17 thg 4, 2011

Dài lắm , nếu vội không nên đọc

89161 Huỳnh Thị Diễm Về đâu bông điên điển? Quê tôi, một ngày mới bắt đầu từ lúc trời chưa mờ sáng, khi thôn xa vang lại xao xác tiếng gà, đôi mái lá còn chìm trong sương mờ và cỏ cây vẫn thu mình vì ngại hơi đêm ẩm ướt. Đó cũng là lúc cha tôi chống xuồng lên đồng gỡ lưới cá. Mùa nước nổi năm nào cũng thế, cha tôi đi từ rất sớm, khi tôi còn say ngủ và cha về trong nắng ấm vừa lên với một khoang xuồng đầy ắp những cá, tôm, lươn, rắn… Tôi hay tỉnh giấc bởi những âm thanh xôn xao, lạp cạp của bầy vịt trắng phau đương bơi quanh nhà cùng sóng nước. Tôi biết xuồng cha tôi đã về trong cái âm thanh xôn xao quen thuộc đó. Vào mùa nước nổi hằng năm, từ nhà tôi trông ra phía đồng chỉ thấy trắng xóa một màu, cánh đồng lúa xanh rờn chạy tít chân trời giờ như biển, bàng bạc nước mênh mông… Hồi ấy, trẻ con ở quê chẳng biết sợ cái cảnh mênh mông là gì đâu. Cả bọn nhóc chỉ thấy trong bụng nôn nao bởi đủ thứ món chơi nghịch mùa nước mà thôi. Riêng tôi cứ thương hàng điên điển rộ bông vàng bao quanh nhà mình nhất. Mỗi sớm, mẹ tôi hay xách rổ tre ra sau nhà để tranh thủ hái những bông điên điển còn bum búp. Mẹ tôi nói: “Lúc bông còn bum búp như vầy hàm chứa đầy đủ hương vị ngọt ngọt, thanh thanh trong nhụy bông”. Màu bông điên điển quê tôi vàng tươi lắm. Tôi nhìn từng bông, bông nào cũng phụng phịu như đôi gò má của em bé đang ngậm lấy, ngậm để những giọt sữa tinh khôi từ đất, từ trời. Khi hái mẹ tôi chỉ cần kéo lấy duy nhất một đọt cây, liền các đọt khác cùng ngả về phía mẹ. Tôi thích hứng những giọt sương mát rượi đọng trên cây rào rào sà xuống theo tay mẹ kéo. Có khi tôi còn chăm chú đợi chúng rào rào xuống hơn là để tâm vào những bông điên điển bum búp ngon lành. Tay mẹ hái bông nhanh lắm, thạo lắm. Lúc hái bông, tôi thấy mắt mẹ vẫn ngó ra cánh đồng trắng xóa nước xa xa. Tôi biết ngay mẹ đang trông xuồng của cha, tôi cũng đang trông cha về. Cha về sẽ cho tôi mấy con cá lia thia, cá bảy màu, mấy con tôm mập mạp… Thích nhất là cá nóc no! Cá nóc no cho mẹ nấu canh chua bông điên điển thì ngon lắm, thèm lắm. Bông điên điển ăn ngon mà lại đẹp. Tôi nghĩ loại bông đẹp nhứt, dễ thương nhứt trên đời chắc chắn là bông điên điển quanh nhà tôi. Mẹ nói chúng là những chú bướm vàng có đôi cánh thêu kim tuyến kết thành bông. Đangnghĩ miên man, tôi bỗng giật mình khi nghe mẹ giục: - Bi ơi! đưa rổ cho cha con đi! - A! Cha về! cha về! Tôi mừng rơn thì nghe mẹ lại giục nữa: - Đưa rổ cho cha đi Bi! - Cha! Rổ nè cha! Tôi xoắn xuýt bên những chú cá mè dinh, cá rô, cá nóc no đang búng tung tóe trong khoang xuồng. Cầm lấy vợt từ tay mẹ, cha rọng những chú cá còn khỏe lại, thắt miệng vợt xong, cha liền nhanh chóng buộc xuồng vào thân cây điên điển to nhất sau nhà. Mùa nước nổi, sóng lớn ngoài đồng trống cứ vỗ ầm ạp suốt ngày đêm, sóng lũ mạnh lắm, bền lắm. Nếu buộc ghe xuồng không thạo, dù dây siết chặt cách mấy thì cũng dễ dàng bị sóng đánh phăng đi. Tìm xuồng bị trôi cực lắm, trong xóm nhiều người bị vậy rồi. Tôi vẫn tự hào về kỹ thuật giăng lưới, buộc xuồng của cha. Đi chơi, tôi khoe suốt về điểm này với bọn thằng Tí, thằng Tèo... Coi bộ bọn nhóc trong xóm nể tôi dữ lắm. Trong lúc cha quay sang gỡ những cụm rong tảo bám đầy trong lưới, tôi vẫn say mê với những chú cá nóc no của mình. Đối với tôi, thích thú nhất là xem những chú cá nóc no phồng cái bụng to như bong bóng mỗi lần tôi đặt chú xuống nước, trông rất tức cười. Đang chơi đùa mải miết, tôi chợt nghe mùi vị hấp dẫn từ nồi canh chua của mẹ. A! Mẹ nấu canh chua bông điên điển cá nóc no đãi hai cha con đây mà! Mẹtôi là người phụ nữ rất đảm đang. Cá của cha tôi lưới về mẹ phân loại và bảo quản vừa nhanh, vừa kỹ. Tài bếp núc của mẹ thì khỏi chê. Món nào mẹ nấu hai cha con cũng ăn đến chảy mồ hôi. Tôi hay bị cười vì để cơm dính đến mũi. Những con cá còn tươi rói mẹ để nấu canh chua bông điển, những con cá chết qua đêm thì mẹ muối sả. Hôm nào trúng cá nhiều, mẹ tôi phải làm khô phơi đầy trên mái lá nhà để dự trữ ăn khi tháng hạn. Dưới khoang xuồng của cha còn rất nhiều cá sống. Cha rộng chúng trong nước để dành những hôm mưa bão không thể ra đồng. Nhiều khi nhà túng thiếu, mẹ tôi lại đem số cá ấy lên chợ bán kiếm tiền mua gạo. Mùi cơm chín mới tinh, mùi nồng nồng cay cay của cá kho, mùi thơm thơm ngan ngát của nồi canh chua mẹ nấu khiến cái bụng tôi chợt nhớ mình đang đói meo tự lúc nào rồi… Hôm đó, hai cha con có một bữa cơm thật ngon lành. Tôi vét đến cùng những hạt cơm dính trên thành nồi, hít hà và tấm tắc khen ngon. Cha tôi chỉ cười và gật gù chứ không líu lo suốt buổi như tôi. Cha cười bảo: “Hai cha con mình ăn sạch cho mẹ khỏi hấp cơm nguội nghen!”. Hiểu ý, mẹ gắp những con cá trong tô và những bông điên điển còn lại cho cha: “Cha bé Bi ăn giùm em!”. Cha ăn toát cả mồ hôi, còn tôi no đến cành hông rồi. Hết nhìn cha rồi nhìn tôi, mẹ chỉ cười sung sướng. Ngoài hè những cây điên điển vẫn rộ vàng bông, rung rung theo từng ngọn gió từ đồng nước mênh mông. Gió đồng ban trưa hiu hiu mát lạnh. Gió như mang theo cả lời ca vọng cổ từ những chiếc xuồng câu lưới xa xa. Hò ơ, sông dài cá lội biệt tăm... Sáng nay xóm tôi xôn xao khác lạ, mọi người không đi làm như mọi hôm mà xúm xít bàn tán nhau những chuyện bọn con nít chúng tôi không hiểu rõ lắm. Chỉ nghe phong phanh họ nói với nhau về chuyện quán rượu, quán ăn, quán nước gì đó… Trong bữa cơm ngày hôm ấy, tôi mới được biết sắp tới đây con đường làng chạy qua xóm tôi sẽ trở thành cầu nối cho khách du lịch khắp nơi đến với khu Núi Cấm. Nghe đâu người ta đổ về đông lắm, có cả khách nước ngoài! Mẹ nghe mấy người trong xóm nói là khách ngoại quốc thì xài tiền đôla, mà đôla thì hơn nhiều lần tiền mình lắm. Tôi nghe mẹ bàn với cha dựng cho mẹ một túp lều nhỏ để bán quán nước, bán đồ ăn. Hằng ngày, công việc nhà đủ để làm mẹ tôi quần vo áo vận rồi. Cho nên, ban đầu cha không đồng ý vì sợ mẹ cực. Thế rồi không lâu sau, cái lều nước cũng mọc lên theo ý mẹ. Kể từ ngày ấy mẹ tôi càng vất vả hơn. Mẹ không có thời gian phân loại và bảo quản giúp cha những con cá lưới được trên đồng. Mỗi sáng, mẹ tôi cũng không còn ra sau hè tranh thủ hái những bông điên điển còn bum búp nữa. Rồi bữa cơm gia đình cũng vắng luôn nồi canh chua bông điển cá đồng… Tôi thấy thèm bữa cơm ngày xưa mẹ nấu như người đi trên sa mạc khát từng giọt nước. Thế là hôm nọ, tôi quyết định dậy thật sớm để hái bông điển một mình. Tôi còn nhỏ nên vói không tới những đọt bông cao, lúc đang cố vói thì bị té xổ xuống nước. Rất may cha tôi về kịp, ẵm tôi lên, vừa hôn tôi cha vừa nói: “Thèm canh chua bông điển hả con?”. Cũng từ ngày đó, hai cha con tập làm nội trợ luôn. Trước nay cha tôi chỉ quen việc đồng áng, việc câu lưới, giờ vào bếp thay mẹ nên cực ghê lắm. Loay hoay cả hồi lâu hai cha con mới có được nồi canh chua với mấy bông điên điển mới hái sau hè. Trước lều, mẹ tôi vẫn lui cui bưng nước cho khách, họ cười nói lớn tiếng lắm. Tôi thấy họ thường đi những chiếc xe du lịch sang trọng, sáng choang. Khách đến quán mẹ tôi ngày một đông hơn. Ở xóm có nhiều người thắc mắc xầm xì, họ không hiểu tại sao những khách như thế lại thích đáp vào cái lều lụp xụp của mẹ. Riêng tôi rất hãnh diện về tài làm nước, nấu ăn của mẹ. Tôi chỉ nghe mỗi lần các ông khách ấy hỏi mẹ tôi là “a du má rịt” hay “mé rịt” gì gì đó là mẹ tôi im lặng, nói chung là họ nói rất khó nghe và khó nhớ. Lúc đó, tôi chỉ mới biết “How are you?” mà thầy tôi dạy ở trường thôi. Không nghe mẹ trả lời mấy ổng… Nhưng từ đấy cái quần phải xắn tới đầu gối được thay bằng những quần sọt ngắn, mấy cái áo bà ba mẹ thường mặc trở thành những miếng giẻ lau bàn. Những chiếc áo mẹ đang mặc trông sao mà ngắn quá, trống quá! Mỗi khi cha nói đến việc đó thì mẹ bảo: mặc đồ vậy cho khỏe, khỏi phải xắn lên. Nhà tôi dạo ấy buồn lắm. Tôi sợ nhất hằng đêm phải nghe cha mẹ cãi nhau. Tôi bất ngờ trước những lời mẹ nói nặng cha. Trước giờ tôi không hề nghe mẹ nói những lời như vậy. Nhiều khi tôi vờ đang ngủ, quay mặt vào tường mà khóc thút thít. Lắm lúc, cha mẹ cãi dữ quá tôi chỉ biết kêu khe khẽ một mình: “Mẹ ơi! Cha ơi! Đừng vậy nữa mà!”. Chắc dạo này mẹ không còn thích nói chuyện với cha, mẹ cũng không thích nói chuyện với tôi nữa, giờ mẹ chỉ thích nói chuyện với cái điện thoại di động của mấy ông khách tặng mẹ thôi. Suốt ngày tôi chỉ còn nghe mẹ nói: “Alô, em nghe…”. Tôi buồn, cha cũng buồn, mẹ thì nói suốt, rồi mẹ cười hô hố với người ta. Sáng hôm nay, mẹ tôi dậy sớm hơn thường lệ. Mẹ mải miết trước tấm gương soi, trông như sắp đi ăn đám cưới vậy. Cha tôi đang gỡ lưới trên đồng, “chắc cha không đi ăn đám cưới”- tôi nghĩ thầm. Mẹ giục tôi dậy ra sau hè cho vịt ăn, trông mẹ rất hấp tấp. Bỗng có tiếng xe đỗ trước lều, mẹ vội vã bước ra. Nhướn đôi mắt còn ngái ngủ nhìn theo hướng mẹ, tôi thấy mấy ông khách mời mẹ lên xe, linh cảm không lành tôi tất tả chạy ra rồi òa khóc luôn: “Mẹ ơi! mẹ đi đâu?”. Mẹ tôi thoáng như quay lại nhưng trước sự thúc giục của ông khách, mẹ đẩy tôi ra rồi cũng bước lên xe. Chiếc xe lạnh lùng chuyển bánh, dần dần mất hút. Nước mắt giàn giụa, tôi gào khản hơi “Mẹ ơi! Mẹ ơi!”. Nhưng chiếc xe sang trọng ấy đã mang mẹ đi mà không bao giờ trở lại với cha con tôi nữa rồi. Mẹ ơi! Mẹ đi đâu? Câu hỏi đó đã ám ảnh tôi suốt cả thời thơ ấu… Trênbến sông quê, những chiếc xuồng câu cũ kỹ vẫn muôn đời trôi nổi mưu sinh cùng con lũ, và những bông điên điển tàn rơi vẫn trôi dập dềnh trên sóng nước mênh mông. Về đâu… Huỳnh Thị Diễm (ĐH An Giang) Nguồn: http:// www.trangsachhong.com Được bạn: Thanh Vân đưa lên vào ngày: 16 tháng 4 năm 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét