Người theo dõi

10 thg 1, 2011

Có thay đổi việc bầu Tổng bí thư


Việc bầu trực tiếp Tổng Bí thư do Đại hội quyết định

(NLĐO)- Sáng 10-1 tại Hà Nội, trong cuộc họp báo quốc tế về Đại hội XI của Đảng, Phó Ban Tổ chức Trung ương Trần Lưu Hải cho biết Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã xin rút không tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.

Một người tự ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XI
Theo ông Trần Lưu Hải, Đảng Cộng sản Việt Nam đang trăn trở tìm cách đổi mới nội dung phương thức hoạt động cho hiệu quả nhất, trong đó việc đổi mới bầu cử lãnh đạo Đảng.
Ông Hải cho biết vừa qua đã thí điểm bầu trực tiếp bí thư từ cơ sở cấp huyện, cấp tỉnh. Trong đó, ở cấp tỉnh - thành đã chọn 10 địa phương bầu trực tiếp bí thư tại đại hội và việc thí điểm bước đầu đánh giá tốt, được dư luận đồng tình. Điều lệ Đảng khoá X chưa có quy định việc bầu Tổng Bí thư tại Đại hội nhưng nếu đa số đại biểu tham dự Đại hội XI thấy rằng nên bầu thì Đại hội sẽ tiến hành.
 
Trả lời câu hỏi về báo cáo phương án nhân sự được Hội nghị Trung ương lần thứ 15 thông qua trình Đại hội XI, trong đó Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh có được giới thiệu vào Ban chấp hành Trung ương khoá XI hay không, ông Trần Lưu Hải cho biết: "Theo quy định của Đảng, Tổng bí thư không làm quá 2 nhiệm kỳ. Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã làm 2 nhiệm kỳ và tuổi cũng cao (năm nay 71 tuổi) nên đã xin rút không tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa tới".  
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã làm 2 nhiệm kỳ
 
Về tỉ lệ số dư so với số lượng bầu Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị khóa XI, ông Trần Lưu Hải cho biết tại đại hội Đảng các cấp, số dư trong danh sách bầu Ban Chấp hành ít nhất là 15%, Ban Thường vụ ít nhất 20%. "Đại hội XI cũng vậy, sẽ giới thiệu số dư ít nhất 15% so với tổng số được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng".
 
Theo ông Hải, cho đến nay, tiểu ban nhân sự của Đại hội mới nhận được một hồ sơ tự ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. Đó là ông Nguyễn Xuân Kiên, sinh năm 1966, Phó  Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nghiệp vụ và tư liệu thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương.
 
Dứt khoát không đa nguyên, đa đảng
 Tại cuộc họp báo, ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết Đại hội XI sẽ thảo luận và thông qua Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH; Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa X trình Đại hội XI của Đảng (đánh giá kết quả thực hiện phương hướng, nhiệm vụ 5 năm qua; xác định mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ  5 năm tới); Chiến lược Phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2010-2020; Báo cáo Tổng kết thi hành điều lệ Đảng và đề xuất bổ sung, sửa đổi điều lệ Đảng; Lựa chọn, bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XI  2011-2015, cơ quan lãnh đạo cao nhất  của Đảng giữa 2 nhiệm kỳ.

Trả lời câu hỏi của phóng viên AFP (Pháp) về việc khi tiếp tục đổi mới chính trị, Việt Nam có tính tới đa nguyên, đa đảng hay không, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, khẳng định: “Ở Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên, đa đảng và dứt khoát không đa nguyên, đa đảng".

Theo ông Huynh, Việt Nam đã từng thử nghiệm đa nguyên, đa đảng thông qua cuộc tổng tuyển cử năm 1946, với nhiều đảng tham gia Quốc hội. Nhưng khi thực dân Pháp quay lại xâm lược thì chỉ có Đảng Cộng sản cùng với nhân dân VN chiến đấu chống lại và giành thắng lợi . "Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn đang tiếp tục lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ông Huynh nói.

Trả lời câu hỏi của phóng viên nước ngoài về việc vụ Vinashin được đưa ra xem xét thế nào tại Đại hội XI, đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết vấn đề Vinashin không phải chủ đề được đưa ra thảo luận tại Đại hội XI.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét