Hỗn hợp


Người xưa tìm được nhiều quy luật mà nay ngẫm lại thấy luôn đúng.

Vô đạo rồi mới cần đến lễ, vô lễ rồi mới cần đến luật, luật không ra gì thì phải dùng binh. Cái dùng binh là cái không ai muốn, ai dùng binh, dùng binh để làm gì.

Tụ nghĩa thay trời hành đạo, hay dùng binh để giữ ngai vàng. Nay dứt khoát không thể rạch ròi được, chỗ nào đạo thì đạo, lễ thì lễ, luật thì luật, binh thì binh.

Vậy là mấy nước thượng tôn pháp luật là kém rồi, không phong phú, không đa dạng, xã hội sao lại sơ cứng chỉ có luật và luật thôi à.

Thảo nào nước phương Đông như Nhật thượng tôn pháp luật thành ra đi trên đường mà cắm đầu cắm cổ bước không còn biết thưởng ngoạn là gì, chưa biết ai văn minh hơn ai nhé, đừng có coi thường nhau nhé, đừng nói tôi lạc hậu kém văn minh nhé.

Khi đã ăn đủ thì ta dùng đạo, tức là thích thì ta làm, thích thì ta nói, thích thì ta chơi, không thích thì thôi, không ai ép buộc được. Người đạt đạo quả là khó.

Người có lễ nghĩa năng tới lui những nơi cần tới lui, bổng lộc đầy nhà, ai nói ta vô đạo cũng được, bụng no vỗ bụng ba cái đạo tự đến. Mấy người không biết lễ nghĩa gì cả thì làm sao xếp vào hàng này bậc nọ được, lại còn đòi pháp luật nữa chứ, ừ thì luật, làm luật đi, cãi hả, vào nhà đá mà cãi nhá.

Thảo nào mà xưa nay ai mà dây đến luật đều khổ cả. Những người lấy luật ra đỡ, những người bị người ta lấy luật ra áp thật khốn cùng.

Luật là cái gì đó không thường, làm người ta bức bối cứ như chuẩn bị có giông bão, thế là có chống bão. Lấy gì để chống bão đây, chỉ có binh thôi hoặc nhẹ thì là binh biến tướng.

Dụng binh xưa nay là việc bất thường, không dụng được binh sẽ có binh dụng lại. Nội binh ngoại binh thật là khó lường, giặc đâu, đâu là giặc rối như tơ vò.

Mục đích cuối cùng của binh là gì đây, binh giữ ngai, binh giữ đạo, binh giữ lễ hay binh giữ luật đây.

Chắc là hỗn hợp, anh nào mạnh thì anh ấy chồi lên, yếu thì lặn xuống, chồi lên lặn xuống, lặn xuống chồi lên muốn theo nhịp điệu nào thì theo, cái đó ai mà biết được.

Tạo gió

Đổ cho giặc lốc làm nên gió là oan uổng, chỉ căn cứ vào cái tên lốc thì chắc chắn sẽ làm nên gió, không phải đâu. Phải có sức mạnh mới tạo được gió, lốc làm gì có sức mạnh mà tạo gió. Gió thì cũng dễ thấy thôi, chuyện không đáng mà đánh chết người, người mắc tội mà không xử, kẻ ăn cắp mà cứ nhơn nhơn trên các phương tiện tuyên truyền. Cậy sức mạnh bắt nhốt người không đủ lý do thuyết phục, bịt miệng người, người ta tìm cách giữ đất tổ tiên, nhốt. Người ta bàn cách thoát khổ, cấm. Nhiều nơi, nhiều người, nhiều việc tạo ra gió lắm và tuyệt nhiên không phải lốc tạo ra gió nghen, đừng có nhầm cũng như thấy chữ nhân dân mà nói là nhân dân thì không đúng đâu, có khi là giặc đấy. Thấy gió nổi khắp nơi nhiều người trên cao sợ, sợ quá có thể dẫn đến không còn minh mẫn. Cứ bình tĩnh lại mà suy xét để xem gió từ đâu mà có, từ đâu mà ra kẻo mà nó không phải gió cứ ép nó phải là gió rồi nó thành gió thật lại khổ. Người ta quen ăn măng rồi đấy, người ta chỉ chờ có gió lên để ăn măng thôi. Gió lên làm sạch bụi, làm mát mẻ, có khi làm sập nhà, gãy cây chết người. Đừng vì nó phe phẩy cho tí gió mà sướng lên, dung dưỡng nó, đến lúc nó không kiềm chế được, chỗ nào nó cũng tạo gió, thật nguy thật nguy.