14 thg 11, 2010

Hồ Chí Minh toàn tập - tập 1 (trích)

BáO CHí

Trên thực tế còn tệ hơn nữa. Mãi đến bây giờ, chưa có người An Nam nào được phép xuất bản một tờ báo cả.
Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay văn học như ta thấy ở châu Âu và các nước châu á khác, chứ không phải một tờ do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hoá và ru ngủ dân chúng. Báo đầu độc người ta như thế, thì ở Đông Dương cũng có ba hay bốn tờ đấy.
Ngay cho đến cả những tờ thông tin thuần tuý về kinh tế và thương mại, người ký giả bản xứ cũng chỉ xin được phép bằng những biện pháp quanh co. Anh ta phải thuê tiền một người Pháp có địa vị và được kính nể. Ông này đi gặp quan cai trị và xin phép cho ông ta, là người Pháp. Vì ông ta vẫn sẽ là sáng lập viên của tờ báo, mặc dầu ông chẳng biết một tiếng An Nam nào gọi là có, ông chẳng phải bỏ tiền túi ra lấy một xu nhỏ, chẳng phải đụng tí gì đến công việc của tờ báo cả trừ việc đi gặp viên quan cai trị. Chỉ việc cho mượn tên mình, người Pháp kia nhận được hằng tháng một số tiền rất hậu mà người ký giả bản xứ phải trả cho ông lâu dài, báo còn ra là còn phải trả.
Trước khi đưa đi nhà in, tất cả các bài báo phải dịch ra tiếng Pháp và đưa kiểm duyệt đã. Cấm ngặt những tờ thông tin ấy không được đả động gì đến những vấn đề chính trị hay tôn giáo, mà chỉ được đăng những tin tức thông thường, những vấn đề xét ra có lợi cho Nhà nước. Khi đất nước bị một thiên tai nào, lụt lội, bão táp, đói kém, v.v., phòng kiểm duyệt cấm báo không được cho dân chúng biết những tin "không vui" ấy, cấm báo không được mở lạc quyên giúp những người bị nạn. Báo không có quyền nói gì, dù chỉ bóng gió, đến việc bầu cử hội đồng thuộc địa hay hội đồng hàng tỉnh. Có một tờ, dịch ra tiếng An Nam đạo luật cấm những hành vi hối lộ trong việc tuyển cử, đã bị kiểm duyệt trắng mất nửa tờ báo mà còn bị khiển trách thêm nữa. Nhiều khi người ta cấm cả dịch đăng những bài đã đăng ở các báo tiếng Pháp xuất bản ở Đông Dương.
Các bạn chớ tưởng rằng mấy tờ báo thông tin khốn khổ ấy được tự do phân tích tất cả những cái thuộc về kinh tế. Chẳng hạn, họ không được nói đến đời sống đắt đỏ, đến việc mất mùa, đến việc buôn gian bán lậu của bọn con buôn người Âu, đến việc xoay xở tiền nong bất lương của bọn quan cai trị, đến những vụ đầu cơ đê tiện của bọn chủ đồn điền và chủ nhà máy người da trắng. Vừa rồi, người ta cấm báo chí không được đả động đến việc Chính phủ nhượng quyền kinh doanh hải cảng Sài Gòn, nếu không phải để tán dương công đức của công ty độc quyền và lòng vô tư của Chính phủ. Có một tờ cũng đã "tán dương", nhưng kém nhiệt tình, nên phòng kiểm duyệt trước hết đã theo dõi bí mật, rồi đóng cửa hẳn tờ báo ấy.
Những người vào làng Tây, được hưởng quyền công dân Pháp, có thể xuất bản báo, nhưng chỉ bằng tiếng Pháp mà thôi - ở Nam Kỳ có 5, 6 tờ báo vào loại ấy. ở các vùng khác, không có tờ báo nào, vì không có hay có ít người vào làng Tây. Trong số các cơ quan ngôn luận ấy - thường là bán nguyệt san - có hai hay ba tờ có khuynh hướng quốc gia hợp pháp. Ghép hai tính từ trái ngược nhau ấy với nhau, có thể kỳ dị đấy và cần giải thích đôi chút. Những tờ báo này là của bọn tư sản bản xứ mới lên, có địa vị là nhờ ở nền đô hộ Pháp. Nền đô hộ ấy đã sinh ra bọn này, nhưng lại không để cho họ phát triển. Vì vậy, tầng lớp tư sản nhỏ bé đó bị ngạt thở trong phạm vi chật hẹp và phụ thuộc mà quan thầy ngoại quốc - cha đỡ đầu của họ- đã dành cho họ. Và vì thế, họ hờn mát nhưng cũng nhè nhẹ thôi. Bởi thân phận nửa dơi nửa chuột của họ, chẳng thuộc hoàn toàn trong xã hội An Nam vì họ là những người vào làng Tây, mà cũng chẳng thuộc trong tầng lớp "quý tộc" Tây vì họ xuất thân ra là người An Nam - nên họ cảm thấy lúng túng trong mọi việc. Đồng thời trong mọi hành động và tư tưởng của họ, đều thấy cái mâu thuẫn xã hội và tâm lý ấy. Báo của họ chỉ trích những vụ hà lạm, nhưng lại phỉnh nịnh những kẻ hà lạm; họ than phiền về những đạo luật đè nén áp bức, nhưng vẫn cậy thế vào nước mẹ; họ mủi lòng cho số phận khốn khổ của người An Nam, nhưng vẫn ca tụng công đức mơ hồ của một nền khai hoá tốt đẹp hơn. Họ muốn chữa bệnh, nhưng lại không dám tìm và tấn công vào nguồn gốc của bệnh. ảnh hưởng của họ bị cản trở mọi đường:
a) Vì chính sách ngu dân như các bạn đã biết, nên độc giả chỉ có một dúm người rất hạn chế. Mỗi số phát hành không bao giờ quá một hay hai nghìn bản, ấy thế mà bán không hết.
b) Vì thái độ lừng chừng, vì không có chương trình cụ thể, không có kế hoạch rõ ràng, không có khuynh hướng mạnh dạn, nên mấy tờ báo ấy không thu hút được cảm tình của dân chúng. Họ ngả nghiêng, hay đúng hơn, lơ lửng giữa dân chúng mà họ không gần gũi được và những kẻ thống trị không ưa họ.
c) Nhà nước thuộc địa cố tâm phá phách họ. Họ bị phá bằng nhiều cách. Sau đây là những cách thông thường nhất:
1. Nhà nước báo cho công chức và nhân viên người bản xứ biết rằng cấp trên đã coi những tờ báo ấy như làm cách mạng, rằng những người nào đọc những báo đó sẽ bị ghi danh sách riêng, và dĩ nhiên là bản danh sách ấy sẽ đính theo báo cáo thăng hay giáng chức.
Có nhiều công chức đã bị bắt buộc phải đổi đi chỗ khác hay bị bắt về hưu chỉ vì đã vi phạm những điều răn đe ấy.
2. Đối với những độc giả không phải là công chức (tôi nói không phải là công chức chứ không nói tự do, vì ở đất nước chúng tôi không ai được tự do cả, trừ bọn xỏ lá ba que ra) thì viên quan cai trị cho gọi họ đến bàn giấy, ân cần khuyên bảo họ điều hơn lẽ thiệt.
Nếu họ không biết nghe những lời khuyên tử tế ấy, thì họ bị cảnh sát theo dõi. Và cứ mười lần thì có đến chín, báo chí và thư từ của họ bị thất lạc như bị phép thần. Chính phủ hãy tạm vui lòng như thế trong lúc chờ đợi cơ hội để tóm cổ họ vì lẽ này hay lẽ khác.
3. Chính phủ cho bọn chủ nhà in lựa chọn nên làm việc cho một tờ báo "tin vịt không biết điều" được ít tiền, hay nên nhận in cho Nhà nước được lợi lộc và bảo đảm hơn nhiều.
Vì thế, một tờ báo ở Sài Gòn đã buộc phải đổi chủ in nhiều lần trong một tháng.
4. Chính phủ vi phạm quyền tự do thư tín, ngay cả thư riêng của các ký giả. Những người này bị "ghi" vào sổ đen, bị theo dõi, dò la, do thám và vu cáo. Chính phủ dùng cả áp lực đối với gia đình, bà con thân thuộc và bè bạn họ nữa. Chỉ nhờ địa vị có làng Tây và nhờ mánh khoé khôn khéo kết thúc mọi bình luận bằng cách nịnh hót tâng bốc hết mức nước mẹ bảo hộ, nhân từ, thiêng liêng, v.v. mà họ thoát khỏi đi tù.
Báo chí bản xứ bằng tiếng Pháp bị phá phách như vậy đấy. Những hành vi bất hợp pháp của lối trị an đê hèn ấy còn được tăng cường và bổ sung thêm bằng những điều lệ pháp lý như thế này: "Mọi việc trưng bày hay gửi đi nơi khác những bài hát, bức hoạ hay tranh ảnh trái đạo tôn kính đối với các vị đại diện của Nhà nước, sẽ bị trừng phạt bao nhiêu tháng tù và phạt tiền bao nhiêu phrăng đó, v.v.".
Chưa hết đâu. Nền văn minh của thực dân đã dùng ngọn đuốc cổ truyền thủ tiêu đến chút tự do cuối cùng của người bản xứ. Đã làm cho người bản xứ phải đần độn và câm, chúng vẫn chưa vừa lòng; chúng còn muốn họ phải điếc nữa kia. Chúng bịt tai họ không cho họ nghe tiếng vang của những biến cố bên ngoài. Chỉ đơn giản bằng một nét bút, chúng đình chỉ hẳn đời sống tinh thần của cả một dân tộc. Cũng sắc lệnh vừa kể trên định rằng: "Sự lưu hành báo và tạp chí bất cứ bằng tiếng gì, có thể bị cấm do một nghị định của quan toàn quyền". Các bạn có tin chắc rằng quan toàn quyền nhân từ chẳng sơ suất gì mà không dùng và lạm dụng quyền hành ấy. Báo chí bằng tiếng Pháp, xuất bản ở Pari, gửi sang đều bị tịch thu ở Đông Dương. Sở bưu chính, sở mật thám và các cơ quan hành chính cùng nhau làm nhiệm vụ đê hèn ấy. Và người ta doạ trừng phạt những người có tên nhận những tờ báo ấy. Người ta cấm ngặt không cho đọc báo Nhật và Trung Quốc. Giữ một tờ tạp chí, một quyển sách Trung Quốc nào đó có thể là một trọng tội đối với người An Nam. Tôi biết nhiều nhà văn thân bị kết án khổ sai chung thân vì đã đọc tạp chí Trung Quốc hồn, ẩm băng và những bài cùng loại ấy của các nhà duy tân Trung Quốc. Năm 1920, có nhiều người An Nam ở Bắc Kỳ bị kết án từ hai đến năm năm tù, chỉ vì một người đã làm thơ ca tụng tự do và các người khác đã nghe ngâm bài thơ ấy.

