4 thg 6, 2011

Chiến tranh mới


Mỹ coi tấn công trên mạng cũng là hành động chiến tranh


Chính phủ Mỹ hiện đang bàn bạc sửa đổi lại sách luật quân sự của mình, theo đó, tấn công mạng có thể được coi là hành động gây chiến, và sĩ quan chỉ huy có quyền tiến hành tấn công quân sự trả đũa đối với những kẻ tin tặc được hậu thuẫn bởi các thế lực thù địch bên ngoài.
Lầu Năm Góc vừa qua đã đi đến thống nhất rằng luật xung đột vũ trang của Mỹ có thể sẽ được mở rộng thêm và bao gồm cả chiến tranh mạng. Động thái trên là bước đi lớn theo hướng quân sự hóa không gian mạng, với những tác động lớn lên luật pháp quốc tế.
Lầu năm góc thống nhất, luật xung đột vũ trang có thể được mở rộng và bao gồm cả yếu tố tấn công mạng để cho phép Mỹ được quyền phản ứng bằng sử dụng vũ lực chống lại các vụ tấn công gây hấn vào máy tính và cơ sở hạ tầng IT của nước này.
Động thái trên - sẽ được công bố trong một tài liệu chiến lược của Bộ Quốc phòng Mỹ - là bước đi lớn theo hướng quân sự hóa không gian mạng, với những tác động lớn lên luật pháp quốc tế.
Các quan chức Lầu năm góc tiết lộ với tờ tạp chí Phố Wall, nói rằng quy định được thiết kế nhằm gửi đi lời cảnh báo đối với bất cứ kẻ tin tặc nào đe dọa an ninh của Mỹ bằng cách tấn công vào các lò phản ứng hạt nhân, đường ống dẫn dầu hay các mạng lưới công cộng như hệ thống giao thông đại chúng. "Nếu bạn gây gián đoạn mạng lưới điện, có thể chúng tôi sẽ đặt một quả tên lửa ngay trên ống khói nhà bạn", một quan chức nói.
Chiến lược mới sẽ dẫn tới điều chỉnh quyền tự vệ quy định trong Hiến chương LHQ hiện nay bằng cách đưa vũ khí mạng vào định nghĩa tấn công vũ trang.
Joel Reidenberg, giáo sư Luật Công nghệ thông tin tại Đại học Fordham, New York, bình luận, chính sách này là một sự nhận thức quan trọng rằng các dạng chiến tranh mới có thể gây thiệt hại cho người dân Mỹ, "và rằng nước Mỹ sẽ bảo vệ công dân mình trong các hoạt động của thế kỷ 21".
Sami Saydjari, cựu chuyên gia mạng của Lầu năm góc và hiện đang điều hành một công ty tư vấn có tên Cơ quan Phòng thủ mạng (Cyber Defense Agency), cho biết, việc điều chỉnh quy định này là một bước đi đúng đắn và hợp lý. "Mỹ hiện rất có nguy cơ bị phá hoại về quốc phòng, điện lưới, viễn thông, ngân hàng. Một vụ tấn công vào bất cứ cơ sở hạ tầng thiết yếu nào cũng đều có thể gây thiệt hại như bất kỳ vụ tấn công động lực nào vào lãnh thổ Mỹ". Tuy nhiên, các chuyên gia mạng khác cảnh báo, quy định mới có thể sẽ rất khó triển khai và có thể làm leo thang quân sự hóa mạng internet.
Jody Westby, đồng tác giả ấn phẩm của LHQ có tên The Quest for Cyber Peace (Khát vọng hòa bình mạng), cho rằng tấn công mạng rất khó theo dõi và theo dõi trở lại nơi tiến hành, khiến cho không thể xác minh ai đứng sau các vụ tấn công.
Bà kêu gọi tiến hành nhiều nỗ lực ngoại giao hơn nữa để tăng cường hợp tác giữa các chính phủ hơn là mở rộng các giải pháp quân sự. "Kiểu đe dọa như thế này trong kỷ nguyên mạng có thể đem lại kết quả ngoài mong đợi cho Mỹ, bởi nó có thể kích động thêm các hành động tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng của Mỹ, và như thế sẽ gây thiệt hại rất lớn đối với người dân Mỹ".
Chính quyền Obama đã bày tỏ ý định này từ hai tuần trước, khi Nhà Trắng công bố tầm nhìn tương lai về không gian mạng. "Khi có lý do xác đáng, Mỹ sẽ phản ứng với các hành động thù địch trong không gian mạng như với bất cứ mối đe dọa nào đối với đất nước chúng tôi", chính phủ Mỹ nêu rõ. Những phản ứng như vậy sẽ bao gồm "tất cả các biện pháp cần thiết" trong đó có biện pháp quân sự.
Mỹ được coi là đặc biệt dễ bị tấn công mạng vì hàng triệu máy tính ở Mỹ đang bị nhiễm virus và vì hệ thống quân sự cũng được vi tính hóa rất cao.
Alan Paller, giám đốc nghiên cứu tại Viện Sans, trung tâm đào tạo chuyên gia an ninh máy tính, cho biết, máy tính quân sự và quốc phòng tại Mỹ có nguy cơ bị tấn công từ các thế lực bên ngoài ít nhất từ năm 2003, với những thiệt hại bao gồm cả những dữ liệu kỹ thuật quan trọng về chiếc máy bay chiến đấu F35 trị giá 300 tỷ USD.
Ông nói: "Quân đội (Mỹ) ý thức được hệ thống của mình đang trước nguy cơ tấn công liên tục và ngày càng phức tạp".
Một số nhà phân tích Mỹ cho rằng Trung Quốc và Nga là thế lực tiềm tàng đứng đằng sau các vụ tấn công mạng. Một ủy ban quốc hội thậm chí còn cảnh báo, Trung Quốc có khả năng tấn công vào các mạng lưới liên bang kết nối thông qua internet, như mạng lưới điện quốc gia, theo cách có thể "làm tê liệt nước Mỹ". Nhưng năm 2008, Nga bị cáo buộc đã gây ra vụ tấn công máy tính vào Bộ tư lệnh miền trung (US Central Command), cơ quan giám sát các cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan và Iraq. Nga còn được Mỹ cho là liên quan tới các vụ tấn công mạng ở khu vực gần hơn vào Gruzia và Estonia.
Tuy vậy, Mỹ cũng được cho là dính dáng tới không ít vụ phá hoại mạng. Có ý kiến cho rằng, Stuxnet, sâu máy tính phát tán năm ngoái tấn công Iran, là sản phẩm do chính phủ Israel phát triển, với sự hậu thuẫn của Washington. Westby thậm chí còn cho biết Mỹ không phủ nhận cáo buộc này. "Có vẻ như chúng ta cứ thoải mái tiến hành các vụ tấn công mạng của riêng mình khi nó phù hợp với chúng ta. Đó chẳng thể nào là một kiểu ngoại giao tốt".

1 nhận xét: