27 thg 3, 2011

Việt Nho


3. Ý
Cũng vì sự lấn lướt của từ mà Hán tộc đã có thể xuyên tạc ý của Nho khiến người sau không nhận ra được nữa đâu là đạo lý trung thực của nho giáo. Điều đó gây nên nhiều lầm tưởng, thí dụ sự nhận xét rằng văn hóa Việt Nam hơn nho giáo ở chỗ tính chất dân chủ, ưa chuộng tự do, có sự phóng khoáng trong vấn đề nam nữ, quân bình giữa cha và mẹ… Nhưng người nghiên cứu sâu rộng về nho sẽ nhận ngay ra rằng tất cả bấy nhiêu đức tính đều đã nằm sẵn trong Nho giáo rồi, thí dụ tinh thần dân chủ đầy trong Kinh thư, nam nữ tự do có ngập trong Kinh Thi, còn tính chất nhân chính lại là bản cốt của nho. Tuy nhiên phải công nhận rằng bấy nhiêu đức tính nằm chen lộn với các yếu tố trái ngược như óc tai dị, chuyên chế, khắc nghị, đán áp đàn bà, đàn áp dân gian… Tóm lại Nho giáo là một thực thể phức tạp gồm cả cái hay cái dở, cả tranh đấu cho tự do con người lẫn đàn áp con người v.v… không thể nhận cả như các cụ xưa, mà cũng không thể chối hết như phần lớn tân học ngày nay. Vậy chỉ có cách phân ra Việt Nho và Hán Nho là ổn nhất: nó vừa giải nghĩa được biết bao sự kiện lịch sử như vụ đốt sách chôn nho đời Tần, xuyên tạc Nho do vụ thư viện Thạch Cừ đời Hán, cũng như giải nghĩa được biết bao trang huyền sử của Tàu cũng như của ta. Và khi đã phân tích chắt lọc một cách nghiêm chỉnh như thế rồi thì có thể quả quyết rằng tinh hoa của Nho giáo chính là của Việt giáo hay nói khác Nho là Việt, Việt là Nho. Và nếu thế thì vấn đề khẩn thiết lúc này phải là tìm ra phương sách khai quật lên cho kỳ được đạo lý của Việt Nho. Theo chúng tôi thì phương sách đó sẽ là cơ cấu tức là phần sâu thẳm nhất của nho và lúc đó sẽ nhận ra sự thật hiển nhiên này là cơ cấu Việt văn với cơ cấu Nho giáo là một.



(Kim Định)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét