pháp trị nhằm phú quốc cường binh là hai yếu tố dễ làm cho nước trở nên hung cường.  Ngược lại với lễ trị hay ước trị Phương Nam làm cho dân giầu và sung sướng.  Đó là lối cai trị lí tưởng nhưng là lối rất khó, nó đòi nhà cai trị phải tài ba hơn ở pháp trị.  Nếu được thế thì lúc đó nước sẽ mạnh hơn cả pháp trị, nhưng nếu nhà cai trị dở thì lại dở hơn pháp trị.  Vì thế gọi là nhơn trị tức là sự hưng suy của một nước lệ thuộc vào tài đức nhà cai trị hơn là vào pháp hình.  Cũng như các dân du mục khác, người Tàu xưa cũng rất dữ, và lâu về sau khi họ đã đi vào nông nghiệp thì dòng máu du mục cứ nối tiếp pha vào mãi mãi, nên lối sống của họ mạnh về võ lực hình pháp và thực tế đến ác liệt.  Vì thế mà về sức mạnh người Tàu nắm phần trội hẳn.

E. THIÊN TRỊ

Là hậu quả của tài tổ chức và cai trị. Khi tài cai trị mà đẩy đến cùng thì người ta sẽ nhận ra rằng cần phải khống chế được tâm hồn người bị trị thì sự phục tùng mới toàn triệt, thế mà nhà vua chỉ có quyền bên ngoài, muốn thấu tận tâm hồn cần phải có cái gì vô hình, và vì thế mà có sự vay mượn của tôn giáo vu nghiễm: như sự thần thánh hóa quyền vua, rồi luôn cả bản thân vua. Từ lúc ấy vua là thiên tử, làm vua là nhận được thiên mệnh, cai trị không những bên ngoài, mà luôn cả bên trong nên kiêm chức giáo chủ. Nhờ đó mà sự cai trị được hoàn hảo. Nhưng với người bị trị thì đó lại là mưu xảo để nô lệ hóa con người được đẩy sâu đến tận thâm tâm. Vì thế nhiều khi có một mối lien hệ bất ngờ giữa ác độc và tôn giáo. Ác độc như Mông Cổ lại là dân rất sùng đạo. Ác hiểm như Võ Tắc Thiên đời Đường tưởng trên thế giới này không người đàn bà nào bằng, vậy mà đó cũng là người rất sùng mộ tôn giáo. Với họ tôn giáo trở nên mũi khoan để đưa sâu thêm vào tận tâm hồn những xiềng xích nô lệ con người, kể cả đến những phần sâu thẳm nhất cũng không thoát khỏi vòng kiểm tỏa. Vậy điểm này cũng rõ rệt là của người Tàu đến 8-90%. Việc vua giữ riêng cho mình sự thờ trời là một dấu hiệu.


G. THƯƠNG MẠI

“Phi thương bất phú”, mà có phú thì văn hóa mới phát triển, vậy mà điểm này cũng nằm trong tay người Tàu, nhờ nắm được hành lang nối Tây với Đông là hai tỉnh Cam Túc và Thiểm Tây nên tài thương mại có cơ phát triển rất sớm và sẽ là một nét đặc trưng của họ khác với Viêm Việt cứ thuần nông. Thương mại tạo dịp xê dịch nhiều, nên mở tầm nhãn quan ra rất rộng, làm cho ý thức tăng gia. Tóm lại nhờ yểu tổ thương mại người Tàu đã nắm thêm được cả quyền lực thứ ba là kinh tế sau binh bị và chính trị, rồi cũng từ đó ảnh hưởng vào chế độ ruộng đất.


H. ĐIỀN CHỦ

Ruộng đất phân chia đồng đều hay để làm riêng cho một thiểu số, đó sẽ là vấn đề được bàn cãi nhiều và chia hai chủ trương: một bên là bình sản của Việt Nho, bên kia là tư sản của Hán Nho (được thiết lập từ đời Tần Hán).

Có hai yếu tố khiến cho sư sản gây nên chênh lệch quá đáng: một là quí tộc thường gắn liền với những đặc ân, hai là giàu sang do thương mại giúp vốn để tập trung rất nhiều tài sản vào trong một thiểu số. Khi không có chế độ công điền công thổ ngãng trở thì người đó tung tiền ra mua hết ruộng đất, khiến cho họ càng giàu thêm. Nói về Việt Hán thì của vốn thêm mãi vào tay người Hán giúp họ dần dần nắm trọn quyền lực kinh tế. Từ khi nhà Tần phá vỡ chế độ công điền cho phép tạo mãi đất riêng, thì tự đấy gây nên rất nhiều chênh lệch. (Eberhard 72). Vương Mãn “thoán” quyền hay giặc khăn vàng… chỉ là những cuộc chỗi dậy đòi phân chia lại ruộng đất theo tinh thần Việt nho xưa.

I. CHỮ NHO

Đây là điểm tối quan trọng làm cho văn hóa Nho thành một nền văn hóa mạnh nhất và bền vững nhất trên thế giới (sẽ bàn sau). Vì vậy ai nắm được chữ nho cũng là nắm được quyền lực văn hóa. Và đó là nước Tàu: chính chữ nho làm cho họ vượt hẳn cả những dân mạnh hơn họ như Mông Cổ tuy mạnh hơn và nhất là cai trị lâu hơn nhà Tần cả hàng trăm năm mà rồi không để lại được gì. Đang khi nhà Tần chỉ cai trị chưa đầy hai chục năm giữa muôn và oán trách căm thù, nhưng đã để lại một ảnh hưởng quyết liệt trên Viễn Đông thì đó là nhờ chữ nho, là vì nhà Tần đã thống nhất chữ nho cũng như thống nhất ngôn ngữ Tàu, một việc gây ảnh hưởng lâu dài nhất cho tới tận ngày nay. Về chữ nho thì còn có nhiều điều phải đặt nghi vấn, thí dụ ai đã đặt cơ sở đầu tiên cho chữ nho?... và đó là những vấn đề còn phải tìm kiếm và dầu sao thì ít quan trọng. Trái lại có hai điểm quan trọng vô biên không ai chối cãi được là nó thuộc người Tàu.

Điều nhất là chữ nho đã được hoàn bị hay ít ra được định chế như nay thì rõ ràng là việc làm dưới quyền Hán tộc. Lúc trước nếu các bộ lạc ở Phương Nam có chữ thì cũng còn đang trong giai đoạn thử thách, dò đường, chưa đủ tinh vi để ghi được hết mọi tư tưởng như sau này trong tay Hán tộc.

Thứ đến là sự thống nhất chữ viết. Điểm này mới quan trọng vì làm nên một sức mạnh phi thường: chính quyền trung ương bắt buộc mọi nơi chữ riêng để nhận một lối viết chung. Đó là bước tiến xa nhất khiến cho những dân ở rất xa với những phương âm rất khác biệt đến đâu đi nữa vậy mà khi xem vào mặt chữ liền hiểu ngay, y như ta đọc ba, Pháp là trois… thì không hiểu nhau nhưng xem số 3 thì hiểu liền. Vì lẽ đó mà chữ nho đã trở nên đạo quân tiền hô mở rộng phạm vi cho Hán tộc khiến cho quyền lực văn hóa cũng lại lọt trọn vẹn vào tay người Tàu. Thế là cả bốn thứ quyền lực: bình dị, chính trị, kinh tế, văn hóa đều nằm trong tay người Tàu cả, thì làm sao mà những dân chung quanh địch nổi. Đó là những yếu tố giải nghĩa sự trội vượt của người Tàu, nó không trái ngược với việc qui cho Viêm Việt cái công sáng tạo Nho giáo về nhiều phương diện, nhưng đó chỉ là nói lên những ưu thế đã giúp cho người Tàu lợi dựng được những phát minh kia mà thôi.


K. VẬT BIẾU

a)      Thú hay điểu
Bây giờ chỉ còn nói đến vật biểu để chỉ cái sức mạnh trên, sức mạnh làm bằng vỡ lực, kinh tế, chính trị nhiều hơn văn hóa. Hay nói cách khác là văn hóa được trợ lực quá hùng hậu do ba quyền lực kia, nên sức mạnh võ biền vẫn trội hơn sức mạnh văn hóa. Vì thế họ nghiên về vật biểu thú. Vật tổ của dân Mông Cổ là con chó sói, hậu duệ của Mông Cổ là người Tàu cổ sơ cũng thờ con chó Đại Bản…
Khi Hiên Viên chiến Si Vưu thì ông dẫn bốn thứ dữ: hùm, beo, hổ, báo (tôi ngờ rằng người Tàu đã mượn hèm rồng của ta, có lẽ vào lúc Hoàng Đế lập ra Vân Kỉ. Chữ Vân là tiếng của Lạc Việt: đó là giả thuyết làm việc). Ngược với phương Nam thiên về vật biểu chim hoặc thú hiền (nai, lân, qui). Câu “hồ mã tê bắc phong, việt điểu sào nam chi” có liên lạc với hai nhân vật biểu kia đến đâu? Nói vật biểu là có ý tránh vấn đề vật tổ quá rắc rối; còn khi xét như là vật biểu, hay trang trí hoặc nghệ thuật thì người Tàu thiên trọng về thú hơn chim. Như có thể thấy rõ trong nghệ thuật miền Thảo Nguyên làm bằng thú (xem L’empire dé Stepes p.623, 637 the Animal Style).


b)     Cái giống của thần

Bây giờ bàn đến một biểu thị khác là cái giống của thần linh. Nếu xét bao trùm thì có thể nói giữa thú và nam quyền có liên hệ nào đó, cũng như giữa nữ quyền và vật biểu chim vậy. Vì thế sau hai vật biểu thú và điểu, ta có thể thêm vào một biểu thị khác nữa là thần nam hay nữ. Những nơi thuộc vật biểu thú cũng là những nơi nữ quyền bị chà đạp nhiều. Còn bên vật biểu chim thì nữ quyền bớt bị sứt mẻ mà dấu hiệu là có nữ thần, như thái dương thần nữ của Nhật và nhiều dân khác trong khối Viêm Việt.
Ta thì có “Cửu thiên huyền nữ”. Thần nữ của ta không được chú ý là vì đã được nhân loại lấn át, nhưng trong nhân loại yếu tố nữ vẫn nổi như Âu Cơ, Mị Nương, Mị Châu…vv.

Phía Bắc tuy có nữ thần nhưng vừa hiếm hoi hoặc là đang trong giai đoạn biến thể, thí dụ Tây Vương Mẫu, tuy là thần nữ nhưng “tóc như báo, răng như hổ”! Hẳn điều đó tiêu biểu giai đoạn nam quyền đang lấn át nữ quyền. Tóc  báo, răng hổ chỉ những yếu tố nam quyền đang tràn lên nhận chìm Tây Vương Mẫu như một nữ thần xuống mà chỉ còn lưu lại tên để gọi một nước nhỏ ở miền cực Tây như nhiều học giả nhận xét.

c)      Số phá hay số hóa

Sau đây còn một thứ biểu hiện nữa là các số, nó rất lu mờ và rất dễ cho những đầu óc duy sử bẻ họe, nhưng muốn nhìn theo kiểu triết thì phải biết vượt những chi tiết và ngoại lệ để tìm ra nét chính thường được biểu lộ bằng sự nhấn mạnh và hệ thống hóa. Vậy theo vị số tiên thiên của ngũ hành thì hai số đông nam là 3-2, hai số tây bắc là 4-1. Tức tây bắc có sự trội hơn về số chẵn. Số chẵn quen gọi là số phá, tức là còn chờ sự hòa hợp xảy ra ở các số lẻ thí dụ số 3 là hòa hợp giữa 2+1, số 5 là 3+2.

Xét về hậu cứ ta thấy bắc phương thiên số phá nhiều hơn như:
-          24 sao
-          04 hướng với quan tứ nhạc
-          12 tháng
-          10 tuần 10 ngày
-          12 mục (12 quan cai trị đời Chu)
-          12 luật nhạc
-          lối điểm từng 10
-          8 bát quái
-          6 lục thần
Trên đây chỉ là mấy thí dụ trích từ quyển The Language of China before the Chinese của Terrien de Lacouperie (tr.114) mà chúng tôi chưa có thì giờ nghiên cứu lại tường tận. Nhưng nói chung thì nó giúp cho ta có một ý niệm đại khái ít ra như khởi điểm cho những cuộc nghiên cứu sâu rộng hơn. Cho tới nay tôi vẫn có cảm tưởng là Đông Nam nghiêng mạnh về những số hóa 3, 5, 9. Đôi khi cũng thấy phương Bắc dùng, nhưng không được hệ thống hóa để thành ngũ hành, Lạc thư v.v… nên một là họ mượn về sau, hoặc nữa là dùng những số đó phất phơ không có chủ đích tiêu biểu mạnh như vùng Lạc việt.

Thí dụ dùng các con số đến độ phi lí: chim hai chân thì thêm cho một thành ba, cóc mà Hằng nga cỡi lại chỉ còn có ba chân (Danses 609) các số 5,9 cũng tương tự toàn là tiên thiên, nên nói lên rõ ràng tính chất biểu tượng. Số 5 là nền tảng cho Lạc Thư tức ngũ hành. Khác hẳn với tây là tứ hành. Xem Need II 297 kể chuyện các thừa sai còn hãnh diện truyền bá tứ hành đang khi Tây Âu đã bắt đầu phải bỏ một nửa thế kỷ trước. Số 9 đi với nguyên lý mẹ đang khi Tây Âu để cao số 7 đi với  tây bắc (bảy với bắc là một: septen trion)… Vì những cái liên hệ nằm ngầm đó nên triết học phải biết chú tâm theo dõi, và vì vậy chúng tôi sẽ trở lại vấn đề nhiều lượt nữa về sau.


KẾT LUẬN

Trở lên là 10 yếu điểm mẫu có thể dùng để định tính văn minh HánTộc: Nói về văn hóa thì rõ rệt là nó mới đạt đợt ý hệ tức mới biết thiên trọng lý trí mạch lạc suy tính theo công ước khắt khe mà chưa đạt đợt 3 là tâm linh. Trái lại với Việt Nho lúc trước ở đợt bái vật nhưng sau này vươn lên đợt tâm linh nên thích hồn nhiên, đột khởi, tự do. Xét về chính trị thì Tàu thiên về pháp hình: trọng võ hơn văn. Vì thế đối với hai nét tâm sinh trong chữ tính thì Hán tộc đại biểu cho sinh, Việt Tộc cho tâm. Tác động của sinh là vòng ngoài = trọng lí trí, hình thức, tổ chức, có thể gọi là xác thể. Tác động của tâm là vòng trong = coi trọng tình người, tác động bằng ngấm dần vào như kiểu hồn thiêng Paul Valery nói:

“O grande âme
II est temps que tu formes un corps”
“Hỡi linh hồn cao cả,
Đã đến lúc phải mặc lấy một xác thân”.

Linh hồn cao cả đó là nền văn hóa Viêm Việt mới bột phát chưa kịp đổ khuôn, thì Hoa Tộc tràn vào và mặc cho nó một xác thể. Nhưng xác này lại khác tính chất với linh hồn.

Khi Isaac sờ tay Jacob thì nhận xét rằng “Tiếng là tiếng Jacob nhưng tay lại là tay Esau”. Khi chúng ta dùng “Mục nhập tâm” mà xét Nho giáo thì cũng có thể nói “Xác là xác Hán tộc nhưng hồn lại là hồn Viêm Việt”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét