26 thg 5, 2011

Cái gì cũng tiền

Bây giờ khó khăn đã bắt đầu yêu cầu cắt giảm chi tiêu công . Ta có cái hay là khi gặp khó khăn luôn có lối thoát . Gọi là học tập cụ Hồ thì khi có khó khăn cứ làm được như Cụ đi ; không yêu cầu cái khó thực hiện , chỉ cần cái dễ làm dễ thấy . Lương của cụ thường không tiêu hết , có dư tiền bồi dưỡng cho bộ đội phòng không bầu trời Hà Nội . Học cụ Hồ điều này quá dễ , vợ con tự sống , một phần tiết kiệm dành cho vợ (chồng) (lãnh đạo con lớn hết rồi - không cần phần con) , một phần bồi dưỡng cho bộ đội nơi tiền tuyến . Có những mười mấy vị to nhất , tổng thu nhập các loại minh bạch chắc cũng cỡ 30 triệu vnd một tháng , hai trăm tw cũng minh bạch cỡ 20 triệu vnd một tháng , gần 700 chi huyện cũng cỡ 10 triệu vnd tháng . Gần một ngàn vị ăn tiêu tằn tiện , đố bọn nào mà không dám ủng hộ lúc khó khăn này . Nhớ khi xưa trên núi ăn củ mì , củ rừng , khi cử người xuống núi có ai dám từ chối gì . Tiền tự nhiên thành chuyện nhỏ , các dịch vụ xa xỉ hết khách hàng về lao động tạo ra nhiều của cải cho xã hội . Đúng là nguồn dự trữ thông minh vô tận , lúc thường cứ thoải mái , khi cần thắt lại cái là lại tràn ngập nguồn cung cấp , không lo không làm được . Địch thất bại là ở chỗ này , không bao giờ biết thực lực của ta .

Có cần chinh phục nữa

Vẻ mặt buồn lợi hại hơn nụ cười tươi Khi quan sát một người đàn ông, phái đẹp dễ nảy sinh sự cảm mến nếu khuôn mặt chàng thể hiện tâm trạng buồn. Newscientist cho biết, Jessica Tracy, một nhà khoa học của Đại học British Columbia tại Canada, cùng các đồng nghiệp nghiên cứu mối quan hệ giữa vẻ mặt người và sự hấp dẫn giới tính. Họ yêu cầu hơn 1.000 người trưởng thành (cả nam và nữ) xem ảnh của những người khác giới. Những khuôn mặt trong ảnh thể hiện mức độ vui vẻ khác nhau – từ nụ cười rạng rỡ và ánh mắt long lanh tới cặp môi mím chặt và ánh mắt lảng tránh. “Chúng tôi không yêu cầu đối tượng nghiên cứu đánh giá những khuôn mặt trong ảnh có thể trở thành người bạn tình hoặc bạn đời phù hợp với họ hay không. Trên thực tế chúng tôi chỉ muốn biết phản xạ bản năng của họ khi thấy những tâm trạng khác nhau của người khác giới”, Alec Beall, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, nói với báo Telegraph. Ảnh minh họa: blogspot.com. Kết quả cho thấy số lượng phụ nữ cảm thấy ấn tượng khi nhìn những khuôn mặt tỏ ra hạnh phúc và có nụ cười rạng rỡ của đàn ông chỉ chiếm tỷ lệ thiểu số. Đa số họ bị thu hút bởi hai kiểu khuôn mặt: kiêu hãnh và buồn. “Nhiều nam giới cho rằng một nụ cười tươi có thể giúp họ chiếm cảm tình của phụ nữ, song nghiên cứu của chúng tôi chứng tỏ suy nghĩ đó không đúng đối với phần lớn nữ giới”, Tracy nói. Nhóm nghiên cứu cho rằng, đối với phái đẹp, vẻ mặt buồn của một người đàn ông là dấu hiệu cho thấy anh chàng có thể trở thành chỗ dựa đáng tin cậy khi chị em gặp hoạn nạn hoặc rơi vào tâm trạng u sầu. Phản ứng của nam giới đối với phụ nữ lại hoàn toàn trái ngược. Họ đánh giá cao những khuôn mặt hạnh phúc với nụ cười tươi, ánh mắt long lanh. “Những phụ nữ luôn quyến rũ trong mắt nam giới khi họ cười. Có lẽ đó là cách thể hiện tâm trạng hấp dẫn nhất mà phái đẹp có thể thực hiện”, Tracy nhận định. Tracy nhấn mạnh rằng nghiên cứu của bà chỉ khám phá ấn tượng ban đầu khi hai người không hề quen biết thấy nhau. Những phát hiện của bà không áp dụng đối với những mối quan hệ lâu dài. Vì thế những người đàn ông có cuộc sống hạnh phúc hoặc hay cười không nên tỏ ra bi quan. Minh Long

Lúc nào cũng cần khoa học

Hải Phòng: Nghiên cứu công nghệ thu trữ nước ngọt trên đảo Bạch Long Vỹ phục vụ cấp nước sinh hoạt (Tin ngày 26-05-2011) Đối với các đảo nhỏ hoặc rất nhỏ, việc khó khăn về nguồn nước luôn là một thực tế thường xuyên và đặt ra những vấn đề tương đối nan giải trong cung cấp nước. Đảo Bạch Long Vỹ nhỏ và dốc, lượng nước mặt không có thường xuyên. Đảo lại ở xa đất liền nên khả năng chở nước từ đất liên ra cung cấp cho đảo khá tốn kém. Một trong những giải pháp cấp nước cho đảo Bạch Long Vỹ là giữ nước ngọt lại trên đảo. Vấn đề khoa học cấp thiết này đã được Viện Địa chất (Viện KH&CN Việt Nam) đặt ra qua đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp công nghệ thu, trữ nguồn nước ngọt trên đảo Bạch Long Vỹ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội”. Qua nghiên cứu đặc điểm các nguồn nước ngọt trên đảo, đề tài đề xuất định hướng công nghệ khai thác các nguồn nước ngọt trên đảo Bạch Long Vỹ. Theo đó, nên khai thác các nguồn nước mưa, nước mặt chảy trên phần lưu vực cao từ cao trình +60 m xuống +20 m với lượng nước vào khoảng 180.000 m3/năm cho cấp nước sinh hoạt bằng giải pháp làm các kênh thu nước, dẫn nước về các hồ chứa, bể chứa bố trí nằm bên dưới sườn đồi. Phần trên đỉnh núi từ cao trình +50 m đến +60 m khá bằng phẳng, có thể sử dụng một phần diện tích làm sân thu nước mưa để dẫn xuống các bể chứa nước mưa quy mô lớn 500 - 1.000 m. Lượng nước mặt chảy ở lưu vực phần thấp ven biển là khu vực đông dân cư, có nguy cơ nhiễm bẩn cao, không sử dụng cho các hồ nước sinh hoạt mà nên trữ lại ở dạng hồ sinh thái. Để khai thác nước ngầm vỏ phong hóa xuất lộ ở sườn phía tây, đề tài đề xuất công nghệ làm hầm - hào thu trữ nước ngầm dài 800 m chạy dọch tuyến đường ven biển. Với nước ngầm trong lớp cát pleixtocen, có thể khai thác về mùa mưa để trữ nước trong các hồ với giải pháp công trình thu nước nằm ngang là các hào, rãnh, ống thu nước. Kết quả nghiên cứu này đã góp phần giải quyết vấn đề thiếu nước ngọt vào mùa hanh khô trên đảo Bạch Long Vỹ, giúp huyện đảo phát huy những tiềm năng to lớn của mình, trở thành điểm sáng trong vùng thềm lục địa của đất nước. Hân Minh

Không bị diệt

Cái nguy đã gần kề , bắt chước tây mà làm có khi còn nhanh sụp hơn , cố cưỡng lại làm sao được . Nhờ xã hội chẩn trị may ra còn có cơ cứu vãn . Báo chí nếu cứ hiểu là báo chí thì chưa có tự do , còn chỉ là tự do thông tin thì người ta đã đòi gần xong rồi , có cấm cũng thế thôi ; thà rằng tuyên bố tự do báo chí , khác gì tuyên bố bà con cứ tự nhiên cày cấy trên mảnh ruộng của mình , mọi người hả lòng hả dạ . Chỉ một thời gian ngắn bao nhiêu mụn nhọt tiêu tan hết ; là mụn nhọt mới sợ chứ cơ thể lành mạnh thì sướng vô cùng . Còn một số khối u , báo chí chắc khó trị được ; lại tuyên bố tự do xuất bản (người ta đang còn tự do hơn cả tự do đấy vì không có luật đi kèm tự do xuất bản) . Nói tự do hội họp chắc như có gió thổi mạnh ; người ta muốn hội họp thiếu gì cách , tự nhiên làm mất đi sự tự nhiên ; hội họp tự do kèm theo luật của nó , chả dại gì người ta vi phạm để mang họa , nhà nước lại được tiếng tốt . Chỉ cần bấy nhiêu thôi đã là một luồng gió mới giải quyết cái đói về tinh thần , như xưa thiếu gạo ăn làm người ta xa cách con người đi , bây giờ lại không bị đói về tinh thần nữa , những quỷ quái hình người ngoài xã hội sẽ bớt đi ngay . Ngày xưa cứ sợ người ta tự gieo lúa - có hậu quả thấy rồi , bây giờ cứ sợ người ta tự gieo chữ thì biết đến bao giờ

Tất nhiên

Chủ đề về "cái chết" của báo giấy đã được các chuyên gia nhắc tới không ít, nhưng chủ yếu vẫn mang tính dự đoán - thời của báo giấy sẽ qua nhưng vẫn là chuyện của tương lai. Ngay như nhận định về thời điểm này cũng rất khác nhau: có người cho rằng có thể trong 10 năm tới, có người là 20 năm, còn có người đánh giá phải đến 50 năm v.v… Tuy nhiên, trên một khía cạnh cụ thể nào đó, thời điểm này có thể đang tới gần. Ít nhất là ngay tại nước Mỹ, một bản báo cáo có nhan đề "State of the Media" (Tình trạng của thế giới truyền thông) mới được các chuyên gia của tổ chức Pew Research Center đưa ra đã cho thấy, xu hướng về sự cáo chung của báo giấy tại quốc gia này đã thực sự rõ nét… "State of the Media" là một báo cáo phân tích được công bố hàng năm bởi Project for Excellence in Journalism (PEJ) - một bộ phận của Pew Research Center, tổ chức nghiên cứu rất có uy tín tại Mỹ. Bản báo cáo về tình hình báo chí năm 2010 (mới được công bố vào ngày 14-3 vừa qua) là bản báo cáo thứ 8 của PEJ về đề tài này. Dù PEJ chỉ nghiên cứu về thị trường truyền thông Mỹ, nhưng những xu hướng chủ chốt được báo cáo nêu ra đã thu hút được sự quan tâm của cả thế giới, do nó vẫn mang những tính chất đặc trưng đối với tất cả các thị trường truyền thông khác trên khắp thế giới. Hãy cùng điểm qua một vài xu hướng trong bản báo cáo giúp khẳng định sự thất thế ngày càng rõ ràng của báo giấy so với báo điện tử. Xu hướng 1: Độc giả ngày càng bị "hút" vào Internet Con số thống kê trong năm 2010 đã cho thấy một mốc đặc biệt đáng chú ý: lần đầu tiên số lượng độc giả của các trang tin tức chuyên trên mạng đã vượt qua số độc giả của các báo (kể cả bản in giấy lẫn các trang tin trên mạng của họ). Cụ thể theo nghiên cứu của PEJ, 46% người Mỹ (ít nhất 3 lần mỗi tuần) thường xuyên xem tin tức trên mạng, trong khi số độc giả của báo giấy được điều tra chỉ là 40%. Trong năm qua, số ấn bản các nhật báo của Mỹ đã giảm trung bình tới 5%, tuần báo giảm 4,5%, còn thu nhập từ quảng cáo giảm 6,4% (tính ra đã giảm tổng cộng 46% chỉ trong 4 năm qua). Thực trạng trên không chỉ đe dọa riêng báo giấy. Báo chí điện tử còn đang lôi kéo khách hàng của tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng khác. Chẳng hạn như tỉ lệ khán giả xem truyền hình tại Mỹ đã giảm trung bình 13,7% (riêng kênh tin tức 24/24 giờ CNN giảm tới 37%), khán giả truyền hình trong "giờ vàng" (prime- time) giảm 16%. Trong bối cảnh này, riêng các kênh truyền thông địa phương còn cảm thấy "tự tin" hơn, khi thu nhập của họ tăng 17%. Nguyên nhân chủ yếu vẫn nhờ vào các nhà sản xuất ôtô đang cố gắng cung cấp đại trà các trang thiết bị thu thanh trên các sản phẩm của mình. Tờ báo The Daily dành cho iPad của tập đoàn truyền thông News Corp đang đại diện cho xu thế thống trị của báo mạng trên thị trường nước Mỹ. Xu hướng 2: Quảng cáo trên Internet thu nhiều lợi nhuận hơn báo giấy Thật ra, đây một phần chỉ là hệ quả của xu hướng đầu tiên: tiền bạc luôn đi kèm với số lượng độc giả. Bước ngoặt mới ghi nhận trong năm 2010 đã cho thấy, lần đầu tiên tổng số tiền chi cho quảng cáo trên Internet đã vượt số tiền quảng cáo trên báo giấy - 25,8 tỉ USD so với 22,8 tỉ USD. Xu hướng 3: Các trang thiết bị truy cập Internet di động đang ngày một phổ biến Có tới 47% người Mỹ tiếp nhận tin tức hàng ngày qua các trang thiết bị di động. Đã có 7% người Mỹ tự sắm cho mình các máy tính xách tay nhỏ gọn (chỉ số này đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng 4 tháng). Cần nói thêm, mới tháng 2 vừa qua, Tập đoàn News Corp của ông trùm Rupert Murdoch đã cho ra đời một tờ báo đầu tiên chuyên dành cho iPad. Tờ báo có tên là The Daily, theo phần lớn các dự đoán, chắc chắn sẽ khởi xướng một cuộc cách mạng thực sự trong giới báo chí. Xu hướng 4: Các tổ chức báo chí đang dần đánh mất khả năng kiểm soát số phận của chính mình trong "thế giới số". Một phần đáng kể (và đang ngày một tăng) lượng thông tin lưu hành trên các phương tiện truyền thông đại chúng trên mạng đến từ các hệ thống tìm kiếm, tổng hợp thông tin và các mạng xã hội. Tương tự như vậy, tỉ lệ thu nhập từ quảng cáo chủ yếu sẽ chảy vào túi các dịch vụ như trên, chứ không phải các nhà sản xuất thông tin. Ngoài ra, báo chí vẫn thường xuyên phải theo dõi sự xuất hiện của các thiết bị công nghệ thông tin mới trên thị trường để điều chỉnh nguồn thông tin của mình theo định dạng những thiết bị này sử dụng. Tất nhiên, tất cả các xu hướng nói trên chỉ là đặc điểm hiện tại trên thị trường truyền thông của riêng nước Mỹ. Tại các thị trường khác trên thế giới, tùy thuộc vào từng điều kiện hoàn cảnh, những xu hướng trên có thể phát triển chưa được rõ nét, đòi hỏi một thời gian không nhỏ nữa. Chẳng hạn như tại châu Âu, đà cáo chung của báo giấy vẫn còn tiến triển rất chậm. Còn tại khu vực châu Mỹ Latinh - với các đặc điểm dân số lớn, kinh tế đang phát triển mạnh và Internet chưa thực sự phổ biến rộng rãi - số ấn bản báo giấy vẫn đang trên đà tăng trong 5 năm gần đây. Nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, những xu hướng mới trên thị trường truyền thông Mỹ không sớm thì muộn cũng sẽ trở thành xu hướng phổ biến của báo chí trên toàn cầu Hồng Sơn (tổng hợp)