15 thg 3, 2011

Người trái đất

Văn hóa văn minh chung chung nhưng chỉ vào một con người cụ thể thì là người nào, xưa dùng từ nhà Nho là một biểu tượng sống cụ thể của văn hóa văn minh một cách tổng hợp có tính toàn thể.

Nay sử dụng từ nhà Nho e không còn hợp thời, có thể tạm gọi là người trái đất, một người luôn quan sát, cảm nhận, suy ngẫm, lời nói, hành động phù hợp với quá trình dịch chuyển đến tương lai một cách phù hợp nhất.

Thế giới trước kia có thể chỉ bó hẹp trong phạm vi Trung Hoa và Việt Nam nay đã được mở rộng ra rất nhiều.

Nhà Nho xưa kia chỉ cần thông Việt học, Hán học là đã đủ hành xử ở đời. Nay thế giới rộng lớn hơn, vấn đề đa phức hơn, vị trí đứng tại Việt Nam trong tương quan với thế giới rộng lớn đang tạo ra nhiều giá trị mà trước đây chưa hề nghĩ tới.

Số người trái đất ở ta chắc không nhiều, vậy một sự đòi hỏi chính quyền hành xử ở tầm nhân loại là bất khả, chỉ khi trong xã hội có một lực lượng tầm nhân loại đông đảo, khi đó các ý kiến mới đủ sức nặng để xã hội dịch chuyển một cách hợp lý nhất; chỉ là người nhà mình, làng mình hô quyết tâm với nhau, khi ra đến ngoài lại lớ ngớ với những bàn tính định trước trong xó bếp bày đặt ra trước thiên hạ một cách lố bịch.

Dù có kêu gào, kích động thì cũng chỉ là sự dịch chuyển từ bi kịch này đến bi kịch khác mà thôi.

Dư luận rất nhạy bén với thông tin, một blog Lãng gọi người đọc là bò, một blog rất khó nhớ địa chỉ, rất lâu mới có một bài mà gần như bài nào cũng được đón nhận nồng nhiệt, có phải những con bò thông minh đã nhận thức được mình là bò nên đã không có phản ứng với người có khả năng gọi đúng tên của mình.

Chính trường thương trường tình trường giết chết người

Để đạt được mục đích phải ẩn mình, náu mình chờ thời, phải quên thân, quên người thân để đạt mục đích tối cao. Con người nhất thể với trời đất, con người chỉ khác thường khi có thiên tai địch họa. Từ những việc tự nhiên nhi nhiên của trời đất con người, tình yêu thì có hội làng, sinh hoạt thì có làng nghề phục vụ có chợ quê trao đổi, chính sự nếu khó thì có bô lão giúp, vậy mà nay nó đã đều thành chiến trường khốc liệt. Tình yêu là cái gì đấy vừa hấp dẫn vừa thiêng liêng vậy mà nó rút dao ra đâm chết tươi ngay, lại còn băm vằm ra từng khúc. Kinh doanh thời đại công nghệ cao tưởng là văn minh lắm vậy mà nó vẫn tìm cách vượt qua luật chống độc quyền ở những pha chơi bẩn những doanh nghiệp cùng ngành nghề ở những xứ sở văn minh, còn ở nơi lạc hậu thì khỏi phải nói, vừa kinh doanh vừa ăn cướp là chuyện thường. Chính trường thì khỏi phải nói. Con người có thoát ra khỏi được các loại trường này không, bao nhiêu thứ kích thích hấp dẫn, ép buộc nó đẩy anh ra mặt trận. Muốn yên ả mảnh vườn thửa ruộng ao cá, quên đi không ai để yên đâu. Cái chất người dần biết mất, hôm qua mới đi tỉnh về mà hương đồng gió nội đã bay đi ít nhiều rồi, thì các loại chiến trường này nó sẽ tiêu diệt hết phần người còn sót lại. Ai có nhiều phần người nhất dưới con mắt xã hội là người dại dột nhất, khờ nhất. Vậy là ta lại tiếp tục ra sa trường.

Nhà chính trị

Nhà chính trị là các thủ thuật thủ đoạn tranh ngôi đoạt ngôi tăng vị thế, đằng sau họ là văn minh văn hóa đó là cái may mắn cho xã hội, không thể hy vọng nhiều vào cái văn minh văn hóa của nhà chính trị. Chính trường là rất nhiều hoạt động cụ thể không thể mơ màng được, là những hành động không theo thói thường, để đạt mục đích hoặc để thực hiện ý đồ họ bất chấp tất cả. Một nhà văn hóa lớn khi vào chính trường cũng khó thoát khỏi quy luật khắc nghiệt của nó. Chính trị luôn lầm tưởng là sẽ dẫn dắt xã hội đi đến bến này bờ nọ, thực ra nó chỉ tập trung vào việc kéo dài sự tồn tại của chính nó bất chấp sự sống còn của các lực lượng khác. Trong giai đoạn đầu nó tìm mọi cách làm vừa lòng xã hội hòng tạo nên sức mạnh lật đổ quyền lực cũ để thành một quyền lực mới với sự cảnh giác cao độ với những lực lượng, những thủ đoạn của chính mình khi xưa. Oái oăm thay xã hội không thể thiếu một cái loại tà trường với tên gọi đẹp đẽ là chính trường để dung nạp những kẻ ham hố nhất, chúng phải có một sân chơi, không có một cái sân chơi phù hợp nào trong xã hội tạo đủ cảm giác mạnh cho chúng bằng chính trường mà thực ra là tà trường. Mơ hồ chờ lòng tốt của chính trường rủ xuống là một sai lầm nghiêm trọng của xã hội. Chỉ khi xã hội có dày đặc các nhà Nho, trong khi hành sự trên chính trường họ vẫn nồng ghép được những nội dung nhân văn nhân bản, khi vắng bóng nhà Nho là lúc bộ mặt thật của chính trường hiện rõ. Nhà Nho nào cũng có thể là chính trị gia được nhưng không phải chính trị gia nào cũng có thể là nhà Nho. Trong cuộc đấu chính trị gia và Nho gia, phần thắng thường nghiêng về chính trị gia hơn vì họ không phải gánh nặng về nhân văn nhân bản, điều này đã được cảnh báo trong binh pháp là nếu lụy vì dân có thể thất bại. Nhà Nho khi không thật cần thiết tính nhân văn nhân bản vẫn là gánh nặng trên vai trong cuộc đấu với chính trị gia. Xã hội chưa phát triển khó có thể tạo ra luật chơi cho chính trị gia được, chính trị gia sẽ tự tạo luật chơi cho mình và tìm cách áp đặt vào xã hội. Với những thủ đoạn hiểm độc có thể xã hội bị tê liệt phải chấp nhận cái luật chơi của họ. Văn minh văn hóa không phải lúc nào cũng tạo được sức mạnh, sức mạnh của nhà chính trị không phải lúc nào cũng áp chế được một xã hội văn minh.