Hồ Chí Minh toàn tập - tập 1 (trích)

Tệ ĐộC ĐOáN ở ĐÔNG DƯƠNG -
NGƯờI ĐƯợC BảO Hộ Và NGƯờI ĐI BảO Hộ

Ông Cẩm Đà Lạt (Trung Kỳ) có một cách hiểu vai trò khai hoá của mình đến là hay. Một hôm, người cộng tác rất xứng của ông Xarô này cần đến ván gỗ. Ông ta sai người đến kiếm ván ở nhà một người bản xứ làm nghề buôn bán. Nhà buôn này đòi phải trả tiền rồi mới được mang hàng đi. Nghe lời yêu cầu này, ông Cẩm nổi giận, phái ngay lực lượng vũ trang đến với nghiêm lệnh là dù "sống
hay chết" cũng phải bắt cho được tên An Nam đó về sở.
Để tránh cơn giận của vị đại diện cho nước bảo hộ, nhà buôn không kể gì đang ốm cũng đành phải bỏ cả nhà cửa quê hương lánh sang tỉnh khác.
Một thầy thuốc người Âu chứng kiến tấn trò kể trên đã can thiệp để bênh vực nhà buôn bản xứ. Vụ can thiệp "chướng tai gai mắt" này làm cho viên thầy thuốc bị đổi đi, bị đày lên Kon Tum, một nơi nước độc mà người Âu rất sợ. Chính đấy là nơi mà viên thầy thuốc đó đang đền cái tội thân người bản xứ của ông. Trong khi ấy thì bọn Đáclơ, Bôđoanh vẫn ung dung phè phỡn trong vinh dự và khoái lạc. Kẻ mắc cái tội xúc phạm uy tín kể trên là bác sĩ Hôngxtarich. Chúng tôi xin tỏ tấm cảm tình của chúng tôi đối với ông ấy.
Còn nhà buôn An Nam thì sau ra sao ? Anh ta bị ghi tên vào sổ những người bị tình nghi, liệt vào hạng "chống Tây", vào số những
kẻ cần theo dõi. Một bầy mật thám Pháp và An Nam bám riết theo gót anh ta. Nhiệm vụ của bọn này là ghi từng giờ từng phút mọi hành động cử chỉ của anh ta, và tô đen tất cả mọi ý định của anh.
Công cuộc theo dõi này được tiến hành một cách khá lộ liễu để làm cho bạn bè quen thuộc của người An Nam này phải chùn lại không dám lai vãng nhà anh nữa, đến nỗi đời sống của anh trở nên hết sức khó khăn. Bất cứ thế nào cũng không một người bản xứ nào dám đến nhà anh. Hoàn toàn bị cô lập với đồng bào của mình, nhà buôn này chỉ còn có hai con đường: hoặc đi ăn cướp, hoặc đi ăn mày. Nhưng cái nghề thứ hai này có thể lại làm cho anh càng đáng khả nghi hơn vì kiếp sống lang thang.
nGUYễN áI QUốC
Báo Le Paria , số 16,
tháng 7-1923.

Hồ Chí Minh toàn tập - tập 1 (trích)

TINH HOA CủA Xứ  ĐÔNG DƯƠNG

 Trong đám tang toàn quyền Lông, ông Nguyễn Khắc Vệ, tiến sĩ khoa luật học, tiến sĩ khoa chính trị học và kinh tế học, làm việc tại Toà Biện lý Sài Gòn, đã quả quyết rằng, nếu có thể phát biểu thay toàn thể nhân dân Đông Dương, thì ông chắc chắn rằng, tiếng nói đó sẽ đau thương tỏ lòng tri ân toàn quyền về tất cả những gì mà toàn quyền đã ban cho dân tộc An Nam. Và ông Vệ trân trọng lớn tiếng:

"Và những ai, nhờ vào những biện pháp khoan dung của Ngài,

ngày nay, đang cùng các vị đại diện của nước bảo hộ góp phần vào công cuộc phồn vinh ngày càng tăng tiến của xứ Đông Dương, sẽ cất lên từ đáy lòng mình lời tri ân Ngài và lòng sùng kính đối với anh linh Ngài. Vấn đề kinh tế là điều mà Ngài quan tâm hơn hết. Ngài từng mong muốn trang bị cho Đông Dương mọi khí cụ kinh tế sao cho nó trở thành một nước Pháp thứ hai, một nước Pháp Viễn Đông hùng cường, một con đỡ đầu của nước Pháp cộng hoà".

"Trong sứ mệnh của Ngài, Ngài đã toàn tâm toàn ý khai hoá cho một dân tộc bị ngừng trệ trên con đường tiến bộ vì một tổng hợp điều kiện lịch sử và khí hậu. Ngài là vị quán quân của tiến bộ, là sứ giả của công cuộc khai hoá...".

Về phần mình, ông Cao Văn Sen, kỹ sư, Chủ tịch Hội những người Đông Dương, thì nói rằng, việc ông Lông chết quá sớm là một cái tang cho toàn cõi Đông Dương. Rồi ông kết thúc bài điếu văn bằng

những lời sau đây:

"Bẩm quan Toàn quyền, chúng tôi thành tâm than khóc Ngài vì đối với tất cả chúng tôi, Ngài là một thủ hiến, một người cha nhân hậu".

....................."1).

Từ sự việc trên, tôi đi đến kết luận rằng: Nếu quả thực tất cả những người An Nam đều cũng luồn cúi sát đất như hai đứa con này của guồng máy cai trị thì quả thực là dân này xứng đáng với cái số phận được cho.

 N.

Báo Le Paria, số 13,

tháng 4-1923.

người ngay kẻ gian

Người ngay không có khả năng làm việc ác. Người ngay muốn cuộc sống hòa bình yên ổn. Người ngay không đủ xảo thuật để hướng người thường vào việc làm sai trái. Người ngay không chiếm đoạt đủ nguồn lực để hấp dẫn mọi người. Người ngay không liều mạng khi đe dọa chưa tới mình. Người ngay luôn đắn đo giữa phương pháp và hậu quả. . . Kết cục là kẻ gian lộng hành.

Ngôn ngữ lập trình

Hiện nay trong tin học có rất nhiều ngôn ngữ để lập trình hệ điều hành cho máy vi tính cũng như điện thoại thông minh... Phương Tây có ngôn ngữ latinh nhưng đã thành tử ngữ, rất may cho người Việt ta có ngôn ngữ: chữ Nho chưa thể thành tử ngữ được, ngôn ngữ này vẫn được trang trọng thờ ở các vùng quê, các đình, chùa, miếu ở các nơi, nó ẩn hiện trong sử dụng ngôn ngữ hằng ngày, chắc chắn nó không thể thành tử ngữ được, vì không có cách gì phiên dịch hết ra ngôn ngữ khác được, buộc phải học và hiểu chữ nho thì mới hiểu được hết ý tứ. Với xã hội phức tạp ngày nay, ngôn ngữ lập trình 'chữ Nho' chắc chắn sẽ giải quyết được rắc rối của thế giới ngày nay. Thế giới không có một hệ điều hành chung nên xảy ra hỗn loạn, nay dùng ngôn ngữ lập trình 'chữ Nho' để tạo một hệ điều hành chung cho thế giới này mới mong thoát khỏi sự bất đồng truyền kiếp.

Hãy đặt lại tên

Bây giờ ai muốn chạy chọt làm tiến sĩ giáo sư thì kệ người ta, không hơi sức đâu mà tức giận , nó cứ như thế đấy, người ta dùng cái đấy đi làm tiền, ai cũng phải làm tiền, cái ghế là cái để đít lên ngồi mà cũng còn là phương tiện làm tiền, thì người ta dùng tấm bằng, dùng tờ giấy chứng nhận để đi làm tiền là còn văn minh chán. Theo truyền thống cha ông, người thông hiểu lẽ đời, người mà khi cần thì làm gì cũng có thể làm được, đấy là nhà Nho mà nhân dân luôn kính trọng. Nho tướng chỉ huy đánh giặc là việc không hiếm ở đất nước ta, nhà Nho ra làm quan giúp nước, nhà Nho làm thuốc cứu người . . . Tại sao nhà Nho lại làm được nhiều việc vậy, vì nhà Nho là người thông hiểu đạo lý và có cốt cách riêng khó lẫn được vào người thường mặc dù họ không hề xa cách người đời. Không đủ cốt cách nhà Nho thì không thể làm thầy của bất cứ ai, dù có giỏi nghề cũng phải có hồn cốt Nho gia mới có thể truyền nghề dài lâu được, nếu không thì cũng chỉ là người thợ giỏi mà thôi. Tất nhiên khi không phải hồn cốt nhà Nho nắm giữ trọng yếu của xã hội thì loạn lạc vẫn có thể xảy ra.

Viết blog bằng điện thoại

Điện thoại có kết nối email bây giờ là rất phổ biến, hơn nữa điện thoại có tính năng chụp hình cũng nhiều trong khi không phải lúc nào người ta cũng ngồi gần máy tính hoặc mang theo laptop đi cùng; còn các ý nghĩ, suy tưởng, hoặc ghi chép nảy sinh bất cứ lúc nào. Vậy là cứ viết và gửi mail đến hộp thư đã được hướng dẫn, tiêu đề thư sẽ là tiêu đề bài và nội dung thư sẽ là nội dung bài. Nếu có hình chụp đi kèm thì tiêu đề thư là tên bài, kèm hình và chữ viết nếu cần viết thêm. Có thể e ngại gõ chữ trên điện thoại thì nay đã có rất nhiều điện thoại bàn phím rộng đầy đủ chữ cái gõ chữ rất nhanh. Khi hành trình đi đâu đó dùng cách này phản ảnh những nơi đã đến, những suy nghĩ vô cùng tiện lợi. (xem hướng dẫn cách thực hiện trên blogger.com bấm phần cài đặt - bấm phần email & điện thoại di động để thực hiện )

Trí thức năm 2023

Năm 2023 mọi trí thức đều thông thạo chữ Nho, môt số học giả nước ngoài quan tâm đến văn hóa Phương Đông thường xuyên bút đàm (bằng chữ Nho ) với các trí thức Việt. Những người học cao học rộng mà không biết chữ Nho thì là những nhà chuyên môn về nghề họ làm. Chữ Nho chứa đựng minh triết, tinh túy của văn minh Việt cũng như thế giới, nên không trực tiếp đọc bằng nguyên bản chữ Nho thì không thể cảm hết cái chiều sâu vi diệu của nó. Một số trí thức cũng dùng chữ Nho để xướng họa với nhau để thể hiện cái trí của mình và những tâm tư. Các bộ môn thư họa do chính các trí thức tạo tác thật đặc sắc. Trong dân gian các hoành phi câu đối thể hiện gia phong đều phổ biến rộng khắp. Một số thuyết mới viết trực tiếp bằng chữ Nho xuất hiện. Học giả khắp thế giới thường xuyên đến Thăng Long để hội thảo về minh triết. Một hướng đi mới cho loài người dần được hình thành, tất cả các ngôn ngữ bản địa đều tập trung cho phát triển văn học, giao tiếp thông thường ở khu vực đó. Về khoa học kỹ thuật và luật quốc tế tất cả đều thống nhất sử dụng tiếng Anh để các nhà chuyên môn thuận tiện giao lưu , tranh luận. Phần động là tiếng Anh, phần tâm hồn là ngôn ngữ bản địa, phần trí tuệ là chữ Nho và cũng là phần bất biến, là những giá trị mang tầm nhân loại khó có thể bác bỏ, nó là kim chỉ nam cho hành động của mỗi người và mỗi quốc gia. Các nhà dịch thuật chỉ còn tập trung vào dịch văn học cho dân mình và cho nước mình cần phổ biến. Một thế giới thực sự thống nhất trong đa dạng. Các ngành nghề cũng như giáo dục đào tạo được chia thành ba nhóm chính là nhóm kỹ thuật, nhóm văn học văn hóa và sau cùng là nhóm đạo lý (dùng chữ Nho ). Từ nhà Nho lại xuất hiện đó chính là trí thức và chính họ có thể làm sang bất cứ ngành kỹ thuật, văn học nào nhưng cốt cách của họ là cốt cách nhà Nho. Hoặc người làm các ngành nghề khác nhưng có thiên hướng Nho học, khi đạt đến độ nhất định họ vẫn được gọi là nhà Nho và chính các nhà Nho là các người thầy của các ngành nghề. Không có cốt cách Nho gia xã hội không chấp nhận làm thầy hoặc làm "quan " người nằm trong bộ máy quản trị đất nước. Trí thức là tên gọi bên ngoài nhưng nội hàm là nhà Nho, một tầng lớp người vô cùng quan trọng trong xã hội và ai cũng có thể thành nhà Nho nếu họ muốn. Vì nhà Nho có nhiều chuẩn tắc xã hội thừa nhận và đòi hỏi nên không phải ai cũng có xu hướng làm nhà Nho, lúc đó trí thức là một tên cũ ít người dùng.