27 thg 3, 2011

Việt Nho


4. Cơ
Nói đến cơ hay là cơ cấu là nói đến những nguyên lý nền tảng chi phối toàn bộ một nền văn hóa, nó còn sâu hơn cả ý nên nếu không nắm được thì không thể nhìn ra toàn bộ. Mà thiếu toàn bộ là thiếu sống động, hãy đưa ra một vài thí dụ cụ thể.
-        Trong bài Bình Ngô Đại Cáo có câu “mấy thưở đợi chờ, luống đằng đẵng cỗ xe hư tả”. Hỏi cô xe hư tả là chi.
-        Câu khác: con sông Lục Đẩu sáu khúc nước chảy một chiều anh ơi. Sông Lục Đầu là gì? Tại sao sáu khúc, tại sao nước chảy một chiều, tại sao anh ơi mà không em ơi?
-        Tại sao lu rượu được 5 người khiêng 3 người đõ (truyện Mường)?
-        Tại sao 9 cái đỉnh 3 chân 2 tai lại có sức tự nấu chín đồ ăn mà không cần lửa?
-        Tại sao thuyền làm bằng gỗ cây Cam Xe tự chạy không cần chèo buồm?
-        Tại sao lại có 3 vĩ tích của Lạc Long Quân mà không 4.
-        Tại sao đặt tên là Lang Đa Cần?
-        Tại sao sách ước?
-        Tại sao gậy thần?
-        Tại sao lại một lọat chim, chim phụng, chim loan?
-        Tại sao bà Nữ Oa phát minh ra cái sênh?
-        Tại sao kinh đô cổ Việt lại ở xứ nghệ?
Và một trăm cái tại sao nữa trong 14 truyện đầu quyển Lĩnh Nam Trích Quái. Xưa nay chưa ai đặt ra câu hỏi, nên cũng chưa ai tìm ra ý nghĩa, chưa ai giải nghĩa một cách có nền tảng. Thế rồi tự chống chế rằng đó chỉ là những điển tích biết thì hay không cũng chẳng sao; hoặc cho rằng đấy chỉ là những truyện cổ tích hoang đường không cần chú ý tới. Sự thực thì có chú ý tới cũng chẳng giải nghĩa nổi vì không tìm ra chìa khóa. Bởi chìa khóa giấu ở trong Nho, mà Nho đã bị khinh khi. Vì thế cái phần quan trọng nhất của Việt văn chính là cổ văn thì lại trở nên buồn tẻ và ít người chịu nhận dậy, mà có bắt buộc thì cũng lại là giờ tán nhảm còn làm học trò mất tự tín đối với nền văn học nước nhà là khác.
Cứ thông thường mà nói thì không hiểu mấy điển chẳng có chi quan trọng, hơn thế nữa viết văn không nên dùng điển tích vì chỉ làm cho việc hiểu trở nên rắc rối. Nhưng đó là nói về những điển tích của lịch sử, những truyện tích thuộc cổ điển. Ngược lại không thể nói vậy nếu những điển đó thuộc thời sơ nguyên là thời hàm chứa những nét căn bổn hơn hết, nếu không hiểu được thì là nông cạn. Vì thế không nên đồng hóa những điển tích sơ nguyên với những điển tích về sau, hai đàng khác nhau cả một trời một vực.
Tóm lại, muốn hiểu thấu văn học Việt Nam thì cần phải tìm đến tận cơ cấu. Nếu chỉ chú ý cú pháp thì Nho với Việt khác nhau, nhưng xét đến đợt Từ và ý thì cả hai đã giống nhau đến quá nửa. Cuối cùng đến đợt cơ cấu thì cả hai là một nên không hiểu cơ cấu Nho cũng là không hiểu cơ cấu Việt, mà cơ cấu đã không hiểu thì văn chương chỉ còn là mớ chữ rời rạc vô hồn.


(Kim Định)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét