10 thg 1, 2011

Chính luận trên báo qdnd.vn


Cách lập luận ấu trĩ và xa lạ
QĐND - Chủ Nhật, 09/01/2011, 21:48 (GMT+7)
QĐND - Trong những ngày gần đây, trên nhiều trang mạng lại xuất hiện những bài viết viện dẫn văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nêu câu hỏi: “Quân đội nhân dân Việt Nam bảo vệ dân hay bảo vệ Đảng? ”. Và rằng: “Quân đội của một đất nước phải là lực lượng phục vụ cho lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, không thể phục vụ cho lợi ích riêng cho một cá nhân, một nhóm lãnh đạo hay cho một đảng phái chính trị nào”…
Câu hỏi và cách lập luận này thật là ấu trĩ cả về lý luận và cũng rất xa lạ trong thực tiễn.  
Những ai có đôi chút kiến thức cơ bản về lịch sử nhà nước và quân đội đều biết rằng: Lực lượng vũ trang chuyên nghiệp xuất hiện đồng thời với sự ra đời của nhà nước. Đó là công cụ của nhà nước, một mặt là thực hiện chức năng cai trị của nhà nước, mặt khác là để bảo vệ lãnh thổ và các lợi ích khác của quốc gia - dân tộc (theo quan niệm của lực lượng cầm quyền). Bởi vậy, lẽ đương nhiên quân đội trước tiên phải bảo vệ nhà nước - người khai sinh và nuôi dưỡng nó.
Trong các xã hội hiện đại, lực lượng vũ trang nói chung, quân đội nói riêng không bao giờ là trung lập với chế độ chính trị. Cũng như không có một cộng đồng, một xã hội nào lại không gắn với một chế độ chính trị, một nhà nước do một lực lượng chính trị, thường là một giai cấp hoặc liên minh giai cấp mà đại diện là các đảng chính trị nào đó lãnh đạo, cầm quyền. Bởi vậy, đồng thời với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, quân đội luôn luôn có nhiệm vụ bảo vệ chế độ, bảo vệ nhà nước hiện hữu.
Ở Việt Nam, quan hệ giữa Đảng Cộng sản với Quân đội ta là một mối quan hệ đặc biệt. Quân đội ta ra đời trước khi có nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo. Trong suốt 30 năm kháng chiến chống đế quốc xâm lược (từ 1945 đến năm 1975), Đảng ta không chỉ lãnh đạo toàn diện công cuộc kháng chiến, kiến quốc của toàn dân mà còn trực tiếp lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối quân đội ta. Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Đảng ủy các cấp là người trực tiếp lãnh đạo, xây dựng, tổ chức lực lượng, chỉ đạo các hoạt động của quân đội ta. Những quyết định quan trọng nhất trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chống đế quốc Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đều bắt đầu từ những quyết định của Bộ Chính trị. Những chiến dịch mang tính quyết định của chiến tranh như chiến dịch Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ chính trị đều trực tiếp chỉ đạo. Bởi vậy, bảo vệ Đảng chính là bảo vệ bộ tham mưu tối cao của cách mạng Việt Nam. Vậy thì  quân đội ta đương nhiên phải bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, cũng chính là bảo vệ nhân dân, phục vụ nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân” cũng để chỉ rõ sứ mệnh của quân đội ta là bảo vệ chế độ xã hội do nhân dân làm chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong chiến lược "Diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phi chính trị hóa quân đội, tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, biến lực lượng vũ trang thành công cụ thực hiện âm mưu bạo loạn, lật đổ nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo là mục đích cuối cùng của chúng. Chính vì vậy, chúng ta không thể xao nhãng đối với các âm mưu, thủ đoạn chiến tranh tâm lý, chiến tranh tư tưởng, phá hoại mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân và Quân đội ta.
Trong chế độ ta, không có sự đối lập về lợi ích giữa Đảng với dân tộc và nhân dân. Quân đội ta cũng chưa bao giờ chỉ là công cụ “phục vụ lợi ích riêng của một cá nhân, một nhóm lãnh đạo hay một đảng phái chính trị nào” như có người đã ám chỉ trong bài viết tung lên mạng. Có thể nói những luận điệu trên không chỉ là một sự ấu trĩ về chính trị, xuyên tạc lịch sử, mà còn là một sự xúc phạm danh dự của quân đội ta – một đội quân sinh ra từ nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ - đội quân đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Trong văn kiện Đảng khẳng định quân đội ta có nhiệm vụ “Bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân” thì đó không phải là một trật tự ưu tiên, mà để chỉ rõ những nhiệm vụ chính trị cụ thể của quân đội trong giai đoạn cách mạng hiện nay, đồng thời ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch phá hoại nguyên tắc Đảng lãnh đạo quân đội.
Để kết thúc bài viết này chúng tôi xin được trích Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XI về công tác quốc phòng - an ninh,  liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Quân đội để chứng minh đầy đủ hơn quan điểm của Đảng ta về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và thấy mối liên hệ đồng nhất giữa bảo vệ Đảng, bảo vệ nhà nước, bảo vệ nhân dân của Quân đội nhân dân Việt Nam là một sự thống nhất không thể tách rời: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc… thực hiện tốt mục tiêu, nhiêm vụ quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN… chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”(1).
Nguyễn Doãn Hải

Chính luận trên báo qdnd.vn


Bài 5: Tăng cường tiềm lực và sức mạnh quốc phòng toàn dân trong thời kỳ mới
QĐND - Chủ Nhật, 09/01/2011, 21:48 (GMT+7)
Xây dựng tiềm lực và sức mạnh quốc phòng toàn dân (QPTD) là vấn đề chiến lược, liên quan trực tiếp đến sự thịnh, suy của quốc gia dân tộc và sự sống còn của chế độ XHCN. Tổng kết thực tiễn xây dựng nền QPTD từ năm 1991 đến nay, nghiên cứu dự báo về tình hình và nhiệm vụ trong thời kỳ mới, chúng ta cần bổ sung, phát triển những chủ trương, giải pháp chiến lược mang tính hệ thống và đồng bộ để tăng cường tiềm lực và sức mạnh QPTD, đáp ứng những yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó có một số vấn đề cơ bản sau đây:
Trước hết, cần đẩy mạnh nghiên cứu dự báo tình hình, xác định rõ nhiệm vụ quốc phòng để chủ động định hướng chiến lược xây dựng tiềm lực và sức mạnh QPTD trong thời kỳ mới.
Nghiên cứu dự báo tình hình có vai trò rất quan trọng trong quản lý, điều hành sự vận động, phát triển của xã hội, nhất là lĩnh vực QP-AN luôn có những tình huống chiến lược diễn ra rất khẩn trương và phức tạp, tác động trực tiếp đến sự ổn định và phát triển của đất nước. Nghiên cứu dự báo tốt mới bảo đảm cho đất nước luôn chủ động về chiến lược.
Luyện quân ở Đơn vị C9, Đoàn Bộ binh B16 (Quân khu 2). Ảnh: Minh Trường
Cần tổ chức theo dõi chặt chẽ và phân tích một cách khoa học diễn biến của tình hình thế giới và khu vực, nhận định đúng xu thế vận động của các mâu thuẫn cơ bản của thời đại, sự điều chỉnh chiến lược của các nước và âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, dự báo chuẩn xác những nguy cơ đe dọa hòa bình, ổn định, độc lập dân tộc và chế độ XHCN ở nước ta; đồng thời phát hiện khả năng có thể tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước, các tổ chức và phong trào quốc tế đối với Việt Nam. Cũng cần nghiên cứu dự báo sự vận động của tình hình trong nước, sự phát triển của nhiệm vụ quốc phòng bảo vệ Tổ quốc, thực trạng tiềm lực và sức mạnh quốc phòng của đất nước, khả năng động viên các nguồn lực của Nhà nước và của toàn dân đáp ứng yêu cầu xử trí các tình huống khẩn cấp về quốc phòng.
Việc nghiên cứu dự báo cần được thực hiện ở các quy mô dài hạn, trung hạn và ngắn hạn với tư duy tầm chiến dịch-chiến lược. Để nghiên cứu dự báo tốt, cần tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ và cơ quan tham mưu các cấp, nhất là cấp chiến dịch-chiến lược có số lượng và cơ cấu hợp lý, có chất lượng cao, thống nhất và đồng bộ. Đồng thời cần có cơ chế lãnh đạo, chỉ huy và phối hợp hoạt động chặt chẽ, các chế độ quy định nghiêm ngặt về cung cấp và kiểm định thông tin, nghiên cứu dự báo và đề xuất phương án xử trí các tình huống.
Nghiên cứu sự điều chỉnh chiến lược của các thế lực thù địch thời gian gần đây và dự báo trong những năm tới cho thấy DBHB là vấn đề chủ yếu nổi lên trong chiến lược của các thế lực thù địch nhằm chống phá độc lập dân tộc và CNXH ở Việt Nam, khi có điều kiện và thời cơ chúng có thể tiến hành “cách mạng màu” để thúc đẩy nhanh việc xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ XHCN ở nước ta; đồng thời không loại trừ khả năng xảy ra xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ và chiến tranh xâm lược kiểu mới của các thế lực thù địch, nhất là khi một số nước lớn có sự mặc cả, thỏa hiệp về lợi ích gây phương hại đến đất nước ta. Do đó nhiệm vụ quốc phòng bảo vệ Tổ quốc của chúng ta trong thời kỳ mới cần tập trung đấu tranh làm thất bại chiến lược DBHB của các thế lực thù địch, dập tắt “cách mạng màu” của chúng, đồng thời chủ động phát hiện và triệt tiêu những yếu tố bất lợi có thể dẫn đến xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ và sẵn sàng đối phó thắng lợi với chiến tranh xâm lược kiểu mới của chúng.
Mặt khác, phải nâng cao hiệu lực cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý điều hành, nhân dân làm chủ đối với xây dựng tiềm lực và sức mạnh QPTD trong thời kỳ mới.
Trước hết cần chăm lo xây dựng hệ thống chính trị, nhất là các tổ chức đảng và bộ máy chính quyền từ Trung ương đến cơ sở thực sự trong sạch vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, lãnh đạo và quản lý điều hành các lĩnh vực của đời sống xã hội có uy tín và hiệu quả, mang lại lợi ích cho nhân dân và thúc đẩy tiến bộ xã hội. Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, tổ chức đảng ở các cơ quan cấp chiến dịch-chiến lược; tăng cường quản lý giáo dục rèn luyện để nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và lối sống, năng lực trí tuệ và trình độ tổ chức thực tiễn của đội ngũ cán bộ, đảng viên, khắc phục nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta.
Cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực quốc phòng thông qua hệ thống tổ chức đảng từ trung ương đến cơ sở, thông qua lãnh đạo chính quyền các cấp quản lý điều hành công tác quốc phòng, thông qua lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội ở các cấp để phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong thực hiện công tác quốc phòng, thông qua lãnh đạo Bộ Quốc phòng và QĐND Việt Nam để phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Vấn đề then chốt có ý nghĩa quyết định là xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược cán bộ đúng đắn, nhất là khi chúng ta đang trong quá trình chuyển tiếp các thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trong công tác tổ chức, sắp xếp cán bộ từ Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến các cấp ủy, bộ máy chính quyền và tổ chức chính trị-xã hội các cấp, nhất là những vị trí chủ chốt cần chú ý lựa chọn những người tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, đạo đức và lối sống, năng lực trí tuệ và trình độ tổ chức thực tiễn, gắn bó với nhân dân và được tín nhiệm, có trách nhiệm và năng lực chỉ đạo, điều hành công tác quốc phòng theo chức trách, nhiệm vụ được giao. Kiên quyết không bố trí những người có biểu hiện tha hóa về chính trị-tư tưởng, về đạo đức và lối sống, cơ hội, thực dụng, xa cách và sách nhiễu dân, coi nhẹ nhiệm vụ quốc phòng bảo vệ Tổ quốc.
Cần tăng cường công tác chính trị-tư tưởng và giáo dục quốc phòng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Tích cực củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, phát huy vai trò là cơ sở chính trị của Đảng và Nhà nước, động viên và tổ chức nhân dân tạo thành phong trào quần chúng sâu rộng tham gia xây dựng tiềm lực và sức mạnh QPTD.
Đồng thời xây dựng và vận hành tốt cơ chế lãnh đạo, điều hành để chuyển hóa tiềm lực thành sức mạnh QPTD bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Khi thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng hoặc tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, chúng ta cần thực hiện sự chuyển hóa tiềm lực thành sức mạnh quốc phòng ở từng địa phương, từng địa bàn chiến lược và trên cả nước. Sự chuyển hóa này phụ thuộc vào hai vấn đề chủ yếu là: Tiềm lực QPTD được tích cực chuẩn bị thường xuyên, liên tục và vững chắc cả về lực lượng và thế trận, từ các nguồn lực của Nhà nước và của toàn dân trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng chuyển hóa thành sức mạnh QPTD khi cần thiết; Hiệu lực của cơ chế lãnh đạo, điều hành thực hiện sự chuyển hóa tiềm lực thành sức mạnh QPTD vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xử trí các tình huống về quốc phòng hoặc tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.
Cơ chế lãnh đạo, điều hành để chuyển hóa tiềm lực thành sức mạnh QPTD là vấn đề mang tính khoa học và nghệ thuật cao. Hiệu lực của cơ chế đó phụ thuộc trực tiếp vào bản lĩnh và trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, nhất là sự lãnh đạo của Đảng và quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, từ sự chuẩn bị tích cực và chu đáo trong thời bình đến những quyết đoán đúng đắn, sáng tạo để xử trí kịp thời và có hiệu quả các tình huống về quốc phòng hoặc tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Trong đó có một số vấn đề nổi lên sau đây: Chủ động nắm chắc diễn biến của tình hình và những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, dự báo chuẩn xác các tình huống chiến lược có thể xảy ra, xác định đúng mục tiêu yêu cầu, nội dung, phương thức và quy mô chuyển hóa tiềm lực thành sức mạnh quốc phòng ở từng địa phương, từng địa bàn chiến lược và trên cả nước.
Chuẩn bị tốt về chính trị-tinh thần, sẵn sàng động viên mọi nguồn lực của Nhà nước và của toàn dân đáp ứng yêu cầu xử trí các tình huống về quốc phòng hoặc tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện tốt cơ chế: Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt; Nhà nước quản lý, điều hành tập trung thống nhất; các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội làm tham mưu và tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ; Bộ Quốc phòng (cơ quan quân sự) chủ trì tham mưu, tổ chức thực hiện công tác quốc phòng và chỉ huy thống nhất các LLVT nhân dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các Kế hoạch phân vùng chiến lược về quốc phòng gắn với phân vùng chiến lược về kinh tế-xã hội theo nguyên tắc kết hợp chặt chẽ xây dựng với bảo vệ, Kế hoạch chiến lược về Phòng thủ dân sự, Kế hoạch chiến lược tổng thể về xây dựng công trình quốc phòng từ thời bình, gắn chặt với bổ sung, điều chỉnh Phương án phòng thủ chiến lược, Kế hoạch xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) v.v.. Tiếp tục điều chỉnh, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, các kế hoạch, phương án phòng thủ dân sự, động viên quốc phòng, động viên quân đội, huy động các nguồn lực của Nhà nước và của toàn dân đáp ứng yêu cầu xử trí các tình huống về quốc phòng hoặc tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.
Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực quốc phòng; điều chỉnh, bổ sung các quy chế, quy trình, thủ tục trong lãnh đạo, điều hành cho phù hợp với yêu cầu xử trí các tình huống khẩn cấp về quốc phòng hoặc chiến tranh.
Định kỳ thường xuyên (hoặc đột xuất) tổ chức luyện tập về lãnh đạo, điều hành thực hiện sự chuyển hóa tiềm lực thành sức mạnh QPTD ở các cấp từ cơ sở đến khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), trên một hướng chiến trường và trên cả nước; thông qua đó bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ và cơ quan, đồng thời điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các kế hoạch, phương án của các cấp, các ngành, các địa phương.
Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, tăng cường hợp tác quốc tế, kết hợp chặt chẽ sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại để xây dựng tiềm lực và sức mạnh QPTD trong thời kỳ mới.
Cần thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa các quan hệ quốc tế nhằm tạo môi trường hòa bình, ổn định và điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự phát triển bền vững của đất nước, chủ động phát hiện và ngăn chặn từ xa những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước, các tổ chức và phong trào quốc tế, thực hiện phương lược “Giữ cho trong ấm, ngoài êm”.
Chủ động xử lý tốt quan hệ với các nước, nhất là các nước lớn, các nước láng giềng và các nước trong khu vực, tạo được thế đan xen lợi ích giữa nước ta với các nước và các tổ chức quốc tế, tránh rơi vào thế đối đầu, bị cô lập hoặc lệ thuộc vào nước ngoài, không để bị động về chiến lược. Kết hợp chặt chẽ tăng cường quan hệ đối ngoại với nâng cao hiệu quả hợp tác và đấu tranh cả về diện rộng và chiều sâu. Đẩy mạnh công tác vận động kiều bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương, động viên mọi nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở các nơi vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tăng cường hoạt động đối ngoại quân sự, thúc đẩy hợp tác và đấu tranh quốc phòng làm cho các nước, các tổ chức quốc tế và nhân dân thế giới hiểu rõ bản chất “Hòa bình và tự vệ”, tính chất chính nghĩa và nhân văn của nền quốc phòng toàn dân ở Việt Nam, góp phần tập hợp lực lượng và tạo thế đối ngoại rộng mở, vững chắc cho sự nghiệp quốc phòng bảo vệ Tổ quốc. Đó là sự kế thừa và phát triển kế sách chiến lược “Thêm bạn bớt thù”, phương lược “Viễn nhu” (Bảo vệ Tổ quốc từ xa) trong lịch sử quốc phòng Việt Nam.
Xây dựng LLVT nhân dân vững mạnh toàn diện, có số lượng và cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, thực sự trung thành và tin cậy về chính trị, làm nòng cốt trong xây dựng tiềm lực và sức mạnh QPTD.
Đặc trưng cơ bản và biểu hiện tập trung của tiềm lực và sức mạnh quốc phòng là ở tiềm lực và sức mạnh quân sự, trực tiếp là chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu toàn diện và trình độ sẵn sàng chiến đấu cao của quân đội. Do đó, cần đẩy mạnh xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và ngày càng hiện đại, tập trung vào hai vấn đề chủ yếu và đang đặt ra rất cấp thiết:
Một là nâng cao bản lĩnh chính trị, có sức đề kháng mạnh mẽ để chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “Phi chính trị hóa quân đội” của các thế lực thù địch, có sức miễn dịch tốt để ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, không để bị tha hóa biến chất.  
Hai là nâng cao sức mạnh chiến đấu và trình độ SSCĐ để đủ sức răn đe, đẩy lùi và sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch, kể cả khi chúng tiến hành chiến tranh xâm lược kiểu mới.
Bản lĩnh chính trị và sức mạnh chiến đấu của quân đội phải được phát triển lên tầm cao mới, không những để phòng, chống có hiệu quả chiến lược DBHB và “cách mạng màu” của các thế lực thù địch, đối phó thắng lợi với mọi tình huống có thể xảy ra, mà còn là nhân tố đặc biệt quan trọng góp phần giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình, bảo đảm cho đất nước luôn chủ động về chiến lược trong mọi tình huống, buộc các thế lực thù địch phải cân nhắc khi toan tính những âm mưu, thủ đoạn chống phá độc lập dân tộc và CNXH ở nước ta.
Tổ chức quân đội cần có quân số và cơ cấu hợp lý, lực lượng thường trực mạnh, sức chiến đấu và khả năng cơ động cao, các quân binh chủng được trang bị hiện đại, bảo đảm SSCĐ cao để thực sự là lực lượng quyết định về quân sự trong đấu tranh quốc phòng bảo vệ Tổ quốc, ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, chủ động đối phó thắng lợi với mọi tình huống phức tạp có thể xảy ra. Tích cực phát triển các đơn vị đặc biệt tinh nhuệ, lực lượng tác chiến chiến lược với một số VKTB hiện đại có khả năng đánh đòn hiểm, đánh đòn quyết định trên cơ sở phát huy truyền thống và nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Cần xây dựng lực lượng DBĐV mạnh, đáp ứng yêu cầu mở rộng tổ chức biên chế của quân đội và duy trì sức mạnh quân sự trong mọi tình huống, được huấn luyện thường xuyên, có cơ chế và phương thức động viên thích hợp để nhanh chóng phát triển quân đội khi cần thiết. Xây dựng lực lượng DQTV vững mạnh, rộng khắp, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở, có số lượng, cơ cấu hợp lý giữa lực lượng tại chỗ, lực lượng cơ động và binh chủng, thực sự làm nòng cốt trong xây dựng lực lượng và thế trận quốc phòng ở cơ sở.
Xây dựng tiềm lực và sức mạnh QPTD là vấn đề mang tính khoa học và nghệ thuật cao, không ngừng đổi mới và phát triển. Chúng ta cần tích cực nghiên cứu lý luận kết hợp với tổng kết thực tiễn để nhận thức ngày càng đầy đủ và sâu sắc hơn về bản chất, quy luật phát triển của quốc phòng Việt Nam XHCN, cung cấp cơ sở khoa học để nâng cao chất lượng và hiệu quả xây dựng tiềm lực và sức mạnh QPTD trong thời kỳ mới.

Trung tướng PGS, TS NGUYỄN TIẾN BÌNH

Có thay đổi việc bầu Tổng bí thư


Việc bầu trực tiếp Tổng Bí thư do Đại hội quyết định

(NLĐO)- Sáng 10-1 tại Hà Nội, trong cuộc họp báo quốc tế về Đại hội XI của Đảng, Phó Ban Tổ chức Trung ương Trần Lưu Hải cho biết Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã xin rút không tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.

Một người tự ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XI
Theo ông Trần Lưu Hải, Đảng Cộng sản Việt Nam đang trăn trở tìm cách đổi mới nội dung phương thức hoạt động cho hiệu quả nhất, trong đó việc đổi mới bầu cử lãnh đạo Đảng.
Ông Hải cho biết vừa qua đã thí điểm bầu trực tiếp bí thư từ cơ sở cấp huyện, cấp tỉnh. Trong đó, ở cấp tỉnh - thành đã chọn 10 địa phương bầu trực tiếp bí thư tại đại hội và việc thí điểm bước đầu đánh giá tốt, được dư luận đồng tình. Điều lệ Đảng khoá X chưa có quy định việc bầu Tổng Bí thư tại Đại hội nhưng nếu đa số đại biểu tham dự Đại hội XI thấy rằng nên bầu thì Đại hội sẽ tiến hành.
 
Trả lời câu hỏi về báo cáo phương án nhân sự được Hội nghị Trung ương lần thứ 15 thông qua trình Đại hội XI, trong đó Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh có được giới thiệu vào Ban chấp hành Trung ương khoá XI hay không, ông Trần Lưu Hải cho biết: "Theo quy định của Đảng, Tổng bí thư không làm quá 2 nhiệm kỳ. Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã làm 2 nhiệm kỳ và tuổi cũng cao (năm nay 71 tuổi) nên đã xin rút không tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa tới".  
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã làm 2 nhiệm kỳ
 
Về tỉ lệ số dư so với số lượng bầu Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị khóa XI, ông Trần Lưu Hải cho biết tại đại hội Đảng các cấp, số dư trong danh sách bầu Ban Chấp hành ít nhất là 15%, Ban Thường vụ ít nhất 20%. "Đại hội XI cũng vậy, sẽ giới thiệu số dư ít nhất 15% so với tổng số được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng".
 
Theo ông Hải, cho đến nay, tiểu ban nhân sự của Đại hội mới nhận được một hồ sơ tự ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. Đó là ông Nguyễn Xuân Kiên, sinh năm 1966, Phó  Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nghiệp vụ và tư liệu thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương.
 
Dứt khoát không đa nguyên, đa đảng
 Tại cuộc họp báo, ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết Đại hội XI sẽ thảo luận và thông qua Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH; Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa X trình Đại hội XI của Đảng (đánh giá kết quả thực hiện phương hướng, nhiệm vụ 5 năm qua; xác định mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ  5 năm tới); Chiến lược Phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2010-2020; Báo cáo Tổng kết thi hành điều lệ Đảng và đề xuất bổ sung, sửa đổi điều lệ Đảng; Lựa chọn, bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XI  2011-2015, cơ quan lãnh đạo cao nhất  của Đảng giữa 2 nhiệm kỳ.

Trả lời câu hỏi của phóng viên AFP (Pháp) về việc khi tiếp tục đổi mới chính trị, Việt Nam có tính tới đa nguyên, đa đảng hay không, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, khẳng định: “Ở Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên, đa đảng và dứt khoát không đa nguyên, đa đảng".

Theo ông Huynh, Việt Nam đã từng thử nghiệm đa nguyên, đa đảng thông qua cuộc tổng tuyển cử năm 1946, với nhiều đảng tham gia Quốc hội. Nhưng khi thực dân Pháp quay lại xâm lược thì chỉ có Đảng Cộng sản cùng với nhân dân VN chiến đấu chống lại và giành thắng lợi . "Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn đang tiếp tục lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ông Huynh nói.

Trả lời câu hỏi của phóng viên nước ngoài về việc vụ Vinashin được đưa ra xem xét thế nào tại Đại hội XI, đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết vấn đề Vinashin không phải chủ đề được đưa ra thảo luận tại Đại hội XI.

Trang tử - Nguyễn Hiến Lê dịch


ÔNG CHÀI (Ngư phủ)
Khổng Tử đi chơi trong rừng Màn Đen, ngồi nghỉ trên Gò hạnh. Trong khi môn đệ đọc sách, Khổng Tử gãy đàn cầm và hát, chưa được nửa khúc thì thấy một ông chài ghé thuyền tiến lại, râu và lông mày đều bạc, tóc xoã, tay áo phe phẩy, lên tới chỗ cao rồi ngừng lại, tay trái đặt lên đầu gối, tay phải chống cằm, ngồi nghe. Khi khúc hát chấm dứt ông lão vẫy Tử Cống và Tử Lộ tới, rồi trỏ Khổng Tử, hỏi: - Ai vậy? Tử Lộ đáp: - Vị quân tử nước Lỗ. - Họ gì? - Họ Khổng. - Thầy Khổng đó làm nghề gì? Tử Lộ làm thinh. Tử Cống đáp: - Thầy Khổng bản tính trọng trung tín, thi hành nhân nghĩa, sửa đổi lễ nhạc, chăm sóc nhân luân, trên đối với vua thì trung, dưới thì giáo hoá dân chúng, làm lợi cho thiên hạ. Đó, thầy Khổng làm những việc ấy. Ông lão lại hỏi: - Có làm vua người nào không? Tử Cống đáp: - Không. - Thế có phụ tá cho một ông vua nào không? - Không. Ông lão cười, quay trở về, vừa đi vừa nói: - Có lòng nhân thật đấy, nhưng ta ngại rằng thầy ấy không tự cứu được đâu. Đã khổ tâm, mệt thân mà lại nguy cho cái bản chân. Hởi ơi, như vậy là rời cái Đạo quá xa. Tử Cống trở về kể lại cho Khổng Tử nghe. Khổng Tử đẩy cây đàn cầm qua một bên, đứng dậy bảo: - Ông ấy là bậc thánh chăng? Rồi bước xuống gò, đi tìm ông lão, tới bờ thì thấy ông lão đương chống cái sào có móc [dùng để kéo thuyền]. Thấy Khổng Tử, ông ta quay lại, đứng yên. Khổng Tử lùi lại, vái hai vái rồi tiến tới. Ông lão hỏi: - Thầy muốn gì? Khổng Tử đáp: - Vừa rồi cụ nói chưa hết lời rồi đi. Khâu tôi ngu muội, không hiểu ý cụ, nên xin phép cụ đứng dưới gió, mong được cụ chỉ giáo chỗ kém cõi của tôi. - A, thầy chịu học hỏi thật! Khổng Tử vái hai vái nữa rồi đứng ngay lại, thưa: - Khâu tôi ham học từ hồi trẻ, tới bây giờ sáu mươi chín tuổi, chưa được nghe lời chí lí nào, cho nên đâu dám không hư tâm để học thêm? Ông lão bảo: - Luật tự nhiên trong vũ trụ là đồng thanh tương ứng, đồng loại tương tòng. Tôi xin đem sở đắc của tôi để luận hành vi của thầy. Hành vi của ngài thuộc về nhân sự. Nếu thiên tử, chư hầu, đại phu và dân chúng, bốn hạng người đó cùng làm tròn phận sự của mình thì xã hội cực trị rồi; trái lại, nếu không làm tròn phận sự của mình thì không loạn gì bằng. Cho nên quan lại phải làm hết sức của mình, dân phải lo công việc của mình, không vượt cái phận của mình [thì mới hết loạn]. Ruộng nương bỏ hoang, nhà cửa dột nát, ăn mặc không đủ, thuế má không nộp, vợ chồng không hoà thuận nhau, trẻ không kính già, đó là điều đáng lo cho dân thường. Không làm tròn nhiệm vụ, bỏ bê việc quan, không thanh liêm, người dưới quyền làm biếng, công nghiệp, thanh danh không có gì đáng khen, tước lộc không giữ được, đó là điều đáng lo của các quan đại phu. Triều đình không có trung thần, quốc gia hỗn loạn, bách công kĩ nghệ không khéo, phẩm vật để tiến cống [thiên tử] không tốt, xuân thu hai kì triều bái thiên tử thì tới trễ, không theo mệnh lệnh thiên tử, đó là điều đáng lo cho chư hầu. Âm dương bất hoà, nóng lạnh không hợp thời tiết làm hại cho vạn vật, chư hầu bạo loạn, đánh chiếm lẫn nhau khiến dân tàn mạt, lễ nhạc không có pháp độ, tài chính thiếu thốn, nhân luân không giữ được, trăm họ dâm loạn, đó là điều đáng lo của thiên tử. Nay thầy, trên không có quyền thế của một thiên tử hay một chư hầu, dưới không có quan chức của một đại thần mà đòi sửa đổi lễ nhạc, chăm sóc nhân luân, để giáo hoá dân chúng, chẳng là đa sự quá ư?