5 thg 3, 2011

CHỮ NHO VÀ ĐỜI SỐNG DÂN TỘC VIỆT (anviettoancau.net)


Đó là tóm lược tinh tuý của bộ cơ cấu “ vài ba tham lưỡng “ .
1.- Số 2
Số 2 quan trọng như nền tảng được bàn trong bài Nét Song trùng (Kinh Hùng). Đây là nền tảng tối quan trọng nên văn hóa nào thiếu nó thì sẽ gieo tai họa. Hiện nước ta đang phải rên xiết dưới ách độc tài chuyên chế phi nhân của cộng sản thì cũng vì cộng sản thiếu nét song trùng. Bởi cộng sản là duy Vật.
a.-Tại họa đánh mất số 2 trở nên Duy Lý một chiều
Chữ ấy nói lên sự thiếu nét Song trùng một cách công khai lộ liễu, nên sự hiểm độc, đi đến thái thậm. Chính cái độ thái thậm nọ làm cho nhân loại giật mình mới nhìn nhận ra căn nguyên tai hại, chứ trong thực tế thì văn hóa Tây Âu đã đánh mất nét Song trùng từ khuya. Heidegger kêu là đánh mất nét gấp đôi (the twofoldness). Chính sự đánh mất này là nguyên uỷ sâu xa tại sao văn hóa Tây Âu trải qua 25 thế kỷ không sao kiến tạo nổi một nền triết lý Hòa giải, như chúng tôi đã mình chứng điều đó trong quyển sách mang tựa đề như trên và đề nghị ra một nền triết lý Hòa giải đặt nền trên Việt lý (rất tiếc bản thảo quyển này đã bị mất vào dịp tị nạn năm 75) là vì cuối cùng chúng tôi khám phá ra trong triết Việt có nét Song trùng nọ, nó hiện hình vào cùng khắp những gì quan trọng như vật biểu là Tiên Rồng, cai trị nước được biểu thị bằng bánh Trời bánh Đất, quê nước được kêu là Sông Núi v.v cái gì cũng đi cặp đôi như thế.
Vậy sự đi cặp đôi nọ cũng thấy nhan nhản trong tiếng Việt một tiếng nói gọi là độc âm, nhưng lại ưa đi đôi theo lối nhị âm một cách tràn ngập: chợ búa, chăn màn, giường phản, làm lụng, ngổn ngang, hồ hởi, lè phè (Theo môn Việt Ngữ Lý (1) thì ban đầu tiếng ta đi đôi. Về sau chịu ảnh hưởng Tàu nên mới đi vào hướng một).
(1) Mỗi khi nói tới Việt Ngữ Lý là tôi quy chiếu tới cụ Mai Ngọc Liệu người đã mở ra một trường phái riêng về ngữ lý học đặc biệt Việt Nam. Tôi đã được đọc một vài bài thấy các khám phá của cụ có nền tảng nghiêm túc. Xin chờ đọc cụ Mai Liệu để biết thêm về ngữ lý của ta.
b.-Thực tự và Hư tự
Thường thì không mấy người để ý đến lối đi cặp đôi đó vì tiếng nào trên thế giới chẳng có, thí dụ blanket, table thiếu chi. Nhưng khi nhìn lại liền nhận ra đó là tiếng đa âm nên cần cả hai âm mới đủ nghĩa, nói mar không đủ, phải thêm ket vào mới có nghĩa là chợ. Còn tiếng Việt nói chợ là đủ, âm búa không cần cho ý nghĩa, thêm vào có thể coi là thừa, là Hư tự, có người cho là vô ích. Kỳ thực thì nó không còn nằm trên cấp vô ích với hữu ích, nhưng đã vươn vào vòng Trong.
Trong bộ triết lý An vi tôi hay dùng chữ vòng Trong thay cho siêu hình, là vì vòng Trong tàng ẩn ngay trong sự vật, khác siêu hình đi luôn vào cõi ý niệm, kêu là lý giới như của Plato. Còn “ vòng Trong “ là cái gì vẫn nằm trong sự vật làm nên cái hồn, cái ý nhị của sự thể và như thế là diễn tả nét song trùng cách thẩm thấu, nên ta còn nhận thấy tính chất thẩm thấu đó ngay trong chữ cặp đôi được bày tỏ bằng nhiều lối.
c.- Liên hệ ý nghĩa
Liên hệ ý nghĩa như nâng lên, hạ xuống, mở ra, đóng vào, chợ búa, tập tễnh mon men.
d.-Liên hệ lân cận
Liên hệ về lân cận, về liên tưởng như chăn màn, bát đĩa, giường chiếu, mâm bàn, nồi niêu, xoong chảo, viết lách, nói năng, ăn ở, điệu bộ.
e.-Lặp lại Nguyên âm
Có khi bằng nguyên âm như ngâm nga, ngân nga, nết na (nguyên âm N), lập loè (L), đủng đỉnh (Đ), kêu ka (K).
g.-Lặp lại Chủ âm
Có khi bằng chủ âm như lỉnh kỉnh (ỉnh), khoác lác (ác), lảo đảo (ảo). Có trường hợp đặc biệt về chủ âm iếc như học hiếc, thi thiếc, làm quan làm kiếc, láo liếc, ho hiếc, ốm iếc, phải đi xin eo phe eo phiếc, phút tem phút tiếc.Trên đây chỉ kể sơ qua một cách ngẫu hữu (cách hệ thống dành lại cho ngữ lý học) vừa đủ để chứng tỏ đó là một sáng tạo không phải là vô ích như có người tưởng, mà là tối quan trọng để diễn đạt nét song trùng của Việt Lý, hai mà một, một mà hai.
2.- Số 3
a.-Nền Nhân sinh quan Nhân chủ hùng tráng
Bây giờ xin hỏi hậu quả nét song trùng là chi? Xin thưa đó là số 3 chỉ nền Nhân chủ tức một nền Nhân sinh quan hùng tráng cùng cực đến độ Trời cao Đất thấp mà cũng có thể nắm giữ cùng một trật để làm nên “ cõi người ta “ ở giữa Trời cùng Đất. Nếu là thứ nhân sinh quan yếu hèn thụ động thì chỉ nắm nổi một bên: đánh mất nét song trùng và trở nên một chiều kích, một duy nào đó: vì chọn một bỏ một, chọn lý bỏ tình là duy lý, chọn trời bỏ đất là duy tâm, chọn Tư sản bỏ Vô sản là Tư bản, chọn Vô sản bỏ Tư bản là Cộng sản. Cứ thế mà giằng co chống đối, đấu tranh, được bên nọ mất bên kia, nên gieo tai họa cho con người vốn là một vật lưỡng thê (sống ở hai cấp bậc).
b.-Khác biệt giữa Tây ngữ và Việt ngữ ( Le La và con cái. . .)
Văn hóa con người chia ra được hai loại lớn một bên có nhân sinh quan hùng mạnh thì sẽ Nhân bản hóa vũ trụ còn bên có nhân sinh quan yếu ớt thụ động thì tất sẽ bị Vật hóa, như triết học bàn về con người theo cung cách bàn về sự vật tức đứng cùng một bộ định đề và nguyên lý của sự vật nên người bị vật hóa, Mỹ kêu là “ man reified ”, như đã được nhắc tới trong tiếng người homme do tiếng humus là đất bùn: cả hai tiếng cùng một gốc đất. Sau đây là mấy thí dụ nền tảng. Tây Âu gọi Trời là the Sky, Đất là the Earth, còn Việt Nam thì kêu là Ông Trời, Ông Địa. Thế là ta đã thấy khuynh hướng nhân bản hóa vạn vật ló dạng trong chữ ông đặt cho Trời cho Đất. Hãy đi đến vài thiên thể lớn nhất là mặt trời mặt trăng, hai chữ mặt nói lên bóng dáng con người chiếu dọi tới trong chữ mặt: mặt trời, còn mặt trăng không những là mặt trăng mà còn có cả cưới xin nữa tức nhân bản hóa trọn vẹn. Trẻ con hát: “Ông Trăng mà lấy bà Trời “ .
Câu này chở theo bầu khí sơ nguyên của thời mẫu hệ lúc mặt trăng còn nắm chính quyền kêu là ông trăng, về sau đến thời phụ hệ thì ông trăng trở nên bà nguyệt. Như vậy kể có phần mất mát nên dân gian an ủi bằng cách rút tuổi đi và kêu là cô Hằng, đã vậy còn yêu cô ra rĩ.
Tôi yêu cô Hằng
Đêm xưa xuống trần
Mình ơi tình ơi.
Nhưng thôi yêu em anh để trong lòng để anh xét tới các vật khác. Vậy khi xét tới cách kêu tên các vật ta thấy sự khác biệt lơn giữa Tây ngữ và Việt ngữ. Ta thì kêu là cái là con, cái bàn, cái bút, cái nhà con gà, con cá, con trâu. Tây thì lại chú ý đến đực cái trừu tượng: le monde, la table v.v, sự khác biệt này nói lên nhiều nét đặc biệt, mà điểm đầu tiên là tiếng Âu Tây quá ước định, thí dụ nói la table giống cái thì căn cứ vào chi mà bảo cái với đực. Thứ đến là vụ giống cái thì tiếng Pháp phải thêm “ e câm “ (e muet). Nếu theo cụ thể thì e câm phải cho vào giống đực. Các bà nói nhiều thì e nói chứ sao e câm? Hay là có ý bảo các bà phải “ câm đi “ theo cung cách duy dương độc chiếm, đàn áp đàn bà?
c.-Thứ tiếng sống Hiện và sống Ẩn tạo nên mối liên hệ Vạn vật nhất thể
Ngược lại tiếng Việt thì có nền tảng đàng hoàng vì căn cứ trên sự sống hiện và sống ẩnSống hiện kêu là con: con gà, con vịt, con chim; sống ẩn kêu là cái: cái nhà, cái bút, cái bàn. Đây mới là nét xét vòng ngoài chứ vòng trong còn lắm điều hay kinh khủng. Trước hết nên nhớ chữ Cái xưa kia có nghĩa là Mẹ như câu Con dại thì Cái mang (tội). Như vậy hai tiếng Con Cái nói lên mối tình thắm thiết nhất trong loài người được đem dùng cho sự vật. Đó là tang chứng không những Nhân bản hóa vạn vật mà còn đem đặt vào đó mối liên hệ bao là và sâu thẳm nhất, nên vạn vật được ràng buộc với nhau như một thân thể, mà nho kêu là “ thiên địa vạn vật nhất thể “. Chính quan niệm nhất thể này gây nên môi sinh tinh thần công thể (espirit communautaire) mênh mông không những bao trùm nhân loại không phân biệt Chủ Nô, mà còn tỏa ra khắp vũ trụ đến nỗi Nguyễn Công Trứ đã nói được “ vũ trụ nội mạc phi nhân sự “ = trong vũ trụ không có chi không phải là phận sự của ta. Nó khác biết bao với cá nhân chủ nghĩa, mọi cái rời rạc xa lạ như
Albert Camus đã nói đâu đó rằng: tôi cảm thấy tôi xa lạ với vũ trụ, với Thượng Đế, với tha nhân và hỡi ôi với chính tôi nữa. Điểm hai nó dính dáng đến lịch sử, lúc Mẫu hệ nhường quyền cho Phụ hệ. Ở thời mẫu hệ thì Cái chỉ vật sống hiện như câu:
Cái cò cái hạc ( vạc ) cai nông.
Sao mày nhổ lúa ruộng ông hỡi cò?
Nhưng đổi sang phụ hệ thì cái lui vào hậu trường để chỉ những gì có cái sống ẩn tàng. Huyền sử nước ta chỉ thời quá độ bằng truyện 50 con theo Mẹ lên núi lập ra nước Văn Lang và chia nhau cai trị thay Mẹ. Còn Mẹ rút vào trong nắm lấy cái “ cồng bà “ với chức nội tướng và từ đấy thì vật sống ngầm kêu là cái: cái bút, cái chén, cái nhà, còn vật sống hiện thì kêu là con “ con cò bay lả bay la “.
d.- Liên hệ giữa Tư tưởng và Ngôn ngữ
Trên đây chỉ là cái nhìn thoáng của triết, vừa đủ để đặt ra nhiều vấn đề bàn luận để gây sinh động trong lãnh vực văn hóa, cũng như để nhận ra mối liên hệ giữa tư tưởng và ngôn ngữ: cả hai cùng một nét song trùng y hệt. Nếu tư tưởng là Tiên Rồng, Sông Núi, Đất Trời, Mẹ Cha, thì ngôn ngữ cũng thích đi cặp đôi: chăn chiếu, ngân nga, lê phê, ve vãn. Nếu tư tưởng là Nhân chủ thì tiếng nói cũng thế, từ ông Trời, qua cô Hằng cho đến cái cò, con tôm, cái nồi, cái chảo đều mang ấn tích con người. Đó là hai bước song trùng và nhân chủ hay là nhịp vài ba 2-3 hoặc tham lưỡng : 3-2.
3.- Số 5
a.- Con số “ Thiệp đại xuyên
Bây giờ xin bàn đến số 5 hay hành ngũ, nó bao trùm tiếng ta bằng 5 dấu: huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã. Tại sao tiếng ta lại được tràn hợp bởi số 5?
Ý nghĩa sâu xa nằm ẩn trong hai chữ hành ngũ. Hành là hành động vì đây là đợt cơ cấu nên phải nói tới hành căn để, vậy hành đó là bước vào cung ngũ mà theo cơ cấu là “ hành vô hành “ , “ địa vô địa “ tức là An vi = theo nghĩa không còn đối tượng, đi đến chỗ “ vô thanh vô xú “ . Cái bước quan trọng đó Kinh Dịch kêu là “ thiệp đại xuyên” sang qua sông lớn, nhà Phật kêu là “ đáo bỉ ngạn “ vì thế cần thuyền bát nhã, mà trong Trống đồng là thuyền Rồng là thứ “ thuyền tình bể ái “ cùng cực để nối Trời với Đất.
b.- Ngũ hành ( 5 ) với Linh cổ ( 3 – 4 )
Vì thế xa xưa trống Linh Cổ có 6 mặt và có cái cả 8 mặt. 8 mặt chỉ Trời (8 gió của Kinh Dịch) 6 mặt chỉ Đất (lục phương). (1) Thứ trống này gọi là Linh Cổ được nói đến trong sách Mục Thiên Tử truyện, chương 5.Linh Cổ có 6 mặt nhưng cũng được trình bày như trống kép 3 (6 mặt) và được dùng để tế thần Đất (nhờ Thổ Bá có ba con mắt). Còn trống 8 mặt cũng gọi là trống Sấm để tế Trời. Lẽ ra 6 Trời 8 Đất hay 3 Trời 4 Đất chứ sao lại 8 Trời 6 Đất. Thưa ở đây theo luật Giao chỉ là theo Dụng mà không theo Thể (Thể viên Dụng phương, thể Âm dụng Dương) 3 trời Dương nhưng Dụng 4 Vuông. 4 Đất Âm nhưng Dụng Dương. Vì luật giao chỉ đó mà Phục Hy Dương lại cầm cái Củ Vuông, bà Nữ Oa Âm lại bồng cái Quy Tròn (diễn nôm là ông giò miếng chả, bà giả miếng nem, nem Thủ Đức gói khá tròn!). Còn nhiều rắc rối khác nên không lạ con cháu mất trọn ý thức về bộ cơ cấu uy linh của mình. Chúng tôi đã cố tìm lại dấu vết trong hai quyển Kinh Hùng Khải Triết và Sứ Điệp Trống Đồng. Nhưng xin hỏi 6-8 liên hệ với Ngũ hành chỗ nào? Thưa đó là liên hệ ngầm có đầy trong các số cơ cấu là loại số cũng đầy uyển chuyển linh động. Vậy 6-8 cũng là 3-4 (cặp đôi) mà 3-4 cũng chính là 3-2 mà 3-2 là số 5, số 5 kép bởi 3 trời 2 đất. Hai Đất cũng có thể là 4 Đất, hai số có thể dùng thay nhau: 2 hay 4 cũng được. Nói 3 + 2 (vài ba) hay 3-4 cũng là một. Nhà Phật nói “ tam tế tứ đại “ = 3 cái tế vi chỉ Trời, chỉ cái gì vô hình siêu linh, tứ đại là 4 cái thô đại chỉ Đất. Đó là liên hệ ngầm giữa 6-8 (ra 3-4) với Ngũ hành. Ngũ hành thành bởi 3-2. 3 chỉ Nhân chủ, 2 chỉ bước lưỡng hành: hành trong cõi hiện tượng lẫn hành trong cõi vô hình: có vậy mới ra lưỡng thê = amphibious gồm cả cái sống của Phàm ngã lẫn Siêu ngã.
Ta thấy tính chất ghê sợ của hành Ngũ cũng biểu thị bằng số vài ba, 3-4 hay 6-8 sâu xa dường nào, thẩm thấu tới tận Trời cùng Đất. Có ngày chúng ta sẽ tham luận về tính chất thiên biến vạn hóa của hình thái song trùng kép này.
4.- Bộ số Vài Ba ( nhịp kép Hai ) nhập vào Ngữ lý
Hôm nay chỉ xin áp dụng bộ số vài ba vào ngữ lý. Ta biết Song trùng là nhịp Đầu, Nhân chủ là nhịp kép Một, vài ba là nhịp kép Hai. Ta đã thấy tiếng Việt phản chiếu hai nhịp đầu (Song trùng và Nhân chủ). Bây giờ đến nhịp Vài Ba nó cũng phản chiếu cách kỳ diệu trong thể thơ lục bát (6 là 3 cặp, 8 là 4 cặp). Hãy mở truyện Kiều ra đọc những câu lục bát tuyệt vời:
Trăm năm / trong cõi / người ta.
Chữ tài / chữ mệnh / khéo là / ghét nhau.
(Đánh dấu phân để thấy câu đầu có 3 cặp, câu sau có 4 cặp)
Cơ cấu Nói bằng số “ Vài Ba” hay nói bằng “ hình Tròn Vuông giao hợp “, hoặc cụ thể cùng cực là làm hai chiếc “ bánh Dầy bánh Chưng “, hoặc muốn “ Xổ Nho “ thì “ Thiên viên Địa phương “ đều cũng một cơ cấu. Vậy cơ cấu đã hiện thân cách kỳ diệu vào ngôn ngữ qua thể thơ lục bát trong cách gieo “ yêu vận “ tức câu trên không gieo vận vào cuối câu mà lại gieo vào lưng vào lòng câu sau:
Trăm năm trong cõi người ta/
Chữ tài chữ mệnh khéo là / ghét nhau.
Vậy mới là tình thâm chứ! Đọc lên như thầm bảo yêu em anh để trong lòng (trong mà) mà không để ngoài da đâu! Em đừng có ngại! Thật là bất ngờ, thảo nào thể lục bát được nhìn nhận là thể thơ độc nhất nói lên đức tính An vi ở chỗ gieo toàn vần bằng: dấu hiệu của an lạc siêu linh.
5.- Bè 6 – 8 được thể hiện trong trống Đồng Ngọc Lũ
Xem ra thể thơ này cũng có trong nhiều chi của đại chủng Việt vì thấy hiện diện trong nhiều chi khác và có thể ngờ là đã được phản chiếu vào trống đồng Ngọc Lũ nơi vòng hoa văn giữa gồm 14 con chim chia hai bè: một bè 6, bè kia 8. Phải chăng chúng đang ngâm thơ lục bát. Ít ra lục bát đang manh nha? Vì thế mà chúng có thái độ siêu thoát trần tục để đi về miền thái cực linh thiêng. Dầu sao mặc lòng, tức dầu 6-8 con chim có phản chiếu lối thơ lục bát hay không, nhưng không ai chối cãi rằng đó là thể thơ đặc trưng của Việt tộc, gói ghém cả hai bộ số 2 và 3 cũng như cơ cấu kép vài ba. Có thể lối đó đã manh nha từ buổi bình minh với nhịp Trống quân khai quốc. Câu sáu có thể chỉ bè Nam (3 cặp từ) câu 8 bè Nữ (4 cặp từ) tức là đã từ lâu đời lắm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